Truyền thuyết 1: Con Lạc Cháu Hồng, ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ, và 100 trứng

 

W.Minh Tuan

Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có những kho tàng truyện cổ tích, truyền thuyết nổi tiếng của mình.

Nước Đức có Truyện cổ Grimm hay tuyệt vời, được lan truyền trên toàn thế giới, ví dụ như trong đó có truyện Nàng bạch Tuyết và 7 chú lùn, Cô bé Lọ Lem, Chó sói và Cô bé quàng khăn đỏ,,,,.

Nước Thụy Điển có tập truyện Truyện cổ Anderxen-Hans Christian Adersen, cũng nổi tiếng không kém Truyện cổ Grimm của nước Đức, cũng được lan truyền trên toàn thế giới, với những câu truyện nổi tiếng như Ông Vua cởi truồng, Chú lính chì dũng cảm, Đàn chim Thiên nga,,,.

Nước Việt Nam ta cũng có kho tàng truyện cổ tích, truyền thuyết nổi tiếng, tuy không được nổi tiếng, và không được lan truyền ra toàn thế giới như hai tập sách trên, nhưng thật ra không hề kém phần hấp dẫn, và có ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa, lịch sử của người Việt Nam ta.

Bây giờ, tôi thử liệt kê ra đây những truyền thuyết rất nổi tiếng từ thời kỳ Hùng Vương, để hiểu rõ hơn tâm hồn, tính cách của người Việt Nam ta thời kỳ Hùng Vương:

Truyền thuyết thứ nhất: Con Lạc-cháu Hồng, ông bà Âu Cơ-Lạc Long Quân.

Truyền thuyết thứ hai: Chử Đồng Tử-Tiên Dung, và đầm Dạ Trạch, từ thời vua Hùng Vương thứ ba.

Truyền thuyết thứ ba: Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương, khoảng thời kỳ vua Hùng Vương thứ sáu.

Truyền thuyết thứ tư: Trầu-Cau trong khoảng thời gian từ thời vua Hùng Vương thứ nhất đến thứ sáu.

Truyền thuyết thứ năm: Dưa hấu-An Tiêm cũng khoảng thời vua Hùng Vương thứ sáu.

Truyền thuyết thứ sáu: Bánh chưng-bánh dày cũng khoảng thời kỳ vua Hùng Vương thứ sáu.

Truyền thuyết thứ bảy: Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương, không rõ thời vua Hùng Vương thứ mấy.

Truyền thuyết thứ tám: Sơn Tinh-Thủy Tinh đời vua Hùng Vương thứ 18.

Truyền thuyết thứ chín: Mỵ Châu-Trọng Thủy thời An Dương Vương.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu tâm hồn người Việt Nam ta qua 9 truyền thuyết nổi tiếng này.

 

Truyền thuyết đầu tiên: Con Lạc-Cháu Hồng, con Rồng-cháu Tiên, và ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ.

Chữ con Lạc-cháu Hồng, con Rồng –cháu Tiên có nghĩa là gì?

Lạc, tức là dân tộc Lạc Việt, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta ngày nay.

Còn chữ Hồng, có nghĩa là Hồng Bàng, tức là Hồng Bàng thị -chữ Hán là 鴻龐氏, tức là Thời đại Hồng Bàng, là thời kỳ 18 vua Hùng Vương, theo truyền thuyết bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên, đến năm 258 trước Công nguyên, kéo dài 2622 năm.

Có một cách lý giải về chữ Lạc, và chữ Hùng Vương, cho rằng chữ Lạc chính là chữ Hùng, đọc chệch ra, vì chữ Lạc và chữ Hùng viết theo chữ Hán chỉ khác nhau về phía bên trái, dễ đọc lầm và chép lầm.

Bởi vậy có thể tên đầu tiên là Lạc Vương, sau đó đọc và viết chệch sang thành chữ Hùng Vương.

Nhưng chúng ta cũng không cần phải tranh luận nhiều về chữ Lạc Vương, hay Hùng Vương.

Chữ Hùng Vương đã in sâu vào tâm trí người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, nên cũng không cần phải làm cái việc “chẻ sợi tóc làm tư” để thay đổi lại chữ Hùng Vương thành chữ Lạc Vương.

Nếu ai đó muốn thay đổi lại thì cũng chẳng có ai theo đâu.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết rằng ông Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, đẻ ra một bọc trứng, nở ra thành 100 người con trai, là tổ của dân tộc Bách Việt, mà sống từ phía Nam hồ Động Đình của Trung Quốc, đến phía nước Việt Nam ta ngày nay.

Rất có thể chữ Lạc Vương là bắt đầu từ tên của ông Lạc Long Quân, là ông tổ thứ hai của người Việt Nam, vì ông tổ đầu tiên của người Việt Nam là ông Kinh Dương Vương, là bố của ông Lạc Long Quân.

Sử Trung Quốc gọi người Bách Việt là tất cả những người sống ở Trung Quốc mà không phải là dân tộc Hán.

Truyền thuyết kể rằng:

“Năm Nhâm Tuất, năm thứ nhất. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương.

Vua Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.

Tên húy vua Lạc Long Quân là Sùng Lãm, con vua Kinh Dương Vương.

Vua Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm người con trai (tục truyền là sinh ra bọc trứng), là tổ tiên Bách Việt.

 Một hôm, ông Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, ở với nhau lâu không được. Vậy nàng hãy đưa 50 người con lên vùng núi. Ta đưa 50 người con xuống vùng biển”.

Con Rồng-cháu Tiên chính là bắt nguồn từ câu văn trên, vì cụ Lạc Long Quân là giống Rồng, bà Âu Cơ là giống Tiên. Và người Việt Nam ta ngày nay là con cháu của 2 ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ.

Có người nói sự mở đầu của lịch sử Việt Nam ta là sự chia rẽ, vì hai ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ không sống được với nhau, phải chia tay mỗi người mỗi ngả.

Phải chăng sự chia rẽ đó đến nay vẫn còn tiếp tục?

Ông Lạc Long Quân khi lên ngôi vua, lấy tên hiệu là Hùng Hiền Vương. Trong 100 người con trai của ông bà Lạc Long Quân-Âu Cơ, người con trai đầu tiên nối nghiệp vua Lạc Long Quân, là vị vua Hùng Vương thứ ba, lấy tên là Hùng Quốc Vương.

Và điều thú vị là hai ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ không đưa các con đi xâm chiếm đất đai của nước khác, mà chỉ là đi khai sơn, phá thạch, lấn biển, xây dựng đất nước Văn Lang non trẻ.

Có một câu hỏi thú vị khác là vì sao bà Âu Cơ không sinh ra 50 người con gái, 50 người con trai, mà tất cả đều chỉ là con trai?

Và mặc dù truyền thuyết không nói bà Âu Cơ sinh ra con gái, nhưng truyền thuyết thể hiện bà Âu Cơ có quyền lực ngang với ông Lạc Long Quân, vì bà lãnh đạo 50 người con trai đi lên núi, ngang với ông Lạc Long Quân lãnh đạo 50 con trai đi xuống vùng biển.

Theo truyền thuyết, thì Bách Việt là khoảng 100 dân tộc Việt, sống rải rác từ phía Nam hồ Động Đình của Trung Quốc, kéo dài đến phía Bắc Việt Nam ta ngày nay.

Vậy có thể nói rằng ông bà Lạc Long Quân-Âu Cơ là ông tổ của 100 dân tộc Bách Việt, sống rải rác từ vùng hồ Động Đình của Trung Quốc, kéo dài đến phía Bắc Việt Nam ta ngày nay.

Ngay tên gọi “Việt”, theo chữ Hán của Trung Quốc, có nguồn gốc từ chữ chỉ cái rìu. Tức là các dân tộc Việt có cái rìu là vật tượng trưng cho các dân tộc Bách Việt.

Trong các hình hoa văn trên các Trống Đồng của Việt Nam, và các di tích khảo cổ ở phía Nam hồ Động Đình của Trung Quốc, người ta tìm thấy nhiều di tích và hoa văn hình cái rìu.

Người ta không tìm thấy các di tích về cái rìu trong các dân tộc Hán từ phía Bắc hồ Động Đình trở lên.

Về ngôn ngữ, có chi tiết thú vị, là tiếng Việt có tính từ đi sau danh từ, ví dụ ta nói hoa đẹp, chứ không nói đẹp hoa, nói vua Hùng, chứ không nói Hùng vua. Nhưng trong bộ Kinh Thi được coi là sản phẩm của dân gian Trung Quốc, có từ trên 3000 năm trước, đã có nhiều cách viết thể hiện tính từ đi sau danh từ của tiếng Việt. Ví dụ, một số tên gọi các vị vua thời cổ đại của Trung Quốc có cách gọi như tiếng Việt, như các vị vua Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Khốc.

Nếu gọi theo tiếng Trung Quốc, tính từ đi trước danh từ, thì sẽ phải là Nông Thần, Nghiêu Đế, Thuấn Đế, Khốc Đế.

Vì người Trung Quốc gọi các vua Trung Quốc thời cổ đại là Sở Vương, Tần Vương, Tấn Vương, chứ không gọi là Vương Sở, Vương Tấn, Vương Tần.

Thế nhưng mặc dù chúng ta nói vua Hùng theo tiếng Việt, nhưng lại nói Hùng Vương theo tiếng Hán, bởi vì chúng ta bị hơn 1000 năm Bắc thuộc, chúng ta bị ảnh hưởng của tiếng Hán.

Khi người Việt Nam ta nói “con Lạc, cháu Hồng”, hay con Rồng, cháu Tiên, tức là nói người Việt Nam ta là con cháu của ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ, của 18 vua Hùng Vương cách đây hơn 4000 năm.

Và tôi tin 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi không phải là sự chia rẽ, mà là sự chia nhau đi khai phá mở mang đất nước, để có đất nước Việt Nam ta 4000 năm văn hiến ngày nay.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.