Tính nhân đạo của các vua thời nhà Lý

W.Minh Tuan

Dân tộc Việt Nam ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới, chúng ta không phải là một dân tộc hoàn hảo. Chúng ta cũng có mặt tốt, và mặt xấu.

Thế nhưng, nếu như một người dân bình thường có một việc làm tốt, nhân từ, thì ảnh hưởng của người đó đối với xã hội chỉ trong phạm vi hẹp, và trong thời gian ngắn.

Ngược lại, nếu một vị vua của một quốc gia có các hành vi nhân từ, độ lượng, thì việc làm đó có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội, và ảnh hưởng trong thời gian dài, và rất có thể, sự nhân từ, độ lượng đó tạo nên tính cách của cả một dân tộc.

Đó chính là trường hợp của dân tộc Việt Nam ta.

Kể từ khi vua Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939, cho đến ngày nay, nước ta đã có trên 1000 năm độc lập, trải qua 9 triều đại Phong kiến, và 1 triều đại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa ngày nay.

9 Triều đại Phong kiến, và 1 triều đại xã hội chủ nghĩa ở nước ta là như sau:

  1. Ngô (939-944)
  2. Đinh, (968-980)
  3. Tiền Lê (981-1009)
  4. Lý (1009-1225)
  5. Trần (1225-1400)
  6. Hồ Quí Ly (1400-1407)
  7. (Hậu) Lê (1427-1788)
  8. Quang Trung-Tây Sơn (1788-1802)
  9. Nguyễn (1802-1945)
  10. Cộng sản Xã hội chủ nghĩa ( từ 1945 đến nay).

Triều đại Vua Ngô Quyền chỉ tồn tại thời gian ngắn 28 năm, từ năm 939 đến năm 967, vì sau khi Ngô Quyền mất năm 944 (sau 5 năm làm vua, mất khi 45 tuổi), Dương Tam Kha cướp ngôi của các con vua Ngô Quyền, làm cho hào kiệt các nơi không phục, nổi lên tranh giành quyền lực, gây nên thời kỳ Loạn 12 sứ quân, kéo dài 22 năm, từ năm 945 đến năm 967.

Sau đó, vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan được Loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước vào năm 968, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947), nhà ngôn ngữ Hán học-Pháp học sau này có nhận xét là việc pha trộn tiếng Hán và tiếng Việt thời Đinh Tiên Hoàng đã tạo nên tên nước Đại Cồ Việt, “đại” là tiếng Hán, “cồ” là tiếng Việt, đều có nghĩa là to lớn, vĩ đại.

Theo cụ Nguyễn Văn Tố, chỉ cần 1 chữ “đại”, hoặc 1 chữ “cồ” là đủ để diễn tả nước Việt vĩ đại. Trộn lẫn 2 chữ đại, và cồ làm một, mặc dù có cùng một ý nghĩa, cho thấy người Hán cố tình đồng hóa, Hán hóa nhưng không được, chữ Việt vẫn tồn tại song song với chữ Hán, mặc dù người Việt Nam ta đã bị người Hán cai trị hơn 1000 năm.

Triều vua Đinh Tiên Hoàng cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn 12 năm, vì cha con vua Đinh Tiên Hoàng bị tên lính hầu cận muốn lên làm vua giết chết vào năm 980, khi 2 cha con Đinh Tiên Hoàng uống rượu ngủ say.

Sau đó, nhà Tống bên Trung Quốc cho là nước Nam ta loạn lạc, là thời gian thuận lợi để xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Khi đó, con thứ hai của vua Đinh Tiên Hoàng lên làm vua, mới 6 tuổi. Quần thần nghĩ cần phải có vị vua dũng mãnh để chống lại quân Tống, nên quần thần đã suy tôn Lê Hoàn lên làm vua, gọi là vua Lê Đại Hành.

Lê Hoàn nguyên là võ tướng, Thập đạo tướng quân của vua Đinh Tiên Hoàng, giống chức Tổng tư lệnh quân đội ngày nay.

Lê Hoàn là người tài giỏi, dũng mãnh, nên được quần thần, và vợ của vua Đinh Tiên Hoàng, là Thái hậu Dương Vân Nga suy tôn lên làm vua để chống nhau với nhà Tống, vào năm 981.

Lê Hoàn dùng kế của Ngô Quyền trước đây, cho đóng cọc ở các sông hiểm yếu, sau đó dùng kế giả hàng, đánh tan được quân Tống, chém đầu tướng giặc.

Triều đại Lê Đại Hành, còn gọi là Tiền Lê, để phân biệt với thời Lê Lợi sau này, cũng chỉ tồn tại thời gian ngắn, vì sau khi Lê Đại Hành mất năm 1005, con trai Lê Hoàn lên nối ngôi, là Lê Long Đĩnh, sử còn gọi là Lê Ngọa Triều, làm nhiều điều bạo ngược, và chết sớm, sau khi làm vua chỉ 4 năm.

Năm 1009, khi Lê Long Đĩnh chết, vì suy nhược cơ thể, triều thần đã suy tôn tướng Lý Công Uẩn lên làm vua, là vua Lý Thái Tổ, mở đầu triều Lý kéo dài 216 năm.

Có thể nói, sau thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, nước ta giành được độc lập, thì xảy ra nhiều sự tranh giành quyền lực.

Đó là lẽ thường tình của hầu hết các quốc gia trên thế giới, sau cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thường xảy ra nội chiến, tranh giành quyền lực.

Ví dụ nước Mỹ, sau khi giành được độc lập từ người Anh năm 1776, thì sau đó có cuộc nội chiến Nam-Bắc trong 3 năm 1863-1865.

Huống chi nước ta bị tới hơn 1000 năm đô hộ của người Hán, nên sau khi giành được độc lập, việc quản lý đất nước còn bỡ ngỡ, và cũng chưa ai phục ai.

Lại cộng thêm sự ảnh hưởng tai hại của văn hóa Hán, luôn tranh giành, chém giết lẫn nhau.

Bởi vậy loạn lạc trong nước ta sau thời Ngô Quyền cũng là điều thường tình.

Và sau đó, nước ta còn chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược khác nữa, nên tình hình loạn lạc, tranh cướp của nhau lại tiếp tục diễn ra.

Chẳng hạn trong thời nhà Hậu Lê, có 2 cuộc nội chiến kéo dài, đó là cha con Mặc Đăng Dung tìm cách cướp quyền nhà Lê (1527-1592), và 2 Chúa Trịnh-Nguyễn phân tranh (1532-1788).

Rồi cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975, miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và người miền Nam Cộng sản vừa chống lại sự can thiệp của Mỹ, vừa chống lại Chính phủ Sài Gòn cũ,

Thế nhưng mặc dù có nhiều sự tranh giành quyền lực của nhau, và cũng có nhiều vị vua độc ác, nhưng thời Phong kiến ở nước ta vẫn có nhiều vị vua hiền, thực hiện nhiều việc làm nhân từ, độ lượng, được nhân dân mến phục, cho thấy văn hóa nhân từ, độ lượng từ thời kỳ Hùng Vương vẫn được nối tiếp.

Trong 9 triều đại Phong kiến, thì 3 triều đại phát triển rực rỡ nhất, thời gian kéo dài nhất, là:

  • Nhà Lý 216 năm (1009-1225),
  • Nhà Trần 175 năm (1225-1400).
  • Và Nhà Hậu Lê 361 năm (1427-1788).

Ba triều đại Phong kiến này ở Việt Nam kéo dài khoảng trên 700 năm, và đều có những việc làm nhân đạo nổi bật của các vị vua hiền, Chúa hiền, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách dân tộc Việt Nam ta cho đến tận ngày nay.

Chúng ta hãy thử liệt kê ra đây một số ví dụ điển hình về việc làm nhân đạo của các vị vua hiền ở nước Việt Nam ta.

A-Thời nhà Lý.

1-Vua Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, nguyên là Điện tiền Chỉ huy sứ, giống như chức Tư lệnh lực lượng cảnh vệ ngày nay, bảo vệ kinh thành, và bảo vệ vua, được quần thần suy tôn lên làm vua, lên ngôi vua năm 1009, cho dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Thăng Long-Hà Nội ngày nay vào năm 1010, ở ngôi 19 năm, từ năm 1009, đến năm 1028.

Theo Đại Việt sử ký Toàn thư, ngay năm 1010 đó, vua Lý Thái Tổ cho “đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả”.

“Cấp quần áo, lương thực, thuốc men cho 28 người lính Man bị Lê Ngọa Triều bắt, sai người đưa về quê cũ. Tha cho người ở vùng Nam Giới, huyện Thạch Hà thuộc châu Hoan được trở về bản huyện.”

Lý Thái Tổ cũng là vị vua đầu tiên ở nước ta đại xá thuế khóa cho dân, và cũng là vị vua đầu tiên cho Thái Tử con vua tên là Lý Phật Mã ra ở ngoài thành, sống chung với quần chúng nhân dân, “để hiểu biết mọi việc của dân”. Sau này, Thái tử Phật mã lên làm vua, cũng trở thành một vị vua hiền nổi tiếng.

Năm 1016, được mùa to, vua Lý Thái Tổ lại miễn tô, thuế cho dân 3 năm nữa.

Năm 1018 lại xá một nửa tô ruộng cho thiên hạ.

Như vậy trong đời làm vua 19 năm, vua Lý Thái Tổ đã miễn giảm thuế cho dân tới 3 lần.

So với thời xã hội chủ nghĩa của ta ngày nay, sau khi chiến tranh kết thúc, Nhà nước ta cũng cho miễn thuế nông nghiệp cho dân một lần 3 năm, để thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1985.

Thế nhưng, ở các địa phương lại mọc ra đủ các loại phí khác, như phí làm đường, phí làm trường học, phí làm trạm xá, phí thủy lợi, phí chống bão lụt, phí nghĩa vụ quân sự,,,khiến cho chủ trương miễn thuế 3 năm đó trở thành ít tác dụng.

2-Vua Lý Thái Tông Phật Mã, con vua Lý Thái Tổ, ở ngôi 27 năm, từ năm 1028 đến năm 1054.

Khi vua Lý Thái Tổ mất năm 1028, 3 hoàng tử mang quân đến đánh, tranh ngôi vua với Hoàng tử Lý Phật Mã.

Tướng Lê Phụng Hiểu bảo vệ Hoàng tử Phật Mã, giết chết 1 hoàng tử nổi loạn. Còn lại 2 Hoàng tử kia biết hối lỗi, vua Lý Thái Tông Phật Mã nhân từ tha cho cả, không giết tội nổi loạn, phong tước lại như cũ.

Vì sự kiện làm loạn cướp ngôi vua đó, năm 1028 đó, vua Lý Thái Tông cho xây đền Đồng Cổ ở Hồ Tây, lấy ngày mồng 4 tháng 4 Âm lịch hàng năm để làm Lễ thề đền Đồng Cổ.

Hàng năm, vào ngày mồng 4 tháng 4, vua, quan đến đền Đồng Cổ, làm Lễ thề, lời thề như sau:

Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”.

Giá như Nhà nước ta biết nối tiếp truyền thống vua Lý Thái Tông, hàng năm, vào ngày mồng 4 tháng 4, các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước cao cấp, các Bộ trưởng, đến làm Lễ thề đền Đồng Cổ, nội dùng lời thề như sau:

“Làm con bất hiếu, làm cán bộ Nhà nước bất nhân, tham nhũng, xin thần minh trừng phạt”, thì hay biết mấy.

1 năm sau khi lên làm ngôi, vào năm 1029, vua Lý Thái Tông Phật Mã cho xây điện Quảng Vũ, “hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau, để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông kêu lên”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có vị vua cho làm Chuông kêu oan, để giúp dân giải quyết các nỗi oan khuất của dân. Vua trực tiếp nghe và giải quyết các nỗi oan khuất của dân.

Đến năm 1040, vua Lý Thái Tông Phật Mã lại xuống chiếu giao việc xử kiện cho Hoàng tử sẽ nối ngôi vua: “từ nay trở đi, phàm nhân dân trong nước ai có việc kiện tụng gì, đều giao cho Khai Hoàng Vương xử đoán rồi tâu lên, lại cho lấy diện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện.”

Cũng thật kỳ lạ, cụ Lê Văn Hưu khi viết về điều này trong bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư, lại có lời bình kỳ quặc rằng “Thái Tông sai Khai Hoàng Vương làm việc đó không phải là chức phận của Thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện là không đúng chỗ”.

Cụ Lê Văn Hưu có lẽ chưa từng gặp nỗi oan nào trong đời cụ, và cụ Hưu cũng có lẽ chưa từng gặp người dân có nỗi oan nào, chưa từng thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân có oan khuất, nên cụ mới có nhận xét rất quan liêu như vậy.

Năm 1052, vua Lý Thái Tông Phật mã lại cho đúc Chuông kêu oan, để ở điện Long Trì, “cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên”.

Năm 1042, vua Lý Thái Tông Phật Mã cho làm bộ luật Hình Thư, để cải thiện việc giải quyết đơn thư khiếu kiện của dân, giảm bớt việc xử lý oan sai cho dân. Vua Lý Phật Mã cũng cho phép người già trên 70 tuổi, người trẻ dưới 15 tuổi nếu phạm tội nhẹ, thì được chuộc bằng tiền để tự sửa.

Năm 1044, người Chiêm Thành vào cướp bóc nước ta, vua Lý Phật Mã dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, ra lệnh “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành, thì sẽ giết không tha”.

Cùng năm 1044 đó, vua Lý Phật Mã ra mệnh lệnh trừng trị kẻ tham nhũng: “Xuống chiếu cho Quyến Khố Ty (Ty coi việc kho vải, lụa) ai nhận riêng một thước lụa của người thì bị xử đánh 100 trượng, từ 1 đến 10 tấm lụa thì xử phạt số trượng đánh nhân lên theo số tấm, gia thêm 10 năm khổ sai”.

Đây là đạo luật đầu tiên ở nước ta xử tội tham nhũng, và xử phạt rất nghiêm minh.

Cũng năm 1044 đó, vua Lý Thái Tông Phật Mã cũng ra chiếu xử lý quan coi ngục (quản lý trại giam) làm sai: “Cấm quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, ai phạm thì xử đánh 80 trượng, thích chữ vào mặt, và giam vào lao”.

Năm 1048, vua Lý Thái Tông Phật Mã cho lập Đàn Xã Tắc, (ở khu vực phường Xã Đàn-Hà Nội ngày nay), để 4 mùa làm cầu đảo xin thần thánh phù hộ cho mùa màng của dân được tươi tốt, không bị thất bát.

Rất tiếc, khu vực đàn Xã Tắc, Xã Đàn ngày nay ở Hà Nội đã bị phá đi để xây dựng nhà cửa, công sở hết cả, không còn nhìn thấy di tích Đàn Xã Tắc ở đâu cả.

Năm 1049, Vua Lý Thái Tông Phật Mã cho dựng Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột ngày nay), để lại một công trình kiến trúc văn hóa có giá trị vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam ta đến tận ngày nay, và còn cho ngàn năm sau.

3-Vua Lý Thánh Tông.

 Vua Lý Thánh Tông (Tôn) tên húy là Nhật Tôn, là con của vua Lý Thái Tông Phật Mã, lên ngôi vua năm 33 tuổi, khi vua cha Lý Phật Mã băng hà năm1054, ở ngôi đến năm 1072.

Chỉ một năm sau khi lên ngôi vua, vào năm 1055, vua Lý Thánh Tông đã quan tâm thương xót đến những người tù bị giam trong ngục. Mùa đông năm đó rét mướt, vua bảo với tả hữu rằng:

 “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, Trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, cấp cơm ăn ngày hai bữa.”

Hồi đó, ăn uống và quần áo của người tù thường do gia đình người tù mang đến. Kể từ khi có lệnh của vua Lý Thánh Tông, người tù ở nước Việt Nam ta được đối xử rất nhân đạo.

Vua Lý Thánh Tông cũng xuống chiếu trừng phạt những quan coi ngục nhận tiền đút lót của dân, vua cũng lệnh cấp thêm tiền bổng và thức ăn cho quan coi ngục để bảo đảm giữ gìn liêm chính.

Vua xuống chiếu khuyến khích nông dân làm nông nghiệp, khi có năm đại hạn, mất mùa, vua ra lệnh chẩn cấp cho người nghèo,,,.

Vua Lý Thánh Tông đã nối nghiệp được với vua ông Lý Thái Tổ, và vua Cha Lý Thái Tông trong thực hiện các việc làm nhân đạo với dân.

Năm 1059, vua Lý Thánh Tông “cử binh sang đánh đất Khâm châu nước Tống (vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), để khoe binh, rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc.”

 Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, quân đội Việt Nam ta chủ động tấn công sang Trung Quốc để trừng phạt sự phản phúc của người Trung Quốc.

Người Trung Quốc không thể hiểu được rằng vì sao dân tộc Việt Nam nhỏ bé, bị Trung Quốc cai trị trên 1000 năm, mà nay, dám đưa quân sang đất Thiên triều, trừng phạt sự phản phúc của Thiên triều.

Nguyên nhân trực tiếp có lẽ do năm đó, vua Lý Thánh Tông gửi sang biếu nhà Tống một con thú lạ, nói là con lân, nhưng nhà Tống trịch thượng không nhận, trả về.

Như vậy người Việt Nam ta dưới thời vua Lý Thánh Tông đã thực hiện được ước mơ từ ngàn năm trước của người Việt Nam ta, là chú bé Thánh Gióng đã trỗi dậy, lớn nhanh như thổi, mạnh mẽ, hùng dũng, dám đương đầu hiên ngang với giặc phương Bắc.

Thật là đáng tự hào.

Một năm sau, năm 1060, vua Lý Thánh Tông lại cử binh sang đất Tống, để lùng bắt những người lính Việt bỏ trốn vào đất Tống, mà do người Tống ngầm khuyến khích để phá ta.

Quân ta bắt giam Chỉ huy sứ người Tống đưa về Việt Nam để trừng phạt tội cưu mang người lính Việt bỏ trốn.

Tháng 7 năm đó, quân Tống sang xâm lược Việt Nam ta, để định giải cứu cho Chỉ huy sứ bị bắt, nhưng quân Tống bị thua, phải bỏ chạy.

Năm Quí Mão 1063, vua lấy Ỷ Lan là con gái nông dân làm Hoàng hậu.

Năm 1064, vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên con gái mình, nói với tả hữu rằng:

“Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ tội gì nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm”.

Mùa thu tháng 8 năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, bốn mùa cúng tế, và cho Hoàng thái tử mà sau này sẽ  lên làm vua đến đấy học.

Ở đây, chúng ta lại thấy một điều vô cùng đặc biệt của tính cách người Việt Nam ta.

Người Việt Nam ta vừa thoát khỏi sự thống trị hà khắc hơn 1000 năm của người Trung Quốc, thế mà nay, chỉ hơn 100 năm sau khi giành được độc lập, người Việt Nam ta làm Văn Miếu để thờ các bậc học giả người Trung Quốc. Chúng ta không hề thấy có lòng hận thù ở đây. Người Việt Nam ta lại tha thứ cho kẻ thù của mình, giống như câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy ở trên.

Người Việt Nam ta đã lập đến thờ Văn Miếu, để thờ cả kẻ thù của mình, bởi vì Khổng Tư, Chu Công, Tứ Phối là các học giả người Trung Quốc.

Sau khi vua Lý Thánh Tông lập Văn Miếu năm 1070, đến năm 1076, vua con nối ngôi là Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám, ngay bên cạnh Văn Miếu, làm trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Đây là trường học đầu tiên ở Việt Nam ta dạy cho các vị vua tương lai về phép trị nước. Đến đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông cho đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, để nhận cả con thường dân học giỏi vào để đào tạo làm quan.

Cho đến nay, đã gần 1000 năm trôi qua, nước Việt Nam lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh với người Trung Quốc, nhưng mặc dù vậy, Văn Miếu vẫn là nơi được gìn giữ để thờ Khổng Tử, và thờ thêm cụ Chu Văn An, là một bậc trí thức lớn của người Việt Nam ta.

Không hề có chuyện vì sự hiềm khích, chiến tranh, xung đột giữa hai dân tộc, mà người Việt Nam đem vứt bỏ cụ Khổng Tử ra ngoài.

Chúng ta hi vọng đến một ngày đẹp trời nào đó, trường đại học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ được khôi phục lại, để làm trường chuyên đào tạo quản lý Nhà nước cho các lãnh đạo tương lai của đất nước.

4-Vua Lý Nhân Tông Càn Đức, con Hoàng hậu Ỷ Lan.

Vua Lý Nhân Tông Càn Đức nối ngôi vua khi 7 tuổi, sau khi vua cha Lý Thánh Tông  Nhật Tôn băng hà năm1072. Vua Lý Nhân Tông (Tôn) ở ngôi 56 năm, thọ 63 tuổi.

Đây là triều vua có tướng Lý Thường Kiệt đã đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt-sông Cầu ngày nay, và là triều vua cho tiến hành các khóa thi Tiến sĩ đầu tiên, để chọn người tài bổ nhiệm làm quan.

3 năm sau khi làm lên ngôi, khi vua Lý Nhân Tông 10 tuổi, năm 1075, vua cho mở Khóa thi Minh kinh Bác học, và thi Nho học tam trường, để chọn người tài vào làm quan.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ta cho tổ chức thi tuyển người học giỏi vào làm quan.

Người thi đỗ Trạng nguyên đầu tiên ở nước Việt Nam ta là ông Lê Văn Thịnh, quê ở tỉnh Bắc Ninh ngày nay, thi đỗ Trạng nguyên năm 1075, được cử làm thày giáo dạy học cho vua, và sau đó được phong làm Thị lang Bộ binh, tương đương chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay.

Năm 1074, nhà Tống chuẩn bị quân đội sang xâm lược nước ta, lý do là có nhiều tấu biểu báo lên vua Tống, là nước Đại Việt ta bị Chiêm Thành quấy nhiễu, nên trong nước bị loạn lạc, suy yếu, quân binh chỉ còn một ít, có thể xâm chiếm được.

Vua Tống bèn sai các vùng ven biên giới Đại Việt ta chuẩn bị quân đội, kho lương, vũ khí, tập trận, để chuẩn bị xâm lược nước ta.

Vua Lý Nhân Tông biết tin ấy, sai tướng Lý Thường Kiệt và tướng Tôn Đản đưa binh sang đất nhà Tống, đánh phá 2 châu Ung, Liêm (tức Quảng Đông, Quảng Tây, Nam Ninh ngày nay), phá tan các căn cứ hậu cần của quân Tống.

Đây là lần tấn công thứ ba của vua triều Lý sang đất Tống (lần 1 năm 1059, vua Lý Thánh Tông cử binh sang đáng Tống vì ghét sự phản phúc của người Tống, năm 1060 vua Lý Thánh Tông lại cử binh sang đánh Tống lần hai để lùng bắt lính Việt chạy trốn).

Lần tấn công thứ ba này của Việt Nam vào đất Tống, năm 1074, có qui mô lớn nhất, 2 tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản dẫn tới 10 vạn binh sang đánh Tống.

Quân Tống chống cự quyết liệt, không chịu đầu hàng, nên bị quân của 2 tướng Lý Thường Kiệt, Tôn Đản tiêu giệt rất nhiều, sử Việt Nam và Trung Quốc nói có trên 10 vạn quân và dân Tống bị tiêu diệt trong trận tấn công này.

Điều đó cho thấy mức độ quyết tâm của quân Tống trong âm mưu xâm lược Việt Nam ta, và cũng cho thấy sự tài giỏi, ngoan cường, và quyết liệt của 2 tướng Lý Thường Kiệt, Tôn Đản trong việc muốn đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống.

2 năm sau, năm 1076, quân Tống lại chuẩn bị quân đội, sang xâm lược nước ta.

Tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến ở sông Như Nguyệt-sông Cầu ngày nay, và tướng Lý Thường Kiệt viết Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam ta, giả làm thần thánh đọc cho binh sĩ nghe, để khích lệ tinh thần binh sĩ:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan hủ bại hư.”

 

“Sông núi nước nam vua Nam ở,

Rành rành định phận ở Sách trời,

Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Quân đội của tướng Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, quân Tống lui quân, nhưng chiếm lấy châu Quảng Nguyên của ta (tức đất Cao Bằng ngày nay).

Năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai quan Đào Tông Nguyên đi sứ sang Tống để đàm phán đòi lại đất Quảng Nguyên-Cao Bằng. Nhà Tống phải trao trả một phần Quảng Nguyên cho ta.

Sau đó, vua Lý Nhân Tông lại cử Thái sư Lê Văn Thịnh sang sứ nhà Tống, để đàm phán việc biên giới, và đòi lại các đất của 6 huyện, 3 động còn lại thuộc đất Cao Bằng, nhà Tống đành trao trả nốt cho ta.

Người Tống đau xót việc này lắm, nên làm thơ than rằng:

“Nhâm tham Giao Chỉ tượng,

Khước thất Quảng Nguyên kim”

 

“Vì tham voi Giao Chỉ,

Nên mất vàng Quảng Nguyên”

Thật ra không phải vì Việt Nam ta biếu voi cho nhà Tống, mà nhà Tống trả lại đất Cao Bằng cho Việt Nam ta. Mà là người Việt Nam ta đã đánh thắng quân Tống nhiều lần, nên nhà Tống sợ, đành ngậm ngùi trả lại đất cho ta.

Cũng như ngày nay, nếu một ngày nào đó, Việt Nam ta không thắng Người bạn nhớn trên biển, thì sẽ không bao giờ đòi lại được quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1076, sau khi thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu “cầu lời nói thẳng”.

Đây là lần đầu tiên vua Việt Nam ta có chính sách công khai “cầu lời nói thẳng”, để vua có thể sửa chữa được các sai lầm của mình.

Nhưng chúng ta cũng đều biết thời nhà Lý mặc dù có nhiều việc làm nhân nghĩa, nhưng cũng có hai việc làm thiếu nhân nghĩa, đó là việc Hoàng hậu Ỷ Lan vì ghen tuông mà giết chết hoàng hậu khác cùng 72 cung nữ, và vua Lý Nhân Tông nghi oan cho Tể tướng Lê Văn Thịnh, nói rõ trong câu chuyện về chàng đánh cá Mục Thận ở Hồ Tây, rồi đày ông Lê Văn Thịnh đi làm quan ở nơi xa.

Chúng ta đều biết dân tộc Việt Nam ta không phải là một dân tộc hoàn hảo.

Thế nhưng chúng ta biết rằng các việc làm nhân nghĩa là bản chất sâu sắc của người Việt Nam ta từ thời Hùng Vương truyền lại đến ngày nay, nên tuy đôi khi người Việt Nam ta cũng có những hành động sai trái, độc ác, nhưng rồi bản chất nhân ái, rộng lượng lại quay trở lại với người Việt Nam ta. ///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.