Hãy học ông cha ta thời Phong Kiến, và học cụ Hồ Chí Minh về cách đào tạo, và trọng dụng nhân tài không đảng phái

W.Minh Tuan

Thời ông cha ta ngày xưa, lựa chọn người ra làm quan là chủ yếu qua thi cử.

Ai cũng có quyền dự thi, và nếu thi đỗ, có tài, có đức, sẽ được bổ nhiệm làm quan, bất kể người đó là giàu sang, nghèo hèn, con quan, hay con nhà nông dân, thợ thủ công, và thậm chí, bất kể tuổi tác, dù còn trẻ con, hay người già 80 tuổi,,,.
Cách lựa chọn cán bộ lãnh đạo đó của cha ông ta ngày xưa vô cùng bình đẳng, rất tôn trọng nhân tài.

Cách đây gần 1000 năm, vào năm 1075, nước Việt Nam ta lần đầu tiên cho mở khoa thi chọn người tài làm quan. Đó là vào thời vua Lý Nhân Tông, mở khoa thi lấy Tiến sĩ.
Người Việt Nam đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ là ông Lê Văn Thịnh, sinh năm 1038, mất năm 1096, thọ 58 tuổi, người tỉnh Bắc Ninh, sau được phong dần lên tới chức Thị lang Bộ Binh, tức như Thứ trưởng Bộ quốc phòng bây giờ, rồi lên đến chức Thái sư, như chức Thủ tướng bây giờ.
Từ đó, các Triều đại Phong kiến thời ông cha ta liên tục tổ chức các khoa thi chọn người tài bổ nhiệm làm quan.
Về số lượng các khóa thi, và số người đỗ trong gần 1000 năm ở nước ta là như sau:
1- Thời nhà Lý, khoảng cách các kỳ thi là 12 năm 1 kỳ thi. Tổ chức 6 khóa thi, 27 người đỗ, có 4 Trạng nguyên.
2- Thời nhà Trần, từ năm 1239, thời Vua Thần Thái Tông, 7 năm 1 kỳ thi. Có 14 khóa thi, 238 người thi đỗ, có 12 Trạng nguyên.
3- Thời nhà Hồ, có 2 khóa thi, 200 người thi đỗ, 1 Trạng nguyên.
4- Thời nhà Lê Sơ, từ đời Vua Lê Thái Tông, năm 1435, (ông Vua này sau này bị cảm gió chết, gây ra Vụ án oan Lệ Chi Viên của Cụ Nguyễn Trãi) 6 năm thi một lần. Có 28 khóa thi, 485 người thi đỗ, có 20 Trạng nguyên.
5- Thời nhà Mạc, có 22 khóa thi, 485 người thi đỗ, 18 Trạng nguyên.
6- Thời Hậu Lê, từ Vua Lê Thánh Tông, năm 1466, Vua Lê Thánh Tông cho sửa lại, định lệ 3 năm 1 kỳ thi. Lệ thi 3 năm 1 kỳ thi này được duy trì suốt 435 năm, cho đến năm 1919, khi người Pháp cho xóa bỏ các kỳ thi chữ Hán, thay bằng nền giáo dục Pháp và chữ Quốc ngữ.

Có 73 khóa thi, 493 người thi đỗ, 6 Trạng nguyên.
7- Thời nhà Nguyễn, có 40 khóa thi, 588 người thi đỗ. Thời nhà Nguyễn không cho đỗ Trạng nguyên.
Tổng cộng tất cả gần 1000 năm thi cử, cha ông ta đã tổ chức được 185 khóa thi, có 2875 người thi đỗ, có nhiều người thi đỗ 2 lần, nên tổng số lượt người thi đỗ là 2096 lần, trong đó có 56 vị Trạng nguyên.
Như vậy có thể nói thi đỗ Trạng nguyên là rất khó, người thi đỗ Trạng nguyên phần lớn đều xuất chúng, thông minh, tài giỏi hơn người.
Những vị Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Tiến sĩ nổi tiếng ở nước ta mà hầu hết nhân dân Việt Nam ta đều biết tên là:
1- Lê Văn Thịnh (1038-1096), thi đỗ khóa Tiến sĩ đầu tiên năm 1075), được làm quan đến chức Thái sư, như Thủ tướng ngày nay. Ông Lê văn Thịnh có công lớn nhất trong việc đi sứ sang Tàu, đàm phán tài giỏi, kiên quyết và mềm mỏng, nên đòi được vùng đất Cao Bằng cho Việt Nam ta, không cần phải đánh nhau.

Nhưng sau đó ông bị Vua Lý và triều thần nghi oan là có âm mưu hãm hại Vua. Câu chuyện ông Lê Văn Thịnh định âm mưu hãm hại Vua là như sau:

Khi Vua Lý đi thuyền dạo chơi trên Hồ Tây, có cơn gió to đột nhiên thổi lên, làm tối tăm trời đất, rồi sau đó Vua cảm thấy như có một con hổ xuất hiện định hãm hại Vua. Nhưng khi đó có người đánh cá ở Hồ Tây, tên là Mục Thận, đã quăng lưới, bắt được con hổ. Khi quân lính và anh Mục Thận tháo lưới để lôi con hổ ra, thì hóa ra là Tể tướng Lê Văn Thịnh. Nên Vua và quần thần nghi ngờ ông Lê Văn Thịnh định biến thành hổ để hãm hại Vua. Nhưng vì Vua Lý thương tình ông Lê Văn Thịnh là người có nhiều công lao với đất nước, nên không nỡ cho chém đầu, mà chỉ cho đày ông đi xa làm quan nơi biên cương. Đến cuối đời ông mới được gọi về triều, nghỉ dưỡng tuổi già ở quê Bắc Ninh cho đến khi mất.

Bây giờ ở ven Hồ Tây, vùng Quảng bá, có đền thở ông Mục Thận, người đánh cá chài lưới ở ven Hồ Tây. Và khi người dân đến viếng đền Mục Thận, sẽ nghe được câu chuyện ông Lê Văn Thịnh hóa hổ kia.

Rõ ràng đây là chuyện hoang đường, không có thật.

Làm sao mà người hóa ra hổ được?

Có thể có chuyện gió to đột nhiên nổi lên ở hồ Tây, đó là chuyện thay đổi bất thường của thiên nhiên, và có thể khi đó trời tối tăm, vì mây mù kéo đến. Rồi mọi người hoảng loạn, và trong cơn hoảng loạn đó, ông Lê Văn Thịnh muốn bảo vệ Vua, che chở cho Vua, nhưng rồi vì sự hoảng loạn, mà Vua và quân thần nghĩ ông Thịnh định hãm hại Vua, rồi dần dần, người ta thêu dệt nên chuyện ông Thịnh Hóa hổ định hãm hại Vua.

Gần đây, gia đình hậu duệ của ông Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh có đơn kiến nghị đề nghị Nhà nước minh oan cho ông Tể tướng Lê Văn Thịnh, giải quyết nỗi oan khuất hơn 1000 năm của ông Lê Văn Thịnh. Nhưng Nhà nước Việt Nam ta có lẽ cũng lúng túng, chưa biết nên làm thế nào, vì chưa từng có tiền lệ như thế bao giờ, rằng Nhà nước ngày này giải nỗi oan, hoặc giải quyết một số các vấn đề tồn đọng của đất nước mà xảy ra từ hàng nghìn năm trước trong lịch sử nước nhà.

2- Nguyễn Hiền (1234-không rõ năm mất, thi đỗ năm 13 tuổi, năm 1247, thi đỗ cùng năm với cụ Lê Văn Hưu, 17 tuổi, và Đặng Ma La, 13 tuổi). Ông Nguyễn Hiền được làm quan đến chức Thượng thư, như Bộ trưởng bây giờ.
3- Lê Văn Hưu (1230-1322), thi đỗ năm 1247, khi 17 tuổi. Được làm quan đến chức Thượng thư Bộ Binh, như chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ. Nhưng cụ Lê Văn Hưu nổi tiếng nhất ở việc cụ là người biên soạn đầu tiên bộ sách lịch sử Đại Việt sử ký Toàn thư, biên soạn xong năm 1272, sau đó, các cụ Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên,,,thời nhà Lê viết bổ sung nữa.
4- Mạc Đĩnh Chi (1280-1350), thi đỗ năm 1304, khi 24 tuổi, làm quan đến chức Tả Bộc Xạ Đại liêu ban, như chức Thượng thư, tức Bộ trưởng bây giờ.
5- Lương Thế Vinh (1441-1496), thi đỗ năm 1463, khi 22 tuổi, thời Vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Trực học sĩ, Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, giống chức Giám đốc Viện hàn lâm ngày nay. Khi mất, ông được nhân dân làm đền thờ, được Vua Lê Thánh Tông phong là Thượng đẳng Phúc thần.
6- Ngô Sĩ Liên (không rõ năm sinh, năm mất,) thi đỗ Tiến sĩ năm 1442, (là năm Cụ Nguyễn Trãi bị chém oan) làm quan tới chức Đô Ngự sử, giống chức Viện trưởng Viện Sử học ngày nay, Lễ Bộ Hữu Thị lang, giống chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nay.
7- Nguyễn Bỉnh Khiêm, (1491-1585), thi đỗ năm 1535, khi 44 tuổi. Ông làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại, như chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ ngày nay, rồi Đông các Đại học sĩ, là một trong 4 vị Tứ trụ Triều đình của thời nhà Lê, có chức vụ làm Cố vấn cho vua, hàm cao hơn chức Thượng thư-Bộ trưởng.
8- Lê Quí Đôn, (1726-1784), thi đỗ Đình Nguyên (thấp hơn Trạng nguyên 1 bậc) năm 1743, khi 23 tuổi. Ông làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công, như chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng-Kinh tế-Công thương bây giờ.
9- Nguyễn Khuyến (1835-1909) thi đỗ Hoàng Giáp năm 1871, khi 36 tuổi, làm quan đến chức Bố chính tỉnh Quảng Ngãi, như chức Tỉnh trưởng bây giờ. Sau đó, ông chán cảnh quan trường, xin về hưu, làm thơ,,,.
Một số vị học giả thời nay chỉ quen thoi nói theo Nghị quyết, thường phê phán cách học thời ngày xưa của ông cha ta, cho rằng học thi phú, chữ Hán, học Nho giáo, Đạo giáo, học Tứ thư, Ngũ kinh,,,chỉ đào tạo nên lớp quan lại làm tôi đòi cho vua chúa, không thể bằng được nội dung học của các trường ngày nay dạy cho cán bộ lãnh đạo.
Dĩ nhiên nội dung học thời ông cha ta chưa phải là hoàn hảo, nhưng so với nội dung học ở các trường chính trị  ngày nay, chủ yếu dạy về Chủ nghĩa Mác-Lênin, thì nội dung học thời xưa của ông cha ta tiến bộ hơn nhiều.
Thời xưa, trẻ em 6, 7 tuổi bắt đầu học chữ Hán, học Tam tự kinh, Tứ tự kinh, học Ngũ ngôn.

Và nhất là học “Tiên học lễ, hậu học văn”-tức là học lễ giáo, tôn trọng người già, cha mẹ, ông bà, học cách chào hỏi, thưa gửi lễ phép,,,.
Đến 10 tuổi trở lên, trẻ em ta ngày xưa bắt đầu học Tứ thư, Ngũ kinh, học Lịch sử Trung Quốc, Lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng-là thời các Vua Hùng. Rồi học cách làm văn, làm thơ, làm câu đối, là các bài luận về trị nước, giữ nước bằng chữ Hán,,,.
Như vậy chỉ hơn 10 tuổi là trẻ em ta biết thông thạo một ngoại ngữ là chữ Hán.

Xã hội Việt Nam ta hơn 4000 năm không có phân chia giai cấp, không có phân biệt trong đảng, ngoài đảng.

Ai học giỏi, đạo đức, có tài, là được trọng dụng. Làng xóm, láng giềng bất kể là ai, đều yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Làm sao mà anh đảng viên thì được cất nhắc, còn tôi không đảng viên thì mãi là cấp dưới quèn?

Trong lịch sử gần 1000 năm thi cử, học hành của cha ông ta thời xưa, bất kể ai cũng được học, được thi, nếu đỗ thì được làm quan, chứ không có bất kỳ sự phân biệt kỳ quặc nào theo kiểu giai cấp, ngoài đảng-trong đảng.
Mà thật ra, xã hội loài người làm gì có sự phân chia người này là tư sản, người kia là vô sản, trong đảng là người tốt, ngoài đảng là người không tốt?

Vì hôm nay anh là vô sản, nhưng ngày mai, nếu anh giỏi kinh doanh, may mắn, chịu khó, chăm chỉ, thông minh, thì anh sẽ trở thành người hữu sản, giàu có.

Ngược lại, hôm nay anh giàu có, hữu sản, nhưng anh không giỏi kinh doanh, không giỏi cạnh tranh, trở nên lười biếng, nát rượu, bê tha, và có thể cả không may mắn, thì ngày mai anh lại trở thành vô sản.
Hữu sản, hay vô sản đều tùy thuộc vào sự tài giỏi kinh doanh, sự chăm chỉ, và cả sự may mắn của anh, chứ làm gì có sự khác nhau về thành phần giai cấp, về tư tưởng giai cấp, về địa vị giai cấp, về sự bóc lột và không bóc lột,,,.

Hãy xem nhưng cán bộ bị bắt, bị xử lý về tham nhũng gần đây, toàn là đảng viên cả đấy thôi, có ai là người ngoài đảng đâu.

Vậy thì vì sao mà chỉ bổ nhiệm cán bộ là đảng viên, còn người ngoài đảng thì không bổ nhiệm?

Tướng Lý Thường Kiệt, tướng Trần Hưng Đạo, tướng Phạm Ngũ Lão có phải đảng viên không?

Cụ Nguyễn Trãi, cụ Lê Quí Đôn, cụ Lê Văn Hưu, cụ Ngô Sĩ Liên có phải đảng viên không?

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh có phải đảng viên không?

Nhạc sĩ văn Cao, nhà văn hóa Đào Duy Anh, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Phan Anh, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch Hà Nội đầu tiên bác sĩ Trần Duy Hưng có phải đảng viên không?

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống đã có cách trọng dụng nhân tài giống như ông cha ta ngày xưa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm luật sư Phan Anh không đảng viên làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng năm 1945, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.

Cụ Hồ cũng đã bổ nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng không đảng viên làm Phó Chủ tịch nước.

Cụ Hồ cũng đã bổ nhiệm giáo sư Nguyễn Văn Huyên không đảng viên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục,,,.

Thế mà sao giờ đây cán bộ cấp nào cũng phải đảng viên?

Theo cách phân chia giai cấp, thành phần cốt cán, ngoài đảng, trong đảng, thì Cụ Hồ Chí Minh không phải là gia đình thành phần cốt cán, vì bố Cụ Hồ là ông Nguyễn Sinh Sắc, thi đỗ Phó Bảng, được bổ làm Tri huyện, không phải giai cấp vô sản theo định nghĩa của ông Mác, Lenin.
Vậy thì hãy học theo ông cha ta ngày xưa, và hãy làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh gần đây, là hãy bổ nhiệm ai có tài, có đức, có tâm huyết với đất nước vào các vị trí lãnh đạo của đất nước, như thế mới tẩy sạch được tham nhũng, đưa đất nước tiến nhanh đến phú cường như mong muốn của cụ Hồ Chí Minh, và mong muốn của tất cả dân tộc Việt Nam ta.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.