Kỷ niệm nhỏ về đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Từ trái sang phải: nhà báo Lê Thọ Bình, báo Quân Đội, đồng chí Lê Khả Phiêu, nhà báo Xuân Ba, báo Tiền Phong, nhà báo-nhà văn Võ Thị Hảo, báo Phụ nữ tp HCM, và tôi-Minh Tuấn-báo Đại Đoàn Kết

W.Minh Tuấn.

Trong thời gian đang diễn ra Kỳ họp Quốc hội hồi đầu năm 1997, một buổi tối, anh Xuân Ba, phóng viên báo Tiền Phong rủ tôi đến nhà một người ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Tôi hỏi nhà ai, anh không nói, chỉ tủm tỉm cười nói “đi, đi”. Tôi biết tính anh Xuan Ba thường không nói nhiều trong những sự việc quan trọng, nên tôi cũng im lặng, phóng xe máy chở anh đi.

Có lẽ đã hơn 8 giờ tối, phố Lý Nam Đế có nhiều hàng cây cao hai ven đường nên càng tối hơn. Đây là phố “nhà binh”, nằm phía sau lưng của Bộ Quốc phòng, là nơi cư ngụ của các cán bộ quân đội cấp trung và cao. Đến một cái cổng sắt to đóng kín, anh Xuân Ba bảo tôi dừng lại, xuống xe máy, và gõ cửa nhẹ. Cửa hé mở, một cái đầu của một chiến sĩ quân đội trẻ măng, đeo súng tiểu liên ló ra.

-Dạ, hai anh cần gì ạ? Chiến sĩ quân đội lễ phép hỏi.

-Chú vào bảo “cụ” có anh Xuân Ba báo Tiền Phong đến.

-Dạ, hai anh chờ một chút ạ. Cửa lại khép lại.

Tôi không hỏi, nhưng đoán là nhà vị nào đó to lắm, vì nhà to, và có cảnh vệ. Một lát sau, cửa mở, chiến sĩ quân đội lúc nãy ra mở cửa, mời chúng tôi vào. Lúc này anh Xuân Ba mới nói nhỏ vào tai tôi “nhà cụ Phiêu”.

(Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến hồi tháng 1 năm 2009, trên mạng internet lan truyền những bức ảnh nhà đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Có ai đó đã được đến thăm nhà đồng chí cựu Tổng bí thư, (đã sửa sang, đẹp hơn so với khi tôi đến năm 1997), được thoải mái chụp ảnh, rồi tung lên mạng để có ý bêu riếu rằng nhà cán bộ to của Đảng ta to, giàu, và thủ cựu, đầy sách Mac-Lê,,, như thế này đây. Lợi dụng lòng tốt của người ta, được mời vào thăm nhà, mà đưa ảnh lên mạng bêu riếu thì quả là không phải với cái đạo đức mến khách của người Việt ta lắm.)

Những ngày đầu năm 1997, dư luận ở Hà Nội khi đó đã đồn nhau là đồng chí Lê Khả Phiêu, khi đó đang là Thường trực Bộ chính trị, (chức vụ như chức Thường trực Ban Bí thư hiện nay), có khả năng làm Tổng bí thư thay cụ Đỗ Mười về nghỉ. Nhưng có một ứng cử viên khác cũng rất sáng giá khi đó cho chức Tổng bí thư, là đồng chí Nguyễn Văn An, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tôi vẫn biết anh Xuân Ba có thế mạnh là có nhiều mối quan hệ với các vị to, và với đồng chí Lê Khả Phiêu, thì anh còn là đồng hương Thanh Hóa nữa. Ở Việt Nam ta, nhất là ở miền Bắc, “đồng hương” là một cộng đồng khá mạnh, nhiệt tình giúp đỡ nhau, coi nhau như trong một gia đình.

Chúng tôi đi qua một cái sân khá rộng, khi đến thềm nhà, thì thấy vài người khách đang lục tục đi ra. Tôi thấy một số khuôn mặt quen, vài vị to trong Bộ Nội vụ (Bộ Công an ngày nay), nhưng không phải người Thanh Hóa. Đồng chí Lê Khả Phiêu đứng ở thềm nhà tiễn khách, mặc cái quần thể thao màu xanh, có 2 sọc trắng ở nẹp quần, trông rát trẻ trung, khỏe mạnh.

Đồng chí cười hiền hậu đón đón 2 nhà báo oắt con chúng tôi. Anh Xuân Ba giới thiệu tôi với đồng chí Lê Khả Phiêu “Dạ, đây là anh Minh Tuấn ở báo Đại Đoàn Kết ạ.”

-“Xin mời vào, mời vào. Thấy các nhà báo đến, là tôi phải mời các vị khách kia về, để đón các nhà báo ngay”, đồng chí Lê Khả Phiêu nói vui vẻ. Cái phòng khách nhỏ khá chật, một bộ bàn ghế cũ, tủ sách,,,.

Nhân vật số hai của quốc gia tiếp chúng tôi đơn giản, chan hòa, và ấm cúng, không khách sáo, không oai vệ, không trịnh trọng, không lễ nghi. Chúng tôi nói chuyện thoải mái, chuyện gia đình, quê hương, chuyện kỳ họp Quốc hội, chẳng có trọng tâm gì cả, hoàn toàn là một cuộc thăm viếng bình thường như người nhà, chứ không phải cái vẻ tìm nơi “vin vẩy rồng” như mấy vị công an gộc vừa ra khỏi nhà kia.

Anh Xuân Ba có lẽ đến đây nhiều lần rồi, nên anh ngồi chồm hổm trên cái ghế bành to, cũ kỹ, và rất thông thạo lôi trong góc phía sau ghế ra cái điếu cày, châm lửa, làm một hơi dài, khói um cả phòng.

Đống chí Lê Khả Phiêu cười hiền hậu nói:

-Mình không dùng cái anh điếu cày này. Nhưng mà để cái điếu ở đây cho mấy vị khách ở nhà quê lên thăm, họ dùng.

Một người cần vụ trẻ vào phòng, dọn bộ ấm chén lên bàn, chuẩn bị nước chè, và chút bánh kẹo cho chúng tôi. Tôi không dám xơi kẹo, vì sợ sâu răng, chỉ nhấm nháp chút nước chè mạn thơm thơm.

Anh Xuân Ba gọi đồng chí Lê Khả Phiêu là “Cụ”, xưng “em”, rất người nhà. Tôi thì gọi trịnh trọng là “đồng chí”, xưng “tôi”. Đồng chí Lê Khả Phiêu cũng gọi tôi là “đồng chí”, xưng “tôi”, đôi khi tự xưng là “mình” rất thân mật.

Tôi nhìn thấy trên giá sách có cuốn sách về Xây dựng đảng trong quân đội, tác giả là Lê Khả Phiêu. Tôi xin phép được lấy xuống xem. Lật qua vài trang, tôi thấy hay hay, vấn đề có vẻ khô khan, nhưng cách viết mộc mạc, dễ đọc. Tôi hỏi đồng chí Lê Khả Phiêu cho tôi xin 1 cuốn.

-Ồ, đồng chí cũng quan tâm đến vấn đề xây dựng đảng trong quân đội à? -đồng chí Lê Khả Phiêu tươi cười hỏi tôi-Mình hết mất rồi, để mình hỏi bên xuất bản xem còn cuốn nào, mình sẽ gửi đồng chí sau nhé.

Tôi cảm thấy hơi áy náy vì đã làm phiền đến đồng chí Lê Khả Phiêu. Nhưng thấy đồng chí vui vẻ, thoải mái, nên thấy yên tâm.

Anh Xuân Ba hỏi đồng chí Lê Khả Phiêu về mấy chuyện lịch sử thời chiến tranh chống Mỹ, chống Polpot, chống Trung Quốc,,. Có lẽ anh định viết sách hay báo về mấy vấn đề đó. Đồng chí Lê Khả Phiêu có trí nhớ thật tốt, đồng chí trả lời đơn giản, mộc mạc tất cả các vấn đề anh Xuân Ba hỏi.

Anh Xuân Ba làm thêm điếu thuốc lào thứ hai nữa, lại khói um thối hoắc cả nhà, khi đó 2 chúng tôi mới xin phép ra về. Đồng chí Lê Khả Phiêu thân mật tiễn hai chúng tôi ra tận cổng. Anh bộ đội cần vụ trẻ, đeo khẩu súng tiểu liên AK47 dài sau lưng, lại lễ phép mở cánh cổng sắt nặng nề cho 2 chúng tôi ra, và gật đầu chào chúng tôi rất lễ phép.

Mấy hôm sau, khi vẫn đang trong kỳ họp Quốc Hội, vào giờ nghỉ giải lao, đồng chí Lê Khả Phiêu đi tìm gặp tôi ở sân phía sau tòa nhà Quốc hội, nơi các nhà báo phục vụ Quốc hội hay tụ tập gặp nhau. Đồng chí thấy tôi, tươi cười đến gần và đưa cho tôi quyển sách về xây dựng đảng, trong trang nhất có đề chữ do đồng chí viết tay: “Thân tặng đồng chí Minh Tuấn, báo Đại Đoàn Kết-Ký tên: Phiêu”.

Tôi cảm động cầm sách cảm ơn đồng chí Lê Khả Phiêu. Mấy anh em báo chí, và nhất là mấy anh em bên an ninh bảo vệ kỳ họp Quốc hội tròn mắt nhìn tôi, hỏi làm sao mà tôi được đồng chí Lê Khả Phiêu thân mật tặng sách, có chữ đồng chí viết tận tay tặng sách.

Tôi chỉ mỉm cười im lặng, không nói gì cả.

Cái tính chất đơn giản, chan hòa đó của đồng chí Lê Khả Phiêu luôn được thể hiện trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng bí thư của đồng chí, và cho đến tận bây giờ. Chỉ nhìn vào việc chỉ nhà đồng chí Lê Khả Phiêu bị chụp ảnh đưa lên mạng internet, đủ thấy trong các Tổng bí thư, chỉ đồng chí Lê Khả Phiêu chan hòa mời khách vào nhà, cho chụp ảnh thoải mái,,,.Liệu ai có thể làm thế được ở nhà đồng chí Đỗ Mười,  Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh,,,.

Có lần tôi được Đài Truyền hình Việt Nam mời đến phòng quay trong Đài truyền hình ở khu Giảng Võ, để dự một cuộc đối thoại truyền hình trực tiếp về hoạt động báo chí. Đột nhiên thấy đồng chí Lê Khả Phiêu đi vào phòng quay, khi đó, đồng chí đã là Tổng bí thư. Cả phòng quay ngạc nhiên, ồn ào vui vẻ, vỗ tay hoan hô đồng chí Tổng bí thư. Đồng chí đứng nói chuyện với mọi người trong phòng quay, đơn giản, cởi mở.

Khi đó trong cả nước đang dấy lên phong trào “Phê bình. Tự phê bình” mà đồng chí Lê Khả Phiêu khởi xướng. Nên khi đó, đồng chí nói nhiều đến vấn đề này. Khi đó ai cũng nghi ngờ là phong trào “Phê bình, tự phê bình” này có kết quả hay không, vì người tham nhũng, tham quyền đâu có chịu tự phê bình, nhận lỗi. Nhưng ý của đồng chí Lê Khả Phiêu không phải làm phong trào này để khuyến khích người ta tự phê bình, vì đồng chí, cũng như mọi người đều hiểu chẳng có ai tự phê bình đâu. Người tham nhũng đâu có chịu nói ra “tôi tham nhũng” đâu. Nhưng ý của đồng chí Lê Khả Phiêu khí cho phát động phong trào “Phê bình và Tự phê bình” này, là từ phong trào đó, khuyến khích người dân, báo chí, dư luận dám phê phán cái sai trong Đảng, từ đó, tạo điều kiện để cái sai bị phát hiện, và bị xử lý.

Cái ý sâu xa đó, không phải ai cũng hiểu.

Đồng chí Lê Khả Phiêu lên làm Tổng bí thư không phải từ Đại hội Đảng, mà chỉ từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Đồng chí Đỗ Mười làm Tổng bí thư tại Đại hội 7, tháng 6 năm 1991, khi đó đồng chí Đỗ Mười đã 74 tuổi (sinh năm 1917). Đồng chí Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng từ năm 1992, khi đã 72 tuổi (sinh năm 1920). Đồng chí Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước năm 1992, cũng khi đã 72 tuổi (sinh năm 1920).

Đến năm 1996, Đại hội Đảng 8, đồng chí Đỗ Mười 79 tuổi, đồng chí Võ Văn Kiệt 76 tuổi, đồng chí Lê Đức Anh cũng 76 tuổi. Nhưng cả 3 vị này đều không chịu nghỉ, muốn ở lại chức vụ, “cống hiến” tiếp cho Đảng, cho dân. Và Đại hội Đảng 8, sau đó là Hội nghị trung ương 1 của Khóa 8, cũng im lặng cúi đầu, “bỏ phiếu giả vờ”-vì thực chất chỉ có 1 ứng cử viên, và có thách kẹo cũng không dám có ý kiến khác, chấp nhận để 3 đồng chí già tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Lúc này, năm 1996, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng 47 tuổi, trẻ măng, lần đầu tiên vào Bộ chính trị, và được ưu ái vào thẳng ngay Thường vụ Bộ chính trị, làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đứng trên Phó Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ Ủy viên Bộ chính trị thường.

Đến Hội nghị Trung ương 4, Khóa 8, tháng 12 năm 1997, ba đồng chí già nói trên, đều xấp xỉ 80 tuổi, mới chịu nghỉ, và đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng bí thư, khi cũng không còn trẻ lắm nữa: 66 tuổi (sinh năm 1931).

Trong thời gian rất ngắn, hơn 3 năm làm Tổng bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đã làm được một số việc rất có ý nghĩa, rất quan trọng, để lại nhiều dấu ấn cho đất nước.

Việc đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu cho phát động phong trào “Phê bình, tự phê bình” trong toàn Đảng, từ đó tao điều kiện để cách chức được Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc, vì dính líu đến vụ xây dựng công viên nước Thủy Cung Thăng Long ở Hà Nội.

Đây là lần thứ ba Đảng ta có việc xử lý nghiêm minh cán bộ cao cấp có sai trái.:

-Vụ thứ nhất là vụ Trần Dụ Châu, năm 1950, bị Bác Hồ cho xét xử, và bị xử bắn vì tham nhũng.

-Vụ thứ hai, năm 1992, bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải bị kết án tù 3 năm vì dính líu đến việc mua lòng vòng 4000 tấn thép làm đường dây 500 KV, ăn chênh lệc giá 3,1 tỷ đồng.

-Và vụ cuối cùng, là vụ Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc vào năm 1999, ký giấy phép cho Công ty Vạn Thiện, không có một đồng vốn, chuyên kinh doanh khách sạn mại dâm ở Hồ Tây, làm công trình công viên nước Thủy Cung Thăng Long ở Hà Nội, trị giá khi đó khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ông Ngô Xuân Lộc bị đồng chí Lê Khả Phiêu kiên quyết cho miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng. Xử lý tới cấp Phó Thủ tướng ở nước ta, dưới thời “xã hội chủ nghĩa”, thì đây là lần đầu tiên, và chỉ đồng chí Lê Khả Phiêu dám xử lý.

Việc thứ hai là ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ năm 2000, sau nhiều năm đàm phán khó khăn, chủ yếu do các ý kiến bảo thủ trong các cụ lão thành cách mạng cản trở.

Việc thứ ba, bắt giam được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Thái Nguyên, đệ tử ruột của Thủ tướng Phan Văn Khải, và một loạt cán bộ cao cấp của Tổng cục 2, vì vụ việc định làm hại Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng, và các việc khác nữa. (Nghe nói như thế, không biết có đúng không).

(Đến thời đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, vụ Tổng Cục 2 chẳng giải quyết được gì, đồng chí Tổng Cục trưởng Nguyễn Chí Vịnh lại được vào Trung ương, lên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng)

Thứ tư, đề xuất trong Đảng việc nghiên cứu để sáp nhập chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào làm một. Đồng chí Lê Khả Phiêu đã có lần nhận xét rằng, trong cả nước, có nhiều địa phương có mâu thuẫn giữa Bí thư và Chủ tịch. Nếu sáp nhập được 2 chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, thì tạo điều kiện để vừa tập trung được quyền lực, nâng cao tính trách nhiệm, và xóa bỏ được các mâu thuẫn giữa bên Đảng và bên Chính quyền.

Dưới thời đồng chí Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư, cũng cho làm thử sáp Bí thư kiêm Chủ tịch ở một số địa phương.

Đến năm 2018, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho mạnh dạn sáp nhập 2 chức vụ Tổng bí thư, và Chủ tịch nước, thật là mạnh dạn và đổi mới. Bác Hồ cũng đã từng làm Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước trong 10 năm, kết quả rất gọn nhẹ, hiệu quả.

Thế nhưng có lẽ vì việc phân chia ghế trong đảng ta gặp khó khăn, ai nghỉ, ai không, nên năm 2021 lại cho tách lại, lại trở về 3 chức vụ Tổng bí thư-Chủ tịch nước-Thủ tướng.

Theo hướng tỉnh giản bộ máy đảng và Nhà nước, gọn nhẹ, hiệu quả, thì chắc chắn đến lúc nào đó, đảng ta phải cho sáp nhập trở lại 2 chức vụ Tổng bí thư, và Chủ tịch nước. Vì nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng, là làm công việc Nhà nước. Nếu đảng không làm công việc Nhà nước, thì đảng làm gì? Thì đảng chỉ làm công việc trên mây trên gió. Cho nên cái khẩu hiệu “đảng không làm thay công việc Nhà nước”, tưởng là hay, nhưng lại dở vô cùng.

Thứ năm, cho thành lập Tổ A10 để phối kiểm thông tin của các cơ quan tình báo của công an và quân đội, đồng thời, kiểm tra tài sản bất minh của một số vị to. Chính điều này khiến ba vị Cố vấn lo sợ, và một loạt các ủy viên Trung ương khá giả cũng lo sợ, nên đã vào hùa lật đổ cho bằng được đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội Đảng 9 tháng 4 năm 2001.

Trong khi làm Tổng bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu có chuyến đi thăm các nước Tây Âu. Trong chuyến đi này, đồng chí nói chân thành với các nguyên thủ quốc gia các nước Tây Âu, đại ý “Các quí vị cố gắng chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân các nước quí vị. Chúng tôi cũng cố gắng chăm lo cho nhân dân chúng tôi được hạnh phúc”.

Thế mà khi về nước, đồng chí Lê Khả Phiêu bị một số vị lão thành cách mạng phê phán là “bọn tư bản làm sao mà chăm lo cho dân của bọn nó được, chúng nó chỉ bóc lột thôi chứ, chỉ có Nhà nước Xã hội chủ nghĩa mới chăm lo cho dân chứ,,,”.

Chính vì vậy, khi Tổng thống Mỹ Clinton sang thăm Việt Nam tháng 10 năm 2000, đồng chí Lê Khả Phiêu đã có lời nói hơi cứng nhắc, bảo thủ, nhắc lại thời chiến tranh khá nhiều, cũng vì có ảnh hưởng xấu của mấy vị lão thành cách mạng bảo thủ kia.

Thời đồng chí Nông Đức Mạnh, có vụ PMU18 hay như thế, tạo điều kiện để xử lý cán bộ tham nhũng, và mở rộng ra các vụ khác, thì bị dội một gáo nước lạnh. Ông Thứ trưởng Bộ giao thông được miễn tố, Thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc chỉ đạo điều tra vụ này, thì bị khởi tố ngược, cùng 2 nhà báo viết về vụ PMU18,,,.

Viết sai thì yêu cầu báo cải chính, phạt tiền, phạt treo bút có thời hạn, hoặc treo bút vĩnh viễn, thu Thẻ nhà báo, tùy theo mức độ vi phạm,,,chứ mắc gì mà bày đặt khởi tố, bắt giam nhà báo, bỏ tù nhà báo,,,.

Rồi còn coi thường dư luận hơn nữa, bắt giam, bỏ tù chính đồng chí Thượng tá công an trực tiếp điều tra vụ PMU18, và khởi tố luôn Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ PMU18.

Thực sự coi nhân dân như điếc, như mù cả.

Thế thì còn ai dám chống tham nhũng nữa.

Nếu đồng chí Lê Khả Phiêu còn làm Tổng bí thư, chắc chắn không thể có vụ đánh ngược công an và báo chí như thế được. Chắc chắn vụ PMU18 sẽ được làm đến cùng.

Thế rồi tại Đại hội 11, chưa bao giờ có chuyện công khai, lộ liễu, đưa con các vị Bộ chính trị vào Trung ương nhiều như Đại hội 11. Đồng chí Nông Quốc Tuấn, con trai đồng chí Nông Đức Mạnh được ép đưa vàoTrung ương, thì con các vị khác như  Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Chi cũng vào được chứ. Con dồng chí Chi, Nguyễn Xuân Anh, trẻ măng, được làm Bí thư Đà Nẵng, dính chàm ngay, tham nhũng, nhận xe ô tô biếu của đại gia, bị cách chức ngay.

Nghe nói vì đồng chí Hồ Đức Việt, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dám chống lại tình trạng “con vua thì lại làm vua” này, thì bị cho về vườn thẳng tại Đại hội 11.

Trong các đời Tổng bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu là người thực sự bình dân, dễ mến, dễ gần, và dám làm, không tìm cách đưa con mình vào Trung ương, hơn hẳn các vị khác.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.