Giao thông Hà Nội bát nháo chí khươn

W.Minh Tun

Đi xe đạp, xe máy, xe ô tô, đi bộ trên đường phố Hà Nội quả là nguy hiểm.

Bởi vì có quá nhiều người ở Hà Nội không tôn trọng luật giao thông, và có lẽ cảnh sát giao thông không thể bố trí ở mọi quãng đường để phát hiện và xử lý người vi phạm.

Thứ nhất là vượt đèn đỏ.

Tôi để ý thấy người Sài Gòn, người Đà Nẵng ít vượt đèn đỏ. Nhưng người ở Hà Nội thì vượt đèn đỏ khá nhiều. Nếu như có đèn đỏ, phần lớn người ta dừng lại, nhưng khoảng 20% số người tham gia giao thông ở Hà Nội không dừng lại, vẫn điềm nhiên vượt đèn đỏ.

Và rất ngạc nhiên, không phải chỉ có mấy bạn trẻ săm trổ đầy cánh tay vượt đèn đỏ, mà cả mấy bà già, mấy cô gái trẻ, mặc váy ngắn cũn cỡn, mấy bạn sinh viên trông có học thức, mấy bà mẹ chở con đi nhà trẻ, mấy bà già chở cháu đi học hay đón cháu về nhà, mấy ông chồng đạo mạo chở vợ phía sau,,,cũng vượt đèn đỏ. Họ vượt đèn đỏ ngang nhiên trước cả rừng người đang kiên nhẫn dừng lại chờ đèn đỏ, không mảy may thấy xấu hổ, không thấy ngượng ngịu.

Tôi đoán nhiều người vượt đèn đỏ không phải vì họ vội vã việc gì, mà chỉ vì thói quen không quan tâm đến luật pháp, thói quen không tôn trọng luật pháp.

Và trong khi cả rừng người đang chờ đèn đỏ, thì mấy người vượt đèn đỏ kia còn bấm còi inh ỏi, để cố len vượt lên từ phía sau, để vượt lên hàng đầu, rồi vượt qua đèn đỏ mà không hề thấy xấu hổ gì cả.

Người Hà Nội nói chung thật là kiên nhẫn, họ im lặng để cho mấy người kia bấm còi inh ỏi luồn lách vượt lên, không có ai nói gì, không có ai phản đối, tất cả im lặng để tránh gây rắc rối.

Tôi luôn luôn kiên nhẫn chờ đèn đỏ, và cũng im lặng trước những người vượt đèn đỏ.

Thứ hai, đèn chưa xanh đã đi, đèn đã đỏ mà vẫn không dừng.

Bạn hãy thử đi ở ngã tư đường Giải Phóng-Lê Duẩn-Đại Cồ Việt-Xã Đàn thì thấy ngay cảnh ngang trái này, mà cảnh sát giao thông cũng không thể làm gì được.

Đèn giao thông màu đỏ đếm lùi vẫn đang ở số 10, 9, 8, 7, ,,,chưa hề số 0, chưa hề chuyển sang màu xanh, thì người phía đèn đỏ đã phóng vù vù qua đường rồi.

Còn phía đèn màu xanh, khi đèn đã chuyển sang màu đỏ rồi, và đã đếm lùi số 60, 59, 58 ,,,đỏ rồi, thì người ta vẫn không dừng lại, vẫn đi tiếp, kể cả xe buýt kềnh càng, kể cả xe tải, xe tă-xi, và xe máy, xe đạp thì tất nhiên là vẫn đi rồi.

Thế cho nên 2 luồng xe này, bên đèn chưa xanh mà đã đi sớm quá, và bên đèn đã đỏ rồi mà vẫn cứ đi tiếp không dừng đó luôn gặp nhau ở giữa ngã tư đường Giải Phóng-Lê Duẩn-Đại Cồ Việt-Xã Đàn, và họ phải chờ nhau đi qua mới đi được.

Thế cho nên cả hai luồng xe vượt đèn đỏ, đèn xanh này dù muốn đi nhanh, thành ra vẫn bị đi chậm, vì vẫn phải chờ nhau, nếu không thì sẽ đâm vào nhau.

Ai cũng thấy sự vượt đèn đỏ-đèn xanh này là vô nghĩa, không giúp cho họ đi nhanh được, nhưng người ở Hà Nội vẫn đi như vậy, không sửa gì cả. Và cảnh sát giao thông thì rõ ràng là bó tay, vì không thể làm gì trước cả rừng xe đi bát nháo chí khươn đó.

Và khi phía đèn đỏ đã dừng cả lại rồi, thì vẫn có những người cố tình vượt đèn đỏ, ngang nhiên chạy vù vù qua mặt mình. Thế cho nên đi lại trên đường ở Hà Nội, chớ bao giờ ỉ lại rằng mình đang ở phía đèn xanh, mình có quyền đi.

Chớ bao giờ nghĩ như thế. Mà hãy luôn cẩn thận rằng ở Hà Nội, đèn xanh chưa chắc đã bảo đảm cho bạn được đi an toàn đâu.

Và không phải chỉ ở ngã tư Lê Duẩn-Đại Cồ Việt đó đâu, mà ở bất kỳ ngã tư, ngã ba có đèn giao thông nào ở Hà Nội, cũng đều có hiện tượng đèn chưa xanh đã đi, đèn đã đỏ chưa dừng.

Thứ ba là cướp đường để rẽ trái, rẽ phải, hoặc đi vượt lên.

Luật giao thông qui định rất rõ là người rẽ trái, rẽ phải thì phải nhường đường cho người đi thẳng. Bạn muốn rẽ trái, rẽ phải, phải chờ xe đi ngược lại mà đi thẳng được đi trước, sau đó bạn mới được rẽ.

Nhưng không, hầu hết người ta cướp đường của nhau. Người rẽ sẽ cố nhấn ga đi vượt lên trước, và rẽ, cắt ngang ngay qua đầu xe của xe đi ngược lại.

Còn với xe đi cùng chiều, thì xe đi sau mà muốn rẽ, theo luật giao thông, phải chờ cho xe đi trước đi qua chỗ rẽ trước, sau đó xe đi sau mà muốn rẽ sẽ rẽ sau.

Nhưng không. Người đi xe phía sau mà muốn rẽ, thường nhấn ga phóng vượt lên, và rẽ xe ngay phía trước đầu xe của xe đi trước, khiến cho xe kia phải phanh gấp dừng lại để tránh bị va vào đầu xe.

Tôi đã bị vượt cắt ngang đầu xe không biết bao nhiêu lần, rất nguy hiểm. Nên mỗi khi đi đến ngã ba, ngã tư, và nói chung đi trên đường, tôi luôn phải chú ý xe đi phía sau, bởi vì tôi có thể bị tạt ngang đầu xe bất cứ lúc nào.

Thứ tư, là không nhường đường cho người đi bộ.

Luật giao thông nói rằng mọi xe cộ phải nhường đường cho người đi bộ, nhất là khi người đi bộ đi ngang qua đường ở nơi có vạch trắng cho người đi bộ.

Nhưng không, bạn chớ có quá tự tin vào quyền ưu tiên của mình.

Tôi đã rất nhiều lần đi bộ qua đường, khi có đèn xanh, nhưng vẫn có rất nhiều xe vượt đèn đỏ chặn ngay đường mình, khiến tôi phải dừng lại, nhường quyền ưu tiên cho xe vượt đèn đỏ kia.

Đôi lúc tôi vừa đi qua đường, vừa chỉ tay vào cái đèn đỏ để cho mấy người định vượt đèn đỏ phải chú ý, đừng có vượt đèn đỏ để mà đâm vào tôi. Nhưng mà vẫn có vài xe chẳng coi cái điệu bộ chỉ tay ngớ ngẩn của tôi là cái đinh rỉ gì ả.

Thứ năm, là dùng còi quá nhiều

Tôi lái xe máy, xe ô tô đã nhiều năm, không bao giờ dùng còi. Bấm còi có nghĩa là mình muốn báo động nguy hiểm, hoặc muốn vượt đi trước.

Tôi không gây nguy hiểm cho ai cả, và không bao giờ muốn vượt đi trước. Mỗi khi cầm tay lái là xác định lái xe thong thả, không đi đâu mà vội, mà có vội cũng chẳng được.

Cái vụ tai nạn giao thông liên hoàn gần đây ở ngoại thành Hà Nội cho thấy muốn vội lại mang đến hậu quả ngược lại, vừa bị tai nạn giao thông cho mình, vừa gây thương vong và tử vong cho người khác, vừa bị xử lý lôi thôi, phải mất hàng năm trời nữa.

Thế thì vội vài phút để làm gì?

Thế nhưng có nhiều người Hà Nội vẫn có vẻ luôn luôn vội vã, luôn bấm còi xe inh ỏi để vượt đường. Đường đang bị tắc, xe cộ nhích lên từng tý một, thế mà mấy anh chàng vội vã kia cứ bấm còi inh ỏi từ phía sau để đòi vượt lên. Vâng, xin mời vượt lên trước đi, có vượt được không? Có chỗ đâu mà vượt? xe cộ đỗ kín mặt đường thế kia, con gà cũng khó mà có chỗ đứng, thế thì lấy đâu ra chỗ mà vượt, mà bấm còi?

Người Sài Gòn, Đà Nẵng ít dùng còi hơn người Hà Nội nhiều.

Một cô gái quê ở Đà Nẵng nhưng đang sống và làm việc ở Hà Nội nói với tôi là “người Đà Nẵng chúng em chất phác, hiền lành hơn người Hà Nội ạ”.

Tôi nghĩ có lẽ đúng. Chỉ riêng khoản bấm còi xe cộ inh ỏi cho thấy người Hà Nội chúng ta vui vẻ hơn người Đà Nẵng.

Xem điện thoại, và gọi điện thoại khi đang lái xe.

Tôi chưa bao giờ xem điện thoại, hay nghe điện thoại khi đang lái xe. Làm điều đó thật là nguy hiểm.

Mỗi khi thấy ai đó đang vừa xem điện thoại, tìm đường, vừa lái xe máy, xe ô tô, tôi lại thán phục sát đất. Sao người kia giỏi thế?

Nhưng cái giỏi đó chứa đầy sự nguy hiểm. Đã có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân là vừa lái xe, vừa gọi điện thoại, hoặc xem điện thoại.

Thế nhưng Việt Nam ta là một đất nước thật là thoải mái. Ở nước ngoài, lỗi vi phạm vừa lái xe, vừa gọi điện thoại, hoặc xem điện thoại là bị phạt nặng nhất, thường là bị phạt trăm đô-la, và bị bấm lỗ bằng lái xe, thậm chí bị tước bằng lái xe. Nhưng ở Việt Nam ta, ở Hà Nội, tôi chưa nhìn thấy trường hợp nào vừa xem điện thoại, vừa lái xe mà bị xử lý gì cả.

Mặc dù vậy, vẫn đang ngày càng có nhiều người Hà Nội tôn trọng luật giao thông, ngày càng nhiều lên.

Tôi nói mấy chuyện giao thông bát nháo chí khươn ở trên ở Hà Nội, không có nghĩa là vơ đũa cả nắm.

Đang ngày càng có nhiều người ở Hà Nội tôn trọng luật giao thông. Phần lớn người tham gia giao thông đều dừng xe khi có đèn đỏ, không tạt ngang tạt ngửa cắt đầu xe, khi rẽ xe có bật đèn xi-nhan,,.

Số người tự giác tôn trọng luật giao thông ở Hà Nội đang ngày càng tăng lên.

Hôm qua, khi tôi đi xe máy trên đường, thấy 1 chị phụ nữ đi xe máy định vượt qua đường phía trước mũi xe của tôi, tôi đi chậm lại để định nhường đường cho chị ấy đi qua trước, nhưng không, chị ấy dừng xe lại chờ tôi đi qua, rồi mới cho xe chạy qua đường.

Những người tôn trọng luật lệ giao thông, có ý thức giao thông như chị ấy đang nhiều lên.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.