Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nói gì đến cộng sản

W.Minh Tuấn

Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay soạn thảo năm 1945, có sự tham khảo ý kiến của 2 nhân viên tình báo Mỹ OSS, đã thể hiện đầy đủ nhất, giá trị nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất toàn bộ hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cách đây 68 năm, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều đặc sắc trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam, là Bác Hồ đã đặt tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chứ không đặt tên nước là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, Bác Hồ đã 2 lần gọi tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và một lần nói đến chế độ Dân chủ Cộng hòa của nước Việt Nam.

Và Bác Hồ đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1789.

Có lẽ trên thế giới, không có quốc gia nào mà bản Tuyên ngôn độc lập của nước mình lại trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, và Tuyên ngôn nhân quyền của nước Pháp như Bác Hồ đã làm với bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam ta.

Bởi vì với Bác Hồ, cái gì hay của thế giới, thì ta phải mạnh dạn học hỏi, chứ đừng dấu dốt, đừng tự vỗ ngực cho mình là hay nhất, đừng giáo điều cộng sản, chỉ cho rằng lí thuyết cộng sản là nhất thế giới, không lí thuyết nào bằng.

Đặc biệt, Bác Hồ là vị lãnh đạo duy nhất của Đảng ta đã từng sống ở nước ngoài tới 30 năm, Bác đã sống ở Pháp khoảng 10 năm, đã sống ở Mỹ, ở Anh, ở Liên Xô, ở Trung Quốc,,,.Bác lại biết nhiều ngoại ngữ, cả tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,,,.Bởi vậy Bác có thể so sánh cái hay, cái dở của các thể chế, các quốc gia.

Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã được Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua ngày mồng 4 tháng 7 năm 1776. Từ đó, ngày mồng 4 tháng 7 được coi là ngày Quốc khánh của nước Mỹ. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ do ông Thomas Jefferson chủ trì soạn thảo.

Ông Jefferson sinh năm 1743, là một luật sư nổi tiếng ở Mỹ. Ông thuộc những người chống đối lại sự thống trị của Anh đối với các thuộc địa trên đất Mỹ. Ông là người đại diện cho bang Virginia, là bang có ảnh hưởng nhất nước Mỹ thời đó, và là luật sư có nhiều kinh nghiệm, và rất hùng biện, nên được Hội nghị Continental cử soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập cho nước Mỹ non trẻ.

Ông Jefferson đã viết bản Tuyên ngôn độc lập “theo một cách diễn đạt thật giản đơn nhưng kiên quyết, để kêu gọi mọi người đồng tâm nhất trí, và thấy được việc chúng ta đứng lên giành độc lập là điều bắt buộc và hoàn toàn đúng đắn,,,”.

Bác Hồ đã trích dẫn một đoạn ngắn trong phần dưới đây, tôi gạch đậm,  của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, để đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ: “Chúng tôi tin tưởng ở những chân lý tự thân, rằng tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để bảo đảm những quyền ấy, chính quyền phải do nhân dân lập ra, quyền lực của chính quyền ấy phải được nhân dân chấp thuận, và khi bất kỳ một hình thức chính quyền nào đã trở nên gây tác hại cho các mục đích ấy, thì khi đó, chính nhân dân sẽ thay đổi hay xóa bỏ nó, và sẽ thành lập một chính quyền mới, đặt chính quyền mới đó trên cơ sở các nguyên tắc nào, tổ chức quyền lực cho nó theo những hình thức nào, để có thể có tác dụng tốt nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của họ.”

Bác Hồ đã trích dẫn phần gạch đậm nêu trên, là phần đặc sắc nhất trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.

Ông Jefferson sau đó đã trở thành vị Tổng thống thứ ba của nước Mỹ. Và cũng thật là sự trùng hợp kỳ lạ, ông Tổng thống Jefferson, người viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, đã mất đúng vào ngày độc lập của nước Mỹ, ông mất ngày mồng 4 tháng 7 năm 1826.

Và Bác Hồ, người viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng mất vào ngày độc lập của nước Việt Nam, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969.

Thời điểm tháng 8 năm 1945 là một thời điểm vô cùng may mắn cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Người Pháp thống trị nước ta gần một thế kỷ, nhưng đến ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, quân Pháp bị quân Nhật đảo chính, cướp quyền cai trị nước ta từ tay quân Pháp.

Nhưng tháng 8 năm 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki của Nhật, khiến Nhật phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng, lực lượng nước ngoài chiếm đóng nước ta không còn. Đó chính là điều kiện lịch sử tối quan trọng, một thời điểm có “khoảng trống quyền lực”, lực lượng Việt Minh nhanh chóng chớp thời cơ “ngàn năm có một” đó, lãnh đạo Cách mạng Tháng 8 giành chính quyền thành công.

Nếu không có 2 quả bom nguyên tử, nếu Nhật không đầu hàng, thì chắc chắn cuộc “Cách mạng Tháng 8” của nhân dân ta không thể đơn giản.

Chính vì vậy, trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta, Bác Hồ đã viết Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.

Đơn giản là khi Nhật đầu hàng, nhân dân và lực lượng Việt Minh đã tràn vào các công sở nhà nước không có người cai quản, và tự lập nên chính quyền nhân dân.

Rất có thể Bác Hồ đã nhận thấy cuộc đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ thoát khỏi sự cai trị của Anh cũng gian khổ như cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta chống lại người Pháp.

Và nhất là nội dung bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ rất tiến bộ, rất phù hợp với việc xây dựng một nhà nước dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân dân mà nhân dân ta mong muốn xây dựng.

Và hơn nữa, nước Mỹ là nước hùng mạnh nhất thế giới, nên Bác Hồ muốn học tập một nước hùng mạnh nhất thế giới đó. Bởi vì với bản Tuyên ngôn nhân quyền của ông Tổng thống Jefferson đó, nước Mỹ đã trở nên hùng mạnhh nhất thế giới, thì người Việt Nam ta cũng có một ước mơ vĩ đại, là xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh sánh vai được với các cường quốc trên thế giới.

Có lẽ bởi vậy Bác Hồ đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập đó của nước Mỹ.

Sau khi trích dẫn bàn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Bác Hồ đã trích dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp.

Có lẽ là vì Bác Hồ rất hiểu nước Pháp, rất hiểu giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789.

Nước Pháp tuy thống trị nước ta, nhưng những giá trị của cuộc Cách mạng tư sản Pháp, lật đổ chế độ phong kiến, những giá trị của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp có tác dụng to lớn đến sự phát triển chế độ dân chủ, tự do chung trên toàn thế giới.

Và nước Pháp với nền văn hóa Pháp, giáo dục Pháp là những giá trị văn hóa đáng được học tập.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp do hầu tước Marquis Lafayette soạn thảo.

Hầu tước Lafayette là một nhà cách mạng có công cho cả nước Mỹ và nước Pháp.

Năm 1777, ông đã tự mộ quân lính, đưa sang Mỹ để giúp nhân dân Mỹ chiến đấu giành độc lập từ nước Anh. Sau đó ông trở lại Pháp. Trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, ông là Tư lệnh lực lượng vệ binh quốc gia, và ông đã soạn thảo bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp.

Sau đó Tuyên ngôn này đã được Quốc hội Pháp phê chuẩn.

Điều 1 và điều 2 của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp nêu như sau: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi. Sự khác biệt xã hội chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích chung.

Mục đích của mọi tổ chức chính trị là việc bảo toàn các nguồn lợi thiên nhiên và bảo toàn các quyền con người không thể bị tước bỏ.

Các quyền đó là tự do, tài sản, sự an toàn, và quyền được chống lại mọi sự áp bức”.

Bác Hồ đã trích đoạn gạch đậm nêu trên.

Người dân Mỹ nhớ đến ông Jefferson nhiều hơn về việc ông là người viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ cho nước Mỹ, chứ không phải với tư cách là Tổng thống thứ ba của nước Mỹ.

Trong suốt gần 300 năm nay, nước Mỹ luôn luôn phấn đấu, không phải lúc nào cũng hoàn hảo, để tuân thủ ngày càng tốt hơn các giá trị nhân quyền nêu trong bản Tuyên ngôn độc lập của mình.

Và tên tuổi của Hầu tước Lafayette luôn gắn liền với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cảu Pháp, chứ không phải về các sự nghiệp quân sự của ông.

Nhờ ngày càng thực hiện tốt các giá trị nhân quyền và dân quyền ấy, mà cả nước Pháp và nước Mỹ đã đạt được sự phát triển như ngày nay, đứng trong số các nước hàng đầu thế giới về sự thịnh vượng, giàu có, và chỉ số phát triển con người.

Trong bản Tuyên Ngôn độc lập của nước Việt Nam ta,  Bác Hồ không đặt tên nước ta là nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa như hiện nay, mà Bác Hồ đặt tên nước là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ 2, Bác Hồ cũng đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, chứ không đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì sao? Xin các nhà nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh hãy giải thích.

Trong Di chúc của Bác Hồ, Bác cũng không hề nói là sau khi đất nước thống nhất, chiến tranh kết thúc, hãy đổi tên nước và đổi tên Đảng sang như ngày nay.

Sau khi trích dẫn hai bản Tuyên ngôn bất hủ trên của nước Mỹ và nước Pháp, Bác Hồ đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là:

-Tất cả những quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc đó của nhân dân “ là những lẽ phải không ai chối cãi được”. 

Nước Mỹ, nước Pháp viết trong bản Tuyên ngôn độc lập và Tuyên ngôn nhân quyền, và họ cố gắng thực hiện, không phải lúc nào cũng tốt, nhưng họ luôn luôn hướng tới các mục tiêu đó.

Còn nước Việt Nam ta chưa thực hiện được tốt các nguyên tắc bất hủ của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đó là điều khác biệt cơ bản giữa nước Việt Nam ta với nước Mỹ và nước Pháp.

Bởi vậy nhân dân ta vẫn chưa thể sung sướng, hạnh phúc như nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp.

Nước ta vẫn chưa thể hùng mạnh, “sánh vai được với các cường quốc năm Châu” như Bác Hồ mong muốn.///

Nguyên văn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa

 

“Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông – Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa.

Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.