Báo chí dũng cảm giúp Đảng. Báo chí hèn nhát hại Đảng

W.Minh Tuấn

Năm 1986, Đảng ta bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới. Năm 1987, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viết những bài báo ngắn “Những việc cần làm ngay”, đăng trên báo Nhân Dân.

Có thể nói, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất hiểu sức mạnh của báo chí, nên mặc dù là người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn phải sử dụng đến công cụ báo chí để tác động đến bộ máy Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, để bộ máy đó làm đúng chức năng của mình, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Khi đó, năm 1987, tôi là phóng viên báo Đại Đoàn Kết. Tôi và nhóm phóng viên được đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch giao làm loạt phóng sự điều tra về vụ tiêu cực ở xã Đồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng, nay là tỉnh Hưng Yên.

Nhóm phóng viên gồm Trưởng ban Đăng Ngọc, Ủy viên Ban Biên tập Lê Văn Ba, và một cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Trung ương, được Chủ tịch Mặt trận Trung ương, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ điều về tăng cường cho báo Đại Đoàn kết làm vụ điều tra này, là anh Phạm Văn Hoạt, quê ở gần xã Đồng Tiến, và tôi, phóng viên Minh Tuấn.

Sau 6 tháng bí mật điều tra vất vả lấy tài liệu, chứng cứ, chúng tôi đã viết loạt phóng sự điều tra “Sự thật ở xã Đồng Tiến”.

Lập tức, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có bài viết “Những việc cần làm ngay”, đăng trên báo Nhân Dân, ủng hộ báo Đại Đoàn kết của chúng tôi.

Sau đó, cũng phải ròng rã gần một năm trời nữa, đến đầu năm 1988, sự việc mới được kết luận làm rõ, báo Đại Đoàn kết đúng, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến sai, và người bao che cho ông Bí thư xã này, là ông Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Bình mất chức.

Trong vụ Đồng Tiến này, một số chiến sỹ công an thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hải Hưng đã bí mật giúp chúng tôi lấy nhiều tài liệu quan trọng về những tiêu cực của xã Đồng Tiến này.

Không ai dám giúp chúng tôi công khai, vì Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng là người trực tiếp bao che, ủng hộ ông Bí thư xã. Ông Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Bình khi đó bao che cho xã Đồng Tiến không phải vì ông ấy có lợi lộc gì ở xã này, mà chỉ vì ông ấy không muốn tỉnh Hải Hưng bị mất mặt, vì ông ấy còn muốn lên cao nữa.

Thật đáng tiếc chỉ vì quan lieu, nên ông bí thư Tỉnh ủy ấy bị mất chức sau vụ Đồng Tiến, cùng với ông Bí thư xã.

Tôi và nhóm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã nhận được Giải nhất Hội nhà báo Việt Nam về vụ Đồng Tiến này.

Trong vụ việc này, đồng chí Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, đã được Bộ Chính trị cử về làm Chủ tọa cuộc họp giữa Mặt Trận Tổ quốc Trung ương, báo Đại Đoàn Kết, và lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, để dàn xếp vụ việc.

Đây là một ví dụ cho thấy báo chí dũng cảm đã giúp Đảng làm trong sách bộ máy Đảng từ Trung ương đến địa phương.

Cũng trong thời gian năm 1987-1988 đó, các báo bạn như Tiền Phong, Tuần Tin Tức, Lao Động,,,tập trung làm các phóng sự điều tra về các vụ tiêu cực của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Hà Trọng Hòa. Khi đó, một đồng chí công an dũng cảm cũng bí mật giúp báo chí, là Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Hoàng Ngọc Nhất. Đồng chí Hoàng Ngọc Nhất sau này được điều lên Bộ Công an, làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Bộ Công an.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Trọng Hòa sau vụ này cũng bị mất chức.

Năm 1999, tôi làm phóng sự điều tra về vụ Thủy Cung Thăng Long. Nhờ phóng sự điều tra đó, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã cho cách chức Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc vì liên quan trách nhiệm trong vụ này.

Tôi đã nhận được Giải nhì Hội Nhà báo Việt Nam về vụ Thủy Cung Thăng Long này.

Còn rất nhiều ví dụ cho thấy báo chí dũng cảm đã giúp Đảng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước như thế nào.

Đến Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam năm 2009, 2010, thì ngược lại, báo chí hèn nhát đã làm hại Đảng và Nhà nước ta, và làm thiệt hại không tài nào kể xiết trong việc đánh gục Dự án được sắt cao tốc Bắc-Nam vô cùng ích nước lợi nhà này.

Tôi xin thôi việc ở báo Đại Đoàn Kết năm 2000, và cuối năm đó, tôi sang Nhật định cư, làm giảng viên dạy tiếng Việt ở trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, và một vài trường đại học khác ở Nhật.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn viết báo, gửi về cho vài báo chí trong nước, nhất là cho báo Dân Trí của anh Phạm Huy Hoàn.

Vì sống ở Nhật, nên tôi nắm được thông tin là rất nhiều các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta sang thăm Nhật, đã đề nghị Chính phủ Nhật giúp Việt Nam ta làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Đây là một dự án có lợi ích lâu dài cho cả dân tộc Việt Nam cho hàng nhiều trăm năm.

Phía Nhật sau khi cân nhắc nhiều lẽ, và nghiên cứu các điều kiện khả thi ở Việt Nam, đã đồng ý.

Tôi cũng biết Tổng tống Nga Putin khi sang thăm Nhật, cũng đã đề nghị phía Nhật giúp Nga làm đường sắt cao tốc Shinkansen xuyên Siberi, nhưng phía Nhật chưa đồng ý, đến nay cũng vẫn chưa đồng ý, vì phía Nhật còn chờ phía Nga giải quyết vụ 4 đảo Kurin như thế nào.

Và nhất là bây giờ có chiến tranh Ukraine, thì chắc chắn phía Nhật còn lâu mới giúp Nga làm đường sắt cao tốc xuyên Siberi.

Phía Trung Quốc cũng đã từng đề nghị Nhật Bản trao toàn bộ bí quyết công nghệ làm đường sắt cao tốc cho Trung Quốc, nhưng Nhật Bản chỉ trao một phần.

Hiện nay Trung Quốc đã thành công làm đường sắt cao tốc, và còn xuất khẩu dự án ra nước ngoài, nhưng so với công nghệ tàu Shinkansen của Nhật Bản, thì công nghệ của Trung Quốc còn thua kém nhiều mặt.

Tôi đã hỏi chuyện vài người Trung Quốc ở Nhật, họ nói ngồi trên tàu cao tốc của Trung Quốc, thấy khá rung lắc, hơi sợ, hoàn toàn không êm ru như tàu Shinkansen của Nhật.

Phía Nhật đồng ý sẽ chuyển giao toàn bộ bí quyết công nghệ tàu Shinkansen êm ru, an toàn, hiện đại, cùng với hệ thống quản lý, điều hành, bán vé hiện đại của Nhật cho Việt Nam.

Phía Nhật hoàn toàn không lo lắng về khả năng vốn đối ứng của Việt Nam, cũng như năng lực thi công, quản lý, điều hành của Việt Nam.

Phía Nhật chỉ lo lắng một điều duy nhất là: Ý thức đi tàu của người Việt Nam ta.

Thế nhưng phía Nhật cũng nói là ý thức của người dân đi tàu sẽ dần dần được thay đổi theo thời gian.

Tại Kỳ họp Quốc hội đầu năm 2009, tôi đọc báo chí trong nước, thấy đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ, đệ trình dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã nói rất tự tin trước Quốc hội “Đường sắt cao tốc Bắc Nam không thể không làm”, và Chính phủ đã tính toán mọi phương án trả nợ, sẽ trả nợ được.

Thế nhưng có một điều cực kỳ kỳ lạ, là toàn bộ báo chí trong nước khi đó xúm vào đánh Dự án đường sắt cao tốc, cho là xa xỉ, là tốn kém, là không thể trả nợ được,,,.

Tôi còn nhớ có ý kiến của một đại biểu Quốc hội, lấy nhà máy bia ra để so sánh dự án đướng sắt cao tốc, rằng nhà máy bia chỉ 5 năm là thu hồi vốn, còn đường sát cao tốc phải hàng trăm năm.

Ô hay, một dân tộc đã anh hùng thắng Tống, thắng Nguyên, thắng Minh, thắng Thanh, thắng Pháp, thắng Mỹ, thắng Polpot, thắng Tàu, mà nay lại hèn nhát sợ làm đường sắt cao tốc, sợ không trả được nợ, và nhất là cho là dự án đường sắt quá xa sỉ.

Sao, người Việt Nam ta không xứng đáng được hưởng cuộc sống sang trọng hay sao? Cứ buôn thúng bán mẹt, con trâu đi trước, cái cày đi sau mãi sao?

Hãy nhìn các con tàu đường sắt Việt Nam ngày nay mà xem, khi nó đi qua công viên Thống Nhất-Hà Nội, thấy nó cổ lỗ sỹ, bẩn thỉu, nhếch nhác như thế nao.

Người Pháp cách đây gần 100 năm, khi làm đường sắt Việt Nam, nếu cũng có tính toán hèn nhát, thiển cận như thế, thì làm sao họ dám làm đường sắt, và bây giờ, người Việt Nam ta làm gì có đường sắt mà dùng?

Người Nhật khi đồng ý cho ta vay vốn ODA, để làm dự án này, họ đâu có ngặt nghèo gì về chuyện trả nợ đâu.

Tôi còn nhớ anh Phạm Văn Miên, vào năm 2006, khi đó còn là Phó Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân (sau đó, anh Phạm Văn Miên đã là Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân rồi), được sang Nhật công tác.

Từ khách sạn ở Tokyo, anh Miên gọi điện đến nhà tôi ở Tokyo, nói đại khái là “Minh Tuấn ơi, tao buồn quá, từ Tokyo đi Kyoto, chỉ có một số nhà báo được đi tàu Shinkansen, tao không được đi, tao phải đi máy bay”.

Ngày xưa, thời bao cấp, người Việt Nam ta được đi máy bay là sung sướng lắm rồi. Thế mà bây giờ, người Việt Nam ta “không thèm” đi máy bay, mà muốn được đi tàu đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật.

Anh Miên buồn là phải, vì nếu bạn có dịp ngồi lên tàu siêu tốc Shinkansen 250 km/h của Nhật, bạn mới thấy cái sung sướng của đi tàu Shinkansen. Nó êm ru, rộng rãi, đẹp đẽ, sang trọng, an toàn, tiện nghi, và đúng giờ vô cùng.

Diễn viên điện ảnh Mỹ Arnold Alois Schwarzenegger khi còn làm Thị trưởng California, đã sang thăm Nhật, và đã ngồi tàu Shinkansen, và rất thích tàu Shinkansen, và ông muốn làm tàu Shinkansen ở California. Tiếc rằng ông đã thôi chức Thị trưởng, nên dự án Shinkansen ở California đành dừng lại.

Khi đó, đầu năm 2009, tôi đã viết một bài báo, gửi về cho một tờ báo quen ở Hà Nội, ủng hộ làm Dự án, với suy nghĩ rằng nếu có một bài báo nói ngược lại, có thể dư luận nhân dân, Quốc hội, và báo chí sẽ suy nghĩ lại.

Nhưng không, tờ báo đó trả lời tôi là “anh ơi, cả rừng báo đang nói không làm, mà nay anh nói nên làm, thì em sợ lắm, em không dám nói ngược lại đâu ạ.”

Bài báo của tôi không được đăng.

Tôi đã giải thích lại cho báo đó là Bộ Chính trị đã ủng hộ, Chính phủ đã ủng hộ, thì có gì mà sợ hả?

Thế nhưng không một ai dám nói ngược lại.

Thế rồi ngày 19 tháng 6 năm 2010, Quốc hội dũng cảm của ta bỏ phiếu bác bỏ Dự án.

Một tầm nhìn nông cạn như thế, lấy nhà máy bia ra để so sánh Dự án có lợi ích hàng nhiều trăm năm, có ảnh hưởng liên quan đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân, lợi ích đơn kép kể ra hàng nghìn tỷ đô la, chỉ nhìn thấy mấy chục tỷ đôla vay nợ, thì làm sao đất nước “Sánh vai được với các cường quốc năm Châu”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn?

Báo chí hèn nhát đã làm hại Đảng ta, và làm hại dân tộc Việt Nam như thế đấy.

Nếu nước ta có báo chí tư nhân, thì chắc chắn sẽ có những tờ báo tư nhân dũng cảm, tài giỏi ủng hộ Đảng.

Tiếc rằng Đảng ta đến nay vẫn cấm báo chí tư nhân, nên nhiều nhà báo tâm huyết, tài giỏi, muốn ra báo tư nhân để ủng hộ Đảng, thì vẫn không thể ra báo được.

Còn báo chí hèn nhát của Đảng thì hại Đảng.

Người Mỹ đã nói Thế kỷ 20 là thế kỷ của đường ôtô, Thế kỷ 21 là Thế kỷ của đường sắt.

Người Mỹ nói thế là sai.

Thế kỷ 20 là Thế kỷ của rượu bia.

Thế kỷ 21 cũng là Thế kỷ của rượu bia.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.