Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Lê Huy Ngọ và vụ giải cứu 5 tù binh xã ở Thọ Ngọc, Thanh Hóa

W.Minh Tuấn

Năm 1989, có một đoàn nông dân Thanh Hóa đã kéo đến báo Đại Đoàn Kết, trình bày sự việc ở xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân , tỉnh Thanh Hóa. Lúc này, tỉnh Thanh Hóa vừa mới giải quyết xong vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Trọng Hòa, và người được điều về thay là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Đồng chí Lê Huy Ngọ quê Thanh Hóa, nên được Trung ương điều về làm Bí thư tỉnh Thanh Hóa thay ông Hà Trọng Hòa vừa bị kỷ luật. Các báo Tuần Tin Tức, Lao Động, Tiền Phong, và một số báo khác đã có công lớn trong việc phanh phui vụ tiêu cực của ông Hà Trọng Hòa. Khi đó, báo Đại Đoàn Kết chúng tôi đang làm vụ Đồng Tiến-Hải Hưng, nên không thể tham gia vụ Thanh Hóa.

Bây giờ vụ Đồng Tiến đã xong, báo Đại Đoàn Kết trở thành tờ báo mũi nhọn để làm vụ Thọ Ngọc, Thanh Hóa.

Sự việc ở xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, theo khiếu nại, tố cáo của nhân dân Thọ Ngọc tóm tắt như sau:

-nông dân Thọ Ngọc đấu tranh chống lại các khoản thu hà lạm, chống lại các vụ tham nhũng của lãnh đạo xã Thọ Ngọc. Thế nhưng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, và huyện Thọ Xuân đã bao che cho các lãnh đạo sai trái ở xã Thọ Ngọc, đã cử công an về xử lý đàn áp dân, và đã xảy ra xô xát giữa nhân dân và công an, viện kiểm sát.

Kết quả cuộc xô xát là có 2 nông dân bị bắn trọng thương. Còn nông dân bắt làm “tù binh” 3 cảnh sát, và 2 nhân viên Viện kiểm sát huyện, trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Thọ Xuân.

Khi nhóm nông dân xã Thọ Ngọc đến báo Đại đoàn Kết trình bày sự việc, thì vụ xô xát đã xong, nông đân đang bắt giữ 5 “tù binh”, và rào làng chiến đấu, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

2 nông dân bị bắn bị thương đã được đưa ra bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để mổ lấy đạn ra. Nhiều nông dân đi theo đến Hà Nội để canh gác trong bệnh viện Việt Đức. Phía huyện Thọ Xuân, và tỉnh Thanh Hóa đang chuẩn bị đối phó, tìm cách giải thoát 5 “tù binh”.

Sau khi tiếp đoàn nông dân xã Thọ Ngọc, chúng tôi liên hệ với các báo bạn, và các báo bạn đề nghị chúng tôi tổ chức một đoàn nhà báo vào Thanh Hóa để tìm hiểu sự việc.

Tổng Biên tập Ngọc Thạch đồng ý.

Tôi-Minh Tuấn, phóng viên, và nhà báo Lê Văn Ba, Ủy viên Ban biên tập được cử đi Thanh Hóa.

Chiếc xe Commăngca cổ lỗ sĩ của báo Đại Đoàn Kết được sử dụng để chở các nhà báo. Phóng viên báo Nông Dân Việt Nam (hiện nay đã đổi tên là báo Nông Thôn Mới) Trịnh Thạch, bạn thân của tôi, (hiện đang định cư ở Canada), đã đi cùng đoàn chúng tôi. Chiếc xe commăngca đủ sức chở 5 người, nay đã phải chở tới 7 nhà báo từ các báo Quân đội nhân dân-anh Phạm Văn Huấn (nay là Thiếu tướng, Tổng biên tập báo Quân Đội), rồi phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam, Đại Đoàn Kết, Nông dân,,,,Nghĩa là chật ních. Tôi và Trịnh Thạch, hai phóng viên trẻ, phải ngồi phía sau thùng xe, chỗ để lốp xe và đồ lề sửa xe. Nhưng rất vui. Anh Phạm Văn Huấn báo Quân Đội, cũng trẻ như tôi, có nhiệm vụ kể chuyện tiếu lâm cho các nhà báo giải buồn trong suốt mấy tiếng ngồi xe từ Hà Nội vào Thanh Hóa.

Phải nói là nhà báo Phạm Văn Huấn báo Quân đội có tài kể chuyện vui rất hóm hỉnh, đi suốt mấy tiếng mà anh Huấn vẫn chưa kể hết các chuyện vui của anh, khiến tất cả xe cười ròn tan, quên hết mệt nhọc. Khi nào có thời gian, tôi sẽ xin kể lại vài chuyện vui của anh Huấn. Nhưng có lẽ để Thiếu tướng -Tổng biên tập báo Quân đội Phạm Văn Huấn tự kể lại các chuyện tiếu lâm thì hay hơn.

Trở lại vụ Thọ Ngọc, rất may trên đường đi, chẳng có cảnh sát giao thông nào chặn xét hỏi cái xe ô tô cổ lỗ sĩ chở quá tải này. Vào tới tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được Bí thư tỉnh Lê Huy Ngọ tiếp.

Ông Ngọ rất chân tình, thân mật. Ông trình bày tóm tắt ý kiến của ông. Phía công an đang đề nghị sẽ điều một đội cảnh sát đặc biệt đến giải thoát cho 5 người bị bắt làm “tù binh”, sẽ có sự hỗ trợ của cảnh sát đặc biệt từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) vào giúp. Ông Ngọ phản đối kế hoạch này. Nếu làm như vậy, thì có thể 5 “tù binh” sẽ bị nhân dân giết chết, và sẽ có đổ máu lớn, cả phía nông dân, lẫn phía cảnh sát.

Phía quân đội thì từ chối tham gia việc tấn công vào làng, với lý do “đây là nhân dân, không phải kẻ thù”.

Hiện nay nhân dân đang rào làng, kiểm soát mọi sự ra vào xã, chính quyền không thể vào làng, nên chính quyền tỉnh Thanh Hóa không biết tình hình trong xã Thọ Ngọc như thế nào, số phận 5 “tù binh” ra sao.

Nhà báo Lê Văn Ba thay mặt các nhà báo trong đoàn nêu ý kiến là nên để các nhà báo vào Thọ Ngọc trước, nghe nguyện vọng của nhân dân, xem nhân dân đề nghị những gì, từ đó mới có hướng giải quyết. Bí Thư tỉnh ủy Lê Huy Ngọ đồng ý.

Cả đoàn nhà báo được vào nhà khách Tỉnh ủy nghỉ ngơi, hôm sau, chiếc xe commăngca cà khổ của chúng tôi lên đường đến Thọ Ngọc.

Tỉnh Thanh Hóa cho thêm một xe ôtô nữa để chở các nhà báo, cho đỡ chật chội, và có 2 cán bộ của tỉnh Thanh Hóa đi cùng.

Từ xa, chúng tôi nhìn thấy một cái làng to, im lìm, có các bụi tre xanh ngắt bao quanh, nằm giữa cánh đồng lúa chín vàng, đẹp như trong tranh.

Chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua cánh đồng dẫn tới làng. Đó là xã Thọ Ngọc. Cổng làng có đặt một barie bằng tre. Mấy thanh niên đứng gác. Chúng tôi trình Thẻ nhà báo, và được vào. 2 cán bộ của tỉnh Thanh Hóa đi theo chúng tôi không có Thẻ nhà báo, nên không được vào làng. Họ lo lắng ngồi ngoài, phía sau barie, chờ chúng tôi ra.

Đây là một cái làng rất đẹp, trong làng đường đi rộng, nhà cửa khang trang, có vẻ là một làng trù phú. Chính quyền xã do Nhà nước cử ra đã bị tê liệt. Nhân dân tự bầu ra ban lãnh đạo lâm thời để điều hành các công việc của xã. Hầu hết ban lãnh đạo lâm thời là các cựu chiến binh, đã kinh qua nhiều trận mạc trong chiến tranh Việt Nam chống Mỹ, chiến tranh chống Polpot ở Campuchia, chiến tranh biên giới phía Bắc chống bành trướng. Một số người là đặc công.

Bây giờ các cựu chiến binh này dùng các kiến thức chiến đấu xưa để huấn luyện cho thanh niên trong xã, để chuẩn bị đối phó nếu bị tấn công. Các loại vũ khí thô sơ của chiến tranh du kích được sử dụng, dao, giáo, mác, gậy, đòn gánh, chông tre,,,.Ngoài ra, còn có một kế hoạch cuối cùng nữa, là nếu bị tấn công áp đảo, nhân dân sẽ rải rơm ra khắp làng, tưới xăng, đốt làng, tử thủ chiến đấu, như ngày xưa chống Pháp, chứ nhất định không đầu hàng.

Tôi đoán nếu cảnh sát tấn công vào làng, thì phần thua sẽ thuộc về cảnh sát.

Khi vào trong làng, chúng tôi gặp anh Xuân Ba, cây viết phóng sự nổi tiếng của báo Tiền Phong, quê Thanh Hóa, đã tự vào Thọ Ngọc từ trước.

Anh là “thổ công” ở đây.

Cán bộ chỉ huy lâm thời của dân tiếp chúng tôi trong một nhà dân rộng. Phía ngoài sân, nông dân tập trung rất đông, nhưng rất trật tự.

Các nhà báo và dân là bạn của nhau.

Tôi và Trịnh Thạch-báo Nông Dân, và một phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam được phân công tiếp chuyện nông dân ở ngoài sân, còn các nhà báo khác tiếp chuyện Ban lãnh đạo lâm thời của xã ở trong nhà lớn.

Trẻ con tò mò nhìn 2 chiếc máy ảnh của tôi và Trịnh Thạch.

Nguyện vọng của nhân dân rất đơn giản. Họ đề nghị tỉnh xử lý nghiêm những cán bộ xã tham nhũng, yêu cầu giảm các khoản đóng góp vô lý,,,.

Tôi thấy tất cả các đề nghị này đều là chính đáng.

Sau đó chúng tôi được dẫn đi thăm 5 “tù binh”. 5 người này được giữ ở các địa điểm khác nhau, mỗi người bị giam giữ 1 nơi, nay được dẫn đến một nơi để gặp nhà báo. Họ được ăn uống đầy đủ, nhưng tinh thần có vẻ suy sụp, thiểu não. Họ đứng hàng ngang, đầu cúi gằm để chúng tôi chụp ảnh, hỏi họ tên, trông hết cả nhuệ khí của công an và kiểm sát viên.

Chúng tôi chụp ảnh họ, ghi lại tên tuổi, địa chỉ từng người.

Phía ngoài sân, nông dân trưng bày các vũ khí, phương tiện của cảnh sát trong vụ tấn công vào làng. Đó là dùi cui, súng, loa pin, mũ cảnh sát, còng số 8,,,.Cảnh sát khi bỏ chạy đã vứt lại những thứ này.

Đoàn nhà báo chúng tôi rời Thọ Ngọc về thị xã Thanh Hóa trong ngày. Bí thư tỉnh ủy Lê Huy Ngọ lại tiếp chúng tôi. Ông chăm chú lắng nghe ý kiến của chúng tôi, và cuối cùng chấp nhận các điều kiện mà nhân dân Thọ Ngọc đề nghị.

Tỉnh Thanh Hóa tiến hành mọi công việc chuẩn bị.

Sáng sớm hôm sau, đoàn nhà báo chúng tôi lại về Thọ Ngọc, đi cùng với các đại diện của tỉnh Thanh Hóa, do một Phó chủ tịch tỉnh dẫn đầu.

Lần này, tất cả đoàn được phép vào làng.

Ông Phó chủ tịch tỉnh cùng đại diện của dân soạn thảo một văn kiện ghi nhận các ý kiến đề nghị của dân, làm điều kiện để dân thả 5 “tù binh”.

Trời tối mịt, mọi thủ tục trao trả “tù binh” mới hoàn tất.

Tôi ngồi trên chiếc xe ôtô đầu tiên, chiếc xe commăngca cổ lỗ sĩ của báo Đại Đoàn Kết. Một tù binh-cảnh sát ngồi cạnh tôi. Tôi giơ cao chiếc máy ảnh để mọi người dân biết tôi là nhà báo. Chiếc xe ôtô len chầm chậm qua dòng người đông nghịt đứng 2 bên đường làng. Người cảnh sát ngồi cạnh tôi nói nhỏ với tôi là hôm qua, khi chúng tôi đến thăm họ, khi chúng tôi ra về, anh chỉ muốn được về cùng chúng tôi. Vì anh nghĩ là nếu tỉnh Thanh Hóa chọn phương án tấn công vào làng để giải thoát họ, thì chắc họ sẽ bị giết chết, và chuyến thăm đó của chúng tôi có thể là chuyến thăm cuối cùng.

Gần nửa đêm, chúng tôi về tới thị xã Thanh Hóa. Bí thư tỉnh ủy Lê Huy Ngọ, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc công an tỉnh, và các quan chức lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vẫn chờ chúng tôi, chưa ăn cơm.

Chúng tôi đói mèm, và họ cũng đói mèm. Chúng tôi rất vui vì đã giúp được tỉnh Thanh Hóa giải quyết được một việc khó khăn, giải thoát được 5 “tù binh”, và giúp nhân dân Thọ Ngọc thực hiện được các ý nguyện của mình.

Hôm đó hầu hết chúng tôi đều uống rượu, bia say túy lúy, nhất là Xuân Ba, phóng viên báo Tiền Phong.

Bí thư tỉnh ủy Lê Huy Ngọ thay mặt tỉnh Thanh Hóa cảm ơn chúng tôi, và hứa sẽ chỉ đạo kết luận nghiêm túc các vụ tiêu cực ở Thọ Ngọc mà nhân dân đã tố cáo.

Bây giờ, tôi muốn nói một chút về đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ.

Khi đồng chí Lê Huy Ngọ còn làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, tôi đã vài lần đi Phú Thọ phỏng vấn ông. Đấy là một người rất dản dị, đức độ, liêm khiết, được nhân dân yêu mến. Khi ông về Thanh Hóa, tôi lại gặp ông trong vụ Thọ Ngọc. Cách giải quyết vụ Thọ Ngọc cho thấy ông Lê Huy Ngọ lựa chọn cách giải quyết an toàn, và có lợi cho dân, và có lợi cho đảng, Nhà nước.

Sau đó, đồng chí Lê Huy Ngọ được điều lên Trung ương, làm phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Hình ảnh đậm nét nhất của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ là khi có bão lụt, ông đã đi khắp mọi nơi để cùng đồng bào khắc phục hậu quả bão lụt.

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ khác hẳn hình ảnh vài vị lãnh đạo khác khi đi thăm đồng bào bị lũ lụt, đã cười tươi vui vẻ để tạo dáng cho ống kính camera của nhà báo.

Rồi đến vụ dịch cúm gà, ông Bộ trưởng Lê Huy Ngọ lại lăn lộn cùng nông dân giải quyết mọi hậu quả của nạn dịch. Không có một Bộ trưởng nông nghiệp nào tận tụy với nông dân như ông Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Rồi vụ Lã Thị Kim Oanh xảy ra, 2 thứ trưởng Bộ nông nghiệp bị liên đới.

Và đầu tháng 5 năm 2004, tại kỳ họp quốc hội thứ 5, Quốc hội khóa 12, ông Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã dũng cảm làm đơn xin từ chức Bộ trưởng để nhận trách nhiệm trong vụ Lã Thị Kim Oanh.

Có thể nói đồng chí Lê Huy Ngọ là Bộ trưởng đầu tiên ở Việt Nam ta dám xin từ chức để nhận trách nhiệm về mình về các sai phạm của cấp dưới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ là một người đáng kính, đáng để cho nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam ta học tập.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.