Chống tham nhũng phải đi đôi với cải cách thể chế, và cải cách tiền lương, nếu không thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

W.Minh Tuan

Ngày 18 tháng 1 năm 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vì liên quan đến tham nhũng.

Ngày 21 tháng 3 năm 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức vì liên quan đến tham nhũng.

Ngày 2 tháng 5 năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức cũng vì liên quan đến tham nhũng.

Lần đầu tiên trong lịch sử đảng cộng sản Việt nam, kể từ khi đảng thành lập ngày mồng 3 tháng 2 năm 1930, đến khi đảng lên nắm quyền lãnh đạo đất nước ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, đến nay, năm 2024, lần đầu tiên có tới 3 vị lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và Nhà nước phải từ chức, bị kỷ luật, vì liên quan đến tham nhũng.

Điều phấn khởi là công cuộc chống tham nhũng trong đảng là “không có vùng cấm”, như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Nhưng có tới 3 quan chức thuộc hàng cao cấp nhất của đảng và Nhà nước bị cách chức vì liên quan đến tham nhũng, trong thời gian chưa đầy 1 năm, cũng cho thấy tình hình tham nhũng trong bộ máy đảng và Nhà nước hiện nay là rất đáng lo ngại.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Trong lực lượng công an, là cơ quan bảo vệ an toàn xã hội, cơ quan chống tham nhũng, mà cán bộ công an cao cấp cũng tham nhũng, nào thượng tướng, nào trung tướng, nào thiếu tướng, cũng đã bị bắt giam, bị xử lý hàng loạt.

Xử lý nghiêm cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng là việc làm cần thiết. Nhưng cũng cần phải đi đôi với sửa đổi thể chế, đổi mới công tác xây dựng đảng, đổi mới công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, và phải cải cách tiền lương, thì mới có thể chống tham nhũng có hiệu quả, và chống tham nhũng từ cái gốc sinh ra tham nhũng.

Vì sao vừa mới bổ nhiệm cán bộ, lại bị cách chức ngay? Từ là công tác lựa chọn cán bộ có sai lầm.

Vì sao vừa mới được khen ngợi, lại bị phê phán ngay? Tức là công tác đánh giá cán bộ có nhầm lẫn.

Vì sao vừa mới phát biểu hùng hồn trên diễn đàn về trong sạch cán bộ, thì lại chính mình dính tràm? Tức là công tác bồi, dưỡng, đào tạo cán bộ có sai lầm.

Bây giờ nhân dân Việt nam ta cảm thấy nghi ngờ khi có vị quan chức cao cấp đứng trên diễn đàn nói về chống tham nhũng, nhưng không biết cái vị đó có phải là kẻ tham nhũng hay không.

Tham nhũng trên thế giới nước nào cũng có, ở đâu cũng có, không chỉ ở Việt nam ta.

Ở Mỹ cũng có nghị sỹ Quốc hội tham nhũng. Ở Nhật cũng có các vị lãnh đạo đảng cầm quyền LDP tham nhũng quĩ chính trị.

Nên chúng ta cũng không bi quan về tình hình tham nhũng ở Việt nam ta.

Đảng cộng sản Việt nam đang chống tham nhũng không có vùng cấm, đó là điều đáng khen, đáng ủng hộ.

Nhưng làm sao để chống tham nhũng từ cái gốc sinh ra tham nhũng?

Thời nhà Lý, khi đất nước thanh bình, không có biến động lớn, vua Lý Thái Tông đã ra yêu cầu chỉ 15 năm mới có 1 lần thăng quan tiến chức, và tuyển dụng mới nhân viên, vì bộ máy quan lại Triều đình không có chỗ để tuyển dụng thêm quan chức. Nhờ thế, tiền lương của quan lại thời nhà Lý khá cao, đủ để bảo liêm, 1 quan đại thần có bổng lộng của khoảng 3000 hộ gia đình nông dân làm đóng góp cho vị quan đó.

Đến thời nhà Nguyễn, 1 quan đại thần cũng có bộ máy giúp việc khoảng 50 người, và đủ bổng lộc để trả lương cho bộ máy đó, và đủ để cho vị quan và gia đình sống sung túc.

Bởi vậy, thời ông cha ta đều có hệ thống “Lương bảo liêm”, lương đủ cao để cho quan lại không phải dựa vào tham nhũng để kiếm tiền.

Về lựa chọn cán bộ, ông cha ta cũng dùng hệ thống thi cử để chọn cán bộ. Tất cả các quan lại nổi tiếng, các vị tri thức nổi tiếng trong lịch sử Việt nam ta đều được lựa chọn và bổ nhiệm qua thi cử.

Vua Lý Nhân Tông, năm 1075, nhà vua hạ chiếu những người giỏi kinh, học rộng và thi Nho học ba trường [10] hay gọi là kỳ thi Tam Trường. Kỳ này chọn được 10 người. Thủ khoa là Lê Văn Thịnh, sau được bổ nhiệm làm Tể tướng. Năm 1086, thi những người có văn học trong nước bổ vào làm quan tại viện Hàn lâm, Mạc Hiển Tích đậu đầu, được bổ làm Hàn lâm học sĩ.

Cụ Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) thi đỗ Trạng nguyên. Cụ Lương Thế Vinh (1441-1496), cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đều đã thi đỗ Trạng nguyên, và được bổ làm quan.

Bây giờ, thời đảng ta ngày nay, chủ yếu là lí tịch trong sạch, học các trưởng đảng, rồi được lựa chọn từ dưới lên.

Kể ra cũng là quá trình lựa chọn cán bộ công phu, cẩn thận, có đào tạo bài bản.

Thế nhưng có lẽ cũng nên đặt câu hỏi hệ thống đào tạo cán bộ của các trường đảng, trường hành chính có còn phù hợp nữa hay không?

Tổng thống Mỹ Bill Clinton tốt nghiệp ngành luật, trường đại học Yale.

Tổng thống Mỹ Obama tốt nghiệp 2 đại học, chuyên ngành luật, đại học Culumbia Law School, và sau đó là đại học luật Harvard-Harvard Law School.

Tổng thống Nga Putin tốt nghiệp ngành luật, đại học Leningrad State University. Tổng thống Pháp tốt nghiệp đại học hành chính quốc gia Ecole Nationale D’administration-Pháp.

Phải chẳng đảng ta cũng nên cử cán bộ ra nước ngoài, đạo tạo ở các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, trở về lãnh đạo đất nước Việt Nam, nói ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp rào rào, đĩnh đạc đứng trên diễn đàn phát biểu với nhân dân, với quan khách nước ngoài không cần phải dùng giấy?

Có lẽ nên đào tạo cán bộ như thế chăng?

Và phải tinh giảm bộ máy đảng và Nhà nước, để làm cơ sở để tăng lương. Chẳng hạn thực hiện cơ chế tuyển dụng 3 ra 1 vào, hàng năm về hưu, nghỉ việc 3 người, tuyển dụng mới 1 người, giữ như thế trong nhiều năm, để bộ máy đảng và Nhà nước giảm xuống còn 1/3, ¼, từ đó tăng lương cán bộ lên để “bảo liêm”?

Bộ máy đảng và Nhà nước cũng nên gọn nhẹ hơn.

Đảng và Nhà nước ta có tới mấy cơ quan liền về chống tham nhũng, như Ban kiểm tra Trung ương, ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ.

Có nhiều quá không? Chỉ cần 1 cơ quan thôi, sáp nhập 3 cơ quan này làm 1 có được không?

Ở Mỹ, chỉ càn 1 cơ quan là Cục Điều Tra Liên Bang FBI là đủ làm mọi việc chống tham nhũng, bảo vệ trật tự, an ninh xã hội.

Hay là Việt nam ta cũng học theo mô hình của Mỹ đó, thành lập Cục Điều Tra Quốc Gia-NIA-National Investigation Agency-làm đủ làm mọi việc điều tra chống tham nhũng, cũng như điều tra mọi loại tội phạm khác?

Khi bộ máy đảng và Nhà nước ghọn nhẹ rồi, thì mới có thể tăng lương được.

Lương Việt nam ta hiện nay quá bất hợp lý, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng chỉ khoảng 30 triệu đồng 1 tháng thì làm sao mà không tham nhũng cho được?

Nước Việt nam ta đã phát triển khá tốt từ khi Đổi Mới năm 1986, đến nay, nếu bộ máy đảng và Nhà nước giảm xuống ½, thì lương của Tổng bí thư,Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng, Tỉnh trưởng có thể ở mức 300 triệu/1 tháng là vừa phải, không cao, không thấp, đủ sức “bảo liêm”, và đủ để đãi ngộ xứng đáng cán bộ.

Một nước Việt nam anh hùng, thắng Pháp, thắng Mỹ, thắng Polpot, thắng Tàu, và nay đang thành công vang dội trong công cuộc Đổi Mới, thì vì sao không dám tự trả lương cho mình một cách xứng đáng, để có cuộc sống sung túc, sang trọng, đủ để khi đi ra nước ngoài, gặp các đối tác, không phải hổ thẹn vì mức tiền lương quá hẻo, như ăn mày?

Tiền của mình mà, mình có đi ăn xin của ai đâu, vậy sao không dám tự trả lương cho mình xứng đáng, sang trọng?

Vấn đề không phải là ta không đủ khả năng làm, mà là ta có dám làm hay không mà thôi.

Vấn đề không phải là ta không đủ khả năng làm, mà là ta có đủ bản lĩnh và sự thông minh để làm hay không mà thôi.

Thu gọn bộ máy đảng Nhà nước, trả lương xứng đáng, cử cán bộ đảng ra nước ngoài, học ở các trường đại học danh tiếng nhất thế giới, trở về lãnh đạo đất nước Việt Nam.

Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đã từng nói “ 7 dám”: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, vậy thì bây giờ là lúc lãnh đạo đảng hãy dám làm trước đi, để đảng viên và nhân dân noi theo.///

Minh Tuấn-Nguyên Trưởng ban Thời sự-Kinh tế-Chính trị báo Đại Đoàn Kết, nguyên Ủy viên Hội đồng Nhân dân Hà Nội khóa 1994-1999, đại biểu tự ứng cử đầu tiên ở Việt Nam-

Hiện là giảng viên khoa Việt Nam học, trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo-Tokyo University of Foreign Studies-Viết từ Tokyo.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.