Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham khảo ý kiến 2 người Mỹ trong khi viết bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

W.Minh Tuan

 “Hỡi đồng bào cả nước.

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Đó là đoạn mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1774, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn bản Tuyên ngôn đảng cộng sản của ông Mac?

                                            **********

Năm 2006, Nhà xuất bản University Press of Kansas của Mỹ đã xuất bản cuốn sách “The OSS and Ho Chi Minh, Unexpected Allies in the War against Japan”-“OSS và Hồ Chí Minh, đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến tranh chống Nhật”, của nữ tác giả-Giáo sư sử học Dixee R.Bartholomew-Feis, thuộc trường Đại học Buena Vista University-Hoa Kỳ.

Cuốn sách này cũng đã được Nhà xuất bản Thế Giới của Việt Nam dịch sang tiếng Việt và xuất bản trong năm 2006 tại Việt Nam.

Cuốn sách này thuật lại mối quan hệ trong năm 1945 giữa Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ khác của đảng ta với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ, là cơ quan tiền thân của Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA.

Tháng 5 năm 1945, cơ quan OSS cử một nhóm nhân viên Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào-Tuyên Quang để giúp huấn luyện Đội Tuyên truyền Giải phóng quân của tướng Võ Nguyên Giáp. Trong các bức ảnh chụp ở Tân Trào ngày 17 tháng 8 năm 1945, thấy có ảnh cụ Hồ mặc quần sooc, đội mũ cối, tập ném lựu đạn, với sự giám sát của các giáo viên OSS.

Trong cuốn sách này có nêu câu chuyện cụ Hồ đã tham khảo ý kiến của 2 nhân viên OSS ở Tân Trào để viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là thiếu tá Archimedes Patti, và trung úy Dan Phelan.

Theo ông trung úy Dan Phelan, cụ Hồ Chí Minh đã từng suy nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ trong nhiều tháng trời. Khi đó, khoảng tháng 5 năm 1945, cụ Hồ đã nói chuyện nhiều với ông Phelan, và hỏi ông nhiều về cách diễn đạt trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776.

Tức là khi đó, cụ Hồ đã nghiền ngẫm đến việc viết bản Tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam, vì cụ Hồ đã dự kiến trước việc Nhật sẽ thất bại, và nước Việt Nam sẽ giành được độc lập, và cụ Hồ đã nghĩ đến việc xây dựng một nước Việt Nam mới, dân chủ, tự do như thế nào. Và rất có thể cụ Hồ đã hi vọng xây dựng một nước Việt Nam mới có sự ủng hộ của nước Mỹ, là nước giàu mạnh nhất thế giới khi đó-và vẫn giàu mạnh nhất thế giới đến tận ngày nay.

Chúng ta đều biết trong số các vị lãnh đạo của nước ta, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sống ở nước ngoài tới 30 năm. Chủ tịch đã sống ở Mỹ, ở Anh, Trung Quốc, Thái Lan, và sống lâu nhất là ở Pháp, và Nga. Cụ Hồ biết nhiều ngoại ngữ, trong khi các vị lãnh đạo khác của đảng ta chủ yếu biết tiếng Pháp, nhờ nền giáo dục Pháp trong thời kỳ thuộc Pháp.

Một vài vị gần đây như Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải biết tiếng Nga vì đã được đào tạo ở Nga.

Có thể nói, với 30 năm sống ở nước ngoài, cụ Hồ hiểu khá rõ về sức mạnh của nền dân chủ-tự do và văn minh phương Tây.

Trích dẫn nước Mỹ để cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ thấy rằng nước Việt Nam mới mong muốn hợp tác với nước Mỹ, mong muốn nhận được sự ủng hộ của nước Mỹ.

Khi viết Tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Hồ cũng trích dẫn Tuyên ngôn nhân quyền của nước Pháp năm 1791. Trích dẫn nước Pháp để cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp thấy rằng nước Việt Nam mới không hề có hận thù gì với nước Pháp, dù nước Pháp đã xâm lược, và đô hộ nước Việt Nam. Và cũng vì cụ Hồ đã nhìn thấy tinh thần của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, mà đã đẻ ra bản Tuyên ngôn nhân quyền Pháp năm 1791.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền có giá trị bất diệt, vĩnh hằng, còn nước Pháp thực dân chỉ là trong một giai đoạn ngắn của lịch sử.

Cụ Hồ đã nhìn thấy về tương lai lâu dài, nước Việt Nam ta cần phải hợp tác với nước Pháp.

Ngày nay, quan hệ tốt của Việt Nam ta với nước Mỹ, nước Pháp đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn rất xa.

Ngay từ năm 1945 đó, cụ Hồ đã dự kiến rằng, nếu Chính phủ Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, thì nước Việt Nam mới sẽ sẵn sàng tham gia Khối Liên hiệp Pháp, là thành viên của Khối Liên hiệp Pháp, và khi đó, Việt Nam vừa là nước độc lập, vừa tranh thủ được mọi sự ủng hộ về văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao,,,từ nước Pháp. Và điều đó sẽ bảo đảm cho nước Việt Nam mới phát triển vững chắc, ổn định, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của mình, vừa tiếp thu được các giá trị văn minh phương Tây, nhất là văn minh Pháp. Nước Pháp sẽ là cái cầu nối để nước Việt Nam mới mở cửa ra với thế giới phương Tây.

Đó là hi vọng của cụ Hồ Chí Minh năm 1945.

Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chính phủ Pháp mời sang Pháp với tư cách là Thượng khách.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 1 năm ngày độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tại Lễ kỷ niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng, ca ngợi tình hữu nghị Việt-Pháp, và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến một nước Việt Nam độc lập, là thành viên Khối Liên hiệp Pháp:

“Liên hiệp Pháp sẽ có vai trò to lớn trong việc tổ chức xã hội loài người. Là một nước dân chủ, thành viên của Liên hiệp Pháp, nước Việt Nam mong muốn được đóng góp vào việc thiết lập và duy trì hoà bình và dân chủ trên thế giới, bên cạnh Liên hợp quốc.”

Có thể nói, đoàn kết với nước Pháp, hợp tác với nước Mỹ là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945, 1946.

Tiếc rằng lịch sử đã không chiều theo lòng người, nên dòng sông lịch sử đã trôi theo một hướng khác.

Ông trung úy Dan Phelan nhớ lại khi đó, ông đã cung cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 bản Hiến pháp và Luật nhân quyền của nước Mỹ, để cụ Hồ tham khảo.

Ông thiếu tá Patti của cơ quan tình báo Mỹ OSS cũng đã nhớ lại rằng vào ngày 29 tháng 8 năm 1945, tại Hà Nội, cụ Hồ đã cho mời ông Patti đến gặp cụ Hồ, để thông báo về việc vua Bảo Đại sẽ thoái vị vào ngày hôm sau, 30 tháng 8, và ngày mồng 2 tháng 9 sẽ trở thành ngày Độc lập của nước Việt Nam mới. Và cụ Hồ nói muốn tham khảo ông Patti các chi tiết cuối cùng của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mà cụ Hồ sẽ đọc vào ngày mồng 2 tháng 9.

Ông thiếu tá Patti nghe người phiên dịch đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam, và thấy đoạn đầu có trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Ông thấy thật thú vị, và có nhận xét nhỏ rằng cụ Hồ đã đảo trật tự của 2 từ “cuộc sống” và “tự do”.

“Tại sao? Cụ Hồ nói, dĩ nhiên không thể có tự do mà thiếu đi cuộc sống, và không có hạnh phúc nào lại thiếu mất tự do”.

Nhưng cuối cùng, ông Patti phải thừa nhận rằng ông sai, ông đã nhớ nhầm bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, cụ Hồ đúng, vì cụ Hồ không hề đảo trật tự của 2 từ đó.

Có thể nói, vào năm 1945 đó, cụ Hồ hiểu rất rõ các giá trị của tự do, và có tự do, thì sẽ dẫn đến có cuộc sống hạnh phúc. Và cũng chính bởi vậy, cụ Hồ đã nói câu nói bất hủ: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”.

Cụ Hồ không nói “Không có gì quí hơn chủ nghĩa cộng sản”. Cụ Hồ cũng không nói có chủ nghĩa Mac-Lenin, thì sẽ có hạnh phúc.

Có thể nói trên thế giới, chỉ có bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ta mới trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, và trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp.

Và chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới dám làm như vậy.

Có thể hình dung nếu vị lãnh đạo khác của đảng ta được giao viết bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ta, thì liệu vị đó có dám trích dẫn như vậy không?

Bố cục, cách viết bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ta cũng khá giống bố cục, cách viết của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.

Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, sau đoạn nói về “Tạo hóa ban cho mọi người quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đã có một đoạn dài tố cáo các tội ác của vua nước Anh gây ra đối với nước Mỹ-khi đó nước Anh đang cai trị nước Mỹ-và đó là lý do mà nước Mỹ phải li khai, độc lập khỏi nước Anh.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, sau đoạn nói về Tạo hóa nói trên, cũng có một đoạn dài tố cáo các tội ác của thực dân Pháp, và phát-xít Nhật đối với dân Việt Nam ta, và đó là lý dó mà dân Việt Nam ta phải vùng lên giành độc lập.

Nguyên văn đoạn nói về Đấng Tạo hóa này trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, bằng tiếng Anh, là như sau:

“We hold these truths to be self-evident that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Righrts, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness”.

“Chúng tôi tin tưởng một sự thật hiển nhiên rằng Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trong 1022 chữ của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ta, không hề có một chữ nào nói đến chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mac-Lenin.

Còn hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho giải tán Đảng cộng sản.

Vào ngày 11 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông dương-tên Đảng cộng sản Việt Nam khi đó- ra quyết định giải tán Đảng.

Nguyên văn quyết định đó như sau:

“Thông báo.

Đảng cộng sản Đông dương tự ý giải tán.

     1-  Căn cứ vào những điều kiện lịch sử,,,,2, 3, 4,,,

Ban chấp hành trung ương, Đảng cộng sản Đông dương họp ngày 11 tháng 11 năm 1945, nghị quyết tự động giải tán Đảng cộng sản Đông dương.

Những tín đồ của chủ nghĩa cộng sản muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông dương”.

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

Tất nhiên, đảng cộng sản Việt Nam không giải tán thật, mà rút vào bí mất, với tên gọi là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông dương”.

Lại một bản lĩnh khác nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong tất cả các đảng cộng sản trên thế giới, chỉ duy nhất đảng cộng sản Đông dương-tức Đảng cộng sản Việt Nam-đã dám ra quyết định tự động giải tán, mà không sợ sự nổi giận của các phần tử cực đoan cộng sản trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, cũng như của ông Xtalin ở Liên xô.

Khi đó đảng cộng sản Đông dương rút lui vào hoạt động bí mật, với tên gọi “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông dương”.

Vừa mới giành được chính quyền, sau biết bao đấu tranh gian khổ, đổ máu, hi sinh, nay quyền lực ở trong tay mình, mà phải rút lui vào hoạt động bí mật, thì có lạ không?

Điều lạ lùng đó chỉ có bản lĩnh Hồ Chí Minh mới dám làm.

Mục đích để làm gì?

Để chứng minh với thế giới là đảng cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh dám từ bỏ lợi ích riêng của đảng, dám từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một nước Việt Nam dân chủ, tự do, và hạnh phúc.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự nhận xét về ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết.

Năm 1958, Nhà xuất bản Hội nhà văn ở Hà Nội đã xuất bản cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”, tác giả là Trần Dân Tiên. Sau này, người ta được biết đây là cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh tự viết về mình. Cụ Hồ lấy bút danh Trần Dân Tiên-có lẽ cái tên này có ý nghĩa là người dân mà sướng như ông Tiên.

Đúng quá. Cụ Hồ đã có công lớn trong việc đem lại độc lập, tự do cho dân ta, thì quả là niềm hạnh phúc sướng như Tiên.

Trong cuốn sách có tính chất như Hồi ký này-nhưng mượn người thứ ba (nhân vật tưởng tượng) để nói- cụ Hồ đã nhận xét về Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như sau:

Thật vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Versailles mà cụ Hồ đã viết năm 1919 (Yêu sách 8 điểm), và Chương trình Việt Minh cụ Hồ viết năm 1940. Hơn nữa, bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của những bản Tuyên ngôn khác của tiền bối như các cụ Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của những người khác,,,”.

Và không chỉ dừng lại ở bản Tuyên ngôn Độc lập.

Không chỉ dừng lại ở việc cho giải tán Đảng cộng sản.

Sau đó 1 năm, cụ Hồ còn chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp 1946 này là một thể thống nhất với bản Tuyên ngôn độc lập, với Yêu sách 8 điểm viết năm 1919, cũng như với Chương trình Việt Minh mà cụ Hồ viết năm 1940.

Bởi vì tất cả các nội dung nêu trên đều khẳng định một nước Việt Nam mới sẽ cho phép dân Việt Nam ta được hưởng các quyền tự do tối thiểu, như tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do lập hội và tự do hội họptự do cư trú, tự do ra nước ngoài,,,.

Và tất cả các nội dung của Hiến pháp 1946 cũng không hề có một chữ nào nói đến chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lenin.

Có thể nói Hiến pháp 1946 là một thể thống nhất tuyệt đối với bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 10 của Hiến pháp 1946 qui định “Công dân Việt Nam có quyền tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp và lập hội, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Điều 11 qui đinh: “Tư pháp (tòa án) chưa quyết định thì thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam”.  

Điều 12 qui định “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”,,,.

Đây chính là các quyền mà cụ Hồ đã đòi cho dân ta trong bản Yêu sách 8 điểm năm 1919.

Có thể nói, vào giai đoạn năm 1945, 1946 đó, cụ Hồ đã có một quyết tâm sắt đá là kiên quyết hợp tác với nước Mỹ, nước Pháp trong việc xây dựng nước Việt Nam mới, kiên quyết không đả động gì đến chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mac-Lenin.

Tóm tắt lại, trong 2 năm 1945, 1946 đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dám làm, và làm được các việc lớn như sau, mà không một vị lãnh tụ cộng sản nào trên thế giới có thể làm được, và dám làm:

1- Hợp tác với Mỹ ngay từ khi chưa giành được độc lập. Từ tháng 5 năm 1945, cụ Hồ đã chỉ đạo cho mời các toán nhân viên tình báo Mỹ OSS nhảy dù xuống Việt Nam để giúp huấn luyện và cung cấp vũ khí, điện đài cho quân đội Việt Minh.

2- Viết bản Tuyên ngôn Độc lập mà có trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, và trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp, là nước cựu thù cũ của nước Việt Nam ta, và không nói gì đến chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội.

3- Cho xóa bỏ đảng Cộng sản Đông dương, chuyển những người cộng sản vào “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác”.

4- Thành lập Hội hữu nghị Việt-Mỹ ngay trong tháng 9 năm 1945.

5- Ký 2 Hiệp định với Pháp, Hiệp định Sơ bộ ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946 ký tại Hà Nội, và Tạm ước Việt –Pháp ngày 14 tháng 9 ký tại Pháp, chấp nhận một nước Việt Nam độc lập nằm trong Khối Liên hiệp Pháp.

6- Làm bản Hiến pháp dân chủ 1946, khẳng định các quyền tự do, dân chủ như tự do báo chí, tự do cư trú, sở hữu tư nhân, bầu cử tự do, Nghị viện (quốc hội) họp công khai, công chúng được vào ngheChủ tịch nước chọn Thủ tướng, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức,,,. Và Hiến pháp 1946 này cũng không nói gì đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

7- Xây dựng một Chính phủ gồm nhiều đảng phái. Khi đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng, không đảng phái, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Phó Chủ tịch nước. Luật sư Phan Anh, Đảng Xã hội, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và sau đó làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương đến khi về hưu năm 1976. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Đảng Xã Hội, làm Bộ trưởng Bộ giáo dục 29 năm, đến khi mất năm 1975. Giáo sư Vũ Đình Hòe, Đảng Dân chủ, làm Bộ trưởng Bộ tư pháp,,,.

8- Cho phép tồn tại và phát triển 2 đảng Xã hội và đảng Dân chủ, tồn tại song song với đảng Lao động Việt Nam, đoàn kết với đảng Lao động Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.

Đảng Dân chủ thành lập năm 1944, đảng Xã hội thành lập năm 1946. Hai đảng này tồn tại đến năm 1988 thì “tự giải tán”. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, thì có thể Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ không để cho 2 đảng này “tự giải tán” như vậy.

9- Đặt tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chứ không phải là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặt tên đảng là đảng Lao động Việt Nam, từ năm 1951, tại Đại hội Đảng 2, chứ không đặt tên là đảng cộng sản Việt Nam.

Có thể nói, không một lãnh tụ cộng sản nào trên thế giới dám làm những việc không cộng sản nhất như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếc rằng tất cả các nỗ lực đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đạt được sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Pháp, và của toàn thể thế giới tư bản-tự do đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đều không có kết quả.

Người Pháp không muốn Việt Nam độc lập, và người Mỹ ủng hộ người Pháp. Từ đó dẫn đến 2 cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ. Và từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải quay sang tìm kiếm sự ủng hộ từ Liên Xô, Trung Quốc, và toàn phe xã hội chủ nghĩa. Và dẫn đến tình hình Việt Nam, và có thể cả thế giới như ngày nay.

Nhưng bây giờ nước Việt Nam ta đã thống nhất, chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm.

Các tư tưởng tự do, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể bắt đầu cho thực hiện được rồi. ///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.