Chuyện về những người Hà Nội tử tế

W.Minh Tuấn

Cách đây lâu lâu, tôi có gặp một cô gái tàn tận đi xe đẩy ở Hà Nội. Cô ấy phàn nàn rằng ở Hà Nội, và nói chung, ở các thành phố ở Việt Nam ta, các vỉa hè không có chỗ vát xuống cho người đi xe đẩy tự lên xuống vỉa hè. Cô ấy nói mỗi lần từ nhà đi ra ngoài bằng xe đẩy, lại phải nhờ người nhà khiêng cả người và xe xuống lòng đường giúp.

Thế nhưng, người Hà Nội có nhiều người tốt, đã giúp cô ấy những lúc khó khăn. Cô ấy kể rằng có một lần đang đi xe đẩy trên đường, thì gặp mưa. Cô ấy không mang áo mưa, nên muốn ghé lên vỉa hè để tránh mưa, nhưng không thể tự đưa xe đẩy lên vỉa hè được, vì chỗ đó không có chỗ vỉa hè dốc xuống. Cô ấy đành ngồi im trên xe đẩy chịu mưa.

Trên vỉa hè, có nhiều người đang trú mưa, nhưng không ai ra giúp cô ấy đưa xe đẩy lên vỉa hè. Cô ấy thấy tủi thân, và bắt đầu khóc, nước mắt dàn dụa hòa lẫn nước mưa.

Thế rồi đột nhiên có một anh thanh niên chạy đến, nói “Để em giúp chị nhé”. Thế là anh thanh niên đó hì hục đẩy cái xe đẩy và chị ấy lên vỉa hè, nhưng không nổi, vì cái xe đẩy và chị ấy khá nặng, vỉa hè Hà Nội khá cao so với mặt đường. Cứ bánh xe này lên được vỉa hè, thì bánh xe kia lại trôi xuống. Thế rồi có thêm hai người nữa chạy đến, cả ba người hầu như nhấc bổng cả chị ấy và cái xe đẩy lên vỉa hè, và đẩy xe vào chỗ trú mưa.

Lúc này, chị ấy lại khóc nữa, nhưng lần này khóc vì cảm động, vì tấm lòng tốt của mọi người. Chị ấy cảm ơn mọi người, thì cơn mưa tạnh. Chị ấy đẩy bánh xe lăn ra phía đường, nhưng lần này, loay hoay không biết xuống lòng đường bằng cách nào. Lại có một người chạy đến giúp chị ấy đưa xe xuống lòng đường.

Đó là một kỷ niệm đẹp làm chị ấy nhớ mãi. Không phải lúc nào chị ấy cũng gặp được người tốt giúp chị ấy, nhưng mỗi khi nhớ đến chuyện mấy người giúp chị ấy lúc trời mưa, chị ấy lại thấy ấm lòng, và cố gắng vượt qua các khó khăn hàng ngày.

Trong một xã hội Việt Nam ta ngày nay đẩy rẫy những sự nhiễu nhương, ngang trái, mà gặp được những tấm lòng tốt đó, quả là thấy ấm lòng.

Tôi dạy tiếng Việt và môn Việt Nam học ở Khoa Việt Nam học, trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Trường này hàng năm đều có cử sinh viên Nhật sang Việt Nam du học chương trình một năm trước khi tốt nghiệp.

Các em sinh viên Nhật sau khi đi du học Việt Nam trở về Tokyo, thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm đẹp khi các em du học ở Việt Nam.

Một em sinh viên tên là Ayaka, kể cho tôi chuyện em ấy sửa giày. Ngày thứ bảy, chủ nhật, em ấy thích đi bộ từ trường Đại học Bách Khoa-Ha Noi, nơi em ấy học tiếng Việt, để đi bộ đến phố cổ ven hồ Hoàn Kiếm. Thế rồi một hôm, giày của em ấy bị hỏng, nó hơi bị long đế. Em ấy ghé vào một hiệu sửa giày ở gần tòa nhà Vincom, sửa giày. Người thợ sửa giày là một đàn ông còn khá trẻ. Anh ấy xem giày, rồi lẳng lặng sửa, chỉ một lát là sửa xong.

Em Ayaka hỏi bằng tiếng Việt là bao nhiêu tiền ạ. Anh sửa giày nói “thôi em ạ, anh không lấy tiền của em, anh chỉ sửa đơn giản thôi mà”. Thế rồi anh ấy quay sang sửa đôi giày của người khách khác, chẳng để ý đến chị ấy nữa.

Em Ayaka nói là trong cả một năm học tiếng Việt ở Hà Nội, em ấy thấy nhớ mãi chuyện người thợ sửa giày chất phác, đơn giản đó. Tiền sửa giày chẳng là bao nhiêu, nhưng tâm hồn của người thợ sửa giày đó thật là đẹp.

Còn em Rika thì kể cho tôi chuyện em ấy đi xe ta-xi ở Hà Nội, khi em ấy mới sang Hà Nội. Một hôm, em ấy đi xe ta-xi từ cửa hàng áo dài về khách sạn của em ấy. Khi xuống xe, người lái xe ta-xi đòi 120.000 đồng, đắt gấp đôi số tiền lúc em ấy đi từ khách sạn đến hiệu áo dài. Em Rika nói với người lái xe ta-xi bằng tiếng Việt: “Anh ơi, sao anh lấy của em đắt thế, lúc nãy em đi từ khách sạn đến hiệu áo dài, chỉ hết 60.000 đồng thôi mà”

Người lái xe ta-xi im lặng không nói gì, có lẽ anh ấy lúng túng chưa biết trả lời ra sao. Thế rồi tự nhiên em Rika khóc. Anh lái xe ta-xi nhìn thấy cô gái trẻ Nhật khóc thì phát hoảng, vội nói “Thôi, thôi, em ơi, đưa 60.000 đồng đây cũng được. Thôi, đừng khóc nữa”.

Em Rika đưa tiền và xuống xe, chạy nhanh vào khách sạn, sợ anh lái xe ta-xi đổi ý kiến.

Sáng ngày hôm sau, đột nhiên có điện thoại của lễ tân gọi cho em Rika, nói có người muốn gặp. Em Rika đi xuống quầy lễ tân, thì nhận ra anh lái xe ta-xi hôm qua, tay cầm một bó hoa nhỏ. Anh ấy đưa hoa cho em Rika, nói nhỏ, vẻ hơi ngượng ngập: “Anh xin lỗi hôm qua làm em buồn, anh xin lỗi nhé”, đưa bó hoa nhỏ cho em Rika, rồi anh ấy chạy vội ra xe ta-xi của anh ấy, vù xe đi, để lại cô bé sinh viên Nhật lúng túng cầm bó hoa nhỏ không biết nói gì.

Sau đó em Rika hỏi lễ tân là vì sao anh lái xe ta-xi đó biết tên và số phòng của em ấy. Lễ tân nói anh ấy không biết gì cả, chỉ hỏi lễ tân là có cô bé như thế, như thế, ở khách sạn, và anh ấy muốn tặng hoa, nên lễ tân đoán là em Rika, nên gọi điện cho Rika.

Cái việc gọi điện cho khách như thế, mà không có sự đồng ý của khách, ở Nhật là tuyệt đối cấm, nhưng ở Việt Nam, có vẻ như người ta sống như trong một làng xã, quan hệ giữa người với người khá đơn giản.

Còn em Asami kể cho tôi cũng chuyện trời mưa ở Hà Nội như sau.

Hôm đó, em ấy đang đi bộ ở gần hồ Hoàn Kiếm thì gặp trời mưa, em ấy đứng trú mưa ở vỉa hè, thì thấy có một chị phụ nữ bế một cháu bé đi bộ dưới mưa. Chị ấy có vẻ vội cái gì đó, nên mặc dù không có áo mưa, chị ấy vẫn bế cháu bé đi dưới mưa.

Đột nhiên có một đàn ông đi xe máy đến gần, và nói to với chị ấy: “Em ơi, em lên đây anh chở đi, anh lo cho đứa con của em,,,”. Anh ấy còn nói thêm mấy câu gì nữa, mà em Asami không hiểu. Chị phụ nữ ngập ngừng một chút, rồi bế cháu bé lên xe máy của anh đó đi.

Em Asami nói với tôi rằng nếu đó là chuyện ở Nhật, thì chắc là không có ai chạy đến giúp chị phụ nữ đó cả, vì người Nhật sợ làm phiền người khác. Cái tính cách sợ làm phiền người khác của người Nhật đôi khi trở thành sự vô tình thiếu tình người.

Em Asami nói là nước Việt Nam rồi sẽ phát triển và thay đổi nhiều, cũng như nước Nhật, nhưng em ấy tin là tâm hồn đẹp của người Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi. Và đó là điều em ấy cảm thấy yêu Việt Nam nhất.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.