dân trí đảng viên

Anh Nguyễn Ái Quốc, đảng viên Đảng Xã hội Pháp năm 1919

W.Minh Tuan

Lâu nay người ta hay nói “cần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân”, thì đất nước mới phát triển được.

Điều đó thì rất đúng rồi.

Nhưng có lẽ cấp bách hơn cả là phải nâng cao trình độ dân trí cho đảng viên trước đã, rồi sau đó là nâng cao dân trí cho nhân dân sau.
Bởi vì Đảng ở nước ta là Đảng lãnh đạo, là Đảng cầm quyền. Nếu người lãnh đạo mà trình độ không cao thì khó lãnh đạo lắm, nói người ta không nghe, mà đôi khi nói cũng sai, vì trình độ có hạn.

Ngày xưa khi chưa có Đảng, cha ông ta dùng hệ thống thi cử và tiến cử để lựa chọn nhân tài bổ nhiệm làm quan, để lãnh đạo đất nước.

Khóa thi đầu tiên đào tạo quan lại là năm 1075, đời vua Lý Nhân Tôn, đến khóa thi cuối cùng ở miền Bắc là năm 1915, và ở miền Trung là năm 1918, kéo dài suốt gần 1000 năm.

Hệ thống khoa cử thời ông cha ta tuy có nhiều hạn chế, nhưng nói chung những người thi đỗ đều là những người thông minh hơn người, vừa có khả năng làm quan, lãnh đạo công việc đất nước, vừa có khả năng thơ, văn, nghiên cứu, viết sách để lại cho đời.

Những vị quan qua thi cử như Lê Văn Hưu (1230-1322), Mạc Đĩnh Chi (1280-1350), Chu Văn An (không rõ năm sinh -1370), Nguyễn Trãi (1380-1442), Lê Quý Đôn (1726-1784), Nguyễn Du (1765-1820), Phan Huy Chú (1782-1840)… đều là những người vừa là vị quan tài giỏi, thanh liêm, vừa là những nhà trí thức nổi tiếng, để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho xã hội.

So với thời Đảng lãnh đạo ngày nay, các vị lãnh đạo đồng thời là những nhà trí thức nổi tiếng không có nhiều, các tác phẩm để lại cho hậu thế chủ yếu là hồi ký.

Một số tác phẩm lý luận được viết ra chủ yếu nói về chủ nghĩa Mác, Lê-nin, cũng chỉ là bình luận thêm, và nói về việc vận dụng học thuyết đó vào nước ta, chứ không có sáng tính tạo tư tưởng lớn.

Cách lựa chọn đảng viên ngày nay cũng không đặt nhiều vào trình độ hiểu biết, hay phẩm chất đạo đức thanh liêm, chính trực, mà trước tiên dựa vào lý lịch, thành phần giai cấp. Sau đó là hiền lành, ít nói. Ai hay đấu tranh, hay tranh luận, hay có ý kiến này khác thì khó được kết nạp vào Đảng.

Đến khi đã trở thành đảng viên rồi, nếu được lựa chọn làm cán bộ lãnh đạo sau này, thì được đưa đi đào tạo ở hệ thống các trường Đảng, là nơi chủ yếu dạy về lý luận chủ nghĩa Mác, Lê-nin, và về lịch sử Đảng.

Đến hệ thống đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc gia để đào tạo cán bộ quản lý cũng học nặng về chủ nghĩa Mác, Lê-nin, về “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cả hai hệ thống trường Đảng và hành chính này không dạy nhiều về các kiến thức quản lý xã hội của thế giới và lịch sử làm nên nền văn minh của loài người.

Điều đó cũng phải, vì bản thân các giáo viên giảng dạy cũng có mấy người được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới đâu.

Nếu có ai đó được đi tu nghiệp ở các trường nổi tiếng trên thế giới, thì khi về nước, cũng được thấm nhuần thêm về lịch sử Đảng và chủ nghĩa Mác-Lê-nin nữa để có đủ phẩm chất chính trị đứng trên bục giảng.

Có thể nói hệ thống đào tạo đó không cung cấp được nhiều tri thức có giá trị cho đảng viên.

Ở nước ta người dân vẫn truyền khẩu nhau các câu chuyện tiếu lâm rằng có vị lãnh đạo chức vụ cỡ trung bình, thuộc làu làu nghị quyết Đảng, lý luận Mác, Lênin, nhưng không biết Nguyễn Du là ai.

Bởi vì có câu chuyện tiếu lâm rằng có vị Trung đội trưởng trong quân đội Nhân dân Việt Nam ta khi đi kiểm tra điều lệnh, thấy có mấy anh lính trẻ nói chuyện ầm ĩ gì đó. Vị Trung đội trưởng đến hỏi:

“-Các cậu làm gì mà ầm ĩ thế?”.

Mấy anh lính trẻ nói:

“-Dạ, thưa đồng chí Trung đội trưởng, chúng em đang đọc thơ Nguyễn Du ạ”.

-“Hả, Nguyễn Du là thằng nào? Nó ở đơn vị nào”?-Vị Trung đội trưởng dốt đặc cán mai đó hỏi sửng sộ.

Những vị cán bộ lãnh đạo làng nhàng cỡ đó không biết Nguyễn Du là ai có khá nhiều, không thiếu đâu, chúng ta không ngạc nhiên đâu.

Hoặc có vị cán bộ lãnh đạo cũng khá làng nhàng khác khi đi giảng bài về chiến tranh Iraq, thì nói là chiến tranh “một rắc”, vì tự cho mình là hiểu biết, nghĩ chữ “I” là số 1 chữ La-mã.

Hoặc có những vị đảng viên lãnh đạo đứng trên diễn đàn nói chuyện về chính trị, nhưng chữ “l” và “n” nhầm lung tung. Đại loại như: “Hôm lay tôi sẽ lói về chân ní sáng ngời của chủ nghĩa Mác, Nê-nin cho các đồng chí nghe”, là không phải hiếm hiện nay.

Những vị đảng viên – lãnh đạo đó không thể lãnh đạo được ai.

Muốn nâng cao trình độ dân trí cho Đảng, thì trước tiên phải cải cách nội dung giảng dạy tại các trường Đảng, tại Học viện Hành chính Quốc gia, mạnh dạn cho tranh luận về các học thuyết lỗi thời, không chụp mũ là “mất phẩm chất chính trị”.

Đồng thời phải học các kiến thức hiện đại nhất mà loài người đang học, mà các xã hội văn minh hơn ta, phát triển hơn ta đang học.

Phải đưa các giáo viên đi tái đào tạo tại các nước tiên tiến để học cái hay của họ, đẻ về nước dạy các kiến thức tiên tiến của thế giới cho đảng viên.

Và nhất là, tiếng Anh bây giờ là tiếng phổ thông trên toàn thế giới, người Việt Nam ta, từ dân thường đến cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, biết thông thạo tiếng Anh là điều không có gì đặc biệt.

Nhưng mà hãy thử xem trong các cán bộ lãnh đạo của nước Việt Nam ta, có mấy ai thông thạo tiếng Anh?

Đảng cũng phải mở rộng cánh cửa để kết nạp người tài giỏi, đức độ vào Đảng, không trói buộc vào chủ nghĩa lý lịch lỗi thời, không cần phải trải qua các bước giới thiệu, rồi bồi dưỡng, rồi thử thách… như hiện nay.

Trên thế giới, các Đảng chính trị không kết nạp đảng viên một cách khó khắn như Đảng ở nước ta hiện nay.

Thời Đảng chưa giành được chính quyền, Đảng cũng không kết nạp đảng viên khe khắt như hiện nay.

Bất kỳ ai đồng ý với tôn chỉ mục đích của Đảng, và muốn trở thành đảng viên, có phẩm chất đạo đức tốt, được đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm láng giềng yêu mến, thì đều có thể được kết nạp vào Đảng, không có bất kỳ một ràng buộc lý lịch nào, trừ khi kẻ đó đang bị điều tra về tội nào đó.

Chỉ có như vậy Đảng mới thu hút được nhân tài và người có đức dộ vào Đảng. Trình độ dân trí của Đảng nhờ vậy mới được nâng cao một cách cơ bản.

Năm 1921, Bác Hồ ở Pháp, Bác đã gia nhập Đảng cộng sản Pháp, mặc dù Bác là người nước ngoài. Vậy giờ đây, Đảng có đồng ý kết nạp cả những người nước ngoài, những Việt kiều mong muốn vào Đảng để tham gia xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, bác ái không?

Hãy thử hình dung nếu như có hơn một nửa các vị Ủy viên Trung ương Đảng ở nước ta đã từng qua đào tạo tại trường Harvard ở Mỹ, hoặc trường Leeds ở Anh, hoặc trường Charles de Gaulle ở Pháp, hoặc trường Todai ở Nhật… thì trí tuệ của Đảng hẳn sẽ khác hiện nay nhiều lắm.

Hãy xem các bậc trí thức lớn ở nước ta trong thế kỷ 20, như luật sư Phan Anh, như bác sĩ Tôn Thất Tùng, như thiếu tướng – nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, như nhà nông học Lương Định Của… đều học ở Pháp, ở Nhật cả.

Và nếu quý hơn nữa, có vài vị Ủy viên Bộ chính trị cũng từng du học ở các trường đại học danh tiếng nào đó trên thế giới, nói tiếng Anh, tiếng Pháp rào rào. Gặp khách nước ngoài thì đĩnh đạc nói chuyện với họ bằng tiếng Anh, không cần phiên dịch.

Thế thì quả thật là diễm phúc và tự hào cho Đảng, và cũng là diễm phúc và niềm tự hào cho dân ta, nước ta.

Học ở các nước tư bản không có nghĩa là bị mất đi chất của con người cộng sản.

Học cái hay của họ để áp dụng cho phát triển đất nước, đó mới là người cộng sản biết đổi mới, có tri thức, có trình độ dân trí cao.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.