Đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết-Sáu Phong, được nhiều người dân yêu mến

W.Minh Tuấn

Anh Sáu Phong Nguyễn Minh Triết nguyên là bí thư tỉnh ủy Sông Bé. Sau đó, Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Thuận, và Bình Dương được cho là tỉnh có kinh tế phát triển nhanh nhất trong cả nước dưới sự lãnh đạo của “anh Sáu Phong”.

Nhưng dư luận chỉ thật sự biết nhiều đến “anh Sáu Phong” khi vào tháng 1 năm 1997, anh Sáu Phong được điều về làm Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Khi đó  “anh Sáu Phong” 55 tuổi. Chưa có một bí thư địa phương nào lại được điều về làm lãnh đạo Sài Gòn cả.

Nhiều lời đồn đại về vị trí tương lai của “anh Sáu Phong”.  Ở Hà Nội khi đó có nhiều thông tin cho rằng “anh Sáu Phong” sẽ chỉ làm Phó bí thư Sài Gòn tạm một thời gian ngắn, rồi sẽ lên làm Bí thư Sài Gòn, vào Bộ chính trị. Đó là bước đệm, để sau đó sẽ ra Hà Nội làm to hơn. Công tác cán bộ của Đảng ta thường có những sự chuẩn bị nhân sự khá chu đáo. Nếu ai đã nằm trong tầm ngắm của Bộ chính trị, tức nằm trong “cơ cấu” sẽ làm lãnh đạo tương lai, thì người đó sẽ lên như diều gặp gió.

Khi đó đã nghe lời đồn đại đồng chí Sáu Phong sẽ chắc chắn lên làm Thủ tướng, hoặc thậm chí Tổng bí thư.

Nghe nói đó là dự kiến nhân sự của Trung ương.

Năm 1997, đồng chí Lê Khả Phiêu lên làm Tổng bí thư.

Nếu đến Đại hội 9, năm 2001, đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn làm Tổng bí thư, thì đồng chí Sáu Phong sẽ làm Thủ tướng. Và nếu đồng chí Lê Khả Phiêu thôi làm Tổng bí thư, thì chức vụ Tổng bí thư sẽ là của đồng chí Sáu Phong.

Đó là những lời đồn đại hồi đó ở Hà Nội.

Dư luận chung là rất ủng hộ đồng chí Sáu Phong, vì với tấm gương tỉnh Bình Dương phát triển nhanh như vậy, cả kinh tế nội địa, lẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thì sẽ có khả năng mô hình Bình Dương sẽ được nhân ra cho cả nước, nếu đồng chí Sáu Phong làm Thủ tướng, hoặc Tổng bí thư. Hơn nữa, đồng chí cũng còn trẻ, rất nhiều triển vọng.

Thế nhưng dự kiến nhân sự đó bị đảo lộn.

Khi đồng chí Sáu Phong về làm Phó bí thư Sài Gòn năm 1997, thì đồng chí Trương Tấn Sang đang làm Bí thư. Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trương Tấn Sang, băng nhóm Năm Cam phát triển mạnh.

Khi đó, nghe nói là dự kiến của Trung ương là điều đồng chí Trương tấn Sang ra Hà Nội, làm chức vụ gì đó. Còn đồng chí Sáu Phong sẽ thay đồng chí Trương Tấn Sang làm Bí thư Sài Gòn.

Nhưng người ta không thấy đồng chí Trương Tấn Sang ra Hà Nội. Thế cho nên đồng chí Sáu Phong về làm Phó bí thư Sài Gòn từ tháng 1 năm 1997, đến tháng 12 năm 1997, đồng chí Sàu Phong đành ra Hà Nội, làm chức Trưởng ban Dân vận Trung ương, và là lý do hợp lý để Trung ương đưa được đồng chí Sáu Phong vào Bộ Chính trị, chờ thời.

Cuối cùng thì đồng chí Trương Tấn Sang cũng ra Hà Nội, làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Nhờ vậy, đến tháng 1 năm 2000, đồng chí Sáu Phong mới “hạ phóng”,  quay lại được Sài Gòn, làm Bí thư Sài Gòn, để chuẩn bị cho bước thăng tiến mới.

Nhưng khi đó, thời cơ đã qua mất rồi. Hơn 2 năm làm chức Trưởng Ban dân vận Trung ương, cũng là một chức vụ hình thức, nên mọi thời cơ đều bị bỏ lỡ.

Tháng 4 năm 2001, Đại hội Đảng 9, khi đó, đồng chí Sáu Phong mới làm Bí thư Sài Gòn được hơn 1 năm, không thể lại quay lại ngay Trung ương để làm to hơn. Thế là đồng chí Sáu Phong yên vị làm Bí thư Sài Gòn 6 năm, đến năm 2006, vào dịp Đại hội Đảng 10.

Nhưng khi đó, đồng chí Sáu Phong cũng đã khá nhiều tuổi rồi.

Năm 2001, đồng chí Sáu Phong 59 tuổi, nếu làm Tổng bí thư, hay Thủ tướng, đều còn khá trẻ. Chúng ta nên nhớ đồng chí Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư năm 2001, khi 61 tuổi. Nhưng vào năm 2006, đồng chí  Nguyễn Minh Triết đã 64 tuổi rồi, làm chức gì cũng lỡ cỡ.

Vào Đại hội 10 năm 2006, đồng chí Sáu Phong-Nguyễn Minh Triết nhận chức Chủ tịch nước, cũng là một chức vụ hình thức, chủ yếu tiếp khách quốc tế.

Khi mới nhậm chức Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Minh Triết có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí rất hay. Đồng chí viện dẫn câu nói của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân, thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”.

Trong một cuộc tiếp xúc với bà con Việt kiều, đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng có câu nói rất hay, rất mạnh dạn:

Nếu như bạn chưa muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, cũng không sao. Nhưng trước hết, bạn phải là người yêu nước”.

Chưa có một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào dám nói “nếu bạn chưa muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản cũng không sao,,,”.

Chỉ có đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dám nói như vậy.

Nhưng có thể nói, chức vụ Chủ tịch nước cũng có ít quyền lực.

Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Nhưng theo Điều lệ Đảng, thì Tổng bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương, thực chất là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Thế thì cái chức Tổng tư lệnh quân đội của Chủ tịch nước cũng chỉ là ghi trên giấy cho vui thôi.

Đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, cũng đã nói đến cái điều oái oăm này trên báo Vietnamnet.

Bởi vậy, khi đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi công tác nước ngoài, đồng chí ung dung, thư thái lắm, chẳng vội gì, hoàn toàn khác với nguyên thủ quốc gia của các nước khác.

Trong các chuyến đi nước ngoài, ngồi trên máy bay, là đồng chí Chủ tịch nước giở bài tú lơ khơ ra chơi sát phạt với mấy nhân viên tháp tùng. Vui đáo để. Nghe dư luận nói như thế.

Đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là người bình dân, trong các chuyến đi công tác Hà Nội-Sài Gòn, đồng chí Chủ tịch nước thường đi máy bay thương mại cùng với dân thường, chỉ ngồi ở hạng economy.

Nghe nói trong một chuyến bay như thế, có một phụ nữ miền Nam ra Hà Nội để khiếu kiện chuyện oan khuất gì đó, đã nhận ra đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngồi cùng trên máy bay. Người phụ nữ tội nghiệp này đã xin được đến gặp Chủ tịch nước, ngay trong máy bay, và xin được gửi đơn kêu oan. Đồng chí Chủ tịch nước Sáu Phong đã nhiệt tình nhận đơn của chị đó, nhưng có giải quyết được vụ việc của chị đó không thì không biết.

Vào Đại hội Đảng 11 năm 2011, đồng chí Nguyễn Minh Triết 69 tuổi, vượt quá giới hạn tuổi mà Đảng qui định, nên đồng chí Sàu Phong an nhàn về hưu.

Đồng chí Tư Sang trẻ hơn, nên thay đồng chí Sáu Phong làm Chủ tịch nước.

Đột nhiên nhớ đến mấy câu thơ của danh tướng Đặng Dung thời hậu Trần:

“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỉ độ long tuyền đới nguyệt ma”

“Đầu bạc giang san thù chưa trả

Long tuyền mấy độ bóng trăng soi”.

Nước ta nay đã có hòa bình, nhưng dân vẫn chưa được ấm no hạnh phúc, chưa được thật sự tự do, dân chủ, tham nhũng còn đầy rẫy, các Nhóm lợi ích hoành hành, kể cũng là “thù chưa trả”, nhưng đầu đã bạc mất rồi.

Có lẽ đó cũng là tâm tư của đồng chí Nguyễn Minh Triết khi rời ghế quan trường về nghỉ hưu, vui thú an nhàn:

Khi rượu sớm,

Lúc trà trưa,

Khi xem hoa nở,

Lúc chờ trăng lên”.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.