Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất đúng: “Phải trói quyền lực trong cái lồng cơ chế, luật pháp”

 

W.Minh Tuan

Trong một cuộc đi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội cách đây ít lâu, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói một câu rất đúng, được dư luận nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, là:

“Phải trói quyền lực trong cái lồng cơ chế và luật pháp”.

Từ đó, đã có rất nhiều người có quyền lực ở Việt Nam ta đã bị luật pháp và cơ chế bắt, trói, đưa ra xét xử, vì những người đó đã sử dụng quyền lực của mình đứng ngoài, đứng trên cái lồng cơ chế và luật pháp để kiếm tiền phi pháp, tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ.

Bây giờ, tôi xin nhìn lại việc cấp đất Giảng Võ-Hà Nội cho Vincom hồi năm 2017 để xây chung cư 50 tầng kiếm tiền, xem có ai đã đứng ngoài cái lồng cơ chế luật pháp đó không. (Bây giờ đất Giảng Võ-Hà Nội đã được lấy lại để xây dựng công trình văn hóa, phục vụ công cộng)

1-Đất triển lãm Giảng Võ rộng 68.000 m2, có bề dày hơn 1000 năm, là công trình văn hóa-lịch sử được xây dựng từ thời nhà Lý, nhàTrần.

Cách đây hơn 1000 năm, vua Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của triều nhà Lý, đã đọc Chiếu Dời Đô, cho dời kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình, về Thăng Long ngày nay, vào năm 1010. Từ đó đến nay, Hà Nội-Thăng Long có lịch sử 1000 năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội.

Cũng vào năm 1010 đó, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng một ngôi điện lớn lấy tên là điện Giảng Võ, ở khu vực Giảng Võ ngày nay, để làm nơi hội họp với các quan võ, để bàn các việc nước an ninh của đất nước.

Năm 1074-1075 xảy ra cuộc kháng chiến chống quân Tống của nước Đại Việt ta với nhà Tổng bên Trung Quốc, mà tướng Lý Thường Kiệt đã chỉ đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Tống bên phòng tuyến sông Cầu-sông Như Nguyệt, với bài thơ bất hủ của tướng Lý Thường Kiệt:

“Nam Quốc sơn hà, Nam đế cư,

Tiệt niên định phận tại thiên thư,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan hủ bại hư”

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà Lý tiếp tục củng cố công việc huấn luyện võ nghệ, quân sự để bảo vệ đất nước.

Nên đến năm 1170, nhà Lý lại cho mở rộng thêm khu vực điện Giảng Võ, cho xây dựng thêm một trường dạy võ và bắn cung (gọi là Xạ Đình).

Tháng 8 Âm lịch năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Giảng Võ đường ở khu vực điện Giảng Võ- Xã Đình này, để luyện tập võ nghệ cho quân đội, chuẩn bị đối phó với âm mưu xâm lược nước ta của quân Nguyên Mông.

4 năm sau, vào năm 1257, quân Nguyên của chúa Nguyên Mông Kha xâm lược Đại Việt Nam ta lần thứ nhất, và bị đánh thua chỉ sau gần 1 tháng vào xâm lược nước ta.

Sau đó, quân Nguyên xâm lược Đại Việt Nam ta 2 lần nữa, vào năm 1281, và 1284, đều bị thua trận.

Có thể nói, việc thành lập Giảng Võ đường, luyện tập võ nghệ cho quân lính, chuẩn bị chiến tranh, là một trong những nguyên nhân góp phần làm nên 3 lần chiến thắng quân Nguyên của nhân dân Đại Việt Nam ta.

Đến thời vua Lê Thánh Tông, vào năm 1478, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng, mở rộng điện Giảng Võ từ thời nhà Lý, Trần, cho mở rộng và xây mới thêm  điện Giảng Võ, để làm nơi quân tướng tập trận.

Tháng 10 Âm lịch năm 1481, vua Lê Thánh Tông lại cho đào hồ Hải Trì, quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ, để tập luyện binh tượng, voi trận.

Vào thời vua Lê Hiến Tông, Giảng Võ lại được mở rộng hơn nữa làm nơi nuôi voi trận. Chuồng voi ở đây được lợp ngói, có cả những người lính kiêm quản tượng, được tuyển quân từ vùng Bắc Giang , đưa đến Giảng Võ để chuyên huấn luyện voi trận.

Đến thời điểm này, trong biên chế của quân đội Đại Việt có thêm một binh chủng đặc biệt: Tượng binh.

Giảng Võ đường còn là nơi để duyệt binh.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Chúa ngự ở lầu Giảng Võ… duyệt quân thủy và bộ, bày thuyền ghe, voi ngựa để phô bày sự cường thịnh”.

Đó là vào năm 1630, thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng.

Qua thư tịch, ngày nay ta còn biết được vị trí của Giảng Võ xưa khá gần với sông Tô Lịch, và dòng sông này trước đây khá lớn, vua quan có thể đứng ở Giảng Võ mà xem duyệt binh thủy quân trên sông Tô Lịch được.

Và đến nay, ngày 2-4-1983, công trình thi công hồ Ngọc Khánh được khởi công, nằm giữa ba con phố: Kim Mã, Cầu Giấy và Nguyễn Chí Thanh.

Khi những người thợ, công nhân đào xuống đất ở đây, thì phát hiện kho vũ khí cổ từ ngày xưa với số lượng hàng vạn loại, bao gồm: Súng lệnh bằng đồng, đạn đá, giáo sắt, giáo đồng…

Súng lệnh bằng đồng có chiều dài 39cm, có nòng, bầu nòng để nạp thuốc súng, rãnh khoan lỗ cắm dây cháy chậm. Qua những chữ khắc trên súng được biết niên đại của súng vào khoảng năm 1466 dưới thời vua Lê Thánh Tông, là vị vua được đánh giá xuất sắc nhất, phát triển rực rỡ nhất trong tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam.

Trong lòng đất Ngọc Khánh còn phát hiện hơn 1.000 viên đạn đá ở gần khu ruộng vốn có tên là Bãi Đạn. Đó là những viên đá hình cầu, đường kính lên tới khoảng 12cm. Việc đào được khá nhiều đạn đá ở nơi có tên gọi như vậy lại càng chứng tỏ vùng Ngọc Khánh vốn là một phần của thao trường xưa còn lưu lại ddeens ngày nay các tên dân gian như “Bãi Đạn”, “Trường Bắn”.

Một số viên đạn còn ám khói chứng tỏ chúng được bắn đi từ nòng của một khẩu “thần cơ” nào đó, dùng sức ép của thuốc nổ bắn đạn đá.

Bên cạnh súng, đạn còn có những vũ khí “lạnh” như giáo sắt, giáo đồng hình lá lúa, giáo có một ngạnh, loại giáo lớn có tên là “mũi trường”, loại câu liêm, đinh ba, kiếm, qua, lao 3 ngạnh…

Một số vũ khí đánh xa lợi hại như móc câu chùm quăng xa cho dính vào đối phương để bắt sống, hoặc quăng móc vào thuyền địch để giữ thuyền địch, không cho chạy thoát, rồi cho lính của ta nhảy sang đánh thuyền địch.

Một số mũi tên sắt đi kèm với những chiếc nỏ gỗ.

Vũ khí phòng ngự có mũi chông 3 ngạnh để ngăn chặn kẻ địch tân công…

Đây chính là những vũ khí thời nhà Lê, được sử dụng để chống lại quân Minh, làm cho nhà Minh phải thua chạy, như trong Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi đã viết:

“Đánh một trận sạch không kình ngạc,

 Đánh hai trận tan tác chim muông”.

Kho vũ khí thời Lê sơ được phát hiện năm 1983 giữa lòng hồ Ngọc Khánh đã được các nhà sử học khẳng định là thuộc vào một khu vực huấn luyện quân sự nổi tiếng có tên Giảng Võ Đường.

Từ đó, cho đến gần đây, hơn 1000 năm đã trôi qua, Giảng Võ Đường luôn là nơi dạy võ cho quân đội Việt Nam ta, để chống ngoại xâm.

Năm 1974, lần đầu tiên sau hơn 1000 năm, Giảng Võ Đường bị chuyển đổi mục đích làm Khu Triển Lãm Giảng Võ, không còn là nơi dạy võ, dạy văn hóa để nối tiếp truyền thống văn hóa thượng võ của dân tộc Việt Nam.

Nhưng vẫn có thể chấp nhận được, vì nó được dùng phục vụ mục đích công cộng, mục đích văn hóa, mặc dù nếu vẫn dùng làm nơi giảng võ-dạy võ như xưa, nối tiếp truyền thống thượng võ của nước Việt Nam nghìn năm văn hiến thì tốt hơn.

Năm 1998, đảng cộng sản Việt Nam ta tại Hội nghị Trung ương làn thứ năm, khóa Đại hội đảng 8, đã ra nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thế mà vào năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và bí thư đảng Hà Nội Hoàng Trung Hải, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thành phố Hà Nội đã cho Vincom xây chung cư 50 tầng ở khu Giảng Võ đường 68.000 m2 này, để “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”!!!

Ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, và và chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhìn thấy mục đích kiếm tiền cao hơn mục đích gìn giữ truyền thống văn hóa thượng võ của dân tộc Đại Việt Nam ta, nên đã ký quyết định bán đất Giảng Võ cho Vincom, để Vincom xây chung cư 50 tầng kiếm tiền.

Đến nay thì ông thủ tướng Dũng đã về hưu, và ông chủ tịch Hà Nội Chung đã bị bắt và bị xét xử vì tội tham nhũng. Ông bí thư Hải bị kỷ luật về hưu.

Và đất Triển Lãm Giảng Võ đã được lấy lại để làm nơi phục vụ lợi ích công cộng, Nhà nước sẽ cho xây dựng công trình văn hóa-thể thao ở đây.

Đúng là Giảng Võ đường là nơi “Địa Linh Nhân kiệt”, nên “Hễ ai đụng đến thì trời đánh cho”.

Nhìn lại việc cấp đất 68.000 m2 đất Giảng Võ cho Vincom, chắc có sự tham gia của Bộ Văn Hóa nữa,   thì Vincom đã trả cho Nhà nước bao nhiêu tiền?

Vincom xây chung cư cao cấp kiếm tiền, thì chắc là Vincom không thể được ưu đãi giá đất, vì Vincom không xây dựng công trình văn hóa phục vụ lợi ích công cộng. Vậy thì Vincom phải trả cho Nhà nước giá đất 68.000 m2 đó theo giá thị trường.

Bây giờ, liệu có cần lật lại việc cấp đất Giảng Võ mờ ám này cho Vincom không?

2-Về dự án chuyển đổi đất Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo ở số 191 phố Bà Triệu, rộng 42.000 m2, năm 2001 chuyển giao cho Vincom xây chung cư, siêu thị, bán và cho thuê kiếm tiền, năm 2004 Vincom khánh thành tòa nhà Vincom Bà Triệu.

Vì sao không dùng đất nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đó để xây công trình công ích, văn hóa, công viên cây xanh, hoặc trường học, bệnh viện, thư viện, hoặc trung tâm rèn luyện thể thao phục phụ công cộng, mà lại bán đất đó cho Vincom xây chung cư, siêu thị kinh doanh kiếm tiền?

Chúng ta đều biết thành phố Hà Nội có chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm, tiếng ồn ra khỏi trung tâm Hà Nội. Đó là một chủ trương đúng. Nhưng đất nhà máy của Nhà nước là đất công, không phải đất của riêng Bộ Công Thương.

Đất công khi chuyển đổi mục đích sử dụng, thì cũng phải dùng để phục vụ lợi ích công cộng, không thể đưa ra kinh doanh kiếm lời cho cá nhân nào đó được.

Vậy Vincom trả Nhà nước bao nhiêu tiền để lấy được 42.000 m2 đất nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đó?

Đề nghị Nhà nước cho kiểm tra lại dự án cấp đất Bà Triệu cho Vincom, nếu có chênh lệch giá, phải thù hồi tiền chênh lệch cho Nhà nước.

Vincom xây chung cư, siêu thị, không phải xây trường học, bệnh viện, không phải xây công trình quốc phòng, công cộng, thì Vincom không thể nhận được giá đất ưu đãi.

3-Nghe nói, không phải chỉ lấy đất Giảng Võ Đường-Triển Lãm Giảng Võ xây chung cư kiếm tiền. Mà Hà Nội còn có dự định lấy đất của các trường học, bệnh viện ở trung tâm Hà Nội, để lấy đất xây “công trình phục vụ công cộng”.

Ngày 26 tháng 7 năm 2011, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg về “Phê duyệt qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, và tầm nhìn đến năm 2050”.

Trong cái quyết định 1259/QĐ-TTg rất dài này, thấy có một số đoạn văn nổi bật như sau:

 “Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô; quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị.

 “di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu – đào tạo – khám chữa bệnh chất lượng cao”.

 Di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm.

“- Thực hiện việc di dời các cơ sở cao đẳng, đại học, y tế ở khu vực nội đô. Xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch.”

Di dời trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Hà Nội, để xây công trình phục vụ công cộng, là công trình gì?

Trường học, bệnh viện có phải là công trình phục vụ công cộng không?

Hay là đuổi trường học, bệnh viện để lại lấy đất cho Vincom và các Nhóm lợi ích bất động sản xây chung cư cao cấp kiếm tiền?

Chúng ta biết là lấy đất công của Nhà nước là an toàn nhất, không động đến dân, không bị khiếu kiện, không bị biểu tình, và có lẽ giá vô cùng rẻ.

Nếu không rẻ, thì chắc là Vincom và các Nhóm lợi ích khác không muốn lấy các đất đó.

Nhưng trên thế giới, chưa từng thấy có Nhà nước nào vô đạo đức đuổi các trường học, bệnh viện để lấy đất xây chung cư, nhà hàng, khách sạn.

Đất của các trường học, bệnh viện sẽ bị di dời đi đó theo Quyết định 1259/QĐ-TTg, sẽ cấp cho ai? Với giá bao nhiêu tiền?

-Câu hỏi chung cho mỗi người Việt Nam chúng ta, là, phải chăng bây giờ mới là lúc người ta thực sự gặt hái được những thành quả của cách mạng?

Hàng triệu chiến sĩ và nhân dân Việt Nam ta đã anh dũng hi sinh trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, và bảo vệ và thống nhất tổ quốc, phải chăng để bây giờ cho các Nhóm lợi ích và các quan tham gặt hái thành quả của cách mạng?
Tình trạng bán đất công rẻ như bèo cho các Nhóm Lợi Ích, để các Nhóm Lợi Ích xây chung cư, biệt thự, siêu thị bán-cho thuê theo giá thị trường, kiếm lợi theo tỷ lệ hàng trăm %, thậm chí hàng nghìn %, không ngành nghề kinh doanh nào có thể sánh kịp, đã lý giải vì sao ở Việt Nam ta, kinh doanh bất động sản là phát triển nhất, làm giàu nhanh nhất, còn các ngành công nghiệp khác vẫn phát triển đì đẹt.

Với tinh thần của câu nói nổi tiếng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Phải trói quyền lực trong cái lồng cơ chế, luật pháp”, tôi xin kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ có cuộc tổng kiểm tra việc chuyển giao đất công cho Vincom và các Nhóm lợi ích trong cả nước, để thu hồi các chênh lệch giá nếu có, thu hồi tiền về cho Nhà nước, để không có Nhóm lợi ích nào có thể đứng trên “cái khung cơ chế và luật pháp”.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.