Kỷ niệm đẹp về 3 cán bộ an ninh có lương tâm-nhà báo phải dũng cảm, kiên quyết bảo vệ người cung cấp tin cho mình

W.Minh Tuấn

Trong ngành công an Việt Nam ta cũng có người xấu, người tốt. Ở đây tôi xin kể về 3 nhân viên an ninh tốt, có lương tâm.

Khoảng năm 1997, xảy ra những vụ tiêu cực lớn trong ngành dầu khí. Một số người nắm được thông tin của vụ dầu khí, đã bí mật cung cấp các tài liệu, hồ sơ về các vụ việc tiêu cực trong ngành dầu khí cho báo chí ở Hà Nội.

Tôi cũng nhân được một bộ hồ sơ dày cộp.

Tôi cẩn thận photocopy làm 3 bộ, để ở 3 nơi khác nhau.

Sau đó, dựa vào các hồ sơ tài liệu đó, tôi viết bài báo, nộp Tổng biên tập bào Đại Đoàn Kết Ngọc Thạch. Đồng chí Tổng Biên tập Ngọc Thạch có vẻ lo, vì thấy vụ việc động dữ, nên nói với tôi là hãy chờ xem thế nào.

Tôi mang bài báo của tôi sang cho báo Lao Động, nộp anh Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập. Anh Huy Hoàn xem xong bản thảo của tôi, cũng thấy lo, nên nói là anh sẽ mang bài báo của tôi lên Ban Văn hóa Tư tưởng hỏi ý kiến.

Ở trên Ban cũng nói với anh Huy Hòan là hãy chờ thêm chút nữa, chứ “động dữ lắm”.

Được ít hôm, đột nhiên có 3 nhân viên An ninh Kinh tế, thuộc Cục An ninh Kinh tế, đến báo Đại Đoàn Kết đề nghị gặp tôi.

Đồng chí Tổng Biên Tập Ngọc Thạch khá hoảng, nói tôi tiếp 3 cán bộ An ninh.

Tôi đã đoán có lẽ họ đến về vụ dầu khí, nên cũng thấy yên tâm.

Khi đó, tôi biết báo Tiền Phong, báo Tuần Tin Tức cũng đang làm vụ dầu khí, và cơ quan An ninh điều tra cũng đang làm việc rất dữ với các phóng viên viết bài, đưa giấy Triệu tập để gọi hỏi, triệu tập nhà báo lên trụ sở cơ quan An ninh điều tra để hỏi cung

Với trường hợp của tôi, tôi chưa thấy cơ quan An ninh Điều tra A24 làm việc với tôi, mà chỉ mới thấy cơ quan An ninh Kinh tế A17 làm việc, vì 3 cán bộ An ninh này thuộc cơ quan An ninh Kinh tế A17.

(Sau này, dưới thời thủ tướng Dũng, Bộ Công An đã bị thay đổi cơ cấu tổ chức rất nhiều, phức tạp hơn, cồng kềnh hơn, nên các tên gọi như trên cũng thay đổi rồi. Tôi nghĩ một ngày nào đó, Bộ Công An nên quay trở lại cơ cấu tổ chức như trước đây, là 5 Tổng cụ: Tổng cục 1-Văn phòng, hành chính, Tổng cục 2-Cảnh sát, Tổng cục 3-Xây dựng lực lượng, đào tạo, Tổng cục 4-Hậu cần, trại giam, và Tổng cục 5-An ninh)

Tôi mời 3 cán bộ an ninh vào phòng khách của báo Đại Đoàn Kết ở trụ sở số 66 phố Bà Triệu, đối diện với Đại sứ quán Pháp, pha trà mời họ, và hỏi tôi có thể giúp gì được cho họ.

Ba cán bộ an ninh tự giới thiệu, một là thượng tá, một thiếu tá, mà một đại úy của Cục An ninh Kinh tế, A17, Bộ Công an.

Đồng chí thượng tá, Điều tra viên cao cấp, trình bày ngắn gọn như sau:

-“Chúng tôi biết anh Minh Tuấn đã viết bài báo về vụ dầu khí, nhưng chưa được đăng. Chúng tôi chỉ xin đề nghị 2 việc, xin anh giúp chúng tôi:

Một là, xin anh cho chúng tôi biết ai đã cung cấp hồ sơ, tài liệu cho anh.

Hai là, xin anh photocopy một bộ hồ sơ, tài liệu cho chúng tôi”.

Sau khi nghe đồng chí Thượng tá nói, tôi trả lời ngắn gọn như sau:

Thưa ba đồng chí công an.

Thứ nhất, tôi không thể cung cấp thông tin về ai đã cũng cấp hồ sơ, tài liệu vụ dầu khí cho chúng tôi. Nếu tôi nói ra, thì còn có ai dám cung cấp hồ sơ, tài liệu cho báo chí chúng tôi nữa.

Bởi vậy, xin phép, tôi không thể nói.

Thứ hai, đây vụ việc tiêu cực lớn trong ngành dầu khí, mà có liên quan đến trách nhiệm đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bởi vây, theo tôi nghĩ, thì các đồng chí đến đây là theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mà, Thủ tướng Kiệt rồi sẽ nghỉ, sẽ có Thủ tướng khác lên thay. Thủ tướng mới, trong sạch, liêm khiết sẽ cho tiếp tục điều tra vụ việc này.

Thứ ba, chúng tôi, những nhà báo làm điều tra chống tham nhũng, chúng tôi cũng xác định chúng tôi sẽ dũng cảm, và có lòng quyết tâm như các vị tiền bối cách mạng ngày xưa đã đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam ta, như Lê Hồng Phong, như Nguyễn Thị Minh Khai, như Hoàng Văn Thụ, v,v. Các nhà báo chúng tôi cũng sẽ dũng cảm và quyết tâm như vậy, dám chấp nhận hi sinh, mất mát, tù đày, nhưng không bao giờ đầu hàng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Thứ tư, tôi sẽ photocopy một bộ hồ sơ, tài liệu cho các đồng chí, nhưng, chỉ những tài liệu, hồ sơ nào mà các đồng chí khi đọc, không thể phát hiện được ai đã cung cấp hồ sơ cho chúng tôi.

Nếu các đồng chí đồng ý như thế, tôi sẽ đi photocopy cho các đồng chí.

Tôi nói rõ ràng, mạch lạc, và rất bình thản.

3 cán bộ an ninh nhìn nhau, trao đổi nhỏ gì đó, sau đó đồng ý.

Tôi nói họ chờ, và tôi đi ra ngoài.

Nơi tôi để bộ tài liệu khá xa, nên tôi đi mất khá nhiều thời gian để lấy bộ tài liệu đó, sau đó ngồi ở quán photocopy chọn lọc tài liệu, coppy, cũng khá lâu.

Tôi chú ý nhìn quanh xem có ai đến giật, cướp tài liệu không.

Sau khi photocopy xong bộ tài liệu, tôi mang cả 2 bộ hồ sơ, một bộ gốc của tôi giày cộp, và bộ hồ sơ cho 3 cán bộ an ninh mỏng hơn hơn nhiều, mang vào phòng khách báo Đại Đoàn Kết, giao cho họ bộ hồ sơ mỏng.

Cả 3 cán bộ An ninh nhìn thấy rõ ràng tôi có 2 bộ hồ sơ khác nhau, một giày, một mỏng, và họ chỉ được tôi đưa cho bộ hồ sơ mỏng.

3 cán bộ an ninh cười hiền lành, không hỏi tôi gì thêm, và cảm ơn tôi, mang bộ hồ sơ mỏng ra về.

Ra đến cửa, vị thượng tá đưa cho tôi cái cac-vi-sít, nói nhỏ với tôi là nếu có gặp khó khăn gì, thì hãy liên lạc với ông.

Tôi cảm nhận được sự thiện cảm của ông đối với tôi.

(Nếu tôi làm vụ PMU18, và cũng được anh em công an cung cấp một số tài liệu, hồ sơ gì đó, thì chắc chắn tôi sẽ bảo vệ họ, không nói ra tên của họ, như tôi đã bảo vệ người cung cấp thông tin cho tôi trong vụ dầu khí này)

Sau hôm đó, không có ai đến hỏi tôi nữa.

Tôi nghĩ, trong lực lượng công an, an ninh, cũng có người xấu, người tốt, người chỉ biết làm theo nhiệm vụ được giao một cách mù quáng, nhưng cũng có nhiều người làm việc có suy xét cá nhân, có lương tâm, không nghe theo mệnh lệnh một cách mù quáng.

Theo tôi, ba cán bộ an ninh làm việc với tôi trong vụ dầu khí năm 1997 là những cán bộ an ninh tốt, có lương tâm. Và chỉ những người như vậy mới có khả năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước.

 

Nói thêm về vụ dầu khí năm 1997:

Nhân đây tôi nói thêm về trường hợp anh Xuân Ba, báo Tiền Phong, anh cũng làm điều tra vụ dầu khí như tôi, và đã viết bài, và báo Tiền Phong đã đăng bài phóng sự điều tra của anh.

Sau đó cơ quan An ninh Điều tra A24 làm giấy triệu tập, mời anh đến trụ sở cơ quan này ở ven công viên Thống Nhất, Hà Nội, phố Nguyễn Đình Chiểu, tổng cộng mời gọi hỏi, triệu tập khoảng 30 lần. Anh Xuân Ba cũng rất bướng bỉnh, không chịu nói ra tên người cung cấp thông tin cho mình. Nhưng đồng thời, anh cũng có đường dây dẫn anh đến gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nhờ bảo vệ anh. Sau đó an cũng an toàn, không bị gọi hỏi nữa.

Sau đó vài tháng, tôi và anh Xuân Ba đến nhà anh Sơn, thư ký riêng của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, để dự ăn cơm chúc mừng con trai anh Sơn vừa mới sinh ra được đầy tháng. Anh Sơn là người Hà Tĩnh, đồng hương với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công An Lê Minh Hương.

Anh Sơn có quan hệ rất thân thiết với một số nhà báo, nhất là tôi và anh Xuân Ba. Tôi, anh Sơn, anh Xuân Ba thường đi nhậu nhẹt với nhau, chúng tôi thân nhau như anh em trong nhà.

Khi tôi và anh Xuân Ba vào nhà anh Sơn, thấy trong nhà đầy kín người ngồi xung quanh cái chiếu trải giữa nhà, trên chiếu bày đủ các món ăn ngon, rồi rượu, rồi bia.

Khi tôi và Xuân Ba chen vào ngồi trên chiếu, thì có 1 người nói giọng Hà Tĩnh từ phía chiếu bên kia đứng lên, chạy lại phía anh Xuân Ba, cầm cốc bia mời anh Xuân Ba.

Hai người rủ rỉ nói chuyện với nhau nhỏ nhỏ gì đó, tôi không để ý.

Sau khi hết bữa tiệc đầy tháng con anh Sơn, chúng tôi ra về. Tôi hỏi anh Xuân Ba cái vị chạy lon ton đến mời bia anh Xuân Ba là ai vậy. Anh Xuân Ba tủm tỉm cười nói: “Quả đất tròn, mày ạ. Hắn ta là người làm giấy triệu tập tao lên A24, và hỏi cung tao hơn 10 lần đấy”.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.