Kỷ niệm về tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự C14

 

Một ngày nào đó, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phải được minh oan, trả lại chữ Dũng cảm, Liêm chính cho Thiếu tướng Cảnh sát Nhân dân-Cục trưởng Cụ cảnh sát Hình sự C14 Phạm Xuân Quắc

W.Minh Tuấn.

Tôi biết tướng Phạm Xuân Quắc khi ông còn là đại úy, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hải Hưng, nay là tỉnh Hải Dương. Đó là năm 1987, khi tôi về Hải Hưng làm phóng sự điều tra vụ xã Đồng Tiến, huyện Châu Giang (nay xã, huyện này thuộc về tỉnh Hưng Yên).

Khi đó tôi biết phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hải Hưng cũng đã từng về xã Đồng Tiến điều tra mấy vụ bán đất gì đó, nhưng sau đó không thấy làm nữa. Tôi đến Công an tỉnh để tìm hiểu hai nội dung:

-Công an tỉnh đã điều tra việc gì ở xã Đồng Tiến,

và-vì sao không làm nữa.

Trụ sở Công an tỉnh Hải Hưng nằm ở vị trí rất đẹp, ngay trung tâm thị xã Hải Dương, trên trục đường quốc lộ 5 Hải Phòng-Hà Nội. (Bây giờ quốc lộ 5 đã làm vòng ra phía ngoài thị xã, để tránh đi lại đông đúc trong trung tâm thị xã Hải Dương).

Trụ sở Công an tỉnh khi đó còn tuềnh toàng lắm, chỉ là những căn nhà 1 tầng thấp tè, cũ kỹ, cổng ra vào có vọng gác, nhưng xiêu vẹo. (Bây giờ trụ sở CA tỉnh HD xây lại đẹp lắm).

Khi đó Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng giao cho Phòng Cảnh sát Kinh tế tiếp tôi.

Đại úy Trưởng phòng Phạm Xuân Quắc khi đó còn khá trẻ, 40 tuổi, tóc chưa bạc trắng như bây giờ.

(Vụ việc ở xã Đồng Tiến, tôi sẽ nói kỹ ở phóng sự vụ Đồng Tiến. Ở đây chỉ xin nói qua là xã Đồng Tiến có hiện tượng Bí thư Đảng ủy xã hành xử chẳng khác gì ông vua con ở xã, mà dân xã Đồng Tiến gọi đây là tay “cường hào mới” ở nông thôn Việt Nam. Có rất nhiều vụ việc tiêu cực, cướp đất, bán đất, tham nhũng, bắt người trái phép,,,xảy ra ở đây, mà các cơ quan pháp luật ở Hải Hưng không thể làm gì được, vì ông cường hào mới này có nhiều mối quan hệ rất ghê gớm).

“-À, cái tay Bí thư xã Đổng Tiến này ghê lắm, bọn tớ đã điều tra trinh sát ban đầu, đã làm giấy triệu tập, mà tay này không lên”-anh Quắc thẳng thắn nói ngay vào vấn đề.

Tôi thấy ngạc nhiên vì Công an làm giấy triệu tập, mà đương sự không đến làm việc, thì phải cưỡng chế, áp giải, thậm chí bắt giam chứ.

Đoán biết được thắc mắc của tôi, anh Quắc nói:

“-Không đơn giản đâu. Rồi cậu làm việc thêm với anh em trong Phòng, anh em sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết cho cậu.”

Khi đó anh Phạm Xuân Quắc đang chuẩn bị đi học nghiệp vụ cảnh sát ở Liên Xô cũ, nên anh giao cho anh em cấp dưới, Phó phòng, Đội trưởng ,,,tiếp tôi, cung cấp thông tin, tình hình xã Đồng Tiến cho tôi.

Nhờ sự cởi mở, nhiệt tình của Trưởng phòng Quắc, nên anh em cấp dưới tiếp tôi rất nhiệt tình. Cho đến nay, tôi vẫn giữ quan hệ tốt với một số chiến sĩ, cán bộ của Công an tỉnh Hải Hưng, là từ vụ Đồng Tiến này.

Sau khi anh Phạm Xuân Quắc đi học ở Liên Xô về, khoảng 1 năm sau, thì vụ Đồng Tiến cũng vừa kết thúc, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến bị cách chức. Sau đó Bí thư Tỉnh ủy , Ủy viên Trung ương Đảng Lê Đức Bình mà cố tình bao che cho ông Bí thư xã này cũng bị chuyển công tác lên Trung ương, rồi về hưu.

Sau vụ Đồng Tiến, anh Quắc rất có thiện cảm với anh em báo chí, nhất là với tôi, và anh Mạnh Việt, cây viết phóng sự của báo Tiền Phong. Khi có những vụ việc gì xảy ra ở Hải Hưng, liên quan đến Công an kinh tế, anh Quắc đều nhiệt tình cộng tác với chúng tôi, trong phạm vi chức trách, quyền hạn cho phép.

Anh Quắc là người rất thẳng thắn, có thể nói không sợ đụng chạm, nhưng cũng hiền lành, dễ mến. Nhưng vẻ ngoài khá nghiêm nghị, khiến nhiều người cảm thấy ngại tiếp xúc lúc đầu.  Anh làm việc cũng rất nguyên tắc. Không bao giờ đi quá giới hạn chức trách, quyền hạn cho phép.

Tôi và Mạnh Việt nhiều lần tiếp xúc với anh Quắc, và chúng tôi hiểu, có thể nói, anh Quắc là người không thể bị bọn tội phạm mua chuộc được.

(Phải chăng vì tính chất ngang tàng, cứng nhắc đó, mà anh phải chịu vụ án oan PMU18  lúc cuối đời chăng?)

Có lần tôi và Mạnh Việt ngồi cùng Ban chỉ huy của anh Quắc, khi anh đang chỉ đạo giải quyết vụ nông dân xô xát với công an, ở một xã ở Hải Hưng. Khi đó anh Quắc đã là đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng, phụ trách Cảnh sát. Ở nông thôn Việt Nam ta, do nhiều nguyên nhân, hàng năm có rất nhiều vụ nông dân xô xát với chính quyền, với công an,,,.

Đây là một thực tế rất đau lòng ở một Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Anh Quắc dùng máy bộ đàm, bình tĩnh chỉ đạo chiến sĩ cấp dưới, luôn nhắc nhở anh em chiến sĩ không được thô bạo với dân. Anh nói người dân chưa hiểu, thì kiên trì giải thích cho bà con. Không được thô bạo.  Bà con nông dân cũng như là cha, là mẹ của mình ở quê thôi. Chỉ với những người thực sự quá khích, anh Quắc mới chỉ đạo bắt giam, xử lý theo pháp luật. (Nhưng thực ra xử lý cũng rất nương nhẹ, có sự chiếu cố cho trình độ hiểu biết của nông dân có hạn).

Tôi và Mạnh Việt ngồi im lặng quan sát anh Quắc và các cán bộ công an tất bật làm việc, đôi lúc chúng tôi chạy ra, chạy vào, lấy máy ảnh ra chụp,,,.Anh để yên cho chúng tôi làm việc theo nghiệp vụ báo chí, không can thiệp.

Khoảng đầu năm 1994, Mạnh Việt gọi điện cho tôi, nói anh Quắc sắp chuyển công tác lên Hà Nội, về thăm anh ấy đi.

Tôi lấy xe máy, chở anh Mạnh Việt về thị xã Hải Dương, đến nhà thăm anh Quắc. Anh Quắc làm bữa cơm đơn giản, thân mật thết đãi chúng tôi.

Chuyển công tác lên Hà Nội, anh có tâm  trạng vừa vui, vừa buồn. Vui vì sẽ làm việc ở môi trường rộng lớn hơn, phạm vi cả nước. Buồn vì xa quê hương, gắn bó hơn nửa đời người rồi.

Sau đó, được tin anh làm Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự C14, trụ sở ở phố Hàng Bài, rất gần trụ sở báo Đại Đoàn Kết của tôi.

Khi anh Quắc mới nhậm chức ở Cục C14, thì có vụ Vũ Xuân Trường, đại úy  thuộc Đội Đặc nhiệm của Cục C14 dính vào vụ buôn lậu ma túy, và bị án tử hình. Anh Quắc về Cục C14, thì vụ án đã xảy ra rồi.

Một hôm, tôi sang Cục C14, gặp anh Quắc, đề nghị anh cho tìm hiểu thông tin về Đội Đặc nhiệm, Cục C14. Vì tôi biết Đội Đặc nhiệm này phụ trách chống tội phạm ở vùng biên giới phía Bắc, giáp với Trung Quốc. Chiến sĩ của Đội thường cải trang thành hành khách đi xe buýt, khách đi buôn, để bắt cướp, bắt bọn buôn lậu có vũ trang,,,.

Anh Quắc cho gọi xe ôtô, chở tôi xuống trụ sở của Đội Đặc nhiệm, nằm ở khu Vĩnh Tuy, nhưng anh nói thêm “Tớ sắp cho giải tán Đội này”.

“-Dạ, vì sao ạ?”-tôi ngạc nhiên hỏi.

-“Thì đấy, vụ ma túy đấy. Anh em chiến sĩ của Đội, phần đông là tốt. Nhưng cũng có tiêu cực như vụ ma túy đó, lợi dụng danh nghĩa Đặc nhiệm, làm chuyện phi pháp”.

Sau đó, anh Quắc cho xóa thật đội Đặc nhiệm này.

Thế nhưng đổi lại, Cục C14 dưới sự lãnh đạo của tướng Phạm Xuân Quắc, đã làm được thành công những vụ án lớn vang dội cả nước, mà lãnh đạo tiền nhiệm của Cục 14 không làm được.

Xóa án vụ Khánh Trắng, trùm xã hội đen Hà Nội.

Xóa án vụ Tin “palet”, vụ Minh “samasa” ở Nha Trang, Khánh Hòa.

Xóa án vụ trùm xã hội đen Hải Phòng Cu Nên.

Xóa án vụ Dũng “chim xanh”, Hoàng “lựu đạn” ở Bình Thuận.

Và lớn nhất, tham gia cùng Công an Tiền Giang, xóa án vụ Năm Cam, Sài Gòn.

Thế rồi vụ PMU18.

Với các vụ án hình sự, triệt phá băng nhóm xã hội đen khác, Cục C14 luôn nhiệt tình cộng tác với báo chí, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền, chống tội phạm trong cả nước. Được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen ngợi.

Thế nhưng với vụ PMU18, việc cộng tác với báo chí như vậy bị cho là có tội, “cố ý làm lộ bí mật công tác”.

Khi vụ PMU18 xảy ra, tôi đã xin thôi việc ở báo Đại Đoàn Kết, sang Nhật định cư đoàn tụ gia đình.

Tôi chỉ nghe và biết đến vụ PMU18 qua báo chí, và qua bạn bè từ Việt Nam.

Theo các thông tin từ báo chí, tướng Quắc chỉ đạo điều tra vụ PMU18, là vụ đánh bạc qui mô lớn, giá trị hàng triệu đô-la Mỹ-USD mỗi vụ đánh bạc. Và tiền đánh bạc này là tiền tham nhũng, ăn cắp từ các dự án OAD do Chính phủ Nhật giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng.

Như vậy tiền ODA của Nhật giúp Việt Nam là có một phần nhỏ tiền đóng thuế của tôi cho Chính phủ Nhật đấy.

PMU18 là tên của một công ty thuộc Bộ Giao Thông, phụ trách quản lý vốn ODA của Nhật giúp Việt Nam làm cầu, đường, trị giá vốn do PMU18 quản lý cỡ khoảng vài chục triệu USD.

Giám đốc PMU18, và những người liên quan trong Bộ Giao Thông đã tham nhũng, ăn cắp tiền ODA, tiêu xài phung phí, đánh bạc, mua ô tô,,,.

Và một tội phạm trong vụ PMU18 này là đồng hương, và có quan hệ thân thiết với tướng Cao Ngọc Oánh, là Tổng cục trưởng Tổng cụ Cảnh sát, là cấp trên trực tiếp của tướng Quắc.

Ngoài ra, làm việc trong công ty PMU18 còn có người nhà của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Bởi vậy, dù vụ PMU18 có rất nhiều người đã biết, nhưng không ai dám điều tra vụ này.

Ai muốn điều tra vụ PMU18 sẽ giống như “mó dái ngựa”, sẽ bị ngựa đá chết tươi.

Thế mà tướng Quắc dám chỉ đạo Cục C14 điều tra vụ đánh bạc triệu đô của PMU18, dám điều tra những người có liên quan đến cấp trên trực tiếp của tướng Quắc, và có liên quan đến Tổng Bí Thư,,,.

Quả là cực kỳ “mó dái ngựa”.

Nếu không phải tước Quắc, với cái tên Quắc rất mạnh mẽ, dũng cảm, thì không một ai trên trái đất này dám làm điều tra vụ PMU18.

Trong khi tướng Quắc đang chỉ đạo làm điều tra vụ PMU18, thì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho tướng Quắc nghỉ hưu, với lý do “vì đã 60 tuổi”, sau đó thủ tướng Dũng còn cho khởi tố tướng Quắc và vài đồng sự cấp dưới, vì tội “cung cấp thông tin cho báo chí vụ PMU18, làm lộ bí mật công tác!!!

Việc tướng Phạm Xuân Quắc bị khởi tố trong vụ PMU18, vì đã “làm lộ bí mật công tác”, cung cấp thông tin cho báo chí thật là khôi hài.

Luật báo chí, và các Chỉ thị của Chính phủ qui định là các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí.

Với các vụ việc bình thường thì  không sao, có sự hợp tác tốt giữa cơ quan Nhà nước, cơ quan pháp luật với báo chí. Nhưng khi có việc đụng chạm gì đó, thì người cung cấp tin cho báo chí bị khép tội “làm lộ bí mật công tác”!!!

Ngày 22 tháng 11 năm 2006, khi chưa đến tuổi 60, vì tướng Quắc sinh năm 1947, ông nhận được quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho về hưu, và thôi chức Trưởng ban chuyên án vụ PMU18.

Người ta sợ ông Quắc còn làm Trưởng ban chuyên án, thì vụ PMU18 sẽ vỡ lở nguy hiểm chăng?

Chưa hết.

Ngày 13 tháng 5 năm 2008, tướng Quắc bị khởi tố cùng thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp chịu trách nhiệm chính trong vụ PMU18, với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ”.

Sau đó có lẽ thấy vô lý, vì một người chân chính, trung thực như tướng Quắc, như thượng tá Huynh, thì không thể có chuyện “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được.

Nên cái tội danh vô lý đó sau đó đổi lại thành “Cố ý làm lộ bí mật công tác”.

Sao không kết tội tướng Quắc trong các vụ Năm Cam, Khánh Trắng, Tin “palet”,,,,vì ông Quắc cũng nhiệt tình cung cấp tài liệu cho báo chí đấy chứ.

Nhưng vụ Tin “palet”, Khánh Trắng,,,,thì không có liên quan đến ông to. Vụ Năm Cam thì chứng cứ quá rõ, và người trực tiếp chỉ đạo lại là Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Anh hùng lực lượng vũ trang,,,.

Nếu Trung tướng Nguyễn Việt Thành khi đó chưa nghỉ hưu, mà hợp tác với tướng Quắc trong vụ PMU18, thì chắc thủ tướng Dũng chưa  dám động chạm đến tướng Quắc đâu.

Ít bữa nữa, nếu có thời gian về Việt Nam, nhất định tôi sẽ tìm đến thăm tướng Phạm Xuân Quắc.

Một Nhà nước tự cho là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, mà lại cho khởi tố, xử lý một vị tướng cảnh sát trung thực, dũng cảm, tài giỏi như tướng Phạm Xuân Quắc, thì cái Nhà nước ấy sẽ không thể tồn tại lâu được.

Với tôi, với Mạnh Việt, với những người Việt Nam yêu chuộng công lý, lẽ phải, thì tướng Phạm Xuân Quắc mãi mãi là vị tướng cảnh sát trung thực, chân chính, mẫu mực, xứng đáng với danh hiệu “Công an nhân dân”.///

 

Đọc thêm về tướng Quắc trên báo Tiền Phong

 

TP – Hơn 40 năm làm nghề cảnh sát, gần như không có chuyên án lớn dính đến xã hội đen nào mà Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc không tham gia và trực tiếp chỉ đạo. Nhưng sự đời trớ trêu, ông lại mắc cạn ở chuyên án mà ông coi là lớn nhất đời làm cảnh sát của mình: Chuyên án PMU 18.

Theo hồ sơ cán bộ, Tướng Phạm Xuân Quắc sinh ngày 15-2-1946. Nếu tính đến 1-12-2007, ngày mà ông nghỉ hưu theo quyết định của Thủ tướng, tính ra, ông có 41 năm làm cảnh sát. Sau ngày nhận quyết định hưu, tôi gặp ông tại nhà riêng ở con ngõ nhỏ 83, Đào Tấn (Hà Nội). Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, ông luôn tỏ ra mình là người cứng rắn.

Ông bộc bạch: “Đến tuổi thì nghỉ thôi, nhưng mình nghỉ khi chuyên án còn dang dở nên cũng không được đẹp cho lắm”. Tôi hỏi ông “khi rời vị trí tổng chỉ huy vụ án PMU18, ông có nhắn nhủ đồng đội đang làm chuyên án điều gì không”, ông trả lời: “Tôi chỉ trao đổi với anh em sự việc như vậy cứ công tâm mà làm. Tất nhiên, anh em cũng tự biết mình phải làm gì, tôi chỉ nhắc nhở anh em làm đúng pháp luật”.

Thời điểm ấy, trông bộ Tướng Quắc tráng kiện lắm. Mới nhận hưu, vài người bạn đến gợi ý ông nên tham gia Hội luật gia hoặc Đoàn luật sư nào đó. Ông bảo: “Cứ về nghỉ ngơi đã, nếu có làm gì thì tính sau”.

Từ đận ấy, tôi cũng chắc mẩm, sau những ngày vất vả, ông sẽ được thanh nhàn. Nhưng ngày 22-3-2007, cơ quan An ninh điều tra (Bộ CA) có quyết định khởi tố vụ án hình sự, điều tra những vấn đề liên quan thông tin sai sự thật của nhiều bài báo trong vụ PMU18.

Sau đó, phóng viên của nhiều tờ báo bị triệu tập, truy xét về những thông tin mà họ viết, đăng tải về vụ án PMU18. Tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14, trưởng ban chuyên án PMU18; Thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng 9, trực tiếp được giao điều tra vụ PMU 18 cũng bị triệu tập.

Điều gì đến đã đến, hơn một năm sau, ngày 12-5-2008, cùng lúc ông Quắc, ông Huynh và hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi trẻ TP HCM) bị khởi tố bị can.

Bà Đỗ Thị Ưng, phu nhân tướng Quắc lâu nay bị tiểu đường và bệnh tim. Qua những cuộc hầu tra, có vẻ như ông Quắc đoán trước được việc mình sẽ bị khởi tố. Sợ bà bệnh tật thế không chịu nổi cú sốc của chồng, ông và các con dụ bà về quê Thanh Hà (Hải Dương) ở, vừa là để dưỡng bệnh, vừa để bưng bít thông tin. Nhưng rồi bà Ưng cũng biết qua chương trình trên ti vi.

Buổi sáng có tin ông bị khởi tố, buổi chiều, tôi lại nhà. Hôm đó, nhà ông khách đông lạ, ngó qua, thấy một vài cán bộ C14, một vài cán bộ ở các bộ (có cả một thứ trưởng), một vài chủ doanh nghiệp nhà nước… Có vẻ như họ thân thiết với ông từ lâu, nên chủ khách chuyện trò cởi mở.

Trước khi đến, tôi cứ nghĩ chắc ông Quắc phải sốc lắm, nên lúc này ông cần có những người thân tình ở bên. Nhưng không, giọng ông vẫn đanh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Một hồi chuyện trò đủ thứ trên đời, trước khi ra về, tôi hỏi: “Cơ quan điều tra khởi tố ông tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, ông thấy sao?”, Tướng Quắc gọn lỏn: “Tôi chẳng có tội gì hết!”. Sau đó là những ngày dằng dặc ông phải hầu tra.

Đối chất

Lâu nay, Tướng Quắc chỉ quen ký lệnh khởi tố hay gọi hỏi, triệu tập người này, người kia, chắc bản thân ông chẳng bao giờ nghĩ có ngày chính ông lại là người bị gọi lên để hầu tra, chỉ có điều khác là ông không hầu tra ở trụ sở C14 mà ở Nguyễn Đình Chiểu và Âu Cơ (trụ sở của cơ quan An ninh điều tra).

Sau ngày bị khởi tố, ông Quắc khi Hà Nội, lúc ở TP Hải Dương, ông đi đi về về như con thoi, vừa trông coi công trình (ông xây nhà ở TP Hải Dương), vừa trong trạng thái thường trực có giấy triệu tập là đi.

“Cả nhà lo cho ông ấy, nhưng ông thì cứ tưng tửng, coi như chẳng có chuyện gì. Y như cái hồi mới lên làm ở C14, dạo ấy ông chỉ đạo vụ bắt Khánh trắng, ngày ngày từ căn hộ tập thể ở Trần Nhân Tông ông ấy đi bộ đến cơ quan, mọi người bảo “ông cẩn thận kẻo đàn em Khánh Trắng trả thù”, ông bảo, sợ thì tôi đã không bắt. Tính ông vẫn ngang ngang vậy”, bà Ưng kể.

Trong vụ án này, có khoảng 40 phóng viên của hơn 10 tờ báo bị cơ quan An ninh điều tra mời hỏi, triệu tập. Họ phải trả lời về những thông tin đã viết và đăng tải trong gần 1.200 bài báo, liên quan vụ PMU18. Trong đó, theo cơ quan An ninh điều tra, có nhiều thông tin không đúng sự thật.

Bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao nhận định: “Là đơn vị trực tiếp điều tra vụ án PMU18, C14 phải có trách nhiệm trước những thông tin đăng trên báo chí không đúng sự thật, công khai những nội dung thông tin về vụ án đang điều tra, những thông tin ban đầu chưa được xác minh, kiểm chứng của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trước tình hình đó C14 không có phản ứng nhắc nhở gì mà còn để các phóng viên tự do ra vào trụ sở cơ quan hoặc đến nhà riêng, gọi điện thoại trực tiếp trao đổi thông tin…”.

Về nhận định này, trong những cuộc thẩm vấn, ông Quắc khẳng định: “Quá trình điều tra vụ án do không có báo đọc nên không nắm được các thông tin do báo chí nêu. Vả lại, báo chí đăng tin gì thì họ phải tự chịu trách nhiệm, làm sao tôi phải chịu trách nhiệm thay họ!?”.

Tuy nhiên, phần lớn các phóng viên khi bị triệu tập, hỏi cung đã khai nguồn tin để viết bài chủ yếu thu thập từ một số cán bộ C14, mà trực tiếp là Tướng Phạm Xuân Quắc và Thượng tá Đinh Văn Huynh.

Cũng chính từ những lời khai này, Cơ quan điều tra đã thực hiện những cuộc đối chất giữa Tướng Quắc và khoảng gần chục phóng viên. Trong những lần đối chất, ông Quắc luôn phủ nhận việc cung cấp thông tin cho phóng viên, dù có những phóng viên ông thừa nhận có quen biết.

(W.Minh Tuấn: 

Đọc thông tin này của báo Tiền Phong, tôi thấy phẫn nộ với mấy anh nhà báo hèn nhát đó, không dám đứng ra bảo vệ nguồn, không dám bảo vệ người cung cấp tin, mà chỉ tìm cách chạy tội, đổ tội cho tướng Quắc. Thật là nhà báo hèn nhát.)

Phủ nhận nhưng không thoát được tội, với chứng cứ là những list điện thoại và qua lời khai của phóng viên, ngày 22-9-2008, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng, truy tố ông Quắc tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại khoản 2, Điều 286 Bộ luật Hình sự, có mức án khá nặng: từ 2 đến 7 năm tù. Chỉ ba ngày sau, Toà án Nhân dân TP Hà Nội có quyết định đưa ông Quắc cùng những bị cáo Huynh, Chiến, Hải ra xét xử.

Vợ ông Quắc kể, trước ngày ông ấy ra vành móng ngựa, bốn người con xin nghỉ việc một tuần ở nhà động viên cha. Ngày ra toà, cả nhà lo. “Truy tố ở khoản ấy, khung ấy là rất nặng. Nếu ông phải vào tù tôi không biết phải làm sao…”, bà Ưng nhớ lại. Kết thúc phiên toà, ông Quắc chỉ bị tuyên phạt cảnh cáo (mức án nhẹ nhất trong các khung hình phạt), bà Ưng mới thở phào.

Về lại chốn quê

Ngày ông nghỉ hưu, tôi hỏi ông chọn đâu để nghỉ ngơi tuổi già, ông nói “ở Hà Nội, vì con cái đều ở đây cả”, dù ở quê Thanh Hà, ông cũng có nhà cửa, vườn tược rộng rãi. Tôi nghĩ thế cũng là phải, “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Sau ngày ông lĩnh án, đột nhiên tôi nghe tin Tướng Quắc đã bán nhà ở ngõ 83, Đào Tấn, tất tật chuyển về quê. Cuối năm dương lịch, tôi điện thoại cho ông, mới biết cả nhà đã chuyển về TP Hải Dương sinh sống. Hôm tôi ghé nhà ông ở số 96, Lương Thế Vinh (TP Hải Dương), thì ông lại về quê ăn cưới.

Ngôi nhà 4 tầng ở ngõ Đào Tấn, ông bán được 2,5 tỷ đồng, rồi mua hai lô đất (160m2)  trong dự  án khu đô thị mới của Tập đoàn Nam Cường, tiền dư, ông xây ngôi nhà ba tầng khang trang. Cả hai con trai cũng theo cha về Hải Dương sinh sống. Chỉ còn hai con gái, vẫn làm việc ở Hà Nội.

“Gái lớn theo chồng chú ạ. Vợ chồng tôi chỉ còn phải lo vợ cho cậu con trai làm công an tỉnh Hải Dương nữa là xong trách nhiệm”, bà Ưng tâm sự.

Hơn chục năm bon chen đất Hà thành, nay trở về chốn quê, ngày ngày Tướng Quắc cùng những người bạn khi đi Tứ Kỳ, khi về Thanh Hà câu cá. “Mà ông ấy sát cá lắm, chưa lần nào đi mà mang giỏ về không”, bà Ưng chậm rãi.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.