Người phiên dịch cho Tổng thống Obama tại Việt Nam-anh Anh Phạm, quê Bắc Ninh

Theo bao Dau Tu va cac bao khac.

Trong những hình ảnh về chuyến công du của Tổng thống Mỹ ông Obama tại Việt Nam tháng 5 năm 2016, người ta dễ nhận ra một người đàn ông Việt đầu húi cua, dáng người đậm, luôn xuất hiện rất gần bên cạnh Tổng thống Mỹ – đó là anh Anh Phạm, quê Bắc Ninh, phiên dịch của Tổng thống Obama.

Anh Anh Phạm có giọng nói trầm, từ tốn cùng cách lựa chọn từ ngữ, cách truyền tải cảm xúc mà anh Anh Phạm đặt vào khi dịch bài phát biểu “lay động trái tim người Việt” được Tổng thống Mỹ nói tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đã gây ấn tượng mạnh.

Anh Phạm quê ở Bắc Ninh, học phổ thông ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương trước khi sang Mỹ học cao học tại Đại học Princeton.

Anh cũng từng “đầu quân” cho Ngân hàng Thế giới World Bank trước khi làm phiên dịch cho Chính phủ Mỹ.

Anh Phạm là người phiên dịch của Tổng thống Obama khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến công du Mỹ hồi tháng 7/2015.

Trong lần gặp Tổng thống Obama đầu tiên năm 2014, anh nói với Tổng thống Obama rằng: “Mơ ước lớn nhất của tôi là bao giờ tổng thống thăm Hà Nội lần đầu thì cho tôi làm phiên dịch, lúc ngài có bài phát biểu trực tiếp với người dân Việt Nam”.

Và chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam tháng 5 năm 2016 đã biến ước mơ của anh Anh Phạm trở thàng sự thật.

Vì sao tôi trở thành phiên dịch cho Tổng thống Mỹ?

Báo Đầu tư phỏng vấn anh Anh Phạm, người mang 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam.

Thật ra, năm 2000, khi Tổng thống Clinton sang thăm chính thức Việt Nam, anh cũng được đại sứ quán Mỹ mời dịch cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky. Hôm Tổng thống Clinton phát biểu ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Anh Phạm ngồi ngay cạnh cabin dịch của người phiên dịch phía Mỹ. Lúc đó anh rất mong có một ngày được làm phiên dịch cho một Tổng thống Mỹ tới thăm Hà Nội.

Thưa ông, ở thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, hẳn ông phải là con nhà khá giả nên mới có điều kiện học giỏi tiếng Anh?

– Ồ không! Hoàn toàn ngược lại, thưa chị.

Tôi sinh tại thị xã Bắc Ninh năm 1976 trong gia đình hai bố mẹ đều là cán bộ. Bố tôi từng học đại học tại Leningrad ở Liên Xô cũ và là giảng viên Đại học Sư phạm I trước khi vào quân đội năm 1972. Mẹ tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I thì làm giáo viên các trường cấp 2 tại Bắc Ninh cho tới năm 1984 – lúc em trai tôi ra đời và cả nhà chuyển về Hà Nội sống cùng bố.

Thời đó, có thể nói bố mẹ tôi đều là những người tạm gọi là trí thức trẻ ưu tú, nhưng năm 1984 khi chuyển về Hà Nội, gia đình sống trong một túp lều mái tranh dựng tạm bợ vào tường cơ quan quân đội của bố mẹ tôi.

Trong nhà không bao giờ có tài sản gì quý giá hơn một cái xe đạp cũ và chiếc giường đôi bốn người nằm chung.

Tôi lúc lớn lên gầy gò, không bao giờ có nhiều hơn hai cái quần dài để thay đổi, còn áo sơ mi thì có lẫn cả đồ bộ đội, công an mà họ hàng thương cho. Đói ăn, học hành làng nhàng, lúc đó tôi không có một thứ gì hữu hình hay vô hình có giá trị cả.

Tôi được bố dạy chút tiếng Nga ở nhà từ khi 8 tuổi, nhưng cũng chỉ biết dăm câu ba điều chứ không phải giỏi giang gì.

Mùa hè trước khi vào lớp 10 là năm 1989, tôi được bố mẹ cho đi học lớp tiếng Pháp buổi tối ở Trần Phú, nhưng hết học kỳ 1 lớp 10 kết quả học tập không ra sao nên bố phạt bảo nghỉ học tiếng Pháp đi.

Lúc Đông Âu có biến động chính trị, bố tôi nói với tôi: “Tiếng Nga giờ e là mất giá trị rồi. Thế giới thay đổi, Việt Nam chắc sẽ tiến gần phương Tây. Giờ nên biết tiếng Anh”.

Bố cho tôi tiền đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm, nhưng đang mê tiếng Pháp, nên tôi học tiếng Anh không vào.

Tháng 5/1990, tôi và một người bạn cùng lớp phấn khởi tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày khai trương. Tình cờ lúc về qua chùa Một Cột, chúng tôi gặp một khách du lịch người Anh đang sống ở Malaysia. Thấy ông khách khoe là nói được mấy thứ tiếng, tôi rất muốn nói một câu khen kiểu như: “Bác nói được nhiều ngoại ngữ quá nhỉ!”. Tôi rất ngượng khi không thể nói được câu tưởng như đơn giản đó dù đã học tiếng Anh được mấy tháng.

Xấu hổ quá nên tôi quyết định luôn là từ nay sẽ tự học bằng cách ra khu Lăng Bác và chùa Một Cột để nói tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài chứ không đi học trung tâm tốn tiền của bố mẹ nữa.

Thời đó chưa có công nghệ học tập hiện đại như bây giờ, việc tự học tiếng Anh chắc hẳn không dễ phải không ạ?

– Đúng là khó hơn bây giờ nhiều, nhưng nếu tìm được cách thức phù hợp thì cũng dễ và vui hơn.

Tôi đã bỏ hết việc học tiếng Anh theo kiểu trường lớp mà chỉ đi học “Đại học chùa Một Cột”.

Từ năm 1990 – 1995, ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả năm 1992, sau khi nhập học Đại học Ngoại thương, tôi vẫn dành thời gian cả ngày chủ yếu là ở khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại này để chơi và nói tiếng Anh với các bạn Tây ba lô.

Ban ngày, tôi nói chuyện bằng tiếng Anh với khách du lịch, tối về lại đọc sách tiếng Anh để hôm sau có từ và ý để nói. Gặp bạn nào tốt tính thì tôi xin bạn địa chỉ để hàng ngày viết thư. Có lúc, tôi viết thư giao lưu với cả mấy chục người ở các nước. Chỉ 6 tháng sau, tôi nhận ra tiếng Anh của mình đã tốt lên không thể tin nổi.

Khi tiếng Anh đã tốt, đôi lúc tôi cũng làm cả công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần cho gia đình. Tôi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên (một tờ 10 USD và một tờ 5 USD) từ công việc này vào năm 1991 lúc giữa năm lớp 12 ở Trường Trung học Chu Văn An.

Tôi rất tò mò cơ duyên nào giúp ông lại trở thành phiên dịch viên cho Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam khi còn rất trẻ?

– Sau một thời gian đi nói chuyện, đọc sách, viết lách, tiếng Anh của tôi lên rất nhanh và tôi bắt đầu được thuê đi phiên dịch. Những năm 1994-1995, người nói tiếng Anh cập nhật, tức là thứ tiếng Anh sống động của thế giới, ở Hà Nội còn ít nên việc dịch được yêu cầu rất nhiều. Tôi còn trẻ lại coi tiền bạc không phải là quan trọng, kiến thức cũng có nên người ta tìm đến mời dịch rất nhiều.

Ngay từ năm 1994, tôi đã bắt đầu làm việc tình nguyện viên phiên dịch cho Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile) là tổ chức từ thiện của Mỹ hàng năm gửi các bác sĩ Mỹ sang mổ miễn phí cho trẻ em có dị tật mặt như hở môi, hở hàm ếch.

Cuối năm 1995, tôi đã làm phiên dịch tình nguyện viên cho một buổi tiếp tân tại khách sạn Metropole nhân kết thúc đợt phẫu thuật của các bác sĩ Phẫu thuật Nụ cười. Khi đó tôi mới 19 tuổi.

Khi tôi dịch xong, có một người đàn ông phương Tây lớn tuổi tới khen tôi dịch tốt và hỏi liệu tôi có muốn đi dịch cho bác ấy không. Tôi lễ phép hỏi là: “Thưa bác, bác là ai?” Vị ấy đưa danh thiếp và tôi được biết đó là Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson mới đến Hà Nội để lãnh đạo văn phòng liên lạc Hoa Kỳ.

Tôi tất nhiên đã quá hân hạnh nên vui vẻ nhận lời.

Khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi.

Tôi lập tức đến văn phòng của bác Desaix để ký hợp đồng làm phiên dịch trong 2 năm.

Trong vai trò phiên dịch viên hợp đồng của Phòng Liên lạc Hoa Kỳ, tôi được đi cùng bác Đại biện tới gặp nhiều lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương.

Qua công việc, tôi cũng được gặp những người ở cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đã thành các nhân vật nổi tiếng, ví dụ Đại sứ Mỹ Ted Osius của Mỹ hay Đại sứ Vũ Quang Minh của Việt Nam. Những người anh này lúc đó mới chỉ là những cán bộ ngoại giao trẻ tuổi.

Trong gần hai năm sau đó cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997), tôi may mắn được đi với bác nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử. Bác Desaix đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên về ngoại giao, chính trị, đưa tôi thành một người tin vào tự do, bình đẳng, bác ái, về cống hiến cho sự nghiệp chung.

Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của tôi. Ở tuổi 19, lúc người ta còn đang là đứa trẻ ranh, tôi được tin cậy thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành bằng tiếng Việt với các vị lãnh đạo Việt Nam.

Bác Desaix là người thầy, người bạn, người đỡ đầu trung thành, trung thực, bao dung, chân thành, và là một người theo đảng Dân chủ. Tôi được học những năm tháng đầu đời với người thầy đó thì tất nhiên không thể đi con đường nào khác. Nhờ có Desaix, tôi mới có trường đại học Princeton ở Mỹ, và nhờ có Princeton mới có các chuyến đi các nước như Cairo, Beirut, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, IMF, WB, mới có vợ rồi hai con trai, rồi mới có Obama và Biden, mới có phòng Bầu Dục và những buổi làm việc kỳ thú ở Nhà Trắng.

Bác Desaix qua đời năm 2021 để lại trong lòng tôi niềm thương tiếc khôn nguôi.

Có được mối quan hệ với ngài Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam, hẳn con đường đi học cao học của ông tại Mỹ không quá khó khăn?

– Bác Desaix là một cựu sinh viên Đại học Princeton và khi quay lại Mỹ, bác đã được mời dạy một khóa học thường niên cho sinh viên đại học Princeton về Việt Nam và Đông Á.

Ở Hà Nội lúc đó tôi có một người bạn Việt kiều khác là anh Lý Trần làm việc ở Citibank cũng là một cựu sinh viên Princeton. Hai người đó thương quý tôi và anh Lý thường xuyên thúc giục tôi nộp đơn đi học cao học ở Princeton.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1997, anh Lý đã giới thiệu và tôi may mắn được tới thăm trường Princeton rồi được gặp Giám đốc Tuyển sinh của trường hành chính công và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc Princeton là ông John Templeton.

Ông John đã đưa tôi đi tham quan trường và cho tôi tham gia một buổi thảo luận của các sinh viên chương trình mùa hè. Chuyến thăm này gây ấn tượng với tôi tới mức mà mùa thu năm đó tôi quyết định chỉ nộp đơn duy nhất xin học chương trình MPA (Thạc sĩ về Hành chính Công) của trường WWS.

Bảo bối mạnh nhất để tôi được nhận vào học là tôi có thư thư giới thiệu của anh Lý, và bác Desaix.

Mùa xuân năm 1998, ông John đã gửi cho tôi một thư viết tay thông báo về việc tôi đã được nhận vào học. Vào tháng 8/1998, tôi quay trở lại WWS trong vai trò một tân sinh viên cao học.

Tôi nhớ tháng 8/1998 lên đường sang Mỹ học trong túi chỉ có 500 USD bố mẹ cho.

Mỗi tháng trường Princeton cho tôi 1.100 USD để lo việc ăn ở. Tiền học của cả tôi và sau này là em trai tôi là Phạm Tuấn Minh đều là học bổng các đại học Mỹ cho, chứ bố mẹ tôi không thể có đủ tiền để cho hai anh em đi học ở Mỹ.

Vì những lý do ngẫm lại thật ngớ ngẩn, tôi học ở đó hết năm đầu thì bị trường đuổi học khiến tôi phải đi lang thang thế giới từ Ai cập, Li băng, Thái Lan, Trung Quốc cho tới tận ba năm sau là tháng 9/2002, thì trường Princeton mới đồng ý nhận tôi vào học lại.

Theo tôi biết thì hình như ông là người duy nhất ở Princeton bị đuổi học và lại được nhận vào trường trở lại. Đó hẳn là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ông?

Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao đâu mới chỉ hai năm trước khi tôi tới thăm Princeton lần đầu năm 1997. Dù là trước đó tôi cũng đã được tham gia trong vai phiên dịch hợp đồng cho Phòng Liên lạc Hoa Kỳ vào vài khía cạnh của quá trình tái thiết mối quan hệ mới khôi phục, tôi thú thật còn rất xa lạ với cung cách Mỹ nói chung.

Dù đã đọc hàng trăm cuốn sách Mỹ nhưng do chưa từng sống ở Mỹ nên tôi vẫn có nhiều câu hỏi về Mỹ hơn là câu trả lời.

Cuối năm học đầu tiên, chỉ vì không có thiện cảm với một giáo sư mà tôi đã có một quyết định vội vàng ngốc nghếch là bỏ thi cuối kỳ môn của ông ấy.

Tôi cứ tưởng giống như ở bên Việt Nam, sinh viên có thể đóng tiền để thi lại lần sau. Lỗi đó đã khiến cho điểm của tôi tuột dốc và đó là nguyên nhân Princeton đuổi học tôi vào cuối hè 1999.

Trong ba năm sau đó, do sợ hãi phải thú thật với bố mẹ về thất bại tại ở Princeton, tôi bỏ Hà Nội đi tới Ai Cập, Li Băng, Trung Quốc, Triều Tiên để tìm và làm các công việc công ích.

Thất bại ở Princeton quả thực đã buộc tôi phải có một cái nhìn sâu vào trong lòng để xác định những ưu, khuyết điểm, tiềm năng có thể giúp tôi lớn lên.

Trong ba năm dài đó, có một hình ảnh luôn xâm chiếm suy nghĩ của tôi, không phải hình bóng cô nào, mà là hình ảnh tòa nhà của trường Woodrow Wilson tên là Giảng đường Robertson (Robertson Hall) được chiếu sáng trong một đêm đông lạnh giá.

Khi tôi nộp đơn lần nữa xin vào học trường WWS vào mùa thu năm 2001, tôi có rất ít hy vọng là được trường nhận lại.

Vào đêm ngày 1/4/2002, ông John đã gửi cho tôi một email thông báo rằng WWS đã quyết định cho tôi cơ hội thứ hai. Tôi lúc đó đang ở văn phòng Qyux tiền tệ Thế giới IMF ở Hà Nội, đã gục đầu xuống bàn và khóc vì sung sướng.

Đại học Princeton xưa có câu khẩu hiệu là “Phụng sự quốc gia – Phụng sự thế giới” (In the service of the nation – In the service of all nations).

Trong 18 năm qua kể từ khi tôi tốt nghiệp Princeton, mặc dù suy nghĩ của tôi về công việc công ích và thế nào là “Phụng sự quốc gia – Phụng sự thế giới” đều đã thay đổi, tôi có thể tự hào nói rằng sự trung thành của tôi đối với lý tưởng làm việc công ích của trường chỉ trở nên sâu đậm hơn.

Tôi nghĩ rằng, ông thật may mắn khi được WWS nhận lại, nhưng tôi cũng tin rằng, đó là nhờ nỗ lực, cố gắng của ông suốt 3 năm lăn lộn ở các quốc gia như ông kể và cả sự giác ngộ, trưởng thành vượt bậc của cá nhân ông. Tôi tin rằng, ông rất biết ơn ngôi trường danh giá này?

– Nước Mỹ và người dân Mỹ đã cư xử rất tử tế với tôi. Tôi cho là gốc rễ của mọi thứ tốt đẹp hôm nay tôi có đến từ những người Mỹ làm việc ở trường hành chính và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc đại học Princeton.

Trong ba năm tôi theo học, trường đã cho tôi 150.000 USD tiền học bổng, là số tiền lớn bố mẹ tôi không thể nào chu cấp cho tôi ăn học. Tôi luôn tâm niệm đó là khoản vay mà lúc nào có thể thì tôi phải trả cả gốc lẫn lãi. Mỗi năm sau khi tốt nghiệp tôi đều gửi trường một khoản tiền nhỏ vào quỹ mà cựu sinh viên đóng góp.

Mấy năm trước, gia đình tôi quyết định tặng trường một quỹ nhỏ hàng năm với số tiền biếu tặng mỗi năm một tăng lên. Món quà này chúng tôi đề tặng để vinh danh bác đại biện Desaix Anderson.

Khi tặng món quà này cho trường cũ yêu quý của tôi, tôi gửi những suy nghĩ biết ơn tới những người đã nhìn thấy đứa trẻ ngốc nghếch nhưng chân thành trong tôi.

Sau khi tốt nghiệp ông đã làm những công việc gì? Cơ duyên nào dẫn lối cho ông trở thành phiên dịch viên cho Chính phủ Hoa Kỳ?

– Sau khi tốt nghiệp, tôi đi theo con đường điển hình của những người học ngành tôi học là làm việc phát triển thông qua những tổ chức như IMF và Ngân hàng Thế giới WB.

Năm 2011, khi tôi có thẻ xanh Mỹ thì cũng là lúc quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nóng lên nhờ chính sách xoay trục về Đông Á và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tôi nhớ nghề phiên dịch cũ và muốn góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ nên liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đó là một bước ngoặt khác quyết định những việc vui của đời tôi trong những năm cuối của chính quyền Tổng thống Obama.

Tới tuổi đó-40 tuổi- tôi cũng đã đủ lớn khôn, và cũng đã sống ở nước ngoài đủ lâu, nên tôi bắt đầu mong được dồn hết sức giúp đỡ đất nước và người dân Việt Nam chứ không phải đi giúp chung chung người nghèo thế giới nữa.

Hai năm 2015-2016 mang đến những thành tựu cao nhất của cuộc đời tôi sau khi tốt nghiệp Princeton. Năm 2015, tôi làm phiên dịch viên của Tổng thống Obama khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ.

Năm 2016, tôi được tháp tùng Tổng thống Obama tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày.

Chuyến trở về Việt Nam làm phiên dịch cho Tổng thống Obama năm 2016 hẳn là chuyến đi vô cùng quan trọng trong cuộc đời ông?

Năm 2000, khi Tổng thống Clinton sang thăm chính thức Việt Nam, tôi cũng được đại sứ quán Mỹ mời dịch cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky.

Hôm Tổng thống Clinton phát biểu ở Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi ngồi ngay cạnh cabin dịch của người phiên dịch phía Mỹ. Lúc đó tôi rất mong có một ngày được làm phiên dịch cho một Tổng thống Mỹ tới thăm Hà Nội.

Chuyến đi về Việt Nam tháng 5/2016 đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ lúc tôi may mắn được tham gia đóng góp chút công sức nhỏ bé vào quá trình hai nước bình thường hóa quan hệ khi được mời làm phiên dịch cho Đại biện Mỹ tại Hà Nội trong nhiều cuộc gặp quan trọng.

Tổng thống Obama, với tư cách là người da màu đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, cũng có xuất thân tương đối khiêm tốn và kinh nghiệm làm việc công ích, cộng đồng giống như tôi và vì thế, ngay từ khi ông nhậm chức lần đầu, tôi đã coi ông như một nguồn cảm hứng tích cực.

Nhưng tôi thực sự rất tò mò vì sao ở Hoa Kỳ hẳn không ít người Việt giỏi tiếng Anh, nhất là người miền Nam đã định cư ở đây rất lâu, nhưng một người Việt Nam gốc Bắc như ông lại được chọn làm phiên dịch cho Tổng thống Obama?

– Quả thực, tôi không nghĩ tiếng Anh của mình quá giỏi. Mặc dù năm nay là năm thứ 32 tôi nói tiếng Anh gần như hàng ngày, nhưng giọng tiếng Anh của tôi còn lâu mới đúng chuẩn giọng người bản ngữ.

Về việc tại sao tôi lại được chọn dịch cho Tổng thống Hoa Kỳ. Lý do chính ở đây, theo tôi là các cô chú phiên dịch người Việt miền Nam đã rời Việt Nam từ lâu và ít có cơ hội tiếp xúc với thứ tiếng Việt ngày nay chúng ta sử dụng ở Việt Nam.

Họ không có được sự nhạy cảm với tiếng Việt miền Bắc là ngôn ngữ của hành chính và ngoại giao như tôi đã lớn lên ở miền Bắc. Tiếng Việt của miền Bắc có những khái niệm thay đổi ý nghĩa tùy hoàn cảnh. Người nói chưa nhạy cảm với hoàn cảnh nếu thay đổi cách dịch chút ít có thể gây sự hiểu nhầm ở người nghe.

Sử dụng một người dịch như tôi nói thứ tiếng Việt của miền Bắc đồng thời cũng hiểu thứ tiếng Anh của chính trị và chính sách Hoa Kỳ là một lựa chọn ít rủi ro hơn.

Trước chuyến đi quan trọng như vậy, ông có lo lắng điều gì không?

– Điều tôi lo lắng nhất là có điều gì đó xảy ra khiến tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Từ hai tuần trước chuyến đi, tôi đã tăng cường bảo vệ sức khỏe. Người phiên dịch làm việc bằng giọng nói nên tôi đặc biệt lưu ý phòng ngừa không bị ốm, sốt, đau họng. Ở nhà và sau khi lên máy bay tôi đều cố gắng che kín để giữ ấm cổ.

Những ngày trước khi đi, từng phút, từng giây trong đầu tôi chỉ có những hoạt cảnh về những tình huống công việc sắp đến. Tôi tập đi, tập lại trong đầu đến mức thuộc lòng những lời, những ý mà có thể tôi sẽ phải nói. Tôi lật lên xoay lại những phương án khác nhau, dịch những ý mà tôi đã đề xuất cho các bài phát biểu của Tổng thống Obama.

Lúc lên đường tôi lại càng lo lắng, kiểm tra kỹ lưỡng những đồ dùng phục vụ công việc mang theo đã được sắp xếp thật cẩn thận từ trước đó cả tuần. Cảm giác sốt ruột, lo lắng làm tôi không thể nào ngủ được trong suốt thời gian bay 14 tiếng từ DC về Seoul và sau đó 4-5 tiếng về Hà Nội.

Không ngủ được nên tôi nghe đi nghe lại những bài hát cũ thời tôi lớn lên ở Hà Nội. Đó là những bài hát tình cảm, giản dị, nhạc đỏ mà bạn bè lớn lên ở miền Bắc chắc đều quen thuộc như: “Làng lúa làng hoa”, “Những ánh sao đêm”, “Bài ca xây dựng”, “Tàu anh qua núi”,… Tôi có cảm giác là thứ âm nhạc này tạo ra cho tôi tâm trạng phù hợp với công việc tôi sắp làm.

Cuối cùng, sau hơn 20 giờ di chuyển thì tôi cũng đến nơi, và được ngửi mùi không khí thân thuộc quê hương ở sân bay Nội Bài vào đêm ngày 19/5/2016.

Có một điều tình cờ hơi có hơi hướng tâm linh là, đúng ngày đó ba năm trước ở Washington DC, tôi đã đặt vấn đề với Tổng thống Obama là tôi mong được đi Việt Nam cùng ông.

Ông có thể kể về tâm trạng của ông lúc ở Hà Nội chờ đợi trước giờ G được không ạ?

– Để chuẩn bị cho chuyến thăm của một Tổng thống Mỹ, rất nhiều người phải đi tiền trạm, có nghĩa là phải đến địa điểm của chuyến thăm một thời gian trước khi Tổng thống đến. Phiên dịch viên cũng đi trong nhóm tiền trạm để có thời gian chuẩn bị, nghỉ ngơi, để đảm bảo họ làm việc tốt nhất. Thông thường luôn có hai người phiên dịch đi cùng Tổng thống để hỗ trợ cho nhau.

Tôi tới Hà Nội đêm ngày 19/5/2016, còn Tổng thống tới vào đêm ngày 22/5/2016. Trong ba ngày đến sớm chuẩn bị, tôi có diễm phúc được làm người quan sát im lặng. Tôi im lặng quan sát cách mà người Hà Nội phấn khởi chờ đợi Tổng thống Obama đến, và không mấy ai tôi gặp trong ba ngày đó biết rằng tôi chính là người sẽ làm việc gần gũi với Tổng thống. Người ta nói những câu mong đợi, mừng đón làm tôi vui và cảm động.

Gia đình và bạn bè gặp tôi trong những ngày đó đều bày tỏ một chút phấn khích, một chút kiêu hãnh, một chút mong đợi ngậm ngùi vị khách đặc biệt sắp đến. Với họ, tôi được dịp ba hoa bằng những câu đùa tôi từng đùa cả với Tổng thống Obama, rằng tôi là phó đoàn của chuyến thăm, và rằng tôi quan trọng tới mức Tổng thống còn là cánh tay phải của tôi cơ mà (do thường là Tổng thống ngồi bên phải phiên dịch).

Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ ra nước ngoài thường là những chiến dịch lớn của sức người, sức của, những yêu cầu hậu cần khổng lồ. Có lẽ, phải có gần 2.000 người làm việc bên phía Mỹ. Tôi cảm thấy mình là người may mắn nhất trong số đó.

Ban nãy, ông có nói là ông đã đề xuất ý kiến cho các bài phát biểu của Tổng thống Obama. Xin ông nói rõ hơn về việc này, đặc biệt là về hai cầu Kiều “lay động lòng người Việt Nam” mà Tổng thống Obama đã đọc ở cuối bài phát biểu ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia năm 2016?

– Trong suốt thời gian kể từ khi máy bay Air Force One khởi hành từ căn cứ không quân Andrew tới lúc máy bay đến Hà Nội, tôi có một nhiệm vụ quan trọng là giữ liên lạc qua email và điện thoại với nhóm soạn diễn văn của Tổng thống đang cùng bay trên máy bay để hoàn tất các bài diễn văn Tổng thống Obama sẽ đọc trong chuyến thăm.

Có lúc buổi tối đang đi bộ ngoài Bờ Hồ, thấy có email từ nhóm đó gửi phải trả lời thì tôi chui tạm vào một quán cà phê oi khói bên đường. Tôi ngồi uống ly nước và cắm cúi trả lời những thắc mắc mà nhóm viết diễn văn hỏi. Tôi lúc đó trông giống hệt tôi 23 năm trước, khi còn là cậu hướng dẫn viên du lịch vào quán cà phê ngồi đọc truyện tiếng Anh.

Nếu năm xưa, có ai nói với chàng trai 17 tuổi ngày xưa là sẽ có một ngày cậu ấy ngồi trong quán cà phê viết bài diễn văn cho một Tổng thống Mỹ thì chắc cậu ấy nghĩ đó là một việc hoang đường. Ấy thế mà điều hoang đường đó đã xảy ra với tôi.

Là người có trách nhiệm chuyển tải các bài diễn văn sang tiếng Việt, tôi có quyền quyết định xem các dẫn chiếu văn hóa có “phiên dịch được” không, có ý nghĩa, có bị nhạy cảm về văn hóa, chính trị không, có phù hợp nhất quán với nhau trong chỉnh thể không.

Vài tháng trước đó, tôi đã gửi tới người được phân công viết bài diễn văn của Tổng thống ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hai câu thơ từ truyện Kiều mà tôi đã nói là “nếu Tổng thống chỉ đọc bài phát biểu chỉ gồm hai câu thì tôi muốn hai câu đó chính là hai câu thơ này”. Hai câu đó chính là hai câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” mà tôi dịch sang tiếng Anh thành: “Please take from me this token of trust/ So we can embark upon our 100-year journey together”. Nghĩa là: “Xin hãy nhận từ tôi vật làm tin này/ Để chúng ta có thể khởi hành chuyến đi trăm năm cùng nhau”.

Rất may mắn cho tôi, ông Obama là người có sẵn cái tình để hiểu những lời nhân ái, tình nghĩa kiểu này để chấp nhận nói những lời hứa hẹn việc trăm năm.

Thực sự, khi nghe bài phát biểu của Tổng thống Obama lúc đó và bây giờ nghe lại tôi vẫn thấy vô cùng xúc động qua giọng dịch của ông. Ông đã làm thế nào để những ngôn từ giản dị, chân thành ấy chạm tới trái tim triệu triệu người Việt Nam?

– Do đã làm việc rất gần gũi với bài phát biểu này, nên tôi dịch không bị vấp váp mấy dù chỉ dịch thẳng từ bản tiếng Anh. Ấy thế nhưng cũng có những lúc tôi phải dừng lại để kìm nén nỗi xúc động lại.

Tôi lựa chọn giọng văn tiếng Việt có phần hơi lơ lớ tiếng Tây (tình cảm của người dân Việt Nam đã động đến tận sâu trong trái tim tôi thay vì làm lay động tâm can tôi) để tạo cảm giác ông Obama là ông Tây đang cố nói tiếng Việt. Hiệu ứng này tôi được nghe kể lại là có tác dụng làm nhiều người xúc động.

Tôi bám sát Tổng thống gần như trong từng câu dịch mặc dù Tổng thống Obama đọc khá nhanh. Thời gian trôi đi tưởng như bài phát biểu dài 7 trang tiếng Anh sẽ không bao giờ kết thúc. Tôi cố gắng làm tốt từng câu rồi từng đoạn một rồi cũng hết từng trang, từng trang.

Tới đoạn cuối cùng là đoạn chốt thì như nhà báo biết tôi mới đọc được câu đầu tiên: “Rằng trăm năm cũng từ đây” là bao nhiêu cảm xúc chồng chất trong lòng bỗng trào ra, tôi lại khóc òa lên như đứa trẻ và không thể nào kết thúc được câu thứ hai và phần dịch nghĩa.

Tôi ngồi khóc nức nở tại chỗ trong mấy phút tới khi có người lên giục phải đi ngay để chuẩn bị ra sân bay đi thành phố Hồ Chí Minh.

Như ông chia sẻ, đây là lần thứ hai ông tư vấn cho lãnh đạo Chính phủ Mỹ sử dụng trích dẫn từ Truyện Kiều để trò chuyện với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Tại sao lại là Kiều thưa ông?

– Thưa chị, lần đầu tôi trích dẫn Truyện Kiều để đưa vào bài phát biểu của một lãnh đạo Mỹ là cho bài phát biểu của Phó tổng thống Joe Biden trong bữa trưa chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 7/7/2015.

Sáng đó, tôi đã ngồi một mình ở sảnh phòng Bầu dục (Oval Office) là văn phòng của Tổng thống Mỹ và “Cảo thơm lần giở trước đèn” để tìm ra hai câu thơ có ý tứ thật đẹp đẽ, tình cảm, lạc quan để Phó tổng thống Biden chào mừng Ngài Tổng Bí thư lần đầu tiên tới thăm Nhà Trắng, mà cũng là tới thăm Mỹ.

Hai câu thơ mà tôi đã trọn: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, là một trong những tứ thơ đẹp nhất Truyện Kiều. Là một học giả từng nghiên cứu về Kiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã vừa ý với những lời đẹp đẽ đó đến qua ông Joe Biden.

Chị hỏi lý do tại sao cả hai lần tôi đều chọn các câu thơ của Truyện Kiều. Câu trả lời đơn giản là theo tôi trong văn thơ cổ điển Việt Nam e rằng không có tác phẩm nào vượt được qua Kiều. Điều này khi còn trẻ tôi không hiểu được.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ ý tứ của Truyện Kiều còn chưa được phát lộ hết. Ý tôi định nói là, mãi sau này vẫn sẽ còn nhiều tình huống trong đời mà chúng ta có thể tóm tắt lại xúc tích và cô đọng chỉ bằng vài câu thơ mà Nguyễn Du đã viết sẵn từ vài trăm năm trước.

Từng làm phiên dịch cho nhiều cuộc gặp quan trọng giữa lãnh đạo hai nước từ năm 1996 đến nay, ông nhận thấy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển như thế nào suốt gần 3 thập niên qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao ngày 11/7/1995?

– Thực ra, tôi chưa bao giờ có vai trò chính thức là một nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ. Mô hình của Chính phủ Hoa Kỳ tuy thế lại cho phép những người ở bên ngoại vi như tôi tham gia vào một số vị trí, vai trò trong quá trình họ lập chính sách và giao lưu, giao thương, giao tiếp với các quốc gia khác.

Năm 1996, tôi chỉ là một người trẻ Việt Nam may mắn được Đại biện Hoa Kỳ cho tham gia trong vai trò người phiên dịch cho một số cuộc gặp mang tính xã giao giữa phía Hoa Kỳ với các lãnh đạo của Việt Nam. Trong thời gian này, tôi cũng được tham gia làm phiên dịch cho những cuộc gặp không bí mật giữa các Bộ trưởng Hoa Kỳ với Việt Nam như Bộ trưởng Ngoại giao hay Bộ trưởng Y tế và Nhân sự vụ.

Đó là thời gian đầu khi Việt Nam và Hoa Kỳ mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi là người mang quốc tịch Việt Nam được mời làm việc từ phía Mỹ hỗ trợ phiên dịch cho các giao tiếp.

Sau này, khi trở thành một thường trú nhân, rồi trở thành công dân Hoa Kỳ, mang quốc tịch Mỹ, thì vai trò của tôi có nhiều thay đổi.

Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các quan tâm về chính sách từ phía Hoa Kỳ.

Được biết, sắp tới, ông sẽ là một người điều phối cho thảo luận nhóm tên là “Tầm nhìn và ý nghĩa của Hòa giải (Mỹ – Việt)”, ông có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?

– Sắp tới ở Washington DC, vào ngày 11/10/2022, Viện Hòa Bình Mỹ sẽ tổ chức hội thảo về quá trình hòa giải của Mỹ đối với ba nước Đông Dương. Tôi cũng đã nhận lời để tham gia làm một người điều phối của thảo luận tên là “Tầm nhìn và ý nghĩa của Hòa giải”.

Sinh năm 1976 sau chiến tranh, tôi không thể phát biểu như một người đã từng trải qua chiến tranh. Chiến tranh hay hòa giải đối với thế hệ tôi hay trẻ hơn, vì thế, có phần trừu tượng do chúng tôi không phải trải qua thời gian đó.

Đơn cử, tôi không biết thế nào là đi sơ tán. Tôi không biết những tháng ngày người Hà Nội chịu khổ đau vì bom Mỹ.

Về tầm nhìn, tôi vẫn nhớ rằng, ngay từ lúc Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận và cả trước đó nữa, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã hàm chứa nhiều hạt giống lạc quan, bởi vì xuất phát điểm quá thấp do chiến tranh đã đẩy quan hệ hai nước xuống vực sâu của lịch sử và quan hệ.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng năm 2015, Tổng thống Obama đã nhắc đi, nhắc lại tầm nhìn nói trên thông qua khẳng định mạnh mẽ là Mỹ không quan tâm đến việc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Đây tôi hiểu là thái độ và hiểu biết chung của lưỡng đảng Hoa Kỳ chứ không chỉ là quan điểm riêng của Đảng Dân chủ.

Ông kỳ vọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden thì quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có thêm những bước tiến như thế nào?

-Hôm 20/9/2022 vừa rồi, tôi có dịp gặp và nói chuyện với Tổng thống Biden. Tôi có khoe với Tổng thống là người Việt Nam rất cảm kích về món quà hơn 40 triệu liều vắc-xin Covid-19 mà Hoa Kỳ tặng cho Việt Nam trong thời gian gần đây, mà tôi tin là Tổng thống có ảnh hưởng quyết định trong việc đó.

Đồng thời, tôi cũng nói là tôi muốn đi cùng Tổng thống thăm Việt Nam trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu. Tổng thống Biden cười và nói là không dám hứa với tôi việc đó, nhưng ngay lập tức, ông nói với cô thư ký là ghi nhận lại yêu cầu của tôi và lấy tất cả mọi thông tin liên quan.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.