Nhà báo Thái Duy-Trần Đình Vân, báo Đại Đoàn Kết

W.Minh tuấn

Ở báo Đại Đoàn Kết có nhà báo Thái Duy, còn có tên khác là Trần Đình Vân, là một trong những nhà báo có uy tín nhất trong giới báo chí Việt Nam.

Hiện nay ông đã về hưu. Trong chiến tranh Việt Nam, ông cùng nhiều nhà báo khác vào miền Nam làm phóng viên chiến trường, cùng tham gia các trận đánh với bộ đội để lấy tin viết bài, ca ngợi các chiến công của quân giải phóng.

Nhà báo Thái Duy có bút danh khác là Trần Đình Vân. Với bút danh Trần Đình Vân, ông đã viết tác phẩm Sống Như Anh, viết về liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, và vợ anh Trỗi, chị Quyên.

Tôi nhớ khi còn học phổ thông, tôi đã được học tác phẩm này. Khi vào làm việc ở báo Đại Đoàn Kết đầu năm 1984, tôi biết nhà báo Thái Duy-Trần Đình Vân cũng làm việc ở đây, tôi thấy rất vinh dự vì được làm đồng nghiệp với ông.

Vào dịp Tết năm 1984, khi tôi vừa vào làm việc ở báo Đại Đoàn Kết được vài tháng, nhà báo Thái Duy đã viết bài báo nổi tiếng đầu đề “Lòng Dân”, nói về nỗi khát khao của người dân Việt Nam về tự do và dân chủ, về việc người dân mong muốn được đảng và nhà nước quan tâm lắng nghe tiếng nói của họ.

Số báo Tết đó được bán hết rất nhanh, người dân chen chúc nhau đến trụ sở báo Đại Đoàn Kết để hỏi mua số báo đó. Quả thật khi đó, mấy phóng viên trẻ chúng tôi không hiểu lắm nội dung bài báo Lòng Dân này của nhà báo Thái Duy, mà chỉ thấy vui là vì bán được nhiều báo.

Chúng tôi kê cái bàn bán bán báo để ở đầu phố Bà Triệu, phía gần trụ sở báo Đại Đoàn Kết, thấy người mua chen chúc, tấp nập đến mua số báo đó.

-Cho bác 1 tờ. Cho chú 1 tờ. Cho anh 1 tờ. Cho cô 1 tờ. Cho tôi 2 tờ,,,,.

Cứ thế, báo bán hết nhanh vèo vèo.

Chốc chốc, chúng tôi phải chạy vào văn phòng, nói to tướng với cô Nga, là người phụ trách công tác văn thư, văn phòng của báo:

-“Cô Nga ơi, cho chúng cháu thêm báo. Bán hết rồi”.

_Ồ, thế à? Sao mà bán hết nhanh thế? Mọi năm bán ế ẩm lắm, chẳng có mấy ma nào đến mua. Năm nay lạ nhỉ?-cô Nga vui vẻ đưa cho chúng tôi một sập báo vài chục tờ để đưa ra bán tiếp. Cô cũng vui lắm, mặc dù cô cũng chẳng hiểu vì sao mà bán được báo số bảo tết năm đó.

Thế rồi chúng tôi bán sạch cả chồng báo để ở văn phòng, hết cả báo để bán. Tôi hoảng quá, giữ lại 1 tờ để đưa về cho bố mẹ tôi đọc.

Mấy hôm sau, bồ mẹ tôi đọc bài báo LÒNG DÂN đó của nhà báo Thái Duy, rồi nói lại cho tôi nội dung đó, lúc đó tôi mới ngồi đọc kỹ bài báo kinh khủng đó, tôi mới hiểu vì sao người dân chen nhau mua số báo đó.

Nhưng mà thật ra khi đó tôi cũng chưa hiểu lắm, vì tôi mới tốt nghiệp đại học, khoa Kinh tế- Chính trị, trường đại học Tổng hợp Hà Nội, là trường đại học danh tiếng nhất Việt Nam hồi đó, và trong lòng còn đầy phơi phới niềm tin vào kinh tế Xã hội chủ nghĩa,  vào tương lai sán lạn của nền kinh tế Kế hoạch hóa, vậy làm sao mà người ta phải khát kháo về LÒNG DÂN, về lắng nghe tiếng nói của dân, về dân chủ và tự do? Tất nhiên bài báo LÒNG DÂN đó chỉ nói bóng gió, xa xôi, gián tiệp nhẹ nhàng về dân chủ, tự do thôi, chứ không dám nói trực tiếp.

Tôi hoàn toàn chưa hiểu lắm về nối khát khao đó của LÒNG DÂN.

Nhưng đó là ấn tượng đẹp đầu tiên của cánh nhà báo trẻ chúng tôi với nhà báo nổi tiếng Thái Duy khi đó.

Sau đó vài năm, tôi nhớ có một dạo, báo Đại Đoàn Kết tổ chức các buổi học về nghiệp vụ làm báo, các nhà báo nổi tiếng của các báo được mời đến báo Đại Đoàn Kết giảng bài về cách viết báo, kinh nghiệm viết báo, về chủ đề của báo chí,,,.

Khi đó, nhà báo Thái Duy có một buổi giảng bài về “viết tô hồng”, và “viết sự thật”.

Nhà báo Thái Duy phê phán cách viết tô hồng, chỉ viết ca ngợi, không dám viết lên sự thật của báo chí nói chung, mà ông cũng đã từng viết tô hồng nhiều như thế, và bây giờ cảm thấy xấu hổ trước sự hèn nhát của mình và của các nhà báo viết tô hồng khác.

Các nhà báo trẻ chúng tôi ngồi háo hức nghe, nhưng cũng chỉ hiểu lõm bõm, và sau đó, cũng không có mấy ai dũng cảm dám viết sự thật như nhà báo Thái Duy.

Có lần khác, báo Đại Đoàn Kết mời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đến trụ sở báo nói chuyện.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã học ở Pháp 30 năm, sau đó, nghe theo lời kêu gọi của Cụ Hồ Chí Minh, đã về nước làm việc phục vụ cách mạng, và là Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới.

Trong lần nói chuyện đó, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói báo Đại Đoàn Kết cần dũng cảm nói đến “sự hấp dẫn chính trị” của báo chí.

Mà sự hấp dẫn chính trị là gì? Là nói đến dân chủ và tự do. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện giải thích như thế, với giọng nhỏ nhẹ Nghệ An, vì ông quê đồng hương với cụ Hồ Chí Minh.

Thế nhưng chẳng có mấy ai dám nghe theo lời khuyên này của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nhiều tờ báo giờ đây chủ yếu đi theo các sự hấp dẫn đời thường “cướp-giết-hiếp-chân dài-phòng the”, vừa hấp dẫn, câu khách, bán được báo, vừa an toàn.

Thật ra, vấn đề là không phải không có người dám viết, mà là, viết rồi, không có ông Tổng biên tập nào dám cho đăng, vì sợ mất ghế.

Mà mất ghế, là mất nồi cơm, là gia đình hết kế sinh nhai.

Thế cho nên ai cũng im lặng, nhưng trong đầu thì nghĩ khác.

Một thể chế hà khắc khiến cho con người Việt Nam ta trở nên sống giả dối như vậy.

Vào năm 1987-1988, nhà báo Thái Duy bắt đầu viết loạt bài báo về “Những chiến sĩ tử tù”.

Trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền Sài Gòn cũ đã bắt được rất nhiều người cộng sản, hoặc người có cảm tình với cộng sản, những người trong phong trào sinh viên. Nhiều người trong số này bị chính quyền Sài Gòn cũ kết án tử hình, một số đã bị xử bắn, một số đang ngồi tù chờ ngày bị đưa đi xử bắn.

Và rất may, chiến tranh đã kết thúc năm 1975, các “tử tù” này được cứu thoát.

Thế nhưng các chiến sĩ kiên cường cách mạng này, những người cả đời sẵn sàng hi sinh cho đảng, sau khi được cứu ra khỏi nhà tù của chính quyền Sài Gòn cũ, thì rất nhiều người- không phải tất cả- lại bị chính quyền cách mạng lãng quên, cuộc sống vô cùng cơ hàn, nghèo khổ.

Chính quyền Cách mạng “quên”, không đoái hoài tới số phận nghèo hèn của nhiều Chiến sĩ tử tù.

Ông Thái Duy đã huy động những người hảo tâm giúp đỡ các “chiến sĩ tử tù”, và viết một loạt các bài báo đăng trên báo Đại Đoàn Kết nói về thảm cảnh của các “chiến sĩ tử tù”, yêu cầu chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết.

Nhiều người “tử tù” nói rằng thực ra họ không đòi hỏi gì nhiều, vì họ hiểu “đất nước đang còn khó khăn”, mà họ chỉ có một mong mỏi là được ra thăm Hà Nội, thủ đô của cả nước, và được vào Lăng viếng Bác Hồ.

Sau một loạt các bài báo của nhà báo Thái Duy, Nhà nước Việt Nam ta bắt đầu quan tâm đến thân phận của những chiến binh tử tù dũng cảm bị bỏ rơi này.

Các “chiến sĩ tử tù “ được tập hợp lại, được đưa ra Hà Nội, được đi thăm Lăng Bác, được Nhà nước trợ cấp các phúc lợi xã hội cần thiết.

Báo Đại Đoàn Kết cũng tổ chức một buổi đón tiếp long trọng các chiến sĩ “tử tù”.

Tôi đã được gặp các Chiến sĩ tử tù này ở báo Đại Đoàn Kết. Dù sự sửa sai có muộn mằn, nhưng cũng là một việc làm tốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có công với nước.

Và sau đó là chính sách trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”- là những bà mẹ có từ 2 con hi sinh trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Những “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được Nhà nước tặng “Nhà tình nghĩa”, nhà xây, cấp không mất tiền cho các Bà mẹ, tặng Sổ tiết kiệm với vài triệu đồng, thuốc chữa bệnh,,,.

Sự sửa sai khá muộn mằn, nhưng có còn hơn không.

Nhà báo Thái Duy là nhà báo đầu tiên ở Việt Nam viết về các mô hình làm ăn mới khi còn chưa có chính sách “đổi mới” ở Việt Nam.

Nổi tiếng nhất là loạt bài về “Cơ chế Long An”, nói về tỉnh Long An đã dám “vượt rào”, tức là dám không thực hiện một số chính sách hà khắc của Nhà nước, tự mình thực hiện một số chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế.

Ở đâu, ở xã hội nào, quốc gia nào cũng có các nhà báo đạo đức xấu, trình độ kém, viết bài xuyên tạc sự thật, viết vì tiền, hoặc hèn nhát, không dám viết sự thật, chủ yếu viết câu khách các chuyện cướp-giết-hiếp-chân dài-vòng đo-chăn gối.

Nhưng cũng có những nhà báo dũng cảm, tài giỏi, dám viết sự thật, dám tự chịu trách nhiệm, không sợ các thế lực đe dọa. Theo tôi, báo Đại Đoàn Kết ở Việt Nam là một trong những tờ báo đã từng có nhiều nhà báo tài giỏi, dũng cảm như vậy, như Thái Duy, Lửa Mới, Xuân Thu, Minh Tuấn, Quốc Khánh, Nguyễn Chính, Phương Hà, Trần Thanh Phương,,,

Nhà báo Thái Duy luôn luôn khuyến khích chúng tôi phải tự học nhiều, đừng có chỉ giữ khư khư mớ kiến thức học được ở trong các trường đại học.

“Một nhà báo có tri thức nghèo nàn, thiếu hiểu biết, thì sẽ chỉ là kẻ tôi đòi cho người khác sai khiến mà thôi”, ông nói với chúng tôi.

Đó là người thày đầu tiên, và cũng là người thày lớn nhất của tôi trong nghề báo.

Tôi nghe nói gần đây, có đoàn làm phim nước ngoài về Việt Nam đề nghị với nhà báo Thái Duy cho làm phim tài liệu về cuộc đời ông, nhưng nghe nói ông ý nhị từ chối.

Có lẽ ông nghĩ cuộc đời ông chưa có gì đáng kể để dựng làm phim, rằng còn có nhiều người vĩ đại hơn ông.

Hoặc cũng có thể ông nghĩ nhân dân Việt Nam còn nghèo nàn, lạc hậu, cơ cực lắm, dù đã có nhiều thành công của Đổi Mới, nhưng vẫn còn phải phấn đấu nhiều lắm, nên chưa co gì nhiều để mà dựng làm phim.

Có lẽ thế. ///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.