Nhớ cụ Chu Văn An, nghĩ đến các vị trí thức- trí ngủ ngày nay

W.Minh Tuan

 Từ “Thất trảm sớ” của cụ Chu Văn An,,,

 Cụ Chu Văn An là một trong những vị trí thức nổi tiếng nhất trong lịch sử 4000 năm văn hiến của nước ta, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Cụ sinh ra năm nào không rõ, nhưng cụ mất vào năm Canh Tuất 1370, thời vua Trần Nghệ Tông.

Sự nghiệp văn chương của cụ Chu Văn An để lại không nhiều, chỉ còn 12 bài thơ của cụ nằm rải rác ở nhiều bộ sách khác của đời sau. Những tác phẩm của cụ viết như Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi văn thì đều đã thất lạc, không còn. Người đời sau chỉ còn biết đến tên các tác phẩm đó, chứ nội dung ra sao thì không biết. Nhưng tại sao người đời vẫn luôn luôn nhớ đến tên cụ, với lòng kính trọng sâu sắc?

Chính bởi vì cụ Chu Văn An là tác giả của bản Thất Trảm Sớ, tờ sớ xin chém 7 tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông. Bản Thất Trảm Sớ đó ngày nay cũng không còn, người đời không biết nội dung của tờ Sớ ra sao. Nhưng người đời biết được tên của bản Thất Trảm Sớ đó, và chỉ riêng cái tên đó thôi, với nội dung xin chém 7 tên gian thần, cũng đủ để nhân dân nhớ mãi đến tên cụ Chu Văn An.

Nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm.

Nhà Trần nổi tiếng nhất với 3 lần chiến thắng quân Nguyên, vào năm 1257, 1284, 1287, với vị tướng lừng danh nhất lịch sử nước Việt Nam ta là Trần Hưng Đạo, cùng với các vị tướng lừng danh khác, như Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng,,,và các vị vua hiền như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.

Sau đó vào năm 1400, nhà Trần bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, chấm dứt 175 năm nhà Trần oanh liệt.

Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, sau đó trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.

Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng là khi cụ Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần.

Nhà Trần đã lập được chiến công lừng lẫy. Thế nhưng những con cháu nhà Trần, những người nối nghiệp Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo… đã dần dần phá hoại sự nghiệp cha ông để lại. Vua quan bắt đầu ăn chơi, tham nhũng, đục khoét của dân, dân thì nghèo lầm than, vua quan thì sung sướng, sa đọa.

Vua Trần Dụ Tông lúc đầu lên nối ngôi vua, cũng tỏ vẻ là vị vua hiền, nói điều hay, chăm lo cho dân. Đại việt sử ký toàn thư viết rằng vua Trần Dụ Tông lúc đầu biết “chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di đều thần phục… Nhưng về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó”.

Cụ Chu Văn An khi đó là Tư nghiệp Quốc tử giám, tức là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tử Giám như cách nói ngày nay.

Trường Đại học Quốc Tử Giám là nơi dạy dỗ các con vua, con quan, nên chức Tư nghiệp rất có uy tín và uy thế trong triều.

Cụ Chu Văn An, cũng như các đại thần liêm khiết, tài giỏi thời đó như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… đều cảm thấy sót xa trước cơ nghiệp lừng lẫy của nhà Trần 3 lần đánh tan quân Nguyên đang có nguy cơ ngày càng lụn bại bởi vua ham chơi, bởi bọn tham quan, nịnh thần. Nhiều người muốn lên tiếng khuyên can vua để cứu vãn cơ nghiệp ông cha để lại, một cơ nghiệp đã phải đổi bằng xương máu của biết bao nhiêu người trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xưa.

Nhưng ai cũng sợ mất ghế, sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Nên không có ai dám nói gì, chỉ hèn nhát ấm ức trong lòng.

Chỉ có cụ Chu Văn An dám nói.

Cụ không sợ mất ghế, không sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Cụ viết Thất Trảm Sớ, gửi lên vua Trần Dụ Tông.

Vua Trần Dụ Tông xem tờ sớ xong, rồi ỉm đi.

Tờ Thất trảm sớ đó đã thất truyền. Cho đến tận bây giờ, đã hơn 600 năm trôi qua, không ai biết nội dung cụ thể tờ Sớ khủng khiếp đó nói gì, chỉ biết rằng tờ Sớ đó xin chém những kẻ tham nhũng, nịnh thần trong triều, những kẻ sẽ làm sụp đổ cơ nghiệp đã hơn 100 năm của nhà Trần.

Tờ Sớ đó liệt tên những kẻ gian thần nào, không ai biết, nhưng nhân dân thì biết thời đó, có những tên tham quan, nịnh thần nổi tiếng như Trâu Canh, Bùi Khoan, Trần Ngô Lang… Thật ra kẻ đáng phải chém, phải lật đổ để cứu dân đen khỏi lầm than, cứu sự nghiệp của nhà Trần, chính là Trần Dụ Tông, vì ông vua này về cuối đời vô cùng ăn chơi sa đọa.

Vua Trần Dụ Tông đã ỉm tờ Sớ đi, và im lặng, không trả lời gì cụ Chu Văn An, vốn là thầy giáo của nhiều vị vua nhà Trần.

“Ông không thèm chơi với chúng mày nữa”, cụ Chu Văn An khảng khái tuyên bố, và cụ treo mũ, từ quan, trả lại chức Tế tửu đầy quyền lực, bổng lộc.

Cụ về núi Chí Linh, Hải Dương, làm nhà giữa hai ngọn núi Kỳ Lân và Phượng Hoàng để ở ẩn.

Thời đó cách đây hơn 600 năm, vẫn còn nhiều “lễ, nghĩa, trí, tín”, nên vua Trần Dụ Tông mặc dù là ông vua chơi bời, sa đọa, nhưng không chụp mũ cho cụ Chu Văn An là bất mãn, làm loạn, chống lại triều đình.

Có lần vua còn định mời cụ ra làm quan lại. Vợ vua cũng là người biết lẽ cương thường, nên đã khuyên vua: “Ông ấy là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ấy”.

Thỉnh thoảng vua Trần Dụ Tông còn về núi Chí Linh thăm cụ Chu Văn An. Các học trò của cụ như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm Hành khiển, giống như Bộ trưởng bây giờ, vẫn hàng năm lặn lội về thăm cụ, khi nói chuyện vẫn giữ đạo thầy trò, quỳ nghe cụ răn dạy.

Nhưng thời đó không có Sổ hộ khẩu như thời bây giờ, quyền tư hữu ruộng đất cũng vẫn có. Nên cụ Chu Văn An treo mũ, từ quan về làm nhà ở ẩn ở núi Chí Linh cũng không có ai hoạnh họe gì về giấy tờ nhà đất, về hộ khẩu gì… cả.

Giả sử nếu bây giờ có vị quan chức cao cấp nào từ quan vì “không muốn chơi với bọn tham nhũng”, về núi Chí Linh ở ẩn, thì chắc cũng khó vì các thứ giấy tờ đủ loại. Đó là chưa kể còn có thể bị chụp mũ này nọ.

Và rồi liệu có vị lãnh đạo nào vẫn về thăm người “treo ấn từ quan” như hồi cụ Chu Văn An không?

Người trí thức ngày nay

Ngày nay nước ta có được những người trí thức nổi tiếng và dũng cảm như cụ Chu Văn An không?

Có đấy.

Thời Pháp có những trí thức nổi tiếng như cụ Phạm Quỳnh. Cụ Phạm Quỳnh sinh năm 1892, mất năm 1945, nguyên là Đổng lý Văn phòng nội các của vua Bảo Đại, chức vụ như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ngày nay, nhưng có quyền lực chỉ sau vua, chứ không làm nhiệm vụ văn phòng thuần túy như ngày nay.

Cụ Phạm Quỳnh chủ trương phải giành độc lập bằng đấu tranh bất bạo động, và không chủ trương chống Pháp, mà chủ trương dựa vào Pháp để chấn hưng đất nước. Ý kiến của cụ Phạm Quỳnh không khác ý kiến của cụ Phan Chu Trinh bao nhiêu, đó là phải thấy được cái yếu của dân tộc Việt ta, phong kiến, lạc hậu, nên cần tranh thủ được kỹ nghệ, văn hóa, văn minh Pháp để chấn hưng đất nước.

Và ý kiến về xây dựng một nước Việt Nam độc lập, nằm trong Khối Liên hiệp Pháp (Commonwelth) của cụ Phạm Quỳnh rất giống ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới giành chính quyền năm 1946.

Cụ Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945, 1946 cũng chủ trương xây dựng một nước Việt Nam Độc lập nằm trong Khối liên hiệp Pháp. Ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946, Cụ Hồ đã ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp tại Hà Nội. Và ngày 14 tháng 9 năm 1946, Cụ Hồ đã ký Tạm Ước với Pháp, tại Pháp. Hai Hiệp ước này đều có ý kiến giống Cụ Phạm Quỳnh, là nước Việt Nam độc lập nằm trong Khối Liên hiệp Pháp.

Cụ Phạm Quỳnh là thân sinh của 2 trí thức nổi tiếng là cố giáo sư –bác sĩ Phạm Khuê, nguyên Viện trưởng Viện Lão Khoa, và nhạc sĩ Phạm Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam.

Cháu nội cụ Phạm Quỳnh là giáo sư Đặng Vũ Minh, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam.

Ý kiến giành độc lập một cách hòa bình của cụ Phạm Quỳnh bị một số người cộng sản có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan cho là ôm chân Pháp, phản bội Tổ Quốc, nên sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công, cụ bị du kích ở Huế bắt ngày 23 tháng 8 năm 1945, và giết chết sau đó mấy ngày.

Cụ Phan Chu Trinh, (1872-1926), là một trí thức nổi tiếng thời nước ta thuộc Pháp. Cụ Phan Chu Trinh đã thi đỗ Phó Bảng, đồng khóa với bố Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Phan Chu Trinh sáng lập ra phong trào Duy Tân, Khẩu hiệu của phong trào Duy Tân lúc bấy giờ là: Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh.

Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay,…

Ngày nay, đất nước Việt Nam ta cũng có một số vị tri thức nổi tiếng, cũng có lòng dũng cảm tàm tạm, dám nói thẳng, nói ý kiến xây dựng đôi chút, vì lợi ích của đất nước, của dân tộc, như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà khoa học   Nguyễn Lân Dũng, nhà thầy giáo học Phan Đình Diệu, nhà kinh tế học Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung, nhà kinh doanh học Phạm Chi Lan,,,.

Nhưng những vị trí thức này vẫn chưa dám nói đến  Hiến pháp 1946, chưa dám nói đến Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Verssailles năm 1919, chưa dám nói đến thư Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi các Kỳ, Tỉnh, Huyện, và Làng, mà trong thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Nước độc lập, mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập ấy cũng không có nghĩa lý gì”, rằng “Việc gì có lợi cho dân thì ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta phải hết sức tránh”.

Nếu ngày nay, nước ta có nhiều trí thức dũng cảm như cụ Chu Văn An, Phạm Quỳnh, Phan Chu Trinh ngày xưa,,, thì dân tộc Việt Nam đã khác rồi, chứ không làng nhàng như hiện nay.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.