Những giá trị tuyệt vời của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

W.Minh Tuan

Cách đây 67 năm, vào ngày mồng 9 tháng 11, năm 1946, Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, bản Hiến pháp năm 1946.

Hồ Chủ Tịch  là Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp 1946 này.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Và chỉ ngày hôm sau, ngày mồng 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch HồChí Minh đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ là phải xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ.

Trong phiên họp đó, cụ Hồ đã nói:

“Trước, chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp.

Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ.”
Có thể nói trong các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, chỉ có cụ Hồ là người đã sống ở nước ngoài tới 30 năm.

Cụ Hồ rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước năm 1911, và trở về nước lần đầu tiên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1941. Cụ Hồ đã sống ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ, ở Nga, ở Trung Quốc, Thái Lan,,,,nên cụ Hồ rất hiểu cái hay, cái dở của các nước tư bản dân chủ tự do.

Và cụ Hồ rất hiểu chế độ dân chủ-tự do là thành quả lâu dài của cả xã hội loài người, mà nước ta nếu muốn phát triển thì không thể đứng ngoài tiến trình tự do-dân chủ đó.

Và chế độ dân chủ-tự do đó chỉ có thể được bảo đảm bằng một bản Hiến pháp dân chủ.

Nước Việt Nam ta suốt hơn 4000 năm lịch sử không hề có Hiến pháp.

Người Pháp thực dân cũng không xây dựng Hiến pháp cho dân ta.

Cụ Hồ là người đầu tiên nhìn thấy cái thành tựu vĩ đại của nền văn minh loài người, là một bản Hiến pháp dân chủ, và cụ Hồ đã kiên quyết chỉ đạo áp dụng vào nước ta ngay từ ngày đầu lập nước.

Tháng 11 năm 1945, bản Dự án Hiến pháp đã được Chính phủ Lâm thời Việt Nam soạn thảo, làm tiền đề để xây dựng dự thảo Hiến pháp. Ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 1, đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, như Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi,,,,.

Ban Dự thảo Hiến pháp có nhiệm vụ căn cứ vào Dự án Hiến pháp của Chính phủ, tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, tham khảo Hiến pháp của các nước châu Á, châu Âu,,,để xây dựng một bản Hiến pháp tốt nhất cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ đang khao khát tự do.
Ngày mồng 9 tháng 11, năm 1946, Quốc hội khóa 1 họp tại Nhà hát lớn Hà Nội đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối, 240/242 đại biểu dự họp.
Thế nhưng đó là thời điểm nước ta sắp bước vào ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, nên Quốc hội đã biểu quyết chưa công bố công khai, chưa ban hành Hiến pháp 1946, mà giao cho Ban Thường trực Quốc hội phối hợp với Chính phủ, dựa vào các nguyên tắc của bản Hiến pháp 1946 để quy định việc thi hành Hiến pháp trong các hoàn cảnh cụ thể.

Trong thực tế, từ năm 1946, đến năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tùy hoàn cảnh cụ thể cho phép, đã thực hiện Hiến pháp 1946 trong những trường hợp cụ thể.

Ví dụ Cụ Hồ ra Sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho tướng Võ Nguyên Giáp năm 1948, là dựa theo thẩm quyền của Chủ tịch nước qui định trong  Hiến pháp 1946. Hoặc cụ Hồ và Chính phủ Việt Nam đã dựa vào Hiến pháp 1946 để lãnh đạo đất nước, đi đến chiến thắng tại trận Điện Biên Phủ, chấm dứt sự cai trị của người Pháp ở Việt Nam.
Đến năm 1959, nước ta chuẩn bị cuộc chiến tranh lâu dài chống Mỹ, thống nhất đất nước, nên cụ Hồ chủ trương thay Hiến pháp 1946.

Hiến pháp 1959, hay còn gọi là Hiến pháp 1960-vì nó được thông qua vào ngày cuối năm 1959, và công bố vào ngày đầu năm 1960, đã thay thế Hiến pháp 1946. Không có Hiến pháp 1960, thì Việt Nam ta khó nhận được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Hiến pháp 1960 còn gọi là Hiến pháp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, và tiến hành chiến tranh thống nhất tổ quốc.

Đến năm 1980, chiến tranh kết thúc, nước ta xây dựng Hiến pháp 1980 để phục vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Đến năm 1992, bắt đầu “Đổi mới”, nước ta xây dựng Hiến pháp 1992 để xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để phù hợp với tiến trình Đổi Mới.
Như vậy đến nay nước ta đã có tới 4 bản Hiến pháp, nhưng bản Hiến pháp đầu tiên 1946 là có giá trị nhất.

Vì sao?
Hiến pháp 1946 viết rất ngắn gọn, chỉ có 70 điều, so với 112 điều của Hiến pháp 1960, 147 điều của Hiến pháp 1980, và 147 điều của Hiến pháp 1992.

Hiến pháp 1946 không hề nói đến chủ nghĩa xã hội, đến chủ nghiã cộng sản, mà chỉ nói đến xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, cộng hòa, và tự do.

Về bản chất, Hiến pháp 1946 của nước ta không khác gì các Hiến pháp dân chủ của Nhật, của Mỹ, của Pháp,,,.

Điều khác cơ bản là Hiến pháp 1946 của Việt Nam chỉ quy định Quốc hội 1 Viện, không có Thượng viện hay Hạ viện.

Các nhà lập pháp và các nhà nghiên cứu sau này sẽ cho ý kiến xem Quốc hội 1 Viện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là tốt hay xấu.

Nhưng ít nhất có một điều tốt, là Quốc hội 1 viện sẽ không có cãi nhau giữa Thượng viện và Hạ viện, nó vừa bảo đảm tính tập trung quyền lực cao của Quốc hội và Chính phủ, vừa bảo đảm tính dân chủ nghị viện.

Có thể nói, không có một nước xã hội chủ nghĩa nào, cả cũ và mới, dám làm một bản Hiến pháp có tính dân chủ và tự do như Hiến pháp 1946 do cụ Hồ chỉ đạo soạn thảo.

Chỉ tiếc rằng sau khi Quốc hội Khóa 1 thông qua Hiến pháp 1946 này, ngày 9 tháng 11 năm 1946, thì hơn 1 tháng sau, vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, nên Hiến pháp 1946 này không thực hiện được đầy đủ.

Tiếc quá.
Điều 10 của Hiến pháp 1946 quy định rất ngắn gọn, rõ, và đanh thép về quyền của công dân:

“Công dân Việt Nam có quyền:
-Tự do ngôn luận
-Tự do xuất bản
-Tự do tổ chức và hội họp
-Tự do tín ngưỡng
-Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”
So với Hiến pháp 1992 hiện hành, dân Viet Nam ta cũng có một số các quyền tự do như Hiến pháp 1946 quy định, nhưng thường bị gài thêm câu “theo quy định của pháp luật”, nên trong thực tế các quyền đó bị luật pháp trói buộc lại nhiều.

Chẳng hạn như quyền tự do cư trú.

Hiện nay nước ta đã bước đầu thực hiện cơ chế thị trường, thị trường hàng hóa và thị trường vốn đã được tự do.

Nhưng với chính sách Hộ khẩu hà khắc như hiện nay, cho dù đã có nhiều cải tiến, thị trường lao động vẫn chưa thực sự được tự do, vì người lao động chưa được tự do di chuyển, tự do cư trú.

Bởi vậy nền kinh tế còn bị nhiều trói buộc. Như vậy chỉ riêng về mặt tự do cư trú, Hiến pháp 1946 khoa học hơn Hiến pháp hiện hành. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng, lịch sử nước ta 4000 năm, ông cha ta đều được tự do cư trú, chứ không bị trói buộc như hiện nay.

Hà Nội 36 phố phường cũng là nhờ có tự do cư trú, người dân ở các địa phương kéo về Hà Nội lập nghiệp, tạo nên các phường nghề ở Hà Nội.
Điều 12 Hiến pháp 1946 quy định rất rõ: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.

Quy định như vậy sẽ làm yên lòng các nhà đầu tư tư nhân, hạn chế được rất nhiều các cuộc thanh tra, kiểm tra, bắt bớ, tịch thu, bỏ tù sai trái.

Quy định về quyền tư hữu như thế này, thì làm sao có chế độ công hữu, “cha chung không ai khóc” được.

Điều 15 quy định “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước.

Điều 20 quy định “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra,,,,”.

Điều 30 quy định “ Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe”.

Điều này tiến bộ như Hiến pháp các nước dân chủ. Ở Nhật, Mỹ, Anh, Pháp,,,người dân muốn vào dự kỳ họp của Nghị viện, chỉ phải điền vào tờ khai, đăng ký trước, là được bố trí vào quan sát Nghị viện họp.

Ở nước Việt Nam ta, hồi đầu, nhân dân cũng được tự do vào dự kỳ họp Quốc hội, để xem Quốc hội họp ra sao. Nhưng sau này, đã bỏ quy định này.

Điều 55 quy định “Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức.,,,Nội các mất tính nhiệm thì phải từ chức”.

Nhớ lại sau vụ Vụ Vinashin, có vị Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì Quốc hội ta không làm. Thật ra nếu làm, mà Thủ tướng Dũng vẫn được phiếu tín nhiệm cao, thì Thủ tướng càng có uy tín cao chứ sao? Sao mà sợ nhỉ?

Nhưng rồi đầu năm 2013, Quốc hội cũng làm cái việc bỏ phiếu tín nhiệm 48 vị lãnh đạo, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Bộ trưởng,,,.

Kết quả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thuộc hàng phiếu tín nhiệm thấp nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thuộc hàng có phiếu tính nhiệm cao nhất.

Đây là lần đầu tiên cho thấy Quốc hội của ta có lòng dũng cảm cũng kha khá.

Tuy chưa được như mong muốn, nhưng đây cũng là cuộc tập dượt dân chủ đầu tiên của Quốc hội của chúng ta, kể từ năm 1946 đến nay.
Điều 70, điều cuối cùng của Hiến pháp 1946 quy định về sửa đổi Hiến pháp, “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn, thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Nếu chiếu theo Điều 70 này, thì tất cả các lần sửa đổi, làm Hiến pháp mới sau này của ta, đều vi phạm Điều 70 này, vì không đưa ra cho toàn dân phúc quyết, mà chỉ đưa ra lấy ý kiến nhân dân một cách đại khái, mang nặng tính hình thức.

Theo đánh giá của Quốc hội hiện nay, nói về ý nghĩa của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, thì “Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện”.
Một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ là điều kiện đầu tiên cho mọi sự phát triển của một quốc gia.
Hãy thử hình dung xem. Nếu như vào năm 1946, người Pháp tôn trọng quyền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, không gây chiến tranh, thì hẳn bản Hiến pháp 1946 sẽ được ban hành và thi hành thuận lợi. Và người Pháp sẽ không phải chuốc lấy thất bại ở trận Điện Biên Phủ.
Sau đó nếu người Mỹ hiểu rằng nếu áp dụng bản Hiến pháp năm 1946, thì ngwoif Mỹ không cần can thiệp vào Việt Nam, và không cần gây chiến tranh để tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, và người Mỹ sẽ không phải bị thất bại vào năm 1975.
Và rất có thể ngày nay, như lời ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore nói khi đến thăm Việt Nam, là đáng lẽ vị trí số một ở châu Á phải là Việt Nam, chứ không phải là Nhật Bản.
Nếu như một ngày đẹp trời nào đó, nước Việt Nam đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng dũng cảm lấy lại bản Hiến pháp 1946, thì chắc chắn lời nhận xét của ông Lý Quang Diệu về một nước Việt Nam số một châu Á sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

Quốc hội Khóa 13, năm 2011 đã quyết định sẽ sửa đổi Hiến pháp 1992, và sẽ tiếp thu Hiến pháp 1946 trong sửa đổi Hiến pháp 1992.

Ông Chủ  tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó cũng tuyên bố sẽ tiếp thu tinh thần Hiến pháp 1946 trong sửa đổi Hiến pháp 1992.

Sau đó, thấy Hiến Pháp 1992 cũng được sửa đổi một chút đại khái, không có gì đặc biệt.

Nếu bạn đọc thử Hiến pháp 1946, bạn sẽ thấy ý kiến của Quốc Hội Việt Nam ta ngày nay, về bản Hiến pháp đó thật là đúng quá:

“Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện”.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.