Tính nhân đạo thời nhà Trần

W.Minh Tuan

1000 năm Bắc thuộc đã để lại những ảnh hưởng vô cùng tai hại cho văn hóa, tính cách người Việt Nam.

Và xấu nhất là sự tranh giành ngôi vua.

Nhà Lý tồn tại được 216 năm, từ năm 1009, đến năm 1225.

Năm 1225, nhà Lý không có con trai, nên công chúa Chiêu Thánh mới 7 tuổi lên ngôi vua, tức là nữ vua Lý Chiêu Hoàng.

Đây là lần thứ hai, nước Việt Nam ta có vua là nữ.

Lần đầu tiên là năm 40-43, trước vua Lý Chiêu Hoàng hơn 1000 năm, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống nhà Tây Hán, lên ngôi vua được 3 năm.

Nước ta thời Phong kiến có một qui luật phổ biến, là các vị vua thời kỳ đầu triều đại thường xuất thân từ nông dân, nên khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần, có tính bình dân, chăm lo việc nước.

Nhưng các vị vua thời cuối triều đại thường sinh ra trong cung cấm, ít ra ngoài thiên nhiên, ít lao động, ít hoạt động chân tay, ăn uống sung sướng, ít rau, nhiều thịt, nên thường ốm yếu, quặt quẹo, thể xác ốm yếu thường kèm theo tinh thần bạc nhược, nên ít lo đến việc nước.

Từ đó, giặc giã thường nổi lên, chống lại Triều đình, dẫn đến sự sụp đổ của Triều đình.

Đó là tình hình đất nước thời nữ vua Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vua năm 1225, hết sức rối ren, loạn lạc.

Thái sư Trần Thủ Độ là người có quyền lớn nhất trong triều hồi bấy giờ, nên ông Trần Thủ Độ thấy cần phải thay nhà Lý, để có một triều đại mạnh lãnh đạo đất nước.

Ông Trần Thủ Độ dàn dựng việc vua Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh, cũng 7 tuổi, là cháu trai ông Trần Thủ Độ.

Sau đó, ông Trần Thủ Độ cho người biên soạn Chiếu nhường ngôi, nội dung vua Lý Chiêu Hoàng là phận gái, còn nhỏ tuổi, không đủ sức gánh vác việc nước, nên nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.

Trần Cảnh lên ngôi vua năm 1225, đặt tên hiệu là Trần Thái Tông, bắt đầu thời kỳ thời kỳ phát triển rực rỡ của nhà Trần.

Chúng ta thử tìm hiểu một số việc làm đầy tính văn hóa, nhân từ điển hình của các vị vua Trần, và 2 vị tướng nổi tiếng là Trần Thủ Độ và Trần Hưng Đạo.

1-Thái sư Trần Thủ Độ.

Ông Trần Thủ Độ quê Thái Bình, sinh năm Giáp dần 1194, mất năm Giáp tý 1264, thọ 71 tuổi.

Thái sư Trần Thủ Độ nguyên là Điện tiền Chỉ huy sứ thời Vua Lý Huệ Tông, và Vua Lý Chiêu Hoàng, là chức vụ chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ Hoàng thành và Triều đình nhà Vua.

(Hơn 200 năm trước đó, Vua Lý Thái Tổ trước khi lên làm Vua, sáng lập triều nhà Lý, cũng giữ chức vụ Điện tiền Chỉ huy Sứ như ông Trần Thủ Độ).

Vào cuối thời nhà Lý, giặc giã nổi lên nhiều để chống lại Triều đình. Nhưng Vua Lý Huệ Tông ốm yếu, bạc nhược cả thể chất, lẫn tinh thần, nên không thích làm vua, chỉ thích đi tu trong chùa, nên vua Lý Huệ Tông nhường ngôi lại cho con gái Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi làm vua, còn mình đi tu ở chùa Chân Giáo.

Vua Lý Huệ Tông hoàn toàn không hiểu rằng một vị nữ Vua 7 tuổi thì làm sao lãnh đạo được đất nước, nhất là khi đó quân phiến loạn nổi lên khắp nơi.

Ông Trần Thủ Độ thấy cần phải có một Triều đình mới thay nhà Lý, để có đủ khả năng lãnh đạo đất nước trong tình hình loạn lạc.

 

Nên ông đạo diễn cho cháu ruột của ông là Trần Cảnh cũng 7 tuổi kết hôn với nữ Vua Lý Chiêu Hoàng, sau đó nữ vua Lý Chiêu  Hoàng truyền ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh, cũng 7 tuổi.

Nhà Trần nghiễm nhiên thay nhà Lý mà không cần một cuộc đảo chính đổ máu, chỉ cần bằng một cuộc kết hôn giữa hai đứa trẻ con 7 tuổi.

Có thể nói, ông Trần Thủ Độ là người có công lớn nhất trong việc thiết lập Triều đại nhà Trần.

Thế nhưng ông Trần Thủ Độ có một việc làm rất độc ác, mà chúng ta cần phải phê phán, đó là ông tìm cách giết Vua Lý Huệ Tông, là bố của nữ Vua Lý Chiêu Hoàng, khi đó đã thôi làm vua, vào chùa đi tu.

Ông Trần Thủ Độ muốn trừ hậu họa việc lòng người muốn khôi phục nhà Lý.

Một hôm, Vua Lý Huệ Tông đang nhổ cỏ ở sân chùa Chân Giáo, ông Trần Thủ Độ đi qua, nói bóng gió rằng “Nhỏ cỏ phải nhổ tận gốc nhé”.

Vua Lý Huệ Tông biết ý, đã ra phía sau sân chùa tự sát.

Cụ Ngô Sĩ Liên sau này đã phải viết lời bình trong bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư, than rằng: “Đã lấy nước của người ta, lại còn giết Vua của người ta, thật là bất nhân quá lắm”.

Hiện nay, ở Hà Nội, có phố Cổng Đục, nằm ở khu phố cổ gần đường Phùng Hưng, là dấu vết còn lại của việc làm nhẫn tâm của ông Trần Thủ Độ cách đây hơn 800 năm. Sau khi Vua Lý Huệ Tông mất, ông Trần Thủ Độ cho đục tường thành, để đưa linh cữu Vua Lý Huệ Tông về quê vùng Đình Bảng, Bắc Ninh ngày nay.

Ông Thủ Độ không muốn Vua Lý Huệ Tông được đi qua cổng thành, nên mới cho đục tường thành như vậy.

Nhân dân Việt Nam ta rất ý nhị, đặt tên chỗ đục tường thành đó là phố Cổng Đục, để tưởng nhớ đến vị vua Lý bị chết oan uổng.

Trừ việc làm bất nhân đó ra của ông Trần Thủ Độ, có thể nói triều đại nhà Trần là triều đại phát triển rất rực rỡ, và nhất là có công lớn trong 3 lần đánh thắng quân Nguyên xâm lược, với những vị tướng lừng danh như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng,,,.

Ông Trần Thủ Độ cũng có một số việc làm nhân nghĩa nổi tiếng, được người đời sau khen ngợi.

Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ nhất năm 1257, có nhiều người lo sợ, khuyên Vua Trần Thái Tông đầu hàng giặc, hoặc xin nương tựa vào nước Tống, Trung Quốc phía Bắc.

Nhưng Thái sư Trần Thủ Độ khảng khái nói với vua Trần:

“Đầu thần chưa rơi, xin Bệ Hạ đừng lo”.

Câu nói này có tác dụng khích lệ Vua Trần rất lớn. Khi đó, tướng Trần Hưng Đạo chỉ huy quân đội chống giặc ở biên giới phía Bắc.

Năm đó, quân ta thắng lớn quân Nguyên ở trận Đông Bộ Đầu, quân Nguyên tháo chạy về nước.

Ông Trần Thủ Độ là người không có học hành, không biết đọc, không biết viết chữ Hán, nhưng ông có nhiều việc làm cũng rất văn hóa, và rất hiểu biết.

Sau khi ông Thủ Độ lập cháu Trần Cảnh lên làm Vua Trần Thái Tông, có người phàn nàn với Vua Trần Thái Tông là ông Trần Thủ Độ nắm quyền lấn át cả Vua.

Vua Trần sợ quá, dẫn người đó đến chỗ ông Trần Thủ Độ, nói lại việc phàn nàn này.

Ông Trần Thủ Độ không tức giận, ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:

“-Đúng như những lời hắn nói”,

rồi sai lấy tiền, lụa thưởng cho người đó.

Khi đó, Vua Trần Thái Tông còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý đất nước, nên ông Trần Thủ Độ phải nắm quyền lực lớn “lấn át Vua” để điều hành đất nước, vì lợi ích quốc gia.

Nhưng ông Trần Thủ Độ không tranh luận với người phê phán ông, vì ông hiểu được rằng về bản chất, “lấn át quyền Vua” là không hay.

Việc khác, bà Linh từ Quốc mẫu là vợ ông Trần Thủ Độ, có lần đi kiệu qua thềm cấm trong cung Vua, nên một người lính gác cửa ngăn lại, nói bà phải xuống kiệu đi bộ theo luật lệ của Triều đình khi đó, mà luật lệ đó chính do ông Trần Thủ Độ ban hành.

Nên người lính gác đó nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ của Triều đình, không cho bà vợ ông Trần Thủ Độ đi kiệu vào thềm cấm đó.

Bà vợ ông Thủ Độ bực mình lắm, về khóc với ông Trần Thủ Độ, nói :

“Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”.

Ông Trần Thủ Độ nghe vậy, cũng tức giận, cho gọi người lính gác ấy đến.

Người lính sợ quá, nghĩ phen này chắc sẽ bị chém đầu, nhưng anh ấy cũng trung thực thuật lại câu chuyện đúng như đã xảy ra.

Ông Trần Thủ Độ nghe xong, hiểu ra mọi nhẽ, không những hết tức giận, mà còn khen người lính biết giữ kỷ cương, phép nước. Ông nói:

Ngươi ở chức thấp mà biết giữ luật pháp, ta còn trách gì nữa”.

Rồi ông sai lấy vàng, lụa thưởng cho người lính ấy, rồi cho về.

Lại một lần khác, khi xét duyệt Sổ Hộ khẩu trong cả nước, bà vợ ông Trần Thủ Độ xin cho một người quen đồng hương làm chức Câu Đương, như chức Trưởng Công an xã ngày nay.

Ông Trần Thủ Độ gật đầu, rồi ghi tên họ, quê quán người đó.

Sau đó, ông Thủ Độ cho gọi người đó đến. Người đó mừng rỡ chạy đến quì lạy, nghĩ sẽ được ban cho chức đó.

Ông Trần Thủ Độ nói với người đó:

“Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu Đương, không thể ví với những người Câu Đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác.”

Người đó sợ quá, xin mãi mới được tha, không dám xin làm Câu Đương nữa.

Có lần, Vua Trần Thái Tông muốn phong chức Tể tướng cho anh trai của ông Trần Thủ Độ là Trần An Quốc.

Ông Trần Thủ Độ trả lời:

“An Quốc anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần, thì thần xin trí sĩ (về hưu), nếu cho thần giỏi hơn, thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc Triều đình sẽ ra làm sao?”

Có thể nói, sự khảng khái, công bằng, và độ lượng của ông Trần Thủ Độ rất đáng để người đời sau học tập, trừ việc làm tàn bạo của ông ép chết Vua Lý Huệ Tông.

2-Vua Trần Thái Tông (1225-1258).

Vua sinh năm 1218, mất năm 1277, hưởng thọ 60 tuổi, làm Vua 33 năm, từ khi 7 tuổi, làm Thượng Hoàng 20 năm. Vua Trần Cảnh là cháu ruột ông Trần Thủ Độ, là vị Vua đầu tiên của nhà Trần.

Ngay sau khi lên ngôi được 2 năm, vào năm 1227, khi Vua 9 tuổi, Thái sư Trần Thủ Độ gợi ý cho Vua Trần Thái Tông và các quan phải nối tiếp truyền thống văn hóa thời nhà Lý, là hàng năm, cứ vào ngày mồng 4 tháng 4, Vua, quan phải đến đền Đồng Cổ ở hồ Tây, làm Lễ Hội Thề đền Đồng Cổ, nội dung lời thề gần giống như lời thề của nhà Lý cách đó hơn 200 năm, đại ý như sau:

“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề, thần minh giết chết”.

Năm 1251, Vua Trần Thái Tông tự viết một bài minh, ban cho các Hoàng tử con Vua, để dạy về Trung, Hiếu, Hòa, Tốn, Ôn, Lương, Cung, Kiệm, là các giá trị đạo đức cần phải có của các vị Hoàng tử.

Hồi thời nhà Lý trước đó hơn 200 năm, vào năm 1070, Vua Lý Thánh Tông cho làm Văn Miếu.

Đến nay, năm 1253, Vua Trần Thái Tông cho xây Quốc Tử Giám ở phía sau Văn Miếu, làm nơi dạy học cho con Vua, con quan, và học trò giỏi của người dân thường. Vua cho mời các nho sĩ nổi tiếng trong nước đến làm thày giáo ở Quốc Tử Giám.

Có thể nói, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên ở nước ta.

Chúng ta hi vọng đến một ngay đẹp trời nào đó, trường Đại học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ được khôi phục lại, nối tiếp truyền thống hiếu học, và truyền thống tôn trọng nhân tài của cha ông ta.

Cũng năm 1253 đó, Vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường, ở khu vực phường Giảng Võ ngày nay, để làm nơi dạy võ cho quân lính.

Chúng ta cũng hi vọng đến một ngày đẹp trời nào đó, Giảng Võ Đường sẽ được khôi phục lại ở khu vực phường Giảng Võ ngày nay, để làm nơi dạy võ, và dạy văn hóa Việt Nam cho các võ sinh, để nối tiếp truyền thống văn hóa của cha ông ta.

Ngày 12 tháng 12 năm 1257, quân Nguyên do tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyanquadai) chỉ huy, xâm lược nước ta.

Vua Trần Thái Tông giao quân đội cho tướng Trần Hưng Đạo tiết chế (chỉ huy), đích thân Vua cũng tham gia chỉ quy quân đội chiến đấu.

Trong cuộc chiến tranh này, nhiều người Việt Nam ta sợ quân Nguyên, khuyên Vua hàng, hoặc nhập vào nước Tống, để xin sự che chở của nước Tông. Thái sư Trần Thủ Độ đã nghĩa khí trả lời Vua:

“Đầu thần chưa rơi, xin Bệ Hạ đừng lo”.

Sự khảng khái, nghĩa khí này của ông Trần Thủ Độ đã khích lệ tinh thần chiến đấu của Vua Trần Thái Tông, và khích lệ quan lính đánh giặc, và phần nào làm giảm được hình ảnh độc ác của ông ấy đối với việc ép chết Vua Lý Huệ Tông.

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, quân Nguyên bị đánh tan, trên đường thua chạy, không dám cướp phá gì cả, nên dân ta khi đó gọi quân Nguyên là “giặc Phật”.

Năm 1258, sau khi chiến thắng quân Nguyên 1 năm, và làm Vua 33 năm, khi 40 tuổi, Vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con, tự mình làm Thượng Hoàng, để dạy dỗ Vua trẻ cách làm Vua.

3-Vua Trần Thánh Tông. (1258-1278)

Vua Trần Thánh Tông tên khi còn nhỏ là Hoảng, sinh năm Canh Tý 1240, lên làm Vua năm 1258, khi 18 tuổi.

Tuy làm Vua khi còn trẻ, nhưng Vua Trần Thánh Tông có Vua cha là Thượng Hoàng Trần Thái Tông giúp đỡ, nên ông sớm trở thành một vị Vua đảm lược, tài giỏi, và rất nhân từ, độ lượng.

Vua Trần Thánh Tông là người bình dân nổi tiếng.

Năm 1268, khi làm Vua được 10 năm, tức là khi Vua 28 tuổi, Vua Trần Thánh Tông nói với họ hàng, tôn thất nhà Vua rằng:

“Thiên hạ là thiên hạ của Tổ tông. Người nối nghiệp của Tổ tông phải cùng hưởng phú quí với anh em trọng họ”.

Từ đó Vua xuống chiếu rằng khi bãi triều, Vua sẽ cùng ăn uống với anh em tôn thất. Ngày nào vào chầu Vua, trời tối không về được, thì họ hàng, quan lại xếp gối dài, trải chăn rộng, kê gường liền ngủ cùng với nhau, với Vua, để tỏ hết lòng yêu quí nhau.

Năm 1272, cụ Lê Văn Hưu vâng lệnh Vua Trần Thánh Tông, soạn xong bộ sách lịch sử Đại Việt Sử ký Toàn thư, là bộ sách Lịch sử có giá trị nhất trong lịch sử nước Việt Nam ta.

Cùng năm 1272, Vua Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi để làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, như chức Giám đốc -Hiệu trưởng ngày nay.

Năm 1274, Vua Trần Thánh Tông lại xuống chiếu tìm người tài giỏi để làm thấy giáo cho Hoàng Tử sẽ nối ngôi Vua.

Như vậy hai vị Vua đầu tiên của triều đại nhà Trần đã làm được 2 công trình Văn hóa nổi tiếng, có giá trị hàng nghìn năm, đó là Vua Trần Thái Tông cho làm Quốc Tử Giám, và Vua con Trần Thánh Tông cho biên soạn bộ sách lịch sử Đại Việt Sử ký Toàn thư.

Vua cha Trần Thái Tông còn có công đánh thắng giặc Nguyên lần thứ nhất năm 1257.

4-Vua Trần Nhân Tông. (1278-1292).

Đây là triều Vua Trần 2 lần đánh thắng quân Nguyên, năm 1284-1285, và năm 1287-1288.

Lúc này, Vua Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho con, tự mình làm Thượng hoàng, giúp đỡ Vua con lãnh đạo đất nước, và chống quân Nguyên xâm lược.

Sau khi thắng quân Nguyên lần thứ hai, vào năm 1286, Vua Trần Nhân Tông rất nhân đạo, ra lệnh thả hết tù binh quân Nguyên về nước.

Năm sau, 1287, Thoát Hoan lại cầm quân sang xâm lược nước ta lần thứ ba, và lại thua trận.

Lần này quân Nguyên làm rất nhiều việc tàn bạo với dân ta.

Nhưng năm 1289, Vua Trần Nhân Tông lại nhân đạo cho thả hết tù binh quân Nguyên về nước, trừ tướng Ô Mã Nhi quá tàn bạo, đã đào lăng mộ nhà Trần ở Nam Định, nên bị ta dùng kế đục thuyền cho chết đuối.

Đây là việc làm không hay thứ hai của triều nhà Trần, sau việc Trần Thủ Độ ép chết Vua Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo năm 1225.

Khi xét bình thưởng cho người có công trong chiến đấu chống quân Nguyên, có nhiều người tâu lên rằng phải trừng phạt những người đã đầu hàng giặc.

Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, bố của Vua Trần Nhân Tông, nói nộp tất cả các tấu biểu xin hàng cho ông, rồi ông sai đốt hết đi, không trừng phạt một ai cả.

Đây là một việc làm nhân nghĩa điển hình của các Vua Trần, rất đáng để cho ngàn đời sau học tập.

Năm 1290, mất mùa, đói to, Vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cấp phát thóc trong kho công cho nhân dân, và miễn thuế cho nhân dân.

Vua Trần Nhân Tông cũng là một vị Vua bình dân nổi tiếng. Khi đi du hành ra ngoài phố, Vua cấm tả hữu không được thét đuổi người dân xem mặt Vua.

Vua nói:

“Ngày thường thì có thị vệ, tả hữu. Khi quốc gia lâm hoạn nạn, thì chỉ có bọn chúng nó có mặt”.

Hãy thử so sánh các vị Vua ở nhiều nước khác trên thế giới thời xưa, thường cấm người dân không được xem mặt Vua, mới thấy Vua Trần ở nước Việt Nam ta thật là vị Vua Hiền.

5-Tướng Trần Hưng Đạo.

Tướng Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm Bính tuất 1227, mất năm Canh tý 1300.

Ông là con trai An Sinh Vương Trần Liễu, là anh trai của Vua Trần Thái Tông Trần Cảnh. Như vậy ông Trần Quốc Tuấn là cháu gọi Vua Trần Thái Tông là chú.

Gia đình ông và Vua Trần Thái Tông có chuyện hiềm khích, vì ông Trần Thủ Độ ép vợ của ông Trần Liễu-bố của Trần Hưng Đạo- đang có thai, làm vợ Vua Thần Thái Tông, vì vợ Vua Trần Thái Tông là nguyên là nữ Vua Lý Chiêu Hoàng không có con.

(Nhưng sau chuyện ép lấy vợ này, thì các vợ khác của Vua Trần Thái Tông sinh ra được rất nhiều con)

Vì chuyện này, mà con thứ ba Vua Trần Thái Tông, là Trần Quang Khải, và tướng Trần Hưng Đạo có mối bất hòa ngấm ngầm.

Như vậy anh em họ hàng có chuyện hiềm khích nhau.

Nhưng cả hai ông Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn đều cố gắng chủ động dẹp bỏ mối hiềm khích đó.

Có lần, khi tướng Trần Quang Khải đến chơi, tướng Trần Quốc Tuấn nói:

“Mình mẩy Ngài cáu bẩn, tôi xin tắm giùm cho”, rồi cởi áo Quang Khải, dội nước thơm cho tắm.

Sau khi tắm xong, tướng Trần Hưng Đạo nói vui:

“Hôm nay tôi được tắm cho Thượng tướng”.

Tướng Trần Quang Khải cũng cười nói lớn:

“Hôm nay được Quốc công tắm dùm cho”.

Từ đó, hai tướng hết hiềm khích, đoàn kết với nhau để hợp lực chống quân Nguyên.

Trong lần chống quân Nguyên lần thứ hai năm 1284-1285, thế giặc mạnh, nhiều người cũng ngầm khuyên Vua Trần Nhân Tông hàng giặc. Nhưng tướng Trần Hưng Đạo khảng khái nói với Vua:

“Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”.

Cha ông Trần Hưng Đạo là Trần Liễu trước khi mất, có dặn ông Trần Quốc Tuấn rằng cần phải tìm cách giành được ngôi Vua.

Quyền lực của tướng Trần Hưng Đạo rất lớn. Có lần, ông Trần Hưng Đạo nói lại ý nguyện của cha ông Trần Liễu, ướm hỏi thử các tướng tâm phúc là Yết Kiêu, Dã Tượng. Hai tướng trả lời:

“Làm kế ấy chỉ phú quí được một đời, nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Đại Vương há chẳng phải đủ phú quí rồi sao?”

Tướng Trần Hưng Đạo rất vui vì thấy các tướng tâm phúc cùng chí hướng.

Nhưng khi ông hỏi ý các con, một con ông là Trần Quốc Tảng đã nói tỏ ý khinh nhờn Vua, tức có ý muốn chiếm lấy ngôi Vua. Ông Trần Quốc Tuấn đã tức giận, định giết chết Trần Quốc Tảng.

Ngoài các việc làm nhân nghĩa, khảng khái ra, tướng Trần Quốc Tuấn là vị tướng giỏi lỗi lạc nhất của mọi thời đại ở nước ta, vì ông đã chỉ huy đánh thắng cả 3 lần quân Nguyên xâm lược.

Trong khi đó, quân Nguyên đã xâm lược và cai trị Trung Quốc gần 100 năm, đã xâm lược và đánh thắng tất cả các nước châu Âu, châu Á mà quân Nguyên đã đến, trừ Nhật Bản, và Việt Nam.

Ở Nhật Bản, quân Nguyên đã thua vì cả 2 lần xâm lược, đều bị bão đánh đắm hầu hết tất cả thuyền.

Quân Nguyên rất kính sợ tướng Trần Hưng Đạo, thường chỉ gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương, mà không dám gọi tên Trần Hưng Đạo hay Trần Quốc Tuấn.

Trong hai lần quân Nguyên xâm lược năm 1284, 1287, Vua Trần Thánh Tông Thượng hoàng, và Vua con tại chức Trần Nhân Tông giao cho ông Trần Hưng Đạo quyền rất lớn, được chuyên quyền phong tước cho các tướng, rồi mới tâu sau.

Nhưng tướng Trần Hưng Đạo không dám tự tiện phong thưởng cho bất kỳ ai cả.

Chỉ những người nhà giàu cho quân đội vay lương gạo, tướng Trần Hưng Đạo chỉ phong cho chức Giả Lương Tướng, nghĩa là Tướng cho vay lương mà thôi.

Khi tướng Trần hưng Đạo mất, nhân dân rất thương tiếc, hàng vạn người đến đưa tiễn, giống như ngày nay, nhân dân thương tiếc tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông đã soạn bản Hịch tướng sĩ rất nổi tiếng, và sọan bộ Binh Thư Yếu Lược còn truyền lại đến đời nay, và cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nay đã thất lạc.

6-Hội nghị Diên Hồng.

Thời Nhà Trần, có một sự kiện cũng vô cùng đặc biệt, đó là Hội nghị Diên Hồng.

Trong lần Kháng chiến chống quân Nguyên thứ hai, năm 1284-1285, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và Vua con Trần Nhân Tông đã cho mời hơn 200 cụ bô lão cao tuổi trong cả nước đến điện Diên Hồng, trong Hoàng thành Thăng Long ngày nay, để hỏi ý kiến các cụ bô lão, “nên hòa, hay nên đánh”.

Hội nghị Diên Hồng diễn ra từ ngày 7 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 năm 1285. Khi đó, thế giặc Nguyên đang rất mạnh, chúng tấn công quân nhà Trần từ mọi hướng, và quân nhà Trần thường phải rút lui bảo toàn lực lượng.

Hai Vua Trần đặt tiệc ở điện Diên Hồng, chiêu đãi các vị bô lão, và hỏi ý kiến “nên hòa hay nên đánh”.

Sau nhiều ngày thảo luận, cuối cùng, vào ngày mồng 5 tháng 2, tất các vị bô lão đều đồng thánh hô to “đánh”.

Có thể nói, các vị bô lão đã mang đến Hội nghị Diên Hồng ý chí của nhân dân cả nước, là với bọn giặc xâm lược, thì chỉ có một lòng quyết tâm là “đánh”, không có đầu hàng.

Và sau khi Hội Nghị Diên Hồng kết thúc, các vị bô lão cùng nhau mang tinh thần Hội nghị về truyền đạt lại cho nhân dân cả nước biết tinh thần của Hội nghị, quyết tâm của Triều đình, là “đánh”, để cổ vũ tinh thần mọi người hăng hái tham gia đánh giặc.

Liệu trên thế giới có nước nào có hội nghị các vị bô lão đại diện cho nhân dân cả nước như vậy, để hỏi ý kiến đánh giặc không?

Hội nghị Diên Hồng lại một lần nữa thể hiện văn hóa tôn trọng nhân dân, tôn trọng người già, đoàn kết, yêu thương, bảo vệ lẫn nhau, là tinh thần của 100 người con đều từ một bọc trứng của Mẹ Âu Cơ sinh ra.

Người Pháp khi tổ chức kháng chiến chống lại quân Phát-xít Đức, cũng không có Hội nghị toàn dân Pháp như Hội nghị Diên Hồng.

Người Mỹ, sau trận Trân Trâu Cảng  Pearl Harbor ngày mồng 7 tháng 12 năm 1941, cũng không có Hội nghị như Hội nghị Diên Hồng, mà chỉ có Hội nghị của Quốc hội Mỹ để quyết định mở cuộc chiến tranh với Nhật.

Người Liên Xô-người Nga khi bắt đầu chiến tranh chống Phát xít Đức, cũng không có Hội nghị như Hội nghị Diên Hồng.

Có lẽ sắp tới đây, người Việt Nam chúng ta phải tổ chức một Hội nghị Diên Hồng thứ hai, để hỏi ý kiến các vị bô lão, các bậc trí thức nổi tiếng, các cựu chiến binh nổi tiếng về tình hình nước Việt Nam ta, rằng:

-Nước Việt Nam ta có nên bác bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin xa lạ, lỗi thời, hay không?

-Rằng nước Việt Nam ta có nên lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt, hay không?

-Rằng nước Việt Nam ta có nên thực hiện Hiến pháp năm 1946 hay không?,,,

Nhiều.

Còn nhiều ý kiến cần phải được người Việt Nam ta thảo luận rộng rãi theo tinh thần Hội Nghị Diên Hồng năm xưa, để đưa nước Việt Nam ta phát triển, “sánh vai được với các cường quốc Năm Châu”-như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, và đưa nước Việt Nam phát triển vượt bậc, thuộc hàng những nước hạnh phúc nhất thế giới.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.