Giáo sư Stein Tonnesson người Nauy, và bản Hiến pháp 1946 của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa

W.Minh Tuan

Giáo sư Tonneson Stein, Viện trưởng Viện nghiên cứu hòa bình của Nauy là người rất có thiện cảm với Việt Nam. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam. Ông đã viết một cuốn sách về Cách mạng tháng tám bằng tiếng Pháp, và nghiên cứu nhiều vấn đề đương đại khác của Việt Nam.

Trong hội nghị Việt Nam học tổ chức năm 1998 ở Hà Nội, giáo sư Tonneson đã trình bày về bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, bản Hiến pháp năm 1946.

Tôi quen giáo sư Tonneson từ trước, nên khi ông đến Hà Nội dự hội thảo, ông đã gọi điện cho tôi.

Khi biết ông nghiên cứu về Hiến pháp năm 1946, và sẽ trình bày tham luận về Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Việt Nam học này, tôi đã xin ông một bản tham luận của ông về bản Hiến pháp năm 1946.

Thật ra, chỉ đến khi đó, tôi mới biết Việt Nam ta có 1 bản Hiến pháp gọi là Hiến pháp 1946. Tôi vốn chỉ biết Việt Nam có Hiến pháp 1980, và sau đó, là Hiến pháp 1992, chứ không biết Hiến pháp 1960, và càng không biết Hiến pháp 1946.

Hiến pháp 1980 tôi biết, vì khi đang học đại học năm thứ 2, thì được nhà trường tổ chức cho tham gia thảo luận, góp ý kiến về xây dựng Hiến pháp 1980.

Và Hiến pháp 1992, thì khi đó, tôi đã vào làm việc ở báo Đại Đoàn Kết rồi, thì cũng được cơ quan cho tham gia thảo luận, góp ý kiến cho Hiến pháp 1992.

Còn bây giờ, khi giáo sư Stein Tonnesson chuẩn bị bản tham luận về Hiến pháp 1946, thì tôi mới biết về bản Hiến pháp 1946 đó, của nước Việt nam ta.

Tôi là một người Việt nam, là một nhà báo, mà không biết tới bản Hiến pháp 1946 này, phải nhờ một người nước ngoài là giáo sư Stein Tonnesson cho biết, thế thì người Viet nam khác thật là rất khó biết về bản Hiến pháp 1946 này của nước Việt Nam ta.

Sau này, tôi đã hỏi nhiều người Việt nam, nhiều bạn bè là nhà báo ở Việt Nam, nhiều sinh viên, nhiều công chức,,,thì hầu hết nói là không biết bản Hiến pháp 1946 này.

Đọc bài phân tích của giáo sư Tonneson về Hiến pháp 1946 của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, tôi lập tức chú ý đến bản Hiến pháp đặc sắc này.

Sau đó tôi tình cờ mua được cuốn Hiến pháp Việt Nam của Nhà xuất bản chính trị quốc gia, xuất bản năm 1995 ở Hà Nội, có in cả 4 Hiến pháp của Việt Nam: Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, và Hiến pháp hiện hành 1992.

Đọc kỹ cả 4 bản hiến pháp, tôi thực sự kinh ngạc trước tính trong sáng, dễ hiểu, ngắn gọn, và nhất là nội dung hết sức dân chủ, tự do, tiến bộ của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, do Bác Hồ chỉ đạo soạn thảo.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh  Hồ thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã được bầu qua cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước.

Và ngày mồng 9 tháng 11 năm 1946, Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Hiến pháp này chưa kịp được công bố thi hành, thì ngày 19 tháng 12 năm 1946, một tháng 10 ngày sau khi nó được thông qua, người Pháp gây hấn và kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Trong thực tế, vào thời kỳ đầu những năm 1950, khi chưa có bản Hiến pháp thứ hai năm 1960, tinh thần dân chủ của bản Hiến pháp thứ nhất 1946 đã được thực hiện một chút khi đảng cho phép có phong trào Nhân văn giai phẩm ra đời. Chỉ được tự do sáng tác vài năm thôi, nhưng phong trào Nhân văn giai phẩm cũng đã tạo hứng khởi tràn trề cho  một loạt các tên tuổi văn nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Nguyễn hồng, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng,,,.

Vậy nội dung bản Hiến pháp năm 1946 như thế nào?

Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 chỉ gồm 26 dòng, 235 chữ. Lời nói đầu của Hiến pháp thứ 2 năm 1960 dài tới 128 dòng, khoảng 1500 chữ, Hiến pháp 1980 là 165 dòng và khoảng 1900 chữ.

Hiến pháp hiện hành năm 1992 có 52 dòng và 600 chữ. Lời nói đầu của Hiến pháp Nhật chỉ có 28 dòng, 300 chữ. Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ là ngắn nhất, chỉ có 6 dòng, 70 chữ, và Hiến pháp Pháp là 14 dòng, 90 chữ.

Ngay trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã nói ngắn gọn rằng Hiến pháp phải được xây dựng trên nguyên tắc “đoàn kết toàn dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân, và dưới một chính thể dân chủ rộng rãi”.

Chính nhờ nguyên tắc “dưới một chính thể dân chủ rộng rãi”, nên Quốc hội đầu tiên của Việt Nam với 333 đại biểu, thì có tới 43% đại biểu Quốc hội là không đảng phái, 70 đại biểu không qua bầu cử của 2 đảng Việt Cách và Việt quốc.

Như vậy đại biểu là đảng cộng sản chỉ chiếm không quá nửa thành phần Quốc hội.

Nhưng dần dần, số đại biểu ngoài đảng ngày càng ít đi. Quốc hội khóa 2 (1960-1964), số đại biểu Quốc hội là 362, thì số ngoài đảng chỉ còn 64, đảng viên là 298 người. Đến Quốc hội khóa 3 (1964-1971), 366 đại biểu, ngoài đảng là 71.

Quốc hội khóa 4 (1971-1975) 420 đại biểu, ngoài đảng là 103.

Quốc hội khóa 5 (1975-1976), chỉ kéo dài 2 năm để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội cả nước sau khi Việt Nam thống nhất, 424 đại biểu, ngoài đảng 110.

Có thể nói 2 Quốc hội khóa 4 và 5, khi chiến tranh gay go, và khi đất nước mới thống nhất, cần tập hợp đoàn kết các lực lượng, nên đại biểu Quốc hội ngoài đảng được phép tăng lên một chút.

Đến Quốc hội khóa 6 (1976-1981) 492 đại biểu, chính quyền đã ổn định, Quốc hội “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, thì đại biểu Quốc hội ngoài đảng lại giảm xuống còn 94. Quốc hội khóa 7(1981-1987) 496 đại biểu, Quốc hội của “công nghiệp nặng đi trước một bước, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đi sau” theo lý thuyết của chủ nghĩa xã hội của Lê-Nin, số đại biểu ngoài đảng rơi xuống còn 61. Quốc hội khóa 8 (1987-1992) 496 đại biểu, ngoài đảng rơi xuống còn 31 người.

Quốc hội khóa 9 (1992-1997), 395 đại biểu, đại biểu ngoài đảng nhích thêm được 2 người, là 33 người.

Quốc hội khóa 10 (1997-2002), có 450 đại biểu, đại biểu ngoài đảng nhích lên một chút nữa là 68 người.

Như vậy tinh thần “chính thể dân chủ rộng rãi” của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 ngày càng bị xa rời, đại biểu Quốc hội là đảng viên ngày càng nhiều lên, đại biểu ngoài đảng ngày càng ít đi.

Về bố cục, Hiến pháp 1946 có 70 điều, Hiến pháp 1960 có 112 điều, Hiến pháp 1980 có 147 điều, và Hiến pháp hiện hành 1992 cũng có 147 điều.

Hiến pháp Nhật chỉ có 103 điều, Hiến pháp Mỹ chỉ có 7 điều, 20 khoản. Sau đó có thêm 27 điều sửa đổi, bổ sung, gọi là Tu chính án(tu chính án gần đây nhất là năm 1992). Như vậy tổng cộng Hiến pháp Mỹ chỉ có 54 điều, khoản. Hiến pháp Pháp có 92 điều.

Hiến pháp Anh chỉ có 11 điều.

Về nội dung, có thể nói Hiến pháp 1946 của Việt Nam rất gần với các Hiến pháp dân chủ khác như của Nhật do Mỹ giúp soạn thảo năm 1946, của Pháp, của Mỹ,,,.

Điều 10 của Hiến pháp 1946 quy định “ Công dân Việt Nam có quyền:

-Tự do ngôn luận

-Tự do xuất bản

-Tự do tổ chức và hội họp

-Tự do tín ngưỡng

-Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”

Chỉ đơn giản như vậy, không giải thích dài dòng tối nghĩa, khó hiểu, cũng không có câu “theo quy định của pháp luật”.

Hiến pháp 1992 cũng ghi công dân có quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội (điều 69), tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về”(điều 68), nhưng đều có ghi thêm “theo quy định của pháp luật”.

Như vậy là Hiến pháp phải tuân theo pháp luật, chứ không phải luật tuân theo Hiến pháp.

Để bảo đảm luật không đứng trên hiến pháp, các nước thường viết như sau trong Hiến pháp: “Một điều luận sẽ được xây dựng để thực hiện điều này của Hiến pháp”.

Nếu viết như thế này, thì luật không thể đứng trên Hiến pháp.

Nhưng nếu viết như Việt nam bấy lâu nay đang viết, là ,,, “,,,,theo quy định của pháp luật”, thì luật dễ bị đứng trên Hiến pháp.

Thậm chí ở Việt Nam, các quy định của Chính phủ, của các bộ, ngành, của các địa phương đôi khi còn to hơn Hiến pháp.

Ví dụ quy định về quản lý hộ khẩu của Nghị định 51/CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ, là một văn bản còn thấp hơn luật, đã hạn chế rất nhiều quyền tự do cư trú và đi lại của công dân theo Hiến pháp.

Hơn thế nữa, Chỉ thị số 27 ngày 26/8/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về nhập hộ khẩu vào thành phố Hồ Chí Minh còn có những quy định bảo thủ hơn Nghị định 57 của Chính phủ, nhằm hạn chế người dân các nơi khác được nhập khẩu về thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy một chỉ thị của địa phương còn to hơn Hiến pháp, thủ tiêu quy định của Hiến pháp về quyền công dân được tự do cư trú và đi lại.

Điều 92 của Hiến pháp 1992 quy định “ Công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật”. Nhưng một loạt các quy hoạch sai lầm đang bị báo chí phê phán đã cản trở thực hiện quyền xây dựng nhà ở này. Một loạt các quy định hà khắc về quản lý nhà đất đã ngăn cản người dân có giấy tờ chủ quyền nhà đất hợp pháp, và thực chất đã hạn chế quyền tự do cư trú và quyền có nhà ở do Hiến pháp 1992 quy định.

Ở các nước dân chủ, pháp luật chỉ nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp.

Không có Hiến pháp của các nước dân chủ nào trên thế giới lại có quy định nội dung của Hiến pháp phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Ghi như vậy thì tức là làm vô hiệu Hiến pháp.

Luật pháp chỉ nhằm quy định các thể thức để thi hành Hiến pháp, chứ không phải để hạn chế các quyền mà Hiến pháp quy định.

Điều 1 tu chính án của Hiến pháp Mỹ ghi rất rõ “Quốc hội sẽ không thảo một đạo luật nào để thiết lập hoặc để cấm đoán tự do tôn giáo; để hạn chế tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí; hoặc hạn chế quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và đưa lên chính phủ các điều thỉnh cầu bày tỏ những nỗi bất bình của họ”.

Điều 19 của Hiến pháp Nhật cũng ghi rất đơn giản và rõ ràng “Quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng không bị cản trở”.

Điều 22 Hiến pháp Nhật ghi “Quyền tự do xuất ngoại hay bỏ quốc tịch không bị cản trở”.

Luật pháp Nhật phải quy định các thủ tục hành chính để khi công dân Nhật đi ra nước ngoài hay thay đổi quốc tịch được thực hiện nhanh gọn nhất, thuận tiện nhất, không bị cản trở.

Như vậy có thể thấy về nội dung, Hiến pháp 1946 do Bác Hồ chỉ đạo soạn thảo, và Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp Nhật ở quy định về quyền tự do báo chí và đi ra nước ngoài là khá giống nhau, đơn giản, rõ ràng, mạnh mẽ, để cho không có bất cứ đạo luật nào có thể lợi dụng sự thiếu rõ ràng của Hiến pháp để vi phạm Hiến pháp.

Nếu như Hiến pháp 1992 của Việt Nam chỉ cần có điều 10 như Hiến pháp đầu tiên 1946 thì thật là tuyệt vời.

Điều 12 của Hiến pháp 1946 quy định “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.

Chỉ có 13  chữ đơn giản như vậy, nhưng thật đầy đủ, thật rõ ràng.

Hiến pháp 1946 không hề quy định đất đai là thuộc sở hữu Nhà nước. Nhưng điều 58 Hiến pháp 1992 quy định về điều này hết sức rườm rà, công dân tưởng là có nhiều quyền tư hữu, nhưng thật ra có rất ít: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp,,,”. Thế nào là “thu nhập hợp pháp”?

Chỉ bằng một văn bản luật hoặc dưới luật, người ta có thể kết luận thu nhập, tài sản của bạn là “bất hợp pháp”, và bạn sẽ bị tước đoạt mà không thể cãi vào đâu được.

Và hơn nữa, đất đai là một tài sản tư hữu có từ hàng ngàn năm nay, từ thời vua Hùng dựng nước, nhưng nay thì “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước” ( điều 17, 18 Hiến pháp 1992).

Chính vì quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước” này, mà hiện nay, theo báo cáo tại Quốc hội tháng 6 năm 2004, Việt Nam để lãng phí tới hơn 9 triệu ha đất không sử dụng.

Số đất đai để lãng phí này vừa xấp xỉ bằng tổng diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó hiện nay hàng triệu nông dân Việt Nam không có đất, phải đi làm thuê, theo kiểu “phát canh thu tô” như thời phong kiến địa chủ xưa kia, thậm chí còn bị thu tô nặng hơn, thậm tệ hơn.

Cũng chính vì quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” của Hiến pháp 1992 này mà nhân dân rất khó xin được giấy chủ quyền nhà đất như phần nói về cải cách hành chính ở trên đã nói.

Điều 15 của Hiến pháp 1946 ghi “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước”. Hiến pháp 1992 không có quy định về “trường tư” mà chỉ gọi là trường dân lập.

Điều 30 Hiến pháp 1946 ghi “Nghị viện (quốc hội) họp công khai, công chúng được vào nghe”.

Thật là dân chủ. Thật là rõ ràng. Ở tất cả các nước dân chủ đều có quy định này.

Điều 33 của Hiến pháp 1946 ghi “ Khi nào 2/3 tổng số Nghị viện đồng ý, Nghị viện có thể tự giải tán”.

Hiến pháp 1946 quy định Chủ tịch nước có quyền chọn Thủ tướng trong các nghị viên (đại biểu quốc hội)(điều 47). Nhưng với Hiến pháp 1992, thì Chủ tịch nước không có quyền này.

Hiến pháp 1946 quy định “nội các (chính phủ) mất tín nhiệm thì phải từ chức”. Hiến pháp 1992 thì không có quy định này.

Những quy định về chính phủ của Hiến pháp 1946 khá giống với những quy định về chính phủ của Hiến pháp Nhật, Hiến pháp Pháp.

Hiến pháp 1946 cũng quy định chỉ có Ủy ban hành chính ở các địa phương, chứ không phải Ủy ban nhân dân như hiện nay. Tên gọi Ủy ban hành chính sẽ thể hiện đầy đủ chức năng hành chính của chính quyền địa phương

Hiến pháp 1946 không quy định có cấp phường ở các đô thị như hiện nay. Trong thực tế cấp phường là cấp chính quyền không có tác dụng thực tế, và gây rất nhiều phiền nhiễu cho dân.

Ở các đô thị, do đặc điểm địa bàn gần, thì chỉ cần cấp quận là đủ. Không có cấp phường, người dân sẽ bớt đi được một tầng nấc “hành dân là chính” không cần thiết.

Hiến pháp 1960 (được Quốc hội thông qua ngày 31 tháng 12 năm 1959) được làm sau khi chiến tranh với người Pháp kết thúc, và Việt Nam đang chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh với người Mỹ và với chính quyền Việt Nam cộng hòa thân Mỹ, nên nó đã bắt đầu thay thế các nguyên tắc dân chủ, tự do của Hiến pháp năm 1946.

Nhưng nó vẫn còn chịu ảnh hưởng khá rõ nét tinh thần dân chủ, tự do, tôn trọng quyền con người của Hiến pháp năm 1946.

Điều 29 Hiến pháp 1960 quy định “công dân có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước”( điều 29).

Nhưng Hiến pháp 1992 quy định công dân chỉ được “khiếu nại, tố cáo ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Thậm chí có lúc Chính phủ đã đề nghị Quốc hội thảo luận về điều luật xử phạt công dân khiếu kiện ở trước nhà các vị lãnh đạo!!!

Người dân Việt Nam bị oan khuất hiện nay rất nhiều.

Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt người đi khiếu kiện ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Nhưng các cơ quan nhà nước thường không giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nên nhân dân không có cách nào khác là phải tập trung tại nhà các vị cán bộ lãnh đạo để đưa đơn khiếu nại tố cáo, hi vọng được các vị lãnh đạo “đầy tớ của nhân dân” tiếp dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Nhưng nay thì cái quyền đó cũng không được nữa, người ta sẽ bắt bỏ tù người dân vì người dân muốn gặp cán bộ lãnh đạo.

Có một số vị đại biểu quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hồi cuối năm 2003, đã nêu câu hỏi là:- “có quốc gia nào trên thế giới này mà cho phép người dân đi đến nhà các vị lãnh đạo khiếu kiện gây mất trật tự công cộng, mất yên tĩnh cho lãnh đạo như ở Việt Nam này không?”

Vị đại biểu Quốc hội này muốn Quốc hội thông qua đạo luật cho phép xử lý người dân khiếu kiện ở nhà các vị “lãnh đạo đầy tớ của nhân nhân”.

Trước khi đặt câu hỏi này, thì các vị đặt câu hỏi đó cũng cần đặt câu hỏi là trên thế giới này có quốc gia nào mà có nhiều người dân bị oan khuất như ở Việt Nam không?

Có quốc gia nào mà các cơ quan nhà nước gây ra biết bao nỗi oan khuất cho dân, rồi vô trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, bênh nhau, không chịu giải quyết các tiếng kêu oan của người dân như ở Việt Nam hiện nay hay không? Và khi vị nào đó kêu ca rằng ông bị không ngủ được vì người dân khiếu kiện tụ tập ở quanh nhà ông, thì ông có tự hỏi rằng những người dân khốn khổ đó cũng có ngủ được không?

Ông quan chức nọ có nhà ở, có chăn ấm khi mùa đông, có máy lạnh mát lúc mùa hè, có bảo vệ đứng gác vòng trong vòng ngoài,,,.

Còn người dân ở ngoài vỉa hè, “màn trời chiếu đất”, bỏ nhà cửa, quê hương, đi hàng nghìn km ra Hà Nội để kêu oan, thì họ cũng có ngủ được không?

Hiến pháp năm 1992 quy định người dân bị xử lý oan phải được bồi thường.

Nhưng phải 11 năm sau, ngày 17/3/2003 Quốc hội Việt Nam mới ra NQ388 về bồi thường cho người bị xử lý oan.

Một năm sau, ngày 23/5/2004 các cơ quan Chính phủ mới có Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT của Bộ công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ quốc phòng, Bộ tư pháp, Bộ tài chính về thi hành nghị quyết 388 này.

Như vậy phải sau 12 năm kể từ khi Hiến pháp 1992 ra đời, thì mới có chính sách bồi thường thiệt hại cho người dân bị cơ quan nhà nước xử lý oan uổng.

ÔngTổng thống Mỹ Reagan trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông ấy (1981-1989), ông Reagan đã tiếp dân, và trực tiếp viết thư trả lời cho khoảng 5000 lượt người dân, từ trẻ em đến người già, đầy nhân ái và trách nhiệm.

Liệu hiện nay Việt Nam có thể thực hiện được Hiến pháp năm 1946 không?

Đó chính là câu hỏi mà giáo sư Tonnesson Stein người Nauy muốn đề cập trong cuộc Hổi thảo Việt Nam học nói trên năm 1998 ở Hà Nội.

Giáo sư Tonnesson đặt ra một giả thuyết rằng nếu Việt Nam thực hiện bản Hiến pháp năm 1946, thì hẳn Việt Nam đã đạt được trình độ phát triển, trình độ dân chủ và tự do không thua kém các nước dân chủ phát triển khác trên thế giới. Người dân Việt Nam nhờ thế mà đã có thể hạnh phúc hơn bây giờ nhiều.

Thực sự nếu như người Pháp nghiên cứu Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam, thì họ sẽ thấy rằng không cần phải mở một cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm, để rồi họ phải thất bại tại trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946, Bác Hồ đã đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định sơ bộ Việt- Pháp với nội dung:

-người Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước tự do, có chính phủ, có nghị viện, quân đội, tài chính, nằm trong Liên bang Đông dương và Khối liên hiệp Pháp.

6 tháng sau Hiệp định sơ bộ này thì bản Hiến pháp dân chủ năm 1946 ra đời, vào tháng 11 năm 1946, tạo mọi điều kiện pháp lý để có thể đưa Hiệp định sơ bộ này trở thành hiện thực.

Nếu người Pháp đừng có quá ngạo mạn khi đó, đừng có quá coi thường nước Việt Nam non trẻ khi đó, và công nhận nước Việt Nam với bản Hiến pháp 1946 dân chủ, tiến bộ đó, và không cần phải mở một cuộc chiến tranh vô nghĩa kéo dài 9 năm, thì rất có thể tương lai Việt Nam đã khác rồi.

Và lịch sử nước Pháp sẽ không phải viết một trang đen đau buồn về sự thất bại trong trận Điện Biên Phủ.

Và cũng như người Pháp, nếu như người Mỹ chịu khó nghiên cứu bản Hiến pháp dân chủ năm 1946, họ sẽ thấy rằng nước Việt Nam tuy là cộng sản, nhưng có một bản Hiến pháp bảo đảm một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền con người, không hề nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ ( một nguy hiểm do người Mỹ tưởng tượng ra).

Và như vậy người Mỹ cũng không phải mở một cuộc chiến đau thương kéo dài tới 21 năm, 1954-1975, để rồi chuốc lấy thất bại năm 1975.

Vào năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, thì người Mỹ chỉ cần khéo léo có sự tác động để Việt Nam thực hiện bản Hiến pháp năm 1946, và yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện nghiêm cuộc tổng tuyển cử của cả nước vào năm 1956 theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam.

Nếu như vậy thì có thể lịch sử Việt Nam đã sang một trang khác, Việt Nam sẽ có điều kiện để trở thành một nước cộng sản nhưng phát triển nhất châu Á, thay thế nước Nhật, như lời nhận xét của ông Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Việt Nam muốn phát triển hơn nữa, muốn trở thành một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới, muốn “sánh vai được với các cường quốc 5 Châu”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, thì phải có một bản Hiến pháp tốt hơn bản Hiến pháp 1992 hiện nay.

Và bản Hiến pháp tốt hơn đó, thì không có bản Hiến pháp nào tốt hơn bản Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.