Phải chăng thời kỳ Hùng Vương, người Việt Nam ta đã có chữ viết riêng, là chữ Khoa đẩu?

W.Minh Tuan

Chúng ta biết rằng người Việt Nam ta vốn không có chữ viết riêng. Ngày xưa, chúng ta dùng chữ Hán. Sau đó một số học giả thời kỳ nhà Trần nghĩ ra chữ Nôm, nhưng rất ít người dùng.

Và bây giờ chúng ta dùng chữ Quốc ngữ, chữ cái theo vần alphabét, như chữ La-tinh, là do các giáo sỹ phương Tây vào Việt Nam truyền đạo hồi thế kỷ 15, 16 sáng tạo ra giúp người Việt Nam ta.

Trên thế giới có những chữ viết loằng ngoằng như sợi dây, hay như con nòng nọc, kiểu như chữ Thái, chữ Lào, chữ Phạn của người Ấn Độ,,,.

Có vài nghiên cứu gần đây ở Việt Nam, nói rằng ngày xưa, thời kỳ Hùng Vương, người Việt Nam ta cũng có chữ viết riêng, cũng loằng ngoằng giống như sợi dây, hay giống như con nọng nọc, gọi là chữ Khoa đẩu.

Chữ Hán trong lịch sử Việt Nam ta thì có rất nhiều chứng cứ để chứng minh.

Toàn bộ lịch sử thành văn của nước Việt Nam đều dùng chữ Hán.

Tất cả các thần phả, ngọc phả, các hoành phi câu đối trong các nhà dân, trong các đền, chùa, đều dùng chữ Hán.

Tất cả 81 Bia Tiến Sĩ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám đều dùng chữ Hán.

Tướng Lý Thường Kiệt khi viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nước Việt Nam ta năm 1077, “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư,,,”, cũng viết bằng chữ Hán.

Tướng Trần Hưng Đạo khi viết Hịch Tướng Sĩ, khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, năm 1284, cũng viết bằng chữ Hán.

Cụ Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại Cáo, bố cáo với nhân dân về chiến thắng quân Minh, viết năm 1428, cũng viết bằng chữ Hán.

Nhiều lắm.

Tất cả các tài liệu về lịch sử, văn hóa, hầu hết thơ văn của nước Việt ta từ thời 1000 năm Bắc thuộc, đến khi người Pháp xâm lược nước ta, trong thời gian trên dưới 2000 năm, đều viết bằng chữ Hán.

Bởi vậy nói người Việt Nam ta không có chữ viết riêng cũng không sai lắm.

Từ thời nhà Trần, người Việt Nam ta sáng tạo ra chữ Nôm, cũng là một cách phỏng theo chữ Hán, thay đổi một chút, đọc theo kiểu tiếng Việt, viết theo kiểu chữ Hán.

Từ thế kỷ 16, 17, khi các giáo sỹ phương tây vào Việt nam để truyền đạo, họ đã sáng tạo ra giúp nhân dân Việt Nam ta chữ Quốc ngữ ngày nay, dùng chữ cái Latin để viết, nhưng đọc theo tiếng Việt.

Công lớn nhất trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ngày nay la giáo sỹ Alexandre de Rhode, người Pháp, sang Việt Nam thời kỳ Đàng trong-Đàng ngoài, khoảng những năm 1500.

Gần đây có nhiều ý kiến nói về chữ Khoa đẩu, được cho là chữ viết cổ của người Việt Nam ta thời kỳ Hùng Vương.

Tôi không có ý định như một số nhà nghiên cứu có tinh thần dân tộc vô bờ bến, muốn nói về chữ Khoa đẩu để khôi phục lại chữ đó, thay thế hệ thống chữ Quốc ngữ tiếng Việt hiện nay.

Không, tôi không có ý định như thế.

Hơn nữa, với nhân dân, thì cái gì tiện thì dùng. Chữ Quốc ngữ hiện nay vô cùng tiện lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chữ Quốc ngữ để viết bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, vậy không nên mượn cái “tinh thần dân tộc vô bờ bến” đó để mà định thay chữ Quốc ngữ bằng chữ Khoa đẩu.

Chúng ta không thể bắt thời gian lùi lại thời kỳ Hùng Vương, để bắt đầu lại lịch sử.

Tôi nói đến chữ Khoa đẩu chỉ để nói rằng có lẽ người Việt Nam ta cũng đã từng có chữ viết riêng của mình, từ thời Hùng Vương, và chỉ vì thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, và các cuộc xâm lược khác sau này của người Hán, mà chữ Khoa đẩu của người Việt Nam ta đã bị mất đi.

Các phát hiện gần đây cho thấy ở Sapa có nhiều hòn đá cổ, có nhiều chữ viết kỳ lạ, mà được nhiều nhà nghiên cứu cho là chữ Khoa đẩu của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương.

(Tiếc rằng một số người Việt Nam ta ngày nay có văn hóa vô cùng “vô văn hóa”, vào Văn Miếu, đứng ôm Bia Văn Miếu để chụp ảnh, không nghĩ rằng nếu nhiều người làm như thế sẽ phá Bia Văn Miếu. Nhiều người đến Bãi đá cổ Sa Pa, có khắc chữ Khoa đẩu, đã ngồi chồm hổm trên Đá cổ chụp ảnh, thậm chí còn khắc bậy chữ, hình lên các hòn đá cổ có hàng hơn 3000 năm tuổi.)

Chữ Khoa đẩu, phiên âm từ chữ Hán, có nghĩa là chữ hình con nòng nọc-(tadpole script), hơi giống như chữ Thái, chữ Lào ngày nay.

Tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh viết về chữ Khoa đẩu trong cuốn sách “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại” như sau:

“Một tài liệu gần đây của Bộ Văn Hóa của Việt Nam nói sách Thông Chí của tác giả Trịnh Tiều người Trung Quốc có nói về chữ Khoa đẩu. Sách Thông Chí này nói như sau:

“Đời Đào Đường, (vua Đế Nghiêu, năm 2253 trước CN, năm này tương đương thời vua Hùng Vương thứ tư của Việt Nam), phương Nam của bộ Việt Thường hai lần cử sứ bộ sang chầu, qua phiên dịch, dâng con rùa thần có lẽ đã sống trên 1000 năm tuổi, mình dài hơn 3 thước, trên lưng có khắc văn Khoa đẩu, ghi việc trời đất mở mang. Vua Đế Nghiêu sai chép lấy, gọi là Qui Lịch (tức Lịch con rùa)”.

Về chữ Khoa Đẩu, chúng ta thấy có 3 điều đáng chú ý.

Thứ nhất, trên các trống đồng thời kỳ Hùng Vương, ta thấy có khắc nhiều hình con cóc, là con vật sinh ra con nòng nọc, là hình tượg chữ Khoa đẩu.

Thứ hai, người Việt Nam ta có câu ca dao:

“Con Cóc là cậu ông Trời

Ai mà đánh Cóc thì Trời đánh cho”.

Câu ca dao này có từ thời nào, và vì sao con Cóc lại có thể là Cậu của ông Trời được? Vì sao con Cóc lại có quyền lực lớn như thế, trong tín ngưỡng người Việt?

Và dân ta lại còn có truyện cổ tích “Con Cóc là cậu ông Trời”, để chứng minh cho câu ca dao trên.

Thứ ba, tranh dân gian Đông Hồ có tranh “Lão Oa độc giảng”, tức là ông thầy đồ Cóc độc quyền dạy học.

Phải chăng hình tượng con Cóc trên trống đồng, câu ca dao “Con Cóc là cậu ông Trời”, và tranh dân gian “Lão Oa độc giảng” là một biểu hiện của tinh thần người Việt Nam ta, coi trọng con Cóc, tức là coi trọng hình con nòng nọc do con Cóc sinh ra, và tức là, coi trọng chữ viết Khoa đẩu?

Và tức là từ thời Hùng Vương, người Việt Nam ta đã có chữ viết Khoa đẩu, nhưng vì bị 1000 năm Bắc thuộc, và các cuộc chiến tranh sau này của giặc phương Bắc, tìm mọi cách phá hủy văn hóa Việt Nam, nên chữ Khoa Đẩu bị mai một đi, chỉ còn lại một vài di tích như Bãi đá cổ Sa Pa, và vài tư liệu ít ỏi khác?

Nhưng với tình trạng vô văn hóa của một số người Việt Nam ta ngày nay, rất có thể ngay cả di tích Bãi đá cổ Sa Pa tuy đã tồn tại được trên 3000 năm, cũng có thể sẽ bị phá hủy trong thời gian ngắn sắp tới.

Bọn Taliban đã từng đặt mìn phá hủy những bức tượng phật trên 2000 năm tuổi ở Afganistan, thì ở Việt Nam ta, những kẻ vô văn hóa cũng sẵn sàng chà đạp, dày xéo lên những Bãi đá cổ Sa Pa, hoàn thành nốt nhiệm vụ phá hoại văn hóa Việt Nam mà giặc Hán phương Bắc chưa hoàn thành được.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.