Truyền thuyết thứ 9: Chuyện tình Mỵ Châu-Trọng Thủy

W.Minh Tuan

Truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy như sau:

Triệu Đà là tướng nhà Tần, sau khi Tần Thủy Hoàng chết, đã làm phản nahf Tần, tự phong là Nam Việt Vũ Vương ở vùng phía Nam Trung Quốc, giáp với Âu Lạc.

Sau đó, Triệu Đà nhiều lần đưa quân sang đánh vua An Dương Vương ở Âu Lạc, nhưng không thắng.

Sau đó, Triệu Đà giả vờ giảng hòa với vua An Dương Vương, thỏa thuận chia mỗi người cai trị vùng đất của mình, không ai xâm phạm của ai.

Nhưng thật ra đó chỉ là kế gian, Triệu Đà giả vờ giảng hòa để có thời gian nghĩ mưu kế khác.

Vua An Dương Vương rất yên tâm về sự phòng bị của mình, vua đã được thần Kim Qui-Rùa Vàng giúp xây thành hình ốc ở Cổ Loa, thần Kim Qui cũng giúp nỏ thần để chống lại Triệu Đà.

Bởi vậy, khi Triệu Đà đề nghị giảng hòa, vua An Dương Vương với bản tính yêu chuộng hòa bình như thời kỳ 18 vua Hùng Vương, nên đã đồng ý ngay, cho rằng Triệu Đà xin giảng hòa là có ý định thật, không giả dối.

Sau khi giả kế giảng hòa, Triều Đà đã cho con trai Trọng Thủy sang cầu hôn với con gái vua An Dương Vương là Mỵ Châu.

Vua An Dương Vương hiền lành, nghĩ đây là dịp tốt để duy trì quan hệ tốt giữa hai nước Âu Lạc và Nam Việt, nên vua An Dương Vương đã đồng ý gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy.

Trọng Thủy nhận nhiệm vụ do ông bố Triệu Đà giao cho, là kết hôn chỉ là giả vờ, còn âm mưu thật, là phải thăm dò, ăn cắp được các bí mật quân sự của Âu Lạc, mà được nhân dân ta truyền thuyết hóa là nỏ thần-vũ khí bí mật của người Âu Lạc.

Phong tục thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương là sau khi kết hôn, người chồng phải sang ở nhà vợ ở 3 năm, gọi là gửi rể.

Bởi vậy sau khi kết hôn với Mỵ Nương, Trọng Thủy đã từ nước Hán của Triệu Đà sang Âu Lạc-Việt Nam ta để ở rể 3 năm. Đây hoàn toàn giống như Con ngựa thành Tơ-Roa năm xưa của chiến tranh Hi Lạp, Trọng Thủy được đưa vào sống trong nước Việt một cách hợp pháp, nhưng thật ra là một gián điệp lợi hại của Triệu Đà.

Vào một đếmau khi ân ái với vợ Mỵ Nương, Trọng Thủy nói với vợ Mỵ Nương rằng:

-Ta nghe nói vua cha nàng có một nỏ thần rất lợi hại, nàng lấy cho ta xem có được không?

Mỵ Nương ngây thơ, rất yêu chồng, không muốn làm phật ý chồng, nên đã bí mật lấy nỏ thần của vua cha đưa cho Trọng Thủy xem.

Trọng Thủy cầm nỏ thần trên tay, xem, ngắm nghía, hết lời khen ngợi nỏ thần đẹp, lợi hại. Nhưng khi Mỵ Nương không chú ý, Trọng Thủy đã bẻ gẫy cái lẫy nỏ thần bé nhỏ, nhát vào tay áo, và trả lại nỏ thần cho Mỵ Nương.

Mỵ Nương hoàn toàn không để ý rằng cái lẫy nỏ thần đã bị bẻ gẫy và biến mất, nên đã mang nỏ thần để lại chỗ cũ cho Vua cha.

Trọng Thủy sau khi ăn cắp được bí mật quân sự của vua An Dương Vương, là cái lẫy nỏ thần, liền nói với vợ Mỵ Châu là muốn về thăm vua cha Triệu Đà ở nước Hán.

Nhưng khi đó Trọng Thủy đã thật sự yêu vợ, nên lo lắng cho vợ. Trọng Thủy đoán lần này về thăm bố đẻ, trao lẫy nỏ thần-bí mật quân sự của Âu Lạc cho Triệu Đà, thì chắc chiến tranh sẽ nổ ra. Trọng Thủy lo cho vợ, nên bảo nàng Mỵ Châu là nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra, thì hãy mặc áo lông ngỗng, đi tới đâu thỉ nhổ lông ngỗng rải xuống đường, Trọng Thủy sẽ biết để tìm đến.

Nàng Mỵ Châu ngây thơ, không biết chuyện gì bất trắc sẽ xảy ra, mà Trọng Thủy nói bóng gió. Nàng Mỵ Châu chỉ nghĩ đơn giản chồng mình nghĩ đến mình, yêu mình, thế là đủ.

Trọng Thủy về nước, trao lẫy nỏ thần cho Triệu Đà.

Triệu Đà liền phát binh sang đánh Âu Lạc.

Vua An Dương Vương chủ quan, không phòng bị, vì nghĩ mình có nỏ thần, và có thành ốc Cổ Loa kiên cố, không thể xâm phạm.

Khi quân Triệu Đà đến nơi, vua An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, thì lẫy của nỏ thần đã bị lấy cắp, nên nỏ thần không bắn được, nên bị thua.

Vua An Dương Vương cưỡi ngựa, cho con gái Mỵ Châu ngồi phía sau, và chạy trốn đến vùng biển huyện Diễn Châu, Nghệ An ngày nay.

Nhưng khi nhìn lại phía sau, vẫn thấy quân Hán đuổi theo, liền ngửa đầu than vì sao quân giặc biết mình chạy đến đây mà đuổi theo.

Khi đó thần Kim Qui hiện lên, nói “Giặc chính đang ngồi phía sau nhà ngươi đó”.

Vua An Dương Vương khi đó mới phát hiện ra chính con gái mình đã dứt áo lông ngỗng rải xuống đường đánh dấu, nên quân giặc biết mà lần theo dấu vết của Vua.

Vua An Dương Vương rút gươm chém chết con gái, rồi cưỡi lên lưng thần Kim Qui rùa vàng, rẽ sóng lặn sâu xuống biển, biến mất.

Trọng Thủy đuổi đến nơi Mỵ Châu, thấy nàng Mỵ Châu đã chết, máu loang đỏ sẫm cả một vùng biển.

Chàng ta thương vợ, ôm xác nàng Mỵ Châu đưa về Cổ Loa chôn cất, rồi nhảy xuống giếng tự sát.

Đoạn kết của truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy nói rằng người đời sau, khi bắt được trai ngọc ở vùng biển Diễn Châu, Nghệ An, đem về Cổ Loa, rửa ở nước của Giếng Ngọc, nơi Trọng Thủy gieo mình, thì ngọc sáng đẹp hẳn lên.

Truyền thuyết kết thúc ở đó.

Truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy nói lên điều gì?

Thứ nhất, lại nói lên bản tính hiền hòa, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam ta. Thời An Dương Vương, cũng như thời Hùng Vương trước đó, dân tộc Việt Nam ta không bao giờ nghĩ sẽ bị nước khác xâm lược, đô hộ, nên dân tộc Việt Nam không quan tâm lắm đến phòng bị đất nước.

Vua An Dương Vương, mặc dù bị Triệu Đà đem quân đánh mấy lần, nhưng vẫn không nghĩ rằng Triệu Đà sẽ tiếp tục xâm lược Việt Nam nữa, nên công việc phòng bị đất nước có phần chểnh mảng.

Thứ hai, nói đến sự chủ quan khinh địch sẽ dẫn đến thất bại. Vua An Dương Vương cậy mình có nỏ thần, có thành ốc Cổ Loa kiên cố, nên rất chểnh mảng trong việc huấn luyện quân đội, trong việc chuẩn bị chiến tranh chống ngoại xâm.

Thứ ba, truyền thuyết này nói lên rằng người Việt Nam ta không bao giờ có sự xảo quyệt, đểu giả như Triệu Đà đã làm, là dùng ngay tình vợ chồng, tình cha con để lừa đảo, để ăn cắp bí mật quân sự, để xâm lược nước ta bằng được.

Việc nước này đưa gián điệp sang nước khác để thu thập tin tức tình báo là điều thường tình của các nước.

Nước này cho người sang nước kia, đóng giả là dân chài, người đánh cá, người buôn bán, người đốn củi, người thợ thủ công,,,dùng tài năng về ngoại ngữ, và khả năng che dấu gốc tích của mình, khả năng moi móc thông tin tình báo, hoặc mua chuộc người nước kia,,,đó là việc thường tình của các quốc gia.

Nhưng việc vua của nước này, giả vờ cho con trai của mình sang kết hôn với con gái của vua của nước đối thủ, và sử dụng ngay mối quan hệ ngoại giao-gia đình cao cấp nhất đó, thiêng liêng nhất đó để làm gián điệp, thì quả là bẩn thỉu, bỉ ổi, tàn độc quá sức.

Bởi vậy cho dù Triệu Đà đã thắng vua An Dương Vương của Âu Lạc, nhưng Triệu Đà không bao giờ thu phục được nhân tâm của người Việt Nam ta.

Và người Việt Nam ta sẽ không bao giờ học theo cái thủ đoạn tiểu nhân, bẩn thỉu đó của Triệu Đà để lừa người khác, để cướp nước, cướp đất của người khác như thế.

Thứ bốn, truyền thuyết này lại nói lên lòng độ lượng của người Việt Nam ta đối với Trọng Thủy, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh tương tàn, kẻ đã làm mở đầu thời kỳ suốt 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam ta.

Không có việc nàng Mỵ Châu:

-“Trái tim lầm chỗ để trên đầu,

-Nỡ để sơn hà đắm biển sâu”,

thì dân tộc Việt Nam ta không bị trải qua thời kỳ u tối 1000 năm Bắc Thuộc.

Thế nhưng truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy vẫn để cho Trọng Thủy yêu nàng Mỵ Châu, Trọng Thủy đã gieo mình xuống giếng để cùng chết theo nàng Mỵ Châu.

Người dân Việt Nam ta khi xây dựng nên truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy, đã không xây dựng sự hận thù giữa hai dân tộc Việt-Hán, không kêu gọi phải trả thù, mà đã tha thứ cho chàng trai Trọng Thủy tội nghiệp, khi truyền thuyết để cho chàng ta được yêu, và được chết theo nàng Mỵ Châu.

Mối tình bi ai Mỵ Châu-Trọng Thủy thật ra là một tiếng nói phủ nhận chiến tranh của người Việt Nam ta, người Việt Nam ta đã tha thứ cho người Hán, mặc dù người Hán đã xâm lược, và đô hộ nước Việt Nam ta suốt hơn 1000 năm, và sau này, còn xâm lược nước Việt Nam ta nhiều lần nữa, mà lần mới nhất gần đây, là cuộc chiến tranh biên giới 10 năm 1979-1989, và các cuộc đụng độ trên biển Đông gần đây.

Thế nhưng người Việt Nam ta vẫn tôn trọng mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 16 chữ vàng, vẫn coi Trung Quốc như là người anh cả, để người em Việt Nam học hỏi, và nhận được sự giúp đỡ của người anh.

Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai“.

Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Sau đó, hai bên đã thỏa thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (tinh thần “4 tốt”).

Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

Thế nhưng, bây giờ, bước sang Thế kỷ 21, đã hơn 2000 năm trôi qua kể từ câu chuyện truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy đó, người Việt Nam ta cần phải tự răn mình rằng:

-chúng ta tuyệt đối không bao giờ học theo các thủ đoạn lừa đảo bẩn thỉu, thất nhân tâm đó,

-nhưng chúng ta cũng không bao giờ để bất cứ ai lừa đảo ta bẩn thỉu như thế một lần nữa.

Luôn luôn nêu cao cảnh giác, biết trọng dụng nhân tài để phát triển đất nước, người Việt Nam ta phải tự sản xuất ra được các nỏ thần lợi hại để bảo vệ đất nước, không để nỏ thần-công nghệ vũ khí hiện đại bị đánh cắp, đó là bài học vẫn còn nóng hổi đến tận bây giờ cho người dân Việt Nam ta.

Tôi dạy tiếng Việt ở trường đại học Ngoại Ngữ Tokyo. Hàng năm, ở các trường đại học trong toàn nước Nhật có Lễ hội các trường đại học, kéo dài khoảng vài ngày đến 1 tuần.

Các em sinh viên năm thứ hai, khoa Việt Nam học của trường đại học Ngoại ngoại Tokyo phải diễn kịch Việt Nam vào ngày Lễ hội trường này, thường vào khoảng tháng 11 hàng năm, và đã vài lần, các em sinh viên Nhật học tiếng Việt đã diễn kịch Mỵ Châu-Trọng Thủy.

Tôi đã hỏi các em sinh viên vì sao các em diễn kịch này, các em nói vì câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy nói về tình yêu đẹp và bi ai giữa 2 dân tộc Việt Nam và Trung Quốc.

Thật là thú vị vì các em sinh viên Nhật cũng hiểu rằng câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy là nói về tình yêu giữa 2 dân tộc Việt Nam-Trung Quốc, chứ không phải nói về sự hận thù và chiến tranh.

Ngoài ra, một ý nghĩa khác của câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy, là phong tục ở rể-người chồng phải ở rể ở nhà vợ trong 3 năm, đã cho thấy chế độ Mẫu Quyền đã tồn tại ở Việt Nam trong suốt hơn 2000 năm của thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương.

Và chế độ Mẫu Quyền là một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam ta không bị đồng hóa, không bị Hán hóa sau hơn 1000 năm bị Bắc thuộc.

Mà ngược lại, người Hán đã bị người Việt Nam đồng hóa, người Hán trở thành người Việt.

Trong hơn 1000 năm Bắc Thuộc, người Hán tìm cách đồng hóa người Việt, mà một cách phổ biến là cho người Hán kết hôn với người Việt, để người vợ Việt Nam bị Hán hóa, trở thành người Hán, và các con cái của người Việt cũng trở thành người Hán.

Nhưng thật ra tình hình đã ngược lại, người chồng Hán sau khi lấy vợ Việt, phải ở rể 3 năm, và chế độ Mẫu Quyền ở Việt Nam cho thấy người vợ có quyền lực trong gia đình hơn người chồng, nên thật ra, người chồng Hán sau khi lấy vợ Việt, đã bị Việt hóa, và các con cái cũng bị Việt hóa, trở thành người Việt.

Và sau thời kỳ An Dương Vương hơn 200 năm, 2 cuộc khởi nghĩa đầu tiên của thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc chống lại ách đô hộ của người Hán, chính là 3 phụ nữ, đó là 2 chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị vào năm 40-43 AD, và sau đó 200 năm, là khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 AD.

Tức là, hai cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt Nam ta chống lại ách đô hộ của người Hán trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, chính là 3 phụ nữ, chứ không phải là 3 đàn ông.

Điều đó đã chứng minh sức mạnh của phụ nữ Việt Nam, sức mạnh của chế độ Mẫu Quyền ở Việt Nam.

Và đến bây giờ, sức mạnh của phụ nữ Việt Nam vẫn thể hiện trong việc sau khi kết hôn, người vợ không phải đổi họ sang họ của chồng, mà ở nhiều nước trên thế giới vẫn làm.

Tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu mạnh mẽ, dũng cảm, chủ động làm chủ gia đình, làm chủ xã hội trong phụ nữ Việt Nam đã thể hiện rõ ràng trong câu chuyện Trọng Thủy ở rể nhà vợ Mỵ Châu trong câu truyện truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy nói trên.

Và Trọng Thủy đã chết theo vợ Mỵ Châu, cho dù đã có chiến tranh giữa hai nước Hán-Việt,  đã cho thấy phụ nữ Việt Nam từ thời Hùng Vương thật mạnh mẽ, thật hấp dẫn, thật đáng yêu, khiến cho người chồng gián điệp Trọng Thủy phải từ bỏ mọi sự đối kháng giữa hai dân tộc, để tuẫn tiết theo người vợ hiền của mình.

Và chính văn hóa Viêt Nam yêu chuộng hòa bình đã sáng tạo ra cái kết cục đẹp đẽ, bi ai đó của chuyện tình Mỵ Châu-Trọng Thủy.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.