Thời kỳ Hồng Bàng và 18 vua Hùng Vương.

W.Minh Tuan

Theo truyền thuyết và cổ sử, Hồng Bàng là tên niên đại của thời kỳ Hùng Vương, bắt đầu từ năm Nhâm Tuất 2879 tCN, kết thúc năm Quí Mão 258 tCN, kéo dài 2622 năm. Vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta là vua Kinh Dương Vương, tên húy là Lộc Tục. Cụ Kinh Dương Vương Lộc Tục là con của cụ Đế Minh, cụ Đế Minh là con của cụ Đế Nghi, cụ Đế Nghi là cháu 3 đời của vua Viêm Đế họ Thần Nông. Còn trước cụ Viêm Đế là ai, thì chúng ta không biết.

Nhưng mà chúng ta truy đến đây là được rồi, vì nếu chúng ta cứ truy ngược mãi lên, thì rồi chúng ta lại truy đến chị Lucy ở châu Phi cách đây hơn 3 triệu năm như đã nói ở trên.

Cụ Kinh Dương Vương lấy bà Thần Long, sinh ra ông Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm.

Cụ Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, theo truyền thuyết bà Âu Cơ đẻ ra bọc trứng 100 trứng. Truyền thuyết ít nói đến vị vua đầu tiên Kinh Dương Vương, nên người Việt Nam ta ít người biết đến tên Kinh Dương Vương và vợ là Thần Long, là hai người Việt Nam đầu tiên được nhắc đến trong sử sách.

Truyền thuyết nói nhiều đến ông bà Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên người Việt Nam chúng ta thường coi ông bà Lạc Long Quân và Âu Cơ là ông tổ đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta. Thật ra ông bà Lạc Long Quân-Âu Cơ là ông tổ thứ hai của dân tộc Việt Nam ta.

Ông Lạc Long Quân khi làm vua, lấy tên hiệu là Hùng Hiền Vương, bắt đầu các tên gọi vua Hùng Vương.

Vị vua thứ ba của dân tộc Việt Nam ta là con trưởng của ông bà Lạc Long Quân-Âu Cơ, tên hiệu là Hùng Quốc Vương.

Vị vua thứ tư có tên là Hùng Hoa Vương,,,.

Đến vị vua Hùng Vương cuối cùng thứ 18, có tên là Hùng Duệ Vương.

Trong bộ sách Sử ký Tư Mã Thiên của Trung Quốc (viết vào khoảng thế kỷ 2 tCN, sau thời kỳ vua An Dương Vương của Việt Nam khoảng 100 năm) thấy lần đầu tiên có xuất hiện chữ Bách Việt. Trong sách Sử ký Tư Mã Thiên này, gọi các dân tộc Bách Việt là dân tộc không phải Hán, sống ở miền Nam Trung Quốc, phía Nam hồ Động Đình từ thời thượng cổ.

Bách Việt, tức là 100 dân tộc Việt.

Vậy chữ Bách Việt này có liên quan gì đến truyền thuyết bà Âu Cơ đẻ ra một bọc 100 trứng không? Vì chữ bách tiếng Hán có nghĩa là 100.

Ta vẫn thường nói nhà thiện xạ bắn tên “bách phát bách trúng”-bắn 100 phát tên, trúng đích cả 100. Nếu thế thì lãnh thổ của 100 dân tộc Bách Việt từ thời xưa đã từng rộng đến phía Nam hồ Động Đình của nước Tàu ngày nay chăng?

Cả hai bộ sách lịch sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của cụ Lê Văn Hưu, và Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim nói trên đều viết lịch sử nước Việt Nam ta bắt đầu từ thời Hồng Bàng, năm 2879 tCN.

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết như sau về sự mở đầu của nước Việt Nam ta:

“Kỷ Hồng Bàng Thị. Kinh Dương Vương.

Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông.

Năm Nhâm Tuất (2879 tCN), năm thứ nhất. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương.,,,

Vua Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.,,,

Tên húy (vua Lạc Long Quân) là Sùng Lãm, con của vua Kinh Dương Vương Lộc Tục.

Vua Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm người con trai (tục truyền là sinh ra bọc trứng), là tổ tiên Bách Việt.,,,.

Vua Lạc Long Quân phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.,,,

Hùng Vương, con Lạc Long Quân, đóng đô ở Phong Châu.

Hùng vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, là: Giáo Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, và Cửu Đức, đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang, là nơi vua đóng đô.”

Như vậy vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, tên húy Lộc Tục.

Vị vua thứ hai là Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm.

Vị vua thứ ba của dân tộc Việt Nam ta là con trai trưởng của cụ Lạc Long Quân, Hùng Quốc Vương, cho đến vị vua Hùng Vương cuối cùng, là vua Hùng Vương thứ 18, tên Hùng Duệ Vương.

Tức là trong 18 vị vua Hùng Vương, có 17 vị có tên Hùng Vương, còn lại 1 vị đầu tiên có tên là Kinh Dương Vương.

Cụ Trần Trọng Kim trong bộ sách Việt Nam Sử Lược của cụ, đã nói là có 20 vị vua Hùng Vương, có lẽ cụ Kim nghĩ là 18 vị có tên Hùng Vương, và 2 vị đầu tiên là Kinh Dương Vương, và Lạc Long Quân không có tên Hùng Vương, cộng lại là 20 vị.

Cụ Ngô Thì Sỹ trong cuốn Việt Sử Tiêu Án cũng nói thời kỳ Hùng Vương có 20 vị vua.

Cả cụ Ngô Thì Sỹ và cụ Trần Trọng Kim đều có sự nhầm lẫn ở đây.

Chúng ta vẫn nghe dân gian Việt Nam ta nói 18 vua Hùng Vương, chứ chưa bao giờ nói 20 vua Hùng Vương.

Và thực ra cụ Lạc Long Quân cũng có tên Hùng Vương, là Hùng Hiền Vương-vị vua hiền tên là Hùng Vương

Nhân dân Việt Nam ta đã nói đúng.

Nhân dân Việt Nam ta đã không “chẻ sợi tóc làm tư”, để nói rằng 18 vị vua Hùng Vương là 17 vị có tên Hùng Vương, còn một vị không có tên Hùng Vương.!!!

Thế cho nên người Việt Nam ta có 18 vị Vua Hùng Vương, chứ không phải 20 vị Vua Hùng Vương, như cụ Trần Trọng Kim, và Ngô Thì Sỹ đã nhầm lẫn nói.

Bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1998, có giải thích về năm Nhâm Tuất thứ nhất thời vua Kinh Dương Vương, vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta như sau:

Theo Mục lục kỷ niên của Đại Việt Sử Ký, và câu kết của Kỷ Hồng Bàng Thị, (bản Ngoại kỷ, số 1, tờ số 5b), thì từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mão 258 trước Công nguyên (là năm vua An Dương Vương thay vua Hùng Vương thứ 18), cộng 2622 năm. 

Vậy năm Nhâm Tuất thứ nhất là năm 2879 trước Công nguyên”.

Đến nay, năm 2023, là gần 5000 năm lịch sử Việt Nam, hay như cách nói thông dụng hiện nay, là “nước Việt Nam hơn 4000 năm lịch sử.”

Bộ sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim cũng mở đầu như sau:

“Nước Việt Nam. 1. Quốc hiệu. Nước Việt Nam ta về đời Hồng Bàng (2879-258 trước Tây lịch) thì gọi là Văn Lang, đời Thục An Dương Vương (257-207 trước Tây lịch) thì gọi là Âu Lạc.”

Về đời Hồng Bàng, cụ Trần Trọng Kim viết gần giống tương tự bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, như sau:

“1.Họ Hồng Bàng (2879-258 trước Tây lịch). Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu 3 đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam-Trung Quốc bây giờ), gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho con (thứ) Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương,,,.”

Bộ sách Việt Sử Tiêu Án của cụ Ngô Thì Sĩ (1726-1780) cũng viết sự mở đầu của nước Việt Nam ta giống như sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Như vậy, từ thời xa xưa ở nước Việt Nam ta đến thời nay, đại bộ phận dân tộc Việt Nam ta đều có nhận thức rõ ràng, đầy tự hào, là dân tộc Việt Nam ta có chiều dày hơn 4000 năm lịch sử.

Thế mà giờ đây có vài ý kiến không biết vì lý do gì, ra sức chứng minh lịch sử Việt Nam ta chỉ có bề dày hơn 2000 năm-tôi sẽ nói kỹ ở phần sau.

Theo truyền thuyết, 18 đời Vua Hùng Vương bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên, đến năm 258 trước Công nguyên, suốt 2622 năm, chủ yếu sống trong hòa bình, ít có chiến tranh, và nhất là không hề có chuyện tranh giành ngôi báu, quyền lực giữa các Vua Hùng Vương, hoàn toàn khác với lịch sử nhiều nước khác trên thế giới.

Các thần phả, ngọc phả ở Vĩnh Phú cũng xếp các đời vua Hùng Vương theo hệ Can Chi.

Năm 2002, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin-Hà Nội đã xuất bản cuốn sách rất có giá trị “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại”, của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

Cuốn sách này đưa ra các chứng cứ và các phân tích để khẳng định rằng dân tộc Việt Nam ra đời từ hơn 4000 năm nay, chứ không phải trên 2000 năm như vài ý kiến khác gần đây đã nêu ra.

Tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh, và Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin thật đáng khen ngợi.

Theo cuốn sách này, các thư tịch cổ, ngọc phả, thần phả của các xã quanh vùng có đến thờ các vua Hùng Vương, như ở xã Hi Cương, tỉnh Vĩnh Phú, hiện được lưu trữ ở Vụ Bảo Tồn Bảo Tàng, Bộ Văn Hóa (số hiệu HT.AE9), thời kỳ Hùng Vương có 18 chi Hùng Vương, mỗi chi có thể có nhiều đời vua, nhưng các ông vua của chi nào chỉ mang tên của ông vua đầu tiên của chi vua đó.

Đây là một phát hiện rất mới mẻ, lý giải được vì sao 18 vua Hùng Vương có thể kéo dài tới hơn 2000 năm.

18 đời Hùng Vương theo các thần phả, ngọc phả ở vùng đền Hùng, Vĩnh Phú là như sau:

1-Đời thứ nhất, Chi Càn, Kinh Dương Vương, tên húy Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ 2919 trước CN, lên ngôi vua năm 41 tuổi, năm Nhâm Tuất 2879, là năm bắt đầu thời kỳ Hùng Vương, ở ngôi 86 năm, đến năm Đinh Hợi 2794 trước CN, ngang với thời đại Tam Hoàng ở Trung Quốc.

2-Đời thứ hai, Chi Khảm, Lạc Long Quân, con trai ông Lộc Tục. Ông Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, sinh năm Bính Thìn 2825 trước CN, kết hôn với bà Âu Cơ, đẻ ra 100 trứng. Ông Lạc Long Quân lên ngôi lúc 33 tuổi, từ năm Mậu Tý 2793 trước CN, lấy tên Hùng Hiền Vương, chi này ở ngôi 269 năm, không biết truyền bao nhiêu đời vua, đến năm Bính Thìn 2525, cùng thời với các vị vua đầu tiên ở Trung Quốc là Hoàng Đế-Ngũ Đế.

Theo truyền thuyết, 100 trứng trở thành 100 người con trai, 50 người con xuống biển theo ông Lạc Long Quân, 50 người con lên núi theo bà Âu Cơ. Người con cả nối ngôi ông Lạc Long Quân, là vua Hùng vương thứ ba, Hùng Quốc Vương.

3-Đời thứ ba, Chi Cấn, Hùng Quốc Vương, con trai cả ông Lạc Long Quân-bà Âu Cơ, tên húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ 2570 trước CN, lên ngôi năm 18 tuổi, từ năm Đinh Tỵ 2524 trước CN, đến năm Bính Tuất 2253 trước CN, ngang với thời kỳ Đế Thuấn, Đế Ngu ở Trung Quốc. Chi này truyền ngôi 271 năm.

4-Đời thứ tư, Chi Chấn, Hùng Hoa Vương, tên húy Bảo Lang-Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi 2254 trước CN, chi này truyền ngôi tất cả 336 năm, đến năm Mậu Thìn 1918 trước CN, ngang với thời Đế Quýnh nhà Hạ ở Trung Quốc.

5-Đời thứ năm, Chi Tốn, Hùng Hi Vương, tên húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi 2030 trước CN, lên ngôi khi 59 tuổi, từ năm 1912 trước CN, chi này truyền ngôi 200 năm, đến năm Mậu Tý 1713 trước CN, ngang với thời Lý Quí Kiệt nhà Hạ, Trung Quốc.

6-Đời thứ sáu, Chi Ly, Hùng Hồn Vương, có người gọi là Hùng Huy Vương, tên húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu 1740 trước CN, lên ngôi khi 29 tuổi, từ năm Kỷ Sửu 1712 trước CN, đến năm Kỷ Dậu 1632 trước CN, chi này truyền ngôi 2 đời vua, 81 năm, ngang với thời Ốc Đinh nhà Thương, Trung Quốc.

7-Đời thứ bảy, Chi Khôn, Hùng Chiêu Vương, tên húy Quốc Lang, sinh năm Quí Tỵ 1768 trước CN, lên ngôi khi 18 tuổi, từ năm Canh Tuất 1631 trước CN, đến năm Kỷ Tỵ 1432 trước CN, chi này cũng truyền ngôi 5 đời vua, 200 năm. Chi này cùng thời Tổ Ất nhà Thương, Trung Quốc.

8-Đời thứ tám, Chi Đoài, Hùng Vĩ Vương, tên húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn 11469 trước CN, lên ngôi năm 39 tuổi, truyền ngôi 5 đời Vua, đều xưng là Hùng Vĩ Vương, tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ 1431 trước CN, đến năm Kỷ Dậu 1332 trước CN, ngang với thời Nam Canh nhà Thương, Trung Quốc.

9-Đời thứ chín, Chi Giáp, Hùng ĐịnhVương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần 1375 trước CN, lên ngôi khi 45 tuổi, truyền 3 đời Vua, đều xưng Hùng Định Vương, truyền ngôi 80 năm, từ năm Canh Ngọ 1251 trước CN, đến năm Kỷ Hợi 1162 trước CN, ngang với thời Tổ Giáp nhà Ân Trung Quốc.

Ở đây có nghi vấn về thời gian. Đời vua Hùng Vương thứ 8 là Hùng Vĩ Vương, truyền ngôi từ năm 1431 trước CN đến năm 1332 trước CN. Thế nhưng chi vua Hùng Vương tiếp theo là vua Hùng Vương thứ 9, Hùng Định Vương, không phải làm vua từ năm 1332, mà là làm vua từ năm 1251 trước CN, sau 81 năm. Thế tức là từ năm 1332 trước CN, đến năm 1251 trước CN, 81 năm nước Văn Lang của ta không có vua. Có thể có sự ghi chép niên đại nhầm lẫn nào đó, vì đã hàng nghìn năm trôi qua.

10-Đời thứ mười, Chi Ất, Hùng Uy Vương, tên húy Hoàng Long Lang, sinh năm Giáp Ngọ 1287 trước CN, lên ngôi khi 37 tuổi, truyền 3 đời Vua, đều mang tên Hùng Uy Vương, truyền ngôi 90 năm, từ năm Canh Ngọ 1251 trước CN, đến năm Kỷ Hợi 1162 trước CN, ngang với thời Tổ Giáp nhà Ân, Trung Quốc.

11-Đời thứ mười một, Chi Bính, Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất 1211 trước CN, lên ngôi khi 51 tuổi, truyền 4 đời Vua, 107 năm, từ năm Canh Tí 1161 trước CN, đến năm Bính Tuất 1055 trước CN, ngang với thời Thành Vương nhà Tây Chu, Trung Quốc.

12-Đời thứ 12, Chi Đinh, Hùng Vũ Vương, hoặc là Hùng Võ Vương, tên húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân 1105 trước CN, lên ngôi khi 52 tuổi, truyền ngôi 3 đời Vua, tất cả đều lấy tên Hùng Vũ Vương, 96 năm, từ năm Đinh Hợi 1054 trước CN, đến năm Nhâm Tuất 969 trước CN, ngang với dời Mục Vương nhà Tây Chu, Trung Quốc.

13-Đời thứ 13, Chi Mậu, Hùng Việt Vương, tên húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi 982 trước CN, lên ngôi khi 23 tuổi, truyền 5 đời Vua, 105 năm, tất cả đều lấy tên Hùng Việt Vương, từ năm Quí Hợi 958 trước CN, đến năm Đinh Mùi 854 trước CN, ngang với thời Lệ Vương nhà Tây Chu, Trung Quốc.

14-Đời thứ 14, Chi Kỷ, Hùng Anh Vương, tên húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão 894 trước CN, lên ngôi khi 42 tuổi, truyền 4 đời Vua, 99 năm, từ năm Mậu Thân 853 trước CN, đến năm Bính Tuất 755 trước CN, ngang thời Bình Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.

15-Đời thứ 15, Chi Canh, Hùng Triệu Vương, hoặc là Hùng Triều Vương, tên húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quí Sửu 748 trước CN, lên ngôi khi 35 tuổi, truyền 3 đời Vua, 94 năm, từ năm Đinh Hợi 754 trước CN, đến năm Canh Thân 661 trước CN, ngang thời Huệ Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.

16-Đời thứ 16, Chi Tân, Hùng Tạo Vương, tên húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ 712 trước CN, lên ngôi khi 53 tuổi, truyền 3 đời Vua, 92 năm, từ năm Tân Dậu 660 trước CN, đến năm Nhâm Thìn 569 trước CN, ngang với thời Linh Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.

17-Đời thứ 17, Chi Nhâm, Hùng Nghị Vương, tên húy Bảo Quan Lang, sinh năm Ất Dậu 576 trước CN, lên ngôi khi 9 tuổi, truyền 4 đời Vua, 160 năm, từ năm Quý Tị 568 trước CN, đến năm Nhâm Thân 409 trước CN, ngang thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.

18-Đời cuối cùng, đời thứ 18, Chi Quí, Hùng Duệ Vương, tên húy Huệ Vương, sinh năm Canh Thân 421 trước CN, lên ngôi khi 14 tuổi, truyền ngôi có lẽ 3 đời Vua, (vì ở làng Tây Đằng, huyện Ba Vì, có bài vị “Tam Vi Quốc Chúa”), 150 năm, từ năm Quí Dậu 408 trước CN, đến năm Quí Mão 258 trước CN, ngang với thời Chu Noãn Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.

Năm 258 trước CN, vua Hùng Duệ Vương không có con trai, nhường ngôi cho Thục Phán của bộ lạc Âu Việt ở bên cạnh, chấm dứt thời kỳ Hùng Vương, bắt đầu thời kỳ An Dương Vương.

Tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã đề nghị nên sửa lại câu “18 vua Hùng Vương”, thành “18 thời Hùng Vương”, cho phù hợp với thông tin về 18 chi Hùng Vương.

Nhưng tôi nghĩ không cần sửa lại, và cũng không thể sửa lại, vì trong tâm hồn người Việt Nam ta, chúng ta chỉ nói đơn giản là 18 Vua Hùng Vương thôi, chứ không “chẻ sợi tóc làm tư”, không bắt bẻ 18 chi hay 18 Vua.

Vua Hùng Duệ Vương là chi vua Hùng cuối cùng của 18 đời vua Hùng Vương.

Từ đây, có 2 thuyết khác nhau về sự nối tiếp của vua An Dương Vương Thục Phán.

Thuyết một, viết trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì vua Hùng Vương thứ 18 có một cô con gái tên Mỵ Nương, gả cho Sơn Tinh.

Thục Vương là thủ lĩnh của bộ tộc Âu Việt cũng muốn lấy Mỵ Nương, không được, đem lòng oán hận vua Hùng Vương, nên dặn con cháu phải báo thù. Thục Phán là cháu Thục Vương, đã nhân vua Hùng Vương 18 sơ hở, đánh lấy nước Văn Lang của dân tộc Lạc Việt, sáp nhập Lạc Việt vào Âu Việt, thành nước Âu Lạc, chấm dứt thời kỳ Hùng Vương.

Thuyết hai, theo các thần phả, ngọc phả ở vùng đền Hùng, Vĩnh Phú, và theo sách Truyền thuyết Hùng Vương-Thần thoại Vĩnh Phú, thì chi của các vua Hùng Vương thứ 18 cuối cùng, tên Hùng Duệ Vương, truyền ngôi cho nhau 3 đời, vua Hùng Duệ Vương cuối cùng không có con trai, chỉ có một con con gái Mỵ Nương.

Vua Hùng Vương 18 gả công chúa Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Sau đó vua Hùng Duệ Vương muốn truyền ngôi cho Sơn Tinh. Nhưng chàng rể Sơn Tinh khuyên vua Hùng Duệ Vương nên truyền ngôi cho Thục Phán, là thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt ở bên cạnh.

Vua Hùng Duệ Vương đồng ý, truyền ngôi cho Thục Phán.

Thục Phán cảm kích tấm lòng quảng đại của vua Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho mình, đã dựng Bia Đá Thề-Cột Đá Thề trên núi Nghĩa Lĩnh, là núi xây dựng quần thể di tích đền Hùng, thuộc xã Hi Cương, thành phố Việt Trì ngày nay.

Hiện nay, nếu ta đi thăm đền Hùng, Vĩnh Phú, sẽ nhìn thấy bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là Cột Đá Thề-Bia Đá Thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại, và đời đời hương khói trông nom đền miếu của dòng họ 18 vua Hùng.

Bởi vậy thuyết thứ hai của truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh có sức thuyết phục hơn, vì nó phù hợp với truyền thống sống trong hòa bình suốt 18 đời vua Hùng Vương, kéo dài gần 3000 năm, và phù hợp với di tích Cột Đá Thề còn lại đến ngày nay ở khu vực đền Hùng, Vĩnh Phú.

Thế nhưng, dù đã dựng Cột Đá Thề vào năm 258 trước Công nguyên, để thề bảo vệ non sông Âu Lạc, nhưng vì gần 3000 năm sống trong hòa bình, hầu như không có chiến tranh, nên người Việt Nam ta không giỏi đánh nhau, nên vua An Dương Vương chỉ tồn tại được 50 năm, bị Triệu Đà thôn tính dễ dàng vào năm 208 trước Công nguyên, mở dầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc.

Trong thời kỳ Hùng Vương, có 2 truyền thuyết duy nhất nói về chiến tranh, là truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, và truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh đánh nhau, và một số di chỉ khảo cổ học tìm được các mũi tên đồng, vũ khí thời kỳ Hùng Vương.

Gần 3000 năm tồn tại, mà chỉ có 2 truyền thuyết về chiến tranh, thì có thể nói người Việt Nam ta thời kỳ Hùng Vương chủ yếu sống trong hòa bình, và cái tính cách yêu hòa bình đó vẫn truyền lại đến ngày nay trong tính cách người Việt Nam ta.

Từ năm 258 BC, đến năm 208 BC, trong 50 năm, là thời kỳ vua An Dương Vương Thục Phán thay thế các vua Hùng Vương, hợp nhất 2 bộ tộc Lạc Việt của nước Văn Lang, và Âu Việt của ông Thục Phán, thành bộ tộc Âu Lạc.

Gần 3000 năm tồn tại, mà chỉ có 2 truyền thuyết về chiến tranh, mà chỉ là chiến tranh chống ngoại xâm, không phải nội chiến đánh lẫn nhau, thì có thể nói người Việt Nam ta thời kỳ Hùng Vương chủ yếu sống trong hòa bình, và cái tính cách yêu hòa bình đó hẳn là vẫn truyền lại đến ngày nay trong tính cách người Việt Nam ta.

Cụ Lê Tung thời Hậu Lê, nguyên là Quốc Tử Giám tế tửu, như chức Giám dốc Quốc Tử Giám, năm 1514 đã viết lời giới thiệu cho bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, lời giới thiệu này được gọi là Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận, đã nhận xét về thời kỳ Hùng Vương như sau:

“Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long Quân, chăm ban đức huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, nuôi tằm, không lo can qua chinh chiến, con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn 2000 năm.”

Cụ Ngô Thì Sĩ (1726-1780) viết trong cuốn Việt Sử Tiêu Án, nhận xét về thời kỳ Hùng Vương như sau:

“-Nước ta đương thời Lạc Hùng, vua thì mang cái đức hóa yên lặng vô vi, mà dạy bảo dân vẽ mình, uống nước bằng mũi, dân không có những sự phiền nhiễu về về việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ. Vua và dân tương thân nhau trong cuộc đời đến vài nghìn năm, có thể gọi là đời trí đức, nước cực lạc.” 

Như thế có thể gọi tính chất hòa bình, độ lượng, nhân ái, dân không có những sự phiền nhiễu về về việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ, là tính chất cơ bản của thời kỳ Hùng Vương hơn 2000 năm.

Trên thế giới, hiếm có nước nào, quốc gia nào mà có thời kỳ sống yên ấm, độ lượng, hiền hòa, “dân không có những sự phiền nhiễu về về việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ” kéo dài lâu như thế.

Nước Ai-cập-Egyp có nên văn minh Ai-cập hùng vĩ, có các Kim tự tháp, cũng đã từng có thời kỳ hơn 3000 năm sống trong hòa bình, không bị nước khác xâm lược. Nhưng nước Egyp xây các kim tự tháp, cuộc sống của nhân dân rất vất vả, cực nhọc vì phải đi xây kim tự tháp cho các Pharaoh.

Nước Trung Quốc vĩ đại có nền văn minh Trung Quốc lâu đời rất đáng khâm phục, nhưng thời cổ đại là liên miên những cuộc nội chiến, nào Xuân Thu, nào Chiến Quốc.

Cụ Khổng Tử, nhà học giả vĩ đại nhất của Trung Quốc đã phải lang thang suốt đời tìm chỗ nương thân. Thời Tần Tủy Hoàng, hàng triệu người bị Tần Thủy Hoàng bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nhân dân vô cùng cực khổ, bị đối xử tàn tệ. Tần Thủy Hoàng còn đốt sách, chôn học trò.

Ở Hi Lạp, La Mã cổ đại, các nô lệ bị bắt thi đấu với nhau, và thi đấu với hổ, báo, sư tử, chém giết lẫn nhau để mua vui cho các ông chủ.

Ở nước Việt Nam ta thời kỳ Hùng Vương suốt hơn 2000 năm hoàn toàn không có nô lệ, và không có các sự tàn bạo đó, “dân không có những sự phiền nhiễu về về việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ”.

Tính cách yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam ta đã bị thay đổi nhiều lắm sau hơn 1000 năm này. Rồi sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939, giành độc lập cho dân tộc Việt Nam ta, cho đến nay, dân tộc Việt Nam ta lại bị nhiều cuộc chiến tranh xâm lược nữa. Nên chắc chắn tính cách dân tộc Việt Nam ta ngày nay càng bị thay đổi nhiều lắm so với thời kỳ Hùng Vương.

Nhưng dù thay đổi như thế nào, dù cũng có những lúc tàn bạo, hung hăng, nhưng bản tính yêu hòa bình, sống nhân ái, thủy chung vẫn là tính cách cơ bản của dân tộc Việt Nam ta từ thời Hùng Vương đến nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói năm 2006, khi ông mới nhậm chức Chủ tịch nước, rằng “người Việt Nam ta có bản tính nhân ái”, thì tức là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hiểu được tinh thần nhân ái từ thời Hùng Vương truyền lại đến tận bây giờ cho dân Việt Nam ta.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.