Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các Ủy ban Kỳ, Tỉnh, Huyện, Làng

Lời giới thiệu

Tháng 10 năm 1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời hơn 1 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải viết bức thư này, để chấn chỉnh các tệ cậy thế, cậy quyền, hủ hóa, tư túng,,,của cán bộ đảng viên các cấp, từ trung ương đến địa phương.

Làm sao mà chính quyền được gọi là của dân, do dân, và vì dân, vừa mới thành lập mới hơn 1 tháng, mà đã gây ra các tệ nạn xấu xa như vậy? 

Chúng ta hãy nhớ Chính phủ của ông Trần Trọng Kim-vua Bảo Đại được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945, đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 thì sụp đổ, nhường quyền lãnh đạo cho Việt Minh, nhưng không để xảy ra các tệ nạn xấu xa như vậy.

Chính quyền Việt Minh-Cộng sản giành quyền lãnh đạo đất nước từ Chính phủ ông Trần Trọng Kim, thì lập tức gây ra các tệ nạn mà trước đây Nhà nước Phong kiến, Thực dân không có, hoặc có ít.

Đó là lý do mà Cụ Hồ phải viết bức thư thống thiết này, vừa để kêu gọi, vừa để cảnh cáo những người có hành vi sai trái.

Trong bức thư này, có nhiều câu nói nổi tiếng, thể hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về một chính quyền của nhân dân là phải như thế nào. Trong đó, có một câu nói rất  nổi tiếng là: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.

Có một điều khó hiểu là Đảng ta không hề cho dân ta học tập bức thư nổi tiếng này, nên không có mấy ai biết đến bức thư này.

Lần đầu tiên dư luận nhân dân biết đến nội dung bức thư này, là hồi năm 2006, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mới lên nhậm chức Chủ tịch nước, ông đã trích dẫn câu nói trong bức thư này: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì không có lợi cho dân thì phải hết sức tránh”.

Nhưng ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng chỉ nói trích dẫn Bác Hồ, mà không nói trích từ nguồn tài liệu nào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2011, trong bài viết kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, cũng đã trích dẫn câu nói “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”, nhưng cũng chỉ nói là Bác Hồ nói, chứ không nói trích từ bức thư này.

Điểm rất hay ho của Đảng ta là Đảng ta chỉ cho dân ta, Đảng viên học tập đạo đức Hồ Chí Minh, mà không cho học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện trong các tác phẩm như Yêu sách 8 điểm, Thư gửi các Ủy ban, tỉnh, huyện, làng, Hiến pháp 1946,,,.

Cho nên hầu hết dân Việt Nam ta không biết đến Thư này, cũng như Yêu sách 8 điểm, hay Hiến pháp dân chủ 1946. 

Một trong những nguyện vọng lớn của daivietnam.com là sẽ đăng tải lại toàn văn các tác phẩm nổi tiếng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh nói về dân chủ, tự do, để cho dư luận rộng rãi được biết đến.

Dưới đây, daivietnam.com xin trích đăng lại toàn văn bức thư rất đặc sắc này, thể hiện rất rõ Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một Chính phủ trong sạch, vì lợi ích của nhân dân, không vì lợi ích của riêng Đảng cầm quyền, được in trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Hà Nội, năm 2000, Tập 4, trang 56, 58.

 

                                   *********

THƯ BÁC HỒ GỬI CÁC UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC KỲ, TỈNH, HUYỆN VÀ LÀNG

Hỡi các bạn!

Nước ta bị Tây áp bức hơn 80 năm và bốn, năm năm bị Nhật áp bức.

Dân ta đói rét, khổ sở, không thể nói xiết. Ngày nay nhớ lại, còn rất đau lòng.

Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo, mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do.

Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì.

Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm.

Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rết nặng nề. Những lầm lỗi chính là:

   1-Trái phép – Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được. Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.

   2-Cậy thế – Cậy thế mình ở trong ban này nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

  3-Hủ hóa – ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?

Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?

  4-Tư túng – Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

  5-Chia rẽ – Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.

  6-Kiêu ngạo – Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ.

Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không ngoan khoan dung.

Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chứ “công binh, chính trực” vào lòng.

Mong các bạn tiến bộ.

Hồ CHí MINH: Toàn tập,

NXB. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2000, t.4, tr.56-58.