Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Việt Nam

W. Minh Tuan

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đi thăm Việt Nam năm 2000 đã mở ra một chương mới cho lịch sử hai nước, và nhất là, tạo điều kiện để cho nước Việt Nam ta được mở cửa ra thế giới.

Nhà tôi ở đường Cầu Giấy. Tôi nhớ cái đêm ngày 17 tháng 11 năm 2000, khi đoàn xe oto Mỹ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton từ sân bay Nội Bài đi vào Hà Nội, đi qua đường Cầu Giấy trước nhà tôi, cả rừng người đứng hai ven đường Cầu Giấy, kéo dài tới vài km, đến tận khách sạn Daiwoo, để chờ đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Tất cả đều ngưỡng mộ sâu sắc người đại diện cho xứ sở tự do, dân chủ, và hùng mạnh, giàu có nhất thế giới.

Thế rồi đột nhiên cả rừng người hô vang “Hoan hô, hu ra, hoan hô, hu ra” khi đoàn xe oto của Tổng thống Bill Clinton bắt đầu đi qua.

Ngày đó, ngày mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Việt Nam, là ngày tôi đến Đại sứ quán Nhật để làm vi-sa đi Nhật, theo diện đoàn tụ gia đình.

Tôi im lặng đứng trong đoàn người Việt Nam đón chào Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở đoạn đường Cầu Giấy trước nhà tôi, và tự nhủ nếu ở Việt nam có điều kiện như nước Mỹ, thì chắc gì tôi đã thua kém ông Tổng thống Mỹ đáng kính kia.

Ngày tôi lên máy bay để sang Nhật, trong phòng chờ để lên máy bay, xung quanh tôi có rất nhiều người Việt Nam nét mặt khắc khổ đi xuất khẩu lao động ở Nhật.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta tống cổ người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Và giờ đây, chúng ta xếp hàng dài, chờ được đi bán sức lao động ở xứ người, để mưu cầu ấm no, hạnh phúc. Và tôi cũng chờ được đi xứ hoa Anh đào, để xây dựng hạnh phúc nhỏ bé của mình.

Người Mỹ đã xâm lược và cai trị nước Nhật từ năm 1945, đến năm 1952, và ông Tư lệnh lực lượng Mỹ đô hộ nước Nhật Mac Arthur đã làm Hiến pháp dân chủ năm 1946 cho nước Nhật, và buộc nước Nhật phải thực hiện theo Hiến pháp dân chủ đó.

Tôi cứ hình dung nếu người Nhật cũng anh hùng như người Việt Nam ta, cũng chống Mỹ đến ngày toàn thắng, cũng có ngày giải phóng 30 tháng 4 chấn động địa cầu như nước Việt Nam ta, thì bây giờ nước Nhật sẽ ra sao nhỉ?

Thì bây giờ nước Nhật cũng đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội.

Nước Nhật sẽ có các loại cán bộ tài giỏi “đầu đội nghị quyết, vai đeo chủ trương, chân đi đôi dép lập trường, miệng hô tiến tiến”.

Họ sẽ không có các công ty như Panasonic, Toyota, Sony, Honda, Yamaha, Misubishi, Hitachi,,,mà thay vào đó, họ sẽ có các công ty kiểu như công ty Cờ đỏ, tổng công ty Búa liềm, tập đoàn Cách mạng, nông trường Tiền phong, công ty cổ phần Thanh niên Xung phong,,,.

Khi đó, công ty Toyota Cờ đỏ sẽ chủ yếu để làm ra các loại oto để chở lãnh đạo Nhật đi họp. Công ty Honda Búa liềm sẽ làm ra các loại xe máy để chở đường lối, chủ trương của Nhà nước Nhật. Công ty Sony Cách mạng sẽ làm ra các loại tivi để tuyên truyền nghị quyết của đảng cầm quyền của Nhật,,,.

Và khi đó, tôi sẽ không đi Nhật nữa, mà người Nhật sẽ đi Việt Nam, và tôi sẽ dạy cho họ cách  tiến hành đấu tranh giai cấp, cách làm chuyên chính vô sản, cách làm trong sạch đội ngũ cán bộ bằng phê bình và tự phê bình,,,.

Ở tuổi 27, ông Bill Clinton đã là Giáo sư Đại học Arkansas, dạy luật.

Còn tôi, ở tuổi 27, năm 1987, tôi đang làm phóng sự điều tra về vụ Đồng Tiến, Hưng Yên, điều tra về một tập đoàn lãnh đạo xã, từ bí thư, đến chủ tịch,,,đè nén, áp bức dân, bắt giam dân, nhốt dân vào kho thuốc sâu, cướp đất của dân. Và gay go nhất, là Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Bình bao che cho tập đoàn lãnh đạo xã Đồng Tiến.

Tôi đã được Giải Nhất Hội Nhà báo Việt Nam năm 1988 về loạt phóng sự điều tra về vụ Đồng Tiến này, khi tôi 28 tuổi.

Ở tuổi 32, ông Bill Clinton bắt đầu làm Thống đốc Bang Arkansas, và đã làm Thống thống đốc Bang này tới 5 nhiệm kỳ, đến năm 1991, khi ông ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ.

Ông là vị Thống đốc Bang trẻ nhất nước Mỹ.

Còn tôi, ở tuổi 32, năm 1992, tôi bắt đầu làm phóng sự điều tra về vụ án cầu Chương Dương, vụ án mà một viên cảnh sát giao thông của Công an Hà Nội đã bắn chết em Nguyễn Việt Phương, khi em này chở 50 triệu đồng của Công ty đi qua cầu Chương Dương.  Nhiều báo chí khác cũng đã tham gia làm vụ này, nổi bật nhất là báo Phụ Nữ Thủ đô.

Kết quả, viên cảnh sát giao thông bị kết án tử hình.

Ở tuổi 34, ông Bill Clinton bị thất bại trong tranh cử chức Thống đốc Bang Arkansas lần thứ hai. Còn tôi, ở tuổi 34, năm 1994, khi Việt Nam ta lần đầu tiên cho phép có người tự ứng cử, tôi đã tự ứng cử vào Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, và đã trúng cử, nhiệm kỳ 1994-1999.

Ở tuổi 37, ông Bill Clinton lại trúng cử làm Thống đốc Bang Arkansas, nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Còn tôi, ở tuổi 37, năm 1997, tôi tự ứng cử vào Quốc hội, nhưng đã bị loại ra khỏi danh sách bầu cử, không lý do, mặc dù tôi đã vượt qua hai vòng Hiệp thương đầu tiên, với trên 80% số phiếu ủng hộ.

Ở tuổi 39, ông Bill Clinton đang làm Thống đốc Bang Arkansas nhiệm kỳ 5.

Còn tôi, ở tuổi 39, năm 1999, tôi làm phóng sự điều tra về vụ Thủy Cung Thăng Long-Hà Nội, dẫn tới việc cách chức Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc. Đây là lần đầu tiên một Phó Thủ tướng bị cách chức vì một sự việc do báo chí nêu.

Tôi đã được giải Nhì Hội Nhà báo Việt Nam đầu năm  năm 2000 về phóng sự điều tra này. Một vị lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam nói với tôi là tôi xứng đáng được Giải Nhất, nhưng nếu làm thế, thì chẳng khác gì “tát vào mặt Chính phủ”, nên thôi, chỉ Giải Nhì thôi, cho Chính phủ đỡ bẽ mặt.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã bắt tay tôi, và trao cho tôi Bằng khen Giải Nhì này tại cuộc trao giải tổ chức ở khu Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội đầu năm 2000.

Từ đó đến nay, báo chí Việt Nam ta không còn làm được phóng sự điều tra nào lớn như thế nữa.

Đến năm 2006, khi tôi đã yên vị ở Nhật rồi, và ở trong nước, báo chí và Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp làm vụ PMU 18, tưởng rằng có thể cách chức, bắt bỏ tù được một Thứ trưởng Bộ Giao thông, và một Thiếu tướng Công an.

Nhưng rồi hai vị này được phục hổi chức vụ, còn ông Thiếu tướng Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình Sự Phạm Xuân Quắc, người chỉ đạo điều tra vụ PMU18, thì bị khởi tố ngược, bị lôi ra tòa. Vị Trung tá Công an tafigioir, liêm khiết trực tiếp điều tra vụ PMU18 cũng bị khởi tố điều tra ngược tội làm lộ bí mật công tác, điều tra sai, và bị kết án 1 năm tù!!!.

Tôi hi vọng một ngày nào đó, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, và đồng chí Trung tá Công an Đinh Văn Huynh sẽ được minh oan.

Ở tuổi 40, ông Bill Clinton vẫn đang làm Thống đốc Bang Arkansas, và đang ấp ủ ý định tranh cử chức vụ Tổng thống Mỹ.

Còn tôi, ở tuổi 40, cuối năm 2000, tôi xin thôi việc ở báo Đại Đoàn Kết, từ giã Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, từ giã họ hàng, từ giã bạn bè, để đi đến xứ sở hoa Anh đào tự do, xây dựng hạnh phúc gia đình nhỏ bé của mình.

Và vào năm 2000 đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã hoàn thành 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, và đi thăm Việt Nam, mở ra chương mới trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ, Tổng thống Bill Clinton đã làm được nhiều việc quan trọng có lợi cho dân tộc Việt Nam ta., và cho nước Mỹ

Tháng 1 năm 1994, ông đã ký quyết định xóa bỏ cấm vận Việt Nam.

Và ngày 15 tháng 7 năm 1995, ông ký quyết định bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

Không có 2 quyết định này của Tổng thống Bill Clinton, thì Việt Nam ta vẫn bị đóng cửa với thế giới, không nước nào dám chơi với Việt Nam, dám đầu tư vào Việt Nam, nếu người Mỹ không bật đền xanh.

Nếu không có 2 quyết định đó của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thì Việt Nam ta không thế nhận được hơn 800 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam cho đến nay, năm 2023, cộng thêm hơn 200 tỷ USD tiền vốn ODA các nước đổ vào giúp Việt Nam cho đến nay-2023, và kinh tế Việt Nam ta không thể phát triển nhanh 7%, 8% một năm trong suốt hơn 20 năm nay.

Ông cũng là vị Tổng thống Mỹ duy nhất, khi còn tuổi trẻ, đã phản đối chiến tranh Việt Nam, đã trốn quân dịch, và suýt nữa bị ra Tòa án vì tội trốn quân dịch đó.

Tôi thực sự thấy biết ơn Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Tôi đã đọc cuốn sách tự truyện của Tổng thống Mỹ Bill Clinton: “My Life” bằng tiếng Anh

Trong cuốn sách này, Tổng thống Bill Clinton nói rất nhiều về quan hệ hai nước Việt Nam-Mỹ, và nhất là viết về chiến tranh Việt Nam, về phong trào phản chiến ở Mỹ và trên thế giới.

Thế nhưng,  trong 957 trang của cuốn sách đó, Tổng thống Bill Clinton chỉ dành hơn 1 trang để nói về chuyến thăm Việt Nam lịch sử năm 2000 đó.

Ông tỏ ý khen Chủ tịch nước Trần Đức Lương, và Thủ tướng Phan Văn Khải, vì hai vị lãnh đạo này thể hiện thái độ mềm mỏng, lịch sự, và hiểu biết khi hội đàm với ông Tổng thống Bill Clinton.

Nhưng ông rất chê Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, vì trong cuộc hội kiến của 2 vị, đồng chí Tổng Bí thư Phiêu của Việt nam ta cứ nói mãi về cuộc chiến tranh Việt Nam xưa, tố cáo Chủ nghĩa đế quốc Mỹ, mà không thấy rằng Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam là để hai nước cùng hướng tới tương lai, cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho 2 dân tộc, và cho thế giới, chứ không phải để cứ nhìn mãi lại quá khứ phía sau để chửi nhau.

Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam đâu phải để chửi nhau với Việt Nam.

Và ông còn là người phản đối chiến tranh Việt nam khi xưa kia mà.

Giá như đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đó cảm ơn Tổng thống Mỹ Bill Clinton về việc phản đối chiến tranh đViệt Nam nhỉ.

Nhưng thật ra, phải ở trong cuộc, mới hiểu và thông cảm cho đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Vì năm 1999, đồng chí Lê Khả Phiêu dẫn đầu đoàn lãnh đạo Việt Nam đi thăm các nước Tây Âu.

Ở vài nước Tây Âu, đồng chí Lê Khả Phiêu đã phát biểu với lãnh đạo các nước đó,  đại ý nói rằng các quí vị lãnh đạo các nước của các quí vị, để làm cho nhân dân của các quí vị được hạnh phúc. Chúng tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cố gắng lãnh đạo để làm cho nhân dân Việt Nam chúng tôi được hạnh phúc.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói rất chân thành và đúng đắn.

Thế mà khi về Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bị mấy vị lão thành cách mạng tiền bối phê phán, là mất lập trường giai cấp, là bọn Tư bản thì chỉ có bóc lột thôi, chứ làm gì mà đem lại hạnh phúc cho nhân dân,,,.

Có lẽ vì thế, mà khi tiếp Tổng thống Bill Clinton, đồng chí Lê Khả Phiêu tỏ ra quá cứng nhắc, bảo thủ chăng.

Khi Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam ngày 17 tháng 11 năm 2000 đó, cả rừng người Việt Nam vui mừng ra đón.

Còn tôi, khi sang Nhật cuối tháng 11 năm đó, tại sân bay Narita, chỉ có một người ra đón, cầm một bó hoa nhỏ, đó là vợ tôi, nữ nhà báo Nhật, phóng viên báo Nhật Yomiuri. Chị ấy đã làm phóng viên thường trú ở Việt Nam 3 năm, và chúng tôi đã quen nhau, và quyết định gắn bó cuộc đời với nhau.

Tháng 8 năm 2000, chúng tôi đã làm đám cưới nhỏ ở Hà Nội, rồi chị ấy về Nhật trước, làm thủ tục đón tôi sang Nhật sau.

Tôi nhớ đầu năm 2000, anh Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Lao Động, đã gặp tôi, và ngỏ ý mời tôi rời khỏi báo Đại Đoàn Kết, sang làm việc ở Ban Chính trị, báo Lao Động. Khi đó, tôi đã quyết định sẽ đi Nhật, nên đành phải xin phép anh Huy Hoàn cho tôi được từ chối lời mời của anh.

Tôi rất biết ơn anh Phạm Huy Hoàn.

Thế nhưng, nếu giả sử tôi chấp nhận lời mời của anh Huy Hoàn, sang báo Lao Động làm phóng viên, thì rất có thể, năm 2006, khi xảy ra vụ PMU18, tôi cũng sẽ dính líu, và sẽ bị bắt giam, bị bỏ tù như anh Nguyễn Việt Chiến, phóng viên báo Thanh Niên. Anh Nguyễn Việt Chiến vì hăng hái viết bài về vụ PMU18, nên đã bị bắt và bỏ tù 2 năm.

Nếu tôi vẫn ở Việt Nam, thì chắc chắn tôi sẽ tham gia làm vụ PMU18 này, và nhất là, tôi có mối quan hệ rất thân tình với đồng chí Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, người chỉ đạo làm điều tra vụ PMU18.

Nếu thế thì làm sao mà tôi có thể sang Nhật để ngắm hoa Anh đào được?

Vì trong nhà tù ở Việt Nam thì làm sao mà có hoa Anh đào để mà ngắm được?

Được chứ.

Trong nhà tù, người ta vẫn có thể ngắm hoa Anh đào được chứ, ngắm trong giấc mơ về Tự Do.

Tôi đã tự viết lời bình vào trang đầu của cuốn sách “My Life-Đời tôi” của Tổng thống Bill Clinton như sau:

“Chỉ có những nước dân chủ, tự do như nước Mỹ mới có thể sản sinh ra những con người vĩ đại như Tổng thống Bill Clinton, và do đó đưa được đất nước đến thịnh vượng, giàu có.

Và tất các các nước độc tài, phi dân chủ, phản tự do sẽ chôn vùi mọi tài năng, và do đó, sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước, nền văn hóa đất nước sẽ bị hủy hoại.”

Thàng 4 năm nay, 2023, tôi đã về Việt nam 3 tháng, thầy Việt Nam ta phát triển rất ấn tượng, rất nhanh, rất đáng ngạc nhiên. Đường phố thay đổi đến nỗi tôi không thể nhận ra, bị lạc đường nhiều. Gia đình bạn bè, họ hang hầu hết đều giàu có, sung sướng hơn trước, hầu như nhà nào cũng có xe ô tô, chứ không phải xe máy như trước nữa.

Nhưng tôi cũng thấy hơi buồn vì thấy văn hóa Việt Nam ta bị xuống cấp, hủy hoại ở nhiều mặt.

Người ta vứt rác bừa bãi lung tung ở mọi nơi, mọi chỗ. Người Đà Lạt dạo chơi trên rác ở ven hồ Hồ Xuân Hương, cái hồ đẹp tuyệt vời đó, nhưng xung quanh đầy rác rưởi bẩn thỉu, hôi hám.

Rồi tệ vi phạm luật giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, không coi trọng luật giao thông gì cả.

Rồi tệ uống nước trà ngồi chiếm vỉa hè, lòng đường.

Ở phố Lê Văn Hưu, Hà Nội, nơi gần quán bún chả Obama, tôi thấy một xe cảnh sát trật tự đi long vòng trên đường phố, anh cảnh sát nói loa vọng ra:

Xin mọi người tự giác không ngồi chiếm lòng đường, vỉa hè. Có nhiều người ngồi uống một cốc nước chè đá, mà ngồi cả buổi sáng, lấn chiếm vỉa hè, nói mãi không nghe, nếu phạt thì bảo cảnh sát nghiêm khắc, nếu không phạt thì cứ ngồi ì cả ngày trên phố,,,. Như thế có coi được không hả?”.

Tôi thấy anh cảnh sát nói đúng quá, thế nhưng có vẻ cái việc đơn giản ngồi uống nước chè lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội là việc |”hàng ngày ở huyện”, “nói mãi không nghe”.

Rồi tệ nói tục, chửi bậy, tệ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, tệ chặt chém khách du lịch, lừa đảo khách du lịch, đeo bám, mời chào dai dẳng khách du lịch, nhất là ở Hội An, thì quả là ghê gớm, kinh khủng.

Nếu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Việt Nam bây giờ, năm 2023, thì chắc ông cũng sẽ có cảm nhận như tôi, là kinh tế Việt Nam phát triển, nhưng văn hóa có vấn đề.

Tôi rời Việt Nam vào đầu tháng 7 năm 2023, và hi vọng ngày nào đó tôi về lại Việt Nam, sẽ thấy Việt nam phát triển và tiến bộ cả kinh tế và văn hóa. Khi đó, tôi hi vọng Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đi thăm lại Việt Nam, để cảm nhận một nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc Văn hóa Việt nam.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.