Truyền thuyết 2: Chử Đồng Tử, Tiên Dung

 

W.Minh Tuan

Truyền thuyết kể rằng thời vua Hùng Vương thứ ba, tên là Hùng Quốc Vương, con trai cả của ông bà Lạc Long Quân-Âu Cơ, ở vùng Hưng Yên, huyện Khoái Châu ngày nay, có chàng Chử Đồng Tử nhà nghèo, hai cha con chỉ có một cái khố, mặc chung nhau.

Một hôm, cha đi ra chợ, nên cha được mặc khố, còn Chử Đồng Tử hì hụp lặn mò ở sông để bắt cá, trên người chẳng mặc gì cả.

Thế rồi Tiên Dung, công chúa con gái vua Hùng Vương cùng các thị nữ đi chơi đến đó. Tiên Dung là con vua, nhưng không thích cảnh giàu sang, quyền lực, chỉ thích đi ngao du, ngắm cảnh, làm bầu bạn với người dân thường, và với thiên nhiên.

Chàng trai trẻ Chử Đồng Tử nhìn thấy đám thị nữ và cô gái quyền quí đi đến chỗ mình đánh bắt cá, thì hoảng sợ, và xấu hổ vì mình không mặc gì cả, liền vùi mình trong cát để trốn.

Công chúa Tiên Dung đến ngay chỗ Chử Đồng Tử vùi mình, và nói các thị nữ quây xung quanh để mình tắm.

Khi nước dội xuống thì chàng Chử Đồng Tử mình trần lộ ra. Chàng Chử Đồng Tử xấu hổ và hoảng sợ. Còn công chúa Tiên Dung cũng xấu hổ và hoảng sợ không kém. Nhưng với tính điềm đạm, và nhân ái, công chúa Tiên Dung trấn tĩnh, và hỏi chuyện Chử Đồng Tử, và biết hết ngọn ngành của chàng trai đánh cá nhà nghèo.

Nàng Tiên Dung nghĩ có lẽ là duyên số trời định, nên đề nghị chàng Chử Đồng Tử cùng kết nghĩa vợ chồng.

Vua Hùng Vương biết chuyện, lúc đầu tức giận, vì thấy công chúa con gái mình kết hôn với chàng trai đánh cá nhà nghèo. Nhưng rồi vua Hùng Vương cũng nguôi giận, và chấp nhận cho cuộc hôn nhân.

Chử Đồng Tử học được phép lạ do thần dạy cho. Chàng dạy phép lạ cho vợ, và cả hai vợ chồng đi chu chu khắp mọi miền đất nước, cứu dân độ thế, giúp đỡ kẻ bần hàn.

Một hôm, hai vợ cồng đến vùng xã Dạ Trạch-huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay, Chử Đồng Tử cắm gậy, đặt nón lên đầu gậy, rồi hai vợ chồng ngủ qua đêm ở đó. Nửa đêm, đột nhiên lâu đài, cung điện, quân lính hiện lên ở nơi cắm cây gậy đội nón đó.

Thế rồi có kẻ dèm pha, nói rằng Chử Đồng Tử-Tiên Dung xây dựng cung điện, quân đội, có ý định cướp ngôi vua. Vua Hùng chưa tin lời tấu đó, vì nghĩ rằng không lẽ con gái, con rể mình lại phản lại vua cha. Nên vua Hùng trước tiên cho quân lính đến xem xét tình hình. Quân lính của Chử Đồng Tử-Tiên Dung xin ra đánh. Nhưng hai vợ chồng cười nói không được đánh lại cha mình.

Nửa đêm, thành quách, quân lính cùng Chử Đồng Tử, Tiên Dung biến mất, cùng bay về trời, để lại một cái đầm rộng mệnh mông, mà ngày nay, người dân vùng Khoái Châu gọi đầm này là Đầm Nhất Dạ-Đầm Dạ Trạch-Đầm một đêm.

Ở vùng đầm Dạ Trạch đó, hơn 1000 năm sau, tướng Triệu Quang Phục, tức Triệu Việt Vương, là tướng của vua Lí Nam Đế, đã nối nghiệp Lí Nam Đế khởi nghĩa chống nhà Lương trong những năm 550, ẩn náu ở vùng đầm Dạ Trạch, và được vợ chồng Chử Đồng Tử hiện về, giúp quân khởi nghĩa đánh quân Lương.

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử-Tiên Dung nói lên điều gì?

Thứ nhất nói về tính bình đẳng, và lòng độ lượng của vua Hùng Vương, và tình nhân ái, bình đẳng giữa con người.

Công chúa Tiên Dung không tức giận trước chàng trai thô lậu, dám lộ mình nơi công chúa tắm, không ra lệnh chém đầu kẻ thô lậu.

Vua Hùng lúc đầu tức giận theo lẽ đương nhiên của một vị vua thấy con gái mình muốn kết hôn với anh chàng đánh cá nhà nghèo, nhưng rồi sau đó vua Hùng Vương độ lượng ưng thuận.

Và tâm hồn người Việt Nam ta thể hiện trong câu truyện truyền thuyết này đã đưa ra một kết thúc rất đẹp đẽ cho truyền thuyết này, là hai vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung bay về trời, để lại cái Đầm Dạ Trạch làm dấu vết cho đời, thể hiện sự không màng danh lợi, phú quí, quyền lực, giàu sang.

Và về văn hóa, truyền thuyết Chử Đồng Tử-Tiên Dung để lại cho người Việt Nam ta phong tục trồng cây nêu trong ngày Tết:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh”.

Tục trồng cây nêu trong ngày Tết bắt nguồn từ câu chuyện truyền thuyết về vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung cắm gậy, đội nón lên gậy từ thời vua Hùng Vương, để nói lên lòng mong muốn làm việc thiện, trừ được ma quỉ, trừ cái ác, và nói đến sự vươn lên của người dân Việt Nam trong mỗi kỳ năm mới.

Người Việt Nam ta thờ Chử Đồng Tử là một trong 4 vị thần Tứ Bất Tử trong văn hóa Việt Nam ta, là:
1-Thánh Gióng,

2-Chử Đồng Tử,

3-Tản Viên Sơn Tinh,

4-Bà chúa Liễu Hạnh.

Vì sao người Việt Nam ta không chọn các vị vua làm các vị thần Tứ Bất Tử, mà chỉ chọn người thường, có công to lớn trong bảo vệ và xây dựng đất nước, giúp đỡ nhân dân?

Đây cũng là một câu hỏi thú vị thể hiện tâm hồn người Việt Nam ta, tôn trọng sự bình đẳng, ai có công to lớn với dân thì được dân thờ làm thần Tứ Bất Tử, bất kể người đó là quyền cao chức trọng, hay dân thường.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.