Truyền thuyết thứ 3: Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương

 

W.Minh Tuan

Truyền thuyết kể rằng về đời vua Hùng Vương thứ sáu, đất nước hòa bình lâu ngày, vua Hùng Vương chểnh mảng việc phòng bị đất nước, nên bị giặc Ân xâm lược.

Bấy giờ ở làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, có một đôi vợ chồng già đã hơn 60 tuổi mà chưa có con.

Một hôm người vợ ra đồng làm ruộng, thấy có một vết chân rất to lớn, bà đặt chân vào, thì khi về nhà bà có thai. Sau 9 tháng 10 ngày, bà sinh được một đứa con trai, ông bà đặt tên là Gióng.

Nhưng bé Gióng lên ba tuổi mà vẫn không biết nói biết cười.

Ông bà buồn lắm, nhưng vẫn hết mực yêu thương bé Gióng.

Khi giặc Ân xâm lược nước ta, vua Hùng Vương thứ sáu sai sứ giả đi khắp nước cầu người tài ra cầm quân đánh giặc.

Sứ giả của vua Hùng đến đầu làng Phù Đổng, gọi loa to: “Loa, loa, ai có tài, xin ra cầm quân giúp nước đánh giặc, loa loa”.

Khi đó bé Gióng tự nhiên đứng lên, nói với mẹ hãy mời sứ giả đến.

Cha mẹ Gióng vô cùng kinh ngạc, khi thấy đột nhiên bé Gióng nói được. Hai ông bà vội chạy ra ngoài mời sứ giả vào nhà.

Bé Gióng nói to với sứ giả: “Hãy về đúc một con ngựa sắt và một cây roi sắt, đưa đến cho ta đi giết giặc”.

Bấy giờ bé Gióng vươn vai thành người lớn, ăn biết bao nhiêu cơm, thịt cũng không no, mặc quần áo rộng cỡ nào cũng thấy chật.

Cả làng Phù Đổng góp cơm góp gạo nấu cho bé Gióng ăn, góp quần áo cho bé Gióng mặc.

Sứ giả kinh ngạc, coi là chuyện lạ, về tâu lại sự việc với vua Hùng Vương. Vua Hùng Vương lập tức truyền đúc ngựa sắt, làm roi sắt, đem đến cho chàng Gióng.

Chàng Gióng đội mũ sắt, cầm roi sắt, cưỡi lên ngựa sắt, xông ra trận như bão táp, đi đến đâu Gióng cũng chém giặc như chém cỏ rác. Khi roi sắt bị gãy, Gióng nhổ các bụi tre bên đường quăng ném vào quân địch.

Giặc Ân tan tác thua chạy.

Đánh tan giặc, chàng Gióng thẳng bay lên núi Sóc Sơn ở gần làng Phù Đổng ngày nay, trút bỏ quần áo lại rồi bay thẳng lên trời.
Ngày nay còn thấy các hồ ao là dấu vết chân ngựa sắt để lại. Khu rừng bị giặc Ân đốt cháy còn mang tên là rừng Cháy, tre ở rừng này ngả màu vàng như bị cháy thời chàng Gióng đánh giặc, nên có tên là tre đằng ngà.

Người dân Phù Đổng lập miếu thờ chàng Gióng, gọi là Thánh Gióng, vì chàng đã hoá thân xuống cứu dân Việt.

Truyền thuyết Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương chỉ đơn giản như vậy thôi.

Cụ Trần Trọng Kim tỏ ý hoài nghi về giặc Ân bên Trung Quốc xâm lược nước ta thời vua Hùng Vương thứ sáu đó. Vua Hùng Vương thứ sáu tên là Hùng Hồn Vương, vua sinh năm Tân Dậu 1740 trước CN, lên ngôi vua khi 29 tuổi, năm Kỷ Sửu 1712 Trước CN, truyền 2 đời vua, đều lấy tên Hùng Hồn Vương, ở ngôi 81 năm, đến năm Kỷ Dậu 1632 trước CN.

Cụ Kim cho rằng nước Ân khi đó ở bên Tàu nằm ở vùng gần sông Hoàng Hà, vùng tỉnh Thiểm Tây ngày nay, cách xa nước Việt Nam ta mấy nghìn cây số, nên nước Ân đó sang xâm lược Văn Lang là khó tin. Hơn nữa, cụ Kim nói rằng sử sách Trung Quốc không nói gì đến cuộc xâm lược này.

Truyền thuyết này nói lên sự nhắc nhở đối với người Việt Nam ta, là nếu không luôn luôn chuẩn bị phòng vệ đất nước, thì cái họa bị xâm lược, bị đô hộ là khó tránh khỏi.

Đoạn mở đầu của truyền thuyết Thánh Gióng, nói về việc vua Hùng Vương sống trong hòa bình lâu ngày, chểnh mảng việc phòng bị đất nước, nên bị giặc Ân xâm lược, đã nói lên một sự hối hận khôn nguôi về một đất nước từng có độc lập hơn 2000 năm trong thời 18 vua Hùng Vương, mà nay nỡ để đất nước bị ngoại bang đô hộ.

Có lẽ trong khi đang bị rên xiết dưới sự đô hộ hà khắc của giặc phương Bắc trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, người Việt Nam ta đã mơ ước và xây dựng nên hình tượng nhân vật Thánh Gióng, giống như dân tộc Việt nhỏ yếu, như chú bé Thánh Gióng 3 tuổi yếu ớt, nhưng có thể một ngày nào đó, sẽ ăn nhiều, lớn nhanh như thổi, có đủ sức mạnh để đuổi giặc ngoại xâm.

Cho đến bây giờ, Thế kỷ 21, khi bản đồ lưỡi bò 9 đoạn đang rình rập ở biển Đông, chúng ta lại thấy câu chuyện Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương thời xa xưa vẫn còn nguyên giá trị, là, nếu không biết trọng dụng nhân tài, phòng bị đất nước, thì cái nguy cơ bị làm nô lệ, hoặc bị lệ thuộc một lần nữa là khó tránh khỏi.

Liệu dân tộc Việt Nam ta có lớn nhanh như thổi như chàng Thánh Gióng năm xưa, có đủ sức mạnh để nhổ bụi tre đằng ngà một lần nữa, để bảo vệ biển, đảo được không?

Chúng ta đang ngồi đây, đang đọc lại chuyện lịch sử-truyền thuyết về thời kỳ các vua Hùng Vương cách đây hơn 2000 năm, nhưng thực ra là chúng ta đang xem xét lại sức mạnh của dân tộc Việt Nam ngày nay.

Và câu chuyện chàng Gióng yêu cầu vua Hùng cho rèn ngựa sắt, roi sắt cho thấy vũ khí hiện đại là rất quan trọng. Chàng Thánh Gióng dù có sức mạnh nhổ tre, ngày ăn 3 đấu cơm chưa đủ no, cũng không thể đánh thắng giặc Ân, nếu không có vũ khí hiện đại là ngựa sắt, roi sắt.

Vậy thì ngày nay cũng thế, nước Việt Nam ta hiện nay chủ yếu đi mua vũ khí từ nước ngoài về để bảo vệ biển đảo, mà chưa chú trọng phát triển nhân tài trong nước để có thể tự nghiên cứu, sản xuất được vũ khí hiện đại.

Và câu chuyện khi đất nước có chiến tranh, vua Hùng Vương cho người đi cầu người tài, cũng hoàn toàn giống như câu chuyện đảng cộng sản Việt Nam khi chưa giành được chính quyền, đã kêu gọi Chính phủ đoàn kết toàn dân, tập hợp nhân tài không đảng phái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi năm 1946.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, Chủ tịch đã cho bổ nhiệm nhiều vị Bộ trưởng là người ngoài đảng, thể hiện đúng tinh thần vua Hùng Vương cho sứ giả đi cầu người tài cầm quân đánh giặc thời Thánh Gióng năm xưa.

Thế nhưng sau khi sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thì chúng ta thấy không có vị Bộ trưởng ngoài đảng nào được bổ nhiệm nữa.

Cái khẩu hiệu “Tập hợp nhân tài không đảng phái”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, bây giờ đâu rồi?


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.