Truyền thuyết thứ 5, sự tích dưa hấu và chàng An Tiêm

W.Minh Tuan

Truyền thuyết kể rằng thời vua Hùng Vương thứ sáu, có người nước ngoài phiêu bạt đến nước Văn Lang của ta, và được vua Hùng Vương thứ sáu cưu mang, phong chức tước, trao tên gọi An Tiêm, gả vợ cho.

Chàng An Tiêm trở nên giàu có, sang trọng.

An Tiêm là người tự tin, thường nói rằng sự thành đạt là do trời định, và do bản thân mình cố gắng, chứ không phải do Vua Hùng Vương giúp đỡ.

Vua Hùng nghe vậy, cho rằng An Tiêm có ý phụ bạc, kiêu căng, vô ơn bạc nghĩa, không nhớ công ơn của Vua Hùng đã giúp An Tiêm, nên đày An Tiêm ra ngoài đảo xa, để xem An Tiêm tự mình có thành đạt được không.

Hai vợ chồng An Tiêm ở ngoài đảo chăm chỉ làm ăn. Có một hôm, một con chim trĩ trắng mang đến một hạt giống, An Tiêm trồng thử, mọc lên thành cây có quả to lớn, bổ ra bên trong màu đỏ, ăn rất ngon.

An Tiêm gọi là quả Tây Qua-quả do chim mang đến từ phương Tây.

Tàu thuyền buôn bán tấp nập đến đảo của An Tiêm mua quả Tây Qua, vợ chồng An Tiêm lại trở nên giàu có.

Vua Hùng Vương lâu ngày nhớ An Tiêm, sai người đi thăm An Tiêm, xem cuộc sống ra sao.

Sứ giả về nói với Vua Hùng Vương là vợ chồng An Tiêm sống rất phát đạt.

Vua Hùng than rằng “Điều hắn nói không sai”, nên vua Hùng lại cho gọi vợ chồng An Tiêm về, phục lại chức cũ.

Truyền thuyết dưa hấu-An Tiêm nói lên điều gì?

Thứ nhất, nói lên sự giao tiếp của người Việt Nam ta với người nước ngoài đã có từ thời vua Hùng Vương. An Tiêm là một người nước ngoài, phiêu bạt đến Việt Nam ta, và được vua Hùng cưu mang.

Thứ hai, truyền thuyết này nói đến lòng hiếu khách, và trọng tình người của vua Hùng Vương, cưu mang An Tiêm, đặt tên gọi, phong chức tước, cấp nô tì, và gả vợ cho An Tiêm.

Và thứ ba, lại một lần nữa, truyền thuyết này nói đến lòng nhân từ, độ lượng của các vua Hùng Vương. Khi Vua Hùng thấy An Tiêm bị đày ra ngoài đảo xa, không có sự giúp đỡ của Vua Hùng Vương, mà tự mình làm ăn khấm khá, trở nên giàu có, phát đạt, Vua Hùng không tức giận, không ghen ghét, mà chỉ than về sự nhầm lẫn của mình, đã nỡ lòng đày An Tiêm ra đảo xa.

Vua Hùng hết sức nhân từ, lại mời An Tiêm về phục lại chức cũ, và việc này cũng tương đương với việc Vua Hùng tự nhận mình có lỗi lầm.

Bây giờ, mỗi lần ăn trái dưa hấu, mỗi chúng ta lại rất có thể nhớ đến câu chuyện nhân từ, độ lượng của các vị vua Hùng, tổ tiên của người Việt ta, để cho chúng ta ngày nay cũng phải luôn tự răn mình, hãy sống vị tha, độ lượng, như cha ông ta ngày xưa.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.