Truyền thuyết thứ 7, Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương

W.Minh Tuan

Có người nói đây không phải là truyền thuyết, chỉ là một chuyện tình văn học.

Nhưng trong truyện này có tên nàng Mỵ Nương, là tên gọi của các con gái vua Hùng, hoặc con gái các quan Lang thời Hùng Vương.

Sau thời Hùng Vương, không có con gái vua-quan nào ở Việt Nam có tên là Mỵ Nương cả.

Chắc chắn truyện này dựa trên những dấu vết truyền thuyết từ thời các vua Hùng Vương.

Truyền thuyết này đã được nhạc sĩ Văn Cao phổ nhạc, thành bài hát bất hủ “Trương Chi”:

“-Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ,

Trầm trầm không gian mới rung thành tơ,

Vương vấn heo may hoa yến mong chờ,

Ôi tiếng trầm ca thu đến bao giờ,,,”.

Truyện tình Trương Chi-Mị Nương không biết bắt đầu tư thời vua Hùng Vương thứ mấy.

Truyện kể rằng:

Ngày xưa, có chàng đánh cá nghèo tên là Trương Chi, người xấu xí, nhưng thổi sáo rất hay. Hàng ngày, chàng Trương Chi thường vừa đánh cá, vừa thổi sáo ven sông, khi thì tiếng sáo buồn thê lương như mùa đông ảm đạm, khi thì tiếng sáo vi vút vui vẻ như mùa  xuân đầy hoa bướm vui tươi.

Ở gần sông có nhà quan tể tướng, có cô con gái xinh đẹp tên là Mỵ Nương.

Hàng ngày, cô gái Mỵ Nương nghe tiếng sáo vi vút của anh Trương Chi từ ngoài sông vọng lại, đã đem lòng thầm yêu, trộm nhớ người thổi sáo, nhưng chưa từng gặp mặt.

Rồi nàng Mỵ Nương ốm tương tư, không thuốc nào chữa khỏi.

Rất nhiều thầy thuốc đã được mời đến để chữa bệnh cho cô gái Mỵ Nương, nhưng đều thất bại.

Cuối cùng, một thầy thuốc giỏi nhất được mời đến đến bắt bệnh, và biết được rằng chính tiếng sáo của chàng Trương Chi là nguyên nhân căn bệnh của nàng Mỵ Nương, bèn đề nghị quan tể tướng mời chàng Trương Chi đến thổi sáo cho nàng Mỵ Nương nghe.

Thế rồi chàng Trương Chi xấu xí được mời đến nhà quan tể tướng, để thổi sáo cho nàng Mỵ Nương nghe.

Nàng  Mỵ Nương ngồi trên điện cao, nhìn xuống chàng Chương Tri thổi sáo dưới sân, nàng vừa nghe tiếng sáo vi vút, vừa cảm thấy nhẹ nhõm bớt nỗi tương tư, rồi vài ngày sau khỏi bệnh, nhưng cũng không còn tơ tưởng đến người thổi sáo nghèo, xấu xí nữa.

Đến đây thì chàng đánh cá nghèo Trương Chi lại ốm tương tư, thầm yêu trộm nhớ nàng Mỵ Nương xinh đẹp, cao sang, và rồi không thuốc nào chữa khỏi bệnh tương tư, nên chàng Trương Chi tội nghiệp đã qua đời.

Trái tim chàng Trương Chi kết thành khối ngọc trắng ngần. Có người dùng trái tim ngọc đó làm thành một cái cốc uống trà rất đẹp, dâng lên vị quan tể tướng.

Cô gái Mỵ Nương dùng cốc đó uống trà, đột nhiên nhìn thấy hình ảnh anh đánh cá nghèo Trương Chi vừa chèo thuyền, vừa thổi sáo, bơi xung quanh thành cốc.

Nàng Mỵ Nương hỏi chuyện về cái cốc này, được người nhà kể lại là cốc đó được làm từ trái tim của chàng Trương Chi hôm nào đến đây hát cho Mỵ Nương nghe, khỏi bệnh.

Nàng Mỵ Nương thương nhớ đến anh đánh cá nghèo thổi sáo  ngày xưa, nàng cảm động khóc, và giọt lệ của Mỵ Nương rơi vào thành cốc. Cái cốc tan ra thành nước trong tay nàng Mỵ Nương.

Dường như trái tim chàng Trương Chi đã mãn nguyện với những giọt nước mắt cảm thương của nàng Mỵ Nương.

Thật hiếm có câu truyện tình nào lãng mạn và đẹp đẽ đến như thế, vừa bi ai, vừa nhân bản, và nhất là, câu chuyện tình này lại bắt nguồn từ thời kỳ các vua Hùng Vương, từ một xã hội còn mông muội, sơ khai, chủ yếu mặc khố, ở trần, ăn trầu cau, từ cách đây hàng mấy nghìn năm.

Phải chăng từ ngàn xưa, người Việt Nam ta đã có tâm hồn lãng mạn đằm thắm như câu chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương kia?

Chúng ta không thể trách nàng Mỵ Nương đã không yêu anh Trương Chi. Vì tình yêu là tự nhiên, là rung động của trái tim, chúng ta không thể dùng lý trí để bắt trái tim phải rung động.

Bởi vậy, nàng Mỵ Nương không yêu anh Trương Chi vừa nghèo, vừa xấu xí, cũng là lẽ thường tình.

Nhưng người Việt Nam ta từ xa xưa đã hết sức nhân từ, độ lượng, khi để cho nàng Mỵ Nương khóc cho thân phận nghèo hèn của chàng Trương Chi, để cho giọt nước mắt cảm thông của nàng rơi vào thành cốc, để cho trái tim ngọc của chàng Trương Chi được mãn nguyện tan ra thành nước trong bàn tay ấm áp, xinh đẹp, nhân từ của nàng Mỵ Nương. ///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.