Tướng Hoàn Đan của quân đội Hà Nội, trận Thượng Đức năm 1974, và chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979-1989

W.Minh Tuấn

Vài nét tiểu sử.

Thiếu tướng Hoàng Đan sinh năm 1928. Tướng Hoàng Đan mất năm 2003 tại Hà Nội, thọ 75 tuổi, khi đang đi xe máy trên đường đến trường đón cháu nội về nhà.

Tướng Đan quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đồng hương Nghệ An với Cụ Hồ Chí Minh. Tướng Hoàng Đan cũng có họ với thượng tướng Trần Văn Quang, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và với thiếu tướng Hoàng Niệm, nguyên Tư lệnh Bộ đội Thông tin.

Dòng dõi bên mẹ tướng Hoàng Đan ở Nghi Lộc là hậu duệ của tướng Nguyễn Xí thời nhà Lê. Nguyễn Xí là một đại tướng giỏi của Lê Lợi, có nhiều công lao trong cuộc chiến tranh chống quân Minh. Nhưng công lao lớn nhất của tướng Nguyễn Xí không phải chỉ là ở cuộc chiến tranh chống quân Minh, mà còn là ở chỗ ông cùng quan đại thần Đinh Lễ giết được tên vua Lê Nghi Dân gian ác, và đưa được hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, tức là vua Lê Thánh Tông, là triều vua phát triển rực rỡ nhất trong toàn bộ các triều đại phong kiến ở Việt Nam ta.

Trở lại chuyện tướng Hoàng Đan, ông tham gia bộ đội Việt Minh từ năm 1946, khi 18 tuổi. Trong chiến tranh chống Pháp, ông đã tham gia các trận đánh lớn, trong đó có trận Điện Biên Phủ.

Trong chiến tranh Việt Nam, ông đã được cử đi học trường quân sự Frunze ở Liên Xô năm 1960, sau đó về nước làm cán bộ giảng dạy khoa Bộ Binh, Học viện Quân sự.

Năm 1965, thượng tá Hoàng Đan làm Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Từ năm 1968 đến năm 1973, thượng tá Hoàng Đan làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Trong suốt 8 năm chiến tranh ác liệt này, Sư đoàn 304 đã lập được rất nhiều chiến công. Trong giai đoạn này, có nhiều bộ đội ta nói rằng quân đội Sài Gòn và quân Mỹ sợ Sư đoàn 304 hơn sợ lính đặc công của ta.

Trong giai đoạn 5 năm ác liệt 1968-1973, Sư đoàn trưởng Hoàng Đan chỉ huy Sư đoàn 304 tham gia các trận đánh lớn: trận Khe Sanh 1968-1969, trận Làng Vây, trận Hướng Hóa, chiến dịch Đường 9- Nam Lào, trận đánh thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Năm 1973, ông được phong đại tá. Trận đánh Quảng Trị năm 1972, mặc dù Sư đoàn 304 của đại tá Hoàng Đan rất thành công, đã tiêu diệt được 2 trung đoàn quân Sài Gòn trong công sự kiên cố, nhưng toàn bộ chiến dịch không thành công, do chỉ đạo của trên khi đó là chỉ có tấn công, không có phòng ngự, không làm công sự, (3 không), và không chuẩn bị công tác hậu cần tốt, không làm đường giao thông theo đúng chỉ đạo của tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này, ý kiến của thượng Tướng Hoàng Minh Thảo, và thượng tướng Nguyễn Hữu An cũng phê phán mạnh sự chỉ đạo của cấp trên trong giai đoạn này.

Sau đó, khi Quân đoàn 2 được thành lập, đại tá Hoàng Đan được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh quân đoàn 2, mà vị Tư lệnh là thiếu tướng Nguyễn Hữu An.

Trận Thượng Đức năm 1974.

Năm 1974, khi đó đại tá Hoàng Đan đang làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Bộ Tổng tham mưu ở Hà Nội lập kế hoạch đánh chiếm Thượng Đức, giao cho quân khu 5 thực hiện, và Sư doàn 304 của Quân đoàn 2 tham gia làm lực lượng chính.

Thượng Đức là một địa bàn miền núi cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km, gần phía Lào. Lúc này, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 là thượng tá Lê Công Phê, nguyên cùng là cán bộ quân sự đi học trường Frunze ở Liên Xô cùng với đại tá Hoàng Đan, sau đó, cùng là giáo viên quân sự của Học viện Quân sự cùng với đại tá Hoàng Đan, và sau đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 304, khi đại tá Hoàng Đan làm Sư trưởng. Tức là ông Phê vừa là đồng nghiệp giáo viên trường quân sự, vừa là cấp dưới trực tiếp của ông Hoàng Đan. Cả hai người làm việc với nhau hàng chục năm, từ thời chống Pháp, nên rất hiểu nhau.

Nhiệm vụ của Sư đoàn 304 cùng các đơn vị của Quân khu 5 là đánh chiếm quận lị và Chi khu quân sự Thượng Đức, và đánh viện binh từ Đà Nẵng lên. Theo nhận định của trên, thì vì Thượng Đức rất quan trọng, nếu bị mất thì Đà Nẵng bị đe dọa, nên có khả năng quân đội Sài Gòn sẽ điều cỡ sư đoàn lên cứu Thượng Đức, và Sư 304 sẽ đánh thử cỡ sư đoàn của quân đội Sài Gòn, để xem khả năng chiến đấu của cấp sư đoàn của 2 bên như thế nào.

Quận lị và Chi khu quân sự Thượng Đức của quân đội Sài Gòn có 1 đồn chính, do tiểu đoàn 79 đóng giữ. Bên cạnh, là Quận lị hành chính, do 2 trung đội bảo an-địa phương quân, một đại đội cảnh sát dã chiến bảo vệ. Vòng ngoài có các đồn nhỏ như Ba Khe, và cao điểm 52, do 1 trung đội viễn thám, và 16 trung đội nghĩa quân bảo vệ.

Lực lượng của đối phương như vậy là khá đông, trên dưới 2000 người, tất cả đặt dưới sự chỉ huy của trung tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng. Cả khu vực này đã hình thành một cứ điểm được tổ chức khá liên hoàn, chặt chẽ, có 35 công sự kiên cố, lô cốt nửa nổi nửa chìm, có hệ thống hầm ngầm, giao thông hào liên hoàn, hỏa lực mạnh.

Theo tướng Hoàng Đan sau này kể lại, thì khi đó, năm 1974, khi cấp trên giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 304 đánh chiếm Thượng Đức, mọi người đều tin tưởng Sư đoàn 304  sẽ hoàn thành nhiệm vụ không có khó khăn gì, vì Sư đoàn 304 là Sư đoàn đánh giỏi.

Đây cũng là lúc Hiệp định Pari đã được ký kết, khả năng kết thúc chiến tranh đã đến gần, nên nhiệm vụ đặt ra cho các đơn vị lúc đó là phải giảm thiểu thương vong cho chiến sĩ đến mức thấp nhất.

“Tự nhiên đến lúc này, chúng tôi nghĩ nhiều đến những anh em chiến sĩ ở các đơn vị, trải qua những giai đoạn ác liệt nhất và còn đến ngày nay, chúng tôi không muốn để hi sinh thêm một người nào nữa. Tất nhiên, đó chỉ là mơ ước, vì còn đánh nhau thì còn thương vong. Nhưng hơn thời kỳ nào hết, lúc này chúng tôi phải suy nghĩ thật kỹ để thương vong ít nhất”- sau này tướng Hoàng Đan đã nói như vậy trong một bài phát biểu về trận Thượng Đức.

Tướng Hoàng Đan phân tích sức mạnh của các cứ điểm là các hỏa điểm. Nếu diệt được các hỏa điểm, thì việc tấn công chiếm cứ điểm không khó, và giảm thiểu được thương vong ít nhất. Muốn diệt được các hỏa điểm, thì phải đưa được pháo vào bắn thẳng. Với pháo lớn, thì chỉ 1, 2 phát đạn là đã tiêu diệt được 1 hỏa điểm. Tướng Hoàng Đan nói rằng pháo thủ nào bắn tới phát thứ 3 mới trúng mục tiêu là đã bị cho là bắn kém.

Tướng Hoàng Đan nói,  vấn đề của trận tấn công Thượng Đức, là phải đưa được pháo vào gần căn cứ Thượng Đức, và đưa lên điểm cao, từ đó bắn thẳng, không bắn cầu vồng, vào các hỏa điểm của địch. Như vậy, phải làm đường để kéo pháo vào. Nhưng khi đó thời gian khá gấp, và phải làm đường hơn 40 km là không đơn giản.

Rất may, khi đó nhân dân ở quanh khu vực Thượng Đức đã tham gia giúp bộ đội làm đường. Hàng nghìn nhân dân Thượng Đức, cùng với 4 tiểu đoàn bộ binh, công binh của Sư đoàn 304 đã làm xong đoạn đường 40 km chỉ trong 20 ngày, hoàn thành vào ngày 17 tháng 7 năm 1974.

Nhờ có đoạn đường đó, các khẩu pháo đã được kéo đến sông Vu Gia rất dễ dàng.

Nhiệm vụ còn lại là kéo được pháo lên đồi cao, từ đó hạ nòng pháo xuống, bắn thẳng từ trên cao xuống các hỏa điểm của đối phương, gọi theo từ chuyên môn là bắn theo góc tà âm.

Bộ đội của ta đã từng kéo pháo vào ở trận Điện Biên Phủ. Nhưng ở Điện Biên Phủ pháo đặt cách xa trận địa 4 đến 5 km, khi kéo pháo, có thể vừa hò vừa kéo pháo mà không sợ bị địch phát hiện. Nhưng ở trận Thượng Đức, pháo bắn ngắm trực tiếp, nên phải kéo vào sát trận địa, cách căn cứ đối phương chỉ 800 mét, tối đa không quá 1000 mét, nên không thể vừa hò vừa kéo pháo, vì dễ bị lộ. Như vậy kéo pháo ở trận Thượng Đức không thể đông người, không thể có đường rộng, và phải kéo nhanh, gọn, bí mật.

Theo tướng Hoàng Đan nhớ lại, khi đó, có chiến sĩ có sáng kiến rất hay: tháo nòng pháo ra, kéo nòng riêng, kéo chân riêng. Lấy 2 chiếc lốp ô-tô bọc vào 2 đầu nòng, dùng 12 người kéo nhẹ nhàng, không cần hò reo gì cả.

Để kéo chân pháo, làm con đường dích dắc rộng hơn chân pháo một chút, nghiêng 30 độ theo sườn dốc, chỉ 15 người là kéo dễ dàng. (Kinh nghiệm kéo pháo này sau đó được áp dụng trong toàn quân đội, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng như trong chiến tranh chống Tàu ở biên giới phía Bắc). 8 khẩu pháo 85 li bắn thẳng, cùng 8 bệ hỏa tiễn tên lửa, và súng DKZ đã đưa được lên điểm cao 118 để bắn thẳng.

Ngoài lực lượng pháo bắn thẳng này để bắn trực tiếp vào các công sự kiên cố của đối phương, Sư đoàn 304 cũng điều 1 tiểu đoàn pháo 105 li, và 1 đại đội cối 120 li bố trí cách xa Thượng Đức khoảng 3 km để bắn cầu vồng,  kiềm chế pháo của đối phương.

Khi đó, đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 đã xuống chỉ đạo Sư đoàn 304 thực hiện tất cả các khâu chuẩn bị như trên. Đại tá Hoàng Đan cũng đã cùng Sư trưởng Lê Công Phê, Sư phó Nguyễn Ân,,,lập kế hoạch chiến đấu, nội dung cơ bản là dùng Trung đoàn 66 diệt căn cứ chính Thượng Đức,  và Trung đoàn 3 cùng 1 Đại đội địa phương của Quân khu 5 diệt 2 căn cứ ngoại vi, và đánh viện binh.

Đến đây, mọi việc chuẩn bị khó nhăn nhất đã xong, rất yên tâm, đại tá Hoàng Đan giao lại việc chỉ huy trận đánh Thượng Đức cho Sư trưởng Lê Công Phê, và Sư phó Nguyễn Ân, còn ông về Quân đoàn làm nhiệm vụ chỉ huy huấn luyện Quân đoàn 2, vì Quân đoàn 2 vừa mới được thành lập.

Nhưng diễn biến trận đánh Thượng Đức đã không được suôn sẻ như kế hoạch ban đầu.

Đợt 1: Từ ngày 28 tháng 7, đến 31 tháng 7, tấn công thất bại.

5 giờ sáng ngày 28 tháng 7, năm 1974, pháo ta mở màn bắn vào Thượng Đức. Sau đó là bộ binh tấn công. Bộ binh vượt qua các rừng keo, xuống cánh đồng, và tiến vào các công sự A, B, C, Gò Cấm, Ba Khe,,,.Kho đạn của địch bị trúng đạn, bốc cháy. Nhiều công sự bị đạn pháo bắn thẳng phá hủy. Bộ đội dùng bộc phá để phá hàng rào. Nhưng đến hàng rào thứ 4 thì ta bắt đầu bị địch phản công mạnh, không thể tiến lên được.

Theo lời kể của trung tướng Phạm Xuân Thệ sau này, thì khi đó, ông Thệ là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 9, thuộc Trung đoàn 66, đã chỉ huy bộ đội tấn công Thượng Đức từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 31 tháng 7 năm đó. Trung tướng Thệ nhớ lại: “Mục tiêu cuối cùng là đặt được bộc phá, phá tung hàng rào địch. Có không ít chiến sĩ bị thương, mắc kẹt trên hàng rào thép gai địch, đồng đội vì lao lên cứu nhau, mà chết thảm”.

(Sau trận Thượng Đức, ông Thệ được phong làm Trung đoàn Phó, Trung đoàn 66. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 66 của ông Thệ đã vào Dinh Độc lập đầu tiên, và chính Trung đoàn Phó Phạm Xuân Thệ là người dẫn Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh, đọc Tuyên bố đầu hàng. Sau này, vào năm 1991, đại tá Phạm Xuân Thệ làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, rồi Tư lệnh Quân đoàn 2. Năm 2002, ông Thệ được phong Trung tướng, Tư lệnh quân khu 1. Năm 2008, trung tướng Thệ nghỉ hưu, hiện sống ở gần Hồ Tây, Hà Nội).

Suốt 4 ngày, từ 27 đến 31 tháng 7, quân ta bị thương vong, hi sinh hơn 300 chiến sĩ, mà vẫn không thể tiến được vào bên trong căn cứ Thượng Đức, hàng rào vẫn chưa phá được hết.

Có thể nói, quân đội Sài Gòn chiến đấu khá ngoan cường, dũng cảm, và cũng rất mưu trí. Dù sao, họ cũng là người Việt, cũng dòng máu Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,,,nên họ cũng mưu trí, dũng cảm như quân đội Hà Nội của ta.

Trung tá Quận trưởng, chỉ huy lực lượng giữ Thượng Đức Nguyễn Quốc Hùng bị thương gẫy chân, nhưng vẫn dũng cảm tiếp tục chỉ huy binh sĩ chiến đấu. Tiếc rằng những người dũng cảm, mưu trí như vậy trong quân đội của họ không nhiều, nên cuối cùng họ bị thua.

Khi đó, ngày 31 tháng 7, ban chỉ huy Sư đoàn 304 ra lệnh ngừng tấn công, giữ vững trận địa đã chiếm được, và điện về Quân đoàn 2 xin ý kiến.

Đợt 2, chiếm được Thượng Đức.

Tướng Hoàng Đan đang chỉ đạo huấn luyện Quân đoàn 2, thì ngày 31 tháng 7, nhận được điện cùng một lúc từ 3 nơi, Sư đoàn 304, Quân khu 5, và Bộ Quốc phòng từ Hà Nội điện vào, cho biết Sư đoàn 304 tấn công Thượng Đức không thành công. Sau này tướng Hoàng Đan nhớ lại : “Tôi thực sự bị bất ngờ, vì tôi tin nhất định Sư đoàn 304 sẽ san bằng Thường Đức trong 1, 2 ngày”.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 thảo luận chớp nhoáng, và thống nhất đại tá Hoàng Đan phải vào Thượng Đức ngay, để nắm tình hình thực tế, và có chỉ đạo trực tiếp, vì ngồi ở Quân đoàn thì cũng không biết gì mà chỉ đạo.

Đại tá Hoàng Đan đi ngay xuống Sư đoàn 304, và nghe báo cáo lại tình hình. Sau khi tìm hiểu tất cả tình hình của 4 ngày chiến đấu, đại tá Hoàng Đan rút ra kết luận như sau: Chủ quan khinh địch.

“Chúng tôi đã thề thắng không kiêu, bại không nản, mà sao nó cứ lặp lại mãi”-tướng Hoàng Đan nhớ lại. Cụ thể của sự chủ quan khinh địch này là gì:

-Pháo binh chủ quan: Muốn thắng địch ở công sự vững chắc, trước hết phải diệt được các căn cứ hỏa lực. Kiến thức đơn giản này thì cấp chỉ huy nào cũng đã được học. Pháo bắn thẳng ta có 8 khẩu pháo 85 li, và 8 dàn hỏa tiễn H12 của Trung Quốc, và súng DKZ. Pháo bắn từ xa cách 3 km bắn khống chế pháo địch có 1 tiểu đoàn pháo 105 li, 1 đại đội cối 120 li, cộng với súng cối 82 li của Trung đoàn 66, và của Tiểu đoàn 7.

Lực lượng pháo như vậy là vô cùng hùng hậu.

Nếu tập trung pháo bắn thẳng để bắn vào các hỏa điểm của địch, và tập trung pháo bắn gián tiếp cầu vồng vào pháo địch, kiềm chế pháo địch khi bộ đội tiếp cận hàng rào và mở cửa, thì hoàn toàn có thể bảo đảm cho 2 tiểu đoàn đột phá vào hàng rào, mở cửa, và tấn công vào bên trong căn cứ địch được.

Nhưng chỉ huy pháo của ta rất chủ quan. Đồng chí Trung đoàn trưởng pháo binh đã tuyên bố với anh em rất chủ quan:“Phen này sẽ cạo trọc cứ điểm Thượng Đức”. 

Và đồng chí này đã chỉ huy pháo làm thế thật, tức là bắn lung tung khắp cứ điểm, cạo trọc tất cả các rừng cây, mà không nhằm vào trận địa pháo của đối phương. Pháo binh cũng không biết bộ binh vận động như thế nào, nên khi bộ đội tấn công, phá hàng rào, thì không tập trung áp chế pháo địch, chỉ nhằm vào cây cối để bắn “cạo trọc Thượng Đức”.

-Chủ quan của bộ binh: Bộ binh sau khi diệt được 2 cứ điểm ngoại vi, cần phải dừng lại, củng cố trận địa, nghiên cứu địa hình, quan sát kỹ xem địch ở đâu, và đưa phương tiện mở cửa vào để phá các hàng rào bên trong, đưa thêm lực lượng vào, bố trí trận địa, tạo thế người tấn công, người bảo vệ,,,..

Đồng thời, phải tập trung pháo bắn kiềm chế pháo và cối của địch. Nhưng bộ binh không làm thế. Sau khi chiếm được 2 cứ điểm ngoại vi, bộ binh cứ thế tấn công tiếp trong hành tiến, nên chỉ làm bia tập bắn cho súng của đối phương từ trong các lô cốt nửa chìm nửa nổi bắn ra. Kết quả, hơn 300 chiến sĩ bị thương vong và hi sinh, mà không chiếm được căn cứ địch.

Sau khi rút ra bài học kinh nghiệm như thế, phổ biến cho lãnh đạo Sư đoàn 304, đại tá Hoàng Đan cùng lãnh đạo Sư đoàn chỉ đạo tấn công lại, thay đổi cách chỉ huy.

Đồng chí Long, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 xuống tăng cường chỉ đạo cho Đại đội 7. Đồng chí Nguyễn Ân, Sư đoàn Phó xuống tăng cường cho Trung đoàn 66. Đồng chí Phan Hàm, Cục phó Cục tác chiến từ Bộ điều vào tăng cường cho Quân đoàn, đã ngồi cùng Chủ nhiệm pháo binh Sư đoàn, để chỉ đạo không bắn cạo trọc cây cối, mà bắn có mục tiêu. Đại tá Hoàng Đan ngồi cùng Sư trưởng Lê Công Phê để chỉ đạo chung.

Đêm ngày mồng 6 tháng 8, ta bắt đầu pháo kích có trọng tâm các căn cứ hỏa lực của địch. Bộ binh bắt đầu tấn công từ mờ sáng ngày mồng 7 tháng 8. Pháo bắn thẳng đã phá hủy hầu hết các căn cứ hỏa lực của địch. Với cách chỉ huy đó, chỉ sau hơn 4 tiếng đồng hồ, đến 9 giờ sáng ngày mồng 7 tháng 8, ta đã chiếm được Thượng Đức.

Đợt 3, chống địch phản kích.

Địa bàn Thượng Đức vô cùng trọng yếu, nên đại tướng Cao Văn Viên được sự chấp thuận của Tổng thống Thiệu, đã điều Sư đoàn dù vào Đà Nẵng để lấy lại Thượng Đức. Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn nhảy dù, là lực lượng  mũ nồi đỏ, rất thiện chiến. Từ ngày mồng 8 tháng 8, đến 11 tháng 8, hai Lữ đoàn dù số 1 và 2 được không vận vào Đà Nẵng. Tướng Lưỡng để lại 1 Lữ dù tại phía Bắc đèo Hải Vân để trấn an quần chúng đang hoang mang là Đà Nẵng có thể bị quân đội Hà Nội uy hiếp.

Lúc này, bộ đội của Sư đoàn 304 đã chiếm Thượng Đức, và chiếm các điểm cao 1068, và 1225, và xây dựng các công sự vững chắc để chuẩn bị chống địch phản công.

Có 2 cách chống phản công, là phòng ngự, hoặc tấn công chống phản công. Muốn tấn công chống phản công, phải có đủ lực lượng hùng hậu. Nhưng khi đó, Sư đoàn 304 là Sư đoàn thiếu, tức là chỉ có 2 Trung đoàn 66 và Trung đoàn 3, thiếu 1 Trung đoàn, nên lãnh đạo Sư đoàn chọn phòng ngự để chống phản công.

Ngày 18 tháng 8 năm 1974, sau 10 ngày Thượng Đức bị quân đội Hà Nội chiếm, thì Sư đoàn Dù quân đội Sài Gòn bắt đầu tấn công chiếm lại Thượng Đức.

Cách tấn công của lính dù Sài Gòn cũng rất bài bản. Đầu tiên, họ bí mật tiến sát các vị trí của quân ta. Sau đó, họ cho pháo bắn, máy bay ném bom vào các vị trí phòng ngự của ta. Sau đó họ xung phong. Khi tấn công đợt 1 không thành công, lính dù lại lùi ra, lại pháo, bom, sau đó lại tấn công lần 2, lần 3,,,.

Lữ đoàn dù số 1 tấn công điểm cao 1062, do Trung đoàn 3 của Hà Nội chiếm giữ. Các toán 3 người của lính mũ nồi đỏ dù của quân đội Sài Gòn đeo bám vào các sườn đồi, trèo lên vách đá, ném lựu đạn, đánh cận chiến với quân đội Hà Nội. Quân ta ném lựu đạn từ trên núi xuống, lính mũ nồi đỏ không hề hoảng sợ, gan dạ né tránh, lại leo lên.

Quả là một trận đánh kì phùng địch thủ.

Điểm cao 1062 được cả 2 bên giành đi giành lại nhiều lần.

Cả hai bên đánh nhau đều dũng cảm, bên này cố giết được bên kia, nhưng có vẻ không ai ghét ai.

Khi bắt được tù binh của nhau, cả hai bên đều đối xử tử tế với tù binh. Một cựu chiến binh của quân đội Hà Nội tham gia bảo vệ và tái chiếm đồi 1062, có địa chỉ email glory448@yahoo.com kể lại rằng khi tái chiếm đồi 1062, có 2 thương binh của lính Dù bị kẹt lại trên đồi. Anh đã ngồi với 2 thương binh này, nói chuyện với nhau bình thường, “chẳng ai ghét ai”.  Một lính dù tự giới thiệu tên là Minh, nhà ở quận 11 Sài Gòn. Sau đó, trận chiến lại xảy ra, anh lại lao đi chiến đấu, nên không biết hai thương binh Dù này số phận sau đó ra sao, chỉ biết sau đó, không nhìn thấy họ nữa.

Ngày 19 tháng 9, sau hơn 1 tháng giao tranh, lính dù mũ nồi đỏ tái chiếm được điểm cao 1062. Từ đó, quân đội Sài Gòn tuyên bố việc tái chiếm Thượng Đức là trong tầm tay.

Tướng Hoàng Đan sau này nhớ lại, là kinh nghiệm phòng ngự của quân đội ta rất ít. Có lẽ vì ta là quân đội cách mạng, luôn lấy tư tưởng tấn công làm đầu, nên khi cần phòng ngự, thì khá lúng túng.  Tướng Đan nói các chỉ huy đơn vị chiến đấu của ta hầu như rất ít được học về phòng ngự.

Chỉ một số ít cán bộ chỉ huy được đào tạo ở các Học viện Quân sự là có được học về phòng ngự. Các chiến sĩ ở đơn vị trực tiếp chiến đấu thì hầu như không hề được học về phòng ngự. Sư đoàn 304 của ông trong trận đánh thành Quảng Trị năm 1972, cũng đã có phòng ngự, nhưng không thành công, bởi vì ta có quá ít kinh nghiệm phòng ngự.

Sau khi bị mất đồi 1062, Quân khu 5, và Bộ Quốc phòng ở Hà Nội đều qui trách nhiệm cho lãnh đạo Sư đoàn 304, là Sư trưởng Lê Công Phê, và Sư phó Nguyễn Ân, và yêu cầu thay chỉ huy Sư đoàn.

Và khi đó, đại tá Hoàng Đan lại được yêu cầu phải vào Thượng Đức lần 3, tìm cách lấy lại được đồi 1062, và giữ được Thượng Đức, đánh bại quân Dù.

Lãnh đạo Quân đoàn 2 họp, và quyết định đề nghị không thay lãnh đạo Sư đoàn 304, mà tăng cường lực lượng cho Sư 304. Vì ở Thượng Đức, Sư 304 là Sư đoàn thiếu, thiếu 1 Trung đoàn, chỉ có 2 Trung đoàn chiến đấu, trong khi biên chế 1 Sư đoàn là phải đủ 3 Trung đoàn.

Trước khi vào Thượng Đức, đại tá Hoàng Đan đề nghị với Quân đoàn là nếu ông vào tay không, thì không giải quyết được gì. Ông đề nghị đưa thêm Trung đoàn 24 vào Thượng Đức, để Sư đoàn 304 có đủ 3 Trung đoàn. Đồng thời, ông đề nghị đưa thêm 2 Tiểu đoàn công binh để giúp Sư 304 làm công sự phòng ngự vững chắc. Đồng thời, ông đề nghị cung cấp thêm 4000 quả đạn cối vào Thượng Đức.

Sau này, có nhiều ý kiến nói nếu không có đại tá Hoàng Đan, thì Thượng Đức sẽ mất, và cục diện chiến tranh sẽ có sự thay đổi lớn, có thể không có ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh có thể phải lùi vài năm nữa,,,.

Tướng Hoàng Đan rất khiêm tốn, ông nói là nếu không có Trung đoàn 24 tăng cường, không có 2 Tiểu đoàn công binh, và không có 4000 quả đạn pháo, thì ông Hoàng Đan cũng không thể làm gì được. Thượng tá Sư trưởng 304 Lê Công Phê cũng rất thích ý kiến này, vì nó giúp thanh minh cho ông Phê rằng ông thất bại ở Thượng Đức không phải vì ông tài kém, mà chỉ vì lực lượng kém. (Hiện nay, thiếu tướng Lê Công Phê đã nghỉ hưu, và là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, quê ông. Ông Phê luôn có ý kiến rất kính trọng tướng Hoàng Đan).

Đại tá Hoàng Đan cùng các lực lượng tăng cường vào Thượng Đức, và việc đầu tiên, là phải tập huấn cho các chỉ huy đơn vị cách phòng ngự. Phải rút các chỉ huy đơn vị ra ngoài, tập huấn 3 ngày, 2 khóa 6 ngày.

Nhưng nếu các chỉ huy đơn vị, từ Tiểu đội Trưởng trở lên đi tập huấn, thì nếu đối phương tấn công, thì làm thế nào? Đại tá Hoàng Đan chỉ đạo trước khi rút cán bộ chỉ huy đi học phòng ngự, phải bố trí các hỏa lực bắn thẳng, pháo 85 li, hỏa tiễn H12 của Trung Quốc, và cả súng phòng không 37 li, quay nòng xuống bắn thẳng. Súng này nếu bắn thẳng vào bộ binh địch, thì như ném cả chùm lựu đạn vào địch.

Trong 6 ngày tập huấn, nếu địch có động tĩnh gì, thì lập tức cho bắn tập trung các loại hỏa lực đó vào địch, để không cho đối phương xung phong.

Bây giờ nhìn lại, nếu Sư đoàn Dù khi đó biết được quân đội Hà Nội rút hết các chỉ huy đi tập huấn, thì trong 6 ngày đó, họ tập trung tấn công, thì rất có thể họ đã thay đổi được trận đánh rồi.

Mỗi đợt tập huấn 3 ngày, lớp học được xây dựng sa bàn như thật, nội dung phòng ngự như thật, nên kết quả học tập rất cao. Sau 3 ngày học, các chỉ huy đơn vị biết cách xây dựng công sự phòng ngự, biết cách bố trí hỏa lực trong trận địa phòng ngự, biết cách khi nào trú ẩn, khi nào nhô lên phản công, khi nào pháo dập, khi nào xung phong,,,.

Sau 6 ngày, 2 khóa đào tạo đã kết thúc, tất cả các chỉ huy đơn vị chiến đấu đều biết cách đánh phòng ngự, và rất tin tưởng ở cách đánh này. Đại tá Hoàng Đan cũng cho 2 Tiểu đoàn công binh xuống các đơn vị chiến đấu, giúp xây dựng các công sự vững chắc. Một số đơn vị tự làm công sự theo mẫu đã học, sử dụng vật liệu có sẵn tại hiện trường.

Cuộc chiến đấu lần 3 ở Thượng Đức bắt đầu từ cuối tháng 10, kéo dài 2 tháng, đến cuối tháng 12 năm 1974, cũng rất gay go, ác liệt. Cả hai bên đều rất mưu trí, dũng cảm. Trong 2 tháng này, có rất nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cả hai bên. Đồi 1069 lại bị cả 2 bên giành đi, giành lại nhiều lần.

Nhưng trong khi quân Dù Sài Gòn không thay đổi cách đánh, cứ giữ cách đánh cũ, tiền pháo- hậu xung, thì quân đội Hà Nội thay đổi cách đánh, rất linh hoạt, sáng tạo, hợp đồng binh chủng rất ăn khớp với nhau.

Bởi vậy đến cuối tháng 12 năm 1974, Sư đoàn Dù vẫn không tái chiếm được Thượng Đức, sau đó, phải rút khỏi Thượng Đức. Khi Sư đoàn Dù rút lui, bị Sư 304 truy kích, và giải phóng được luôn vùng B Đại Lộc.

Thắng trận Thượng Đức đã cho Bộ Tổng Tham mưu của ta ở Hà Nội đi đến kết luận lần đầu tiên, một Sư đoàn chính quy của ta đánh thắng một Sư đoàn chính qui của quân đội Sài Gòn, từ đó, Bộ Tổng Tham mưu có kết luận khả năng đánh lớn đã đến. Đó là tiền đề để Bộ Chính trị đưa ra kế hoạch tấn công năm 1975-1976, và kết quả là chỉ năm 1975 đã kết thúc được chiến tranh.

Sau  khi thắng Thượng Đức, Sư đoàn 304 đóng lại Thượng Đức, nghỉ ngơi dưỡng quân, đến tháng 3 năm 1975 thì tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

***********************************

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm rồi. Bây giờ nhìn lại, mới thấy người Việt Nam ta đánh lẫn nhau để làm gì?

Ngày 27 tháng 1 năm 1974, Bộ Tổng tham Mưu của ta họp tại Đồ Sơn, Hải Phòng, để bàn thảo về kế hoạch chiến tranh năm 1974, trong đó, có kế hoạch đánh chiếm Thượng Đức. Nhưng chỉ trước đó 10 ngày, vào ngày 17 tháng 1 năm 1974, quân Trung Quốc đã tấn công, và chiếm trọn toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của ta.

Nếu như cả hai miền Nam-Bắc biết đoàn kết, cùng nhau bảo vệ biển đảo, để không mất Hoàng Sa, thì làm sao mất được Hoàng Sa.

3-Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Năm 1978, ta chuẩn bị tổng tấn công quân Polpot, tướng Lê Trọng Tấn, Tổng chỉ huy quân đội ta ở chiến trường Campuchia đã cho gọi tướng Hoàng Đan vào Sài Gòn, giúp tướng Lê Trọng Tấn lập kế hoạch đánh Polpot, và kế hoạch phòng ngừa Polpot phản kích. Sau khi quân Việt Nam ta đánh bại quân Polpot vào tháng 12 năm 1978, tướng Hoàng Đan lại ra Bắc, làm việc giảng dạy ở Học viện Quốc phòng.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, 20 Sư đoàn quân Trung Quốc tấn công toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía Bắc, với mong muốn ta phải rút quân đội từ Campuchia về, để cứu nguy cho Polpot.

Việc tấn công của Trung Quốc là hoàn toàn bất ngờ với lãnh đạo của đảng ta, mặc dù đảng ta khi đó đã có nhiều ý kiến phân tích rằng có khả năng Trung Quốc sẽ tấn công ta để cứu nguy cho Polpot. Mặc dù đã có những phân tích đúng đắn như vậy, nhưng phía ta không có sự chuẩn bị tích cực nào cả.

Khi đó, phía ta có 2 ý kiến rất chủ quan:

1-Thách kẹo Trung Quốc cũng không dám đánh ta.

2-“Trung Quốc đông dân, chỉ cần đái thì ta cũng bị ngập lụt”-“Đừng lo, ta sẽ cắt d,,,,,Trung Quốc”.

Vì sao “thách kẹo TQ cũng không dám đánh ta”, thì không ai đưa ra được cơ sở lý luận và thực tế nào cả. Dường như việc chiến thắng Mỹ, và chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa đã cho phía ta nghĩ rất chủ quan, mà quên mất rằng trong lịch sử, TQ đã nhiều lần thua ta, nhưng TQ cũng chưa bao giờ từ bỏ âm mưa muốn thôn tính nước ta, và hễ có cơ hội là họ xua quân vào đánh ta ngay.

Cho nên ngày 16 tháng 2, ông trung tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1 vẫn hùng hồn tuyên bố tại một hội nghị rằng “thách kẹo TQ cũng không dám vào”. Một thông tin trên mạng internet gần đây cho thấy-nếu thông tin này là đúng-ở Hà Nội, cũng ngày đó, ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng Văn Tiến Dũng cho giảm lệnh báo động xuống cấp 2, rồi ung dung đi Campuchia.

Ngày hôm sau, 17 tháng 2, 20 Sư đoàn TQ với hơn 200.000 quân, cộng thêm 200.000 dân công phục vụ vận tải hậu cần, đồng loạt tấn công vào đất ta.

4 ngày sau khi TQ tấn công vào biên giới nước ta, vào ngày 21 tháng 7 năm 1979, tướng Hoàng Đan được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 5 (tên khác là Quân đoàn 14), Tư lệnh Mặt trận tiền phương Biên giới phía Bắc, tổ chức đánh chặn quân TQ. Khi đó, tướng Hoàng Đan đã có kế hoạch bố trí Sư đoàn 337 chặn đường rút của quân TQ ở phía Lạng sơn, nhằm đánh diệt gọn khoảng một sư đoàn TQ, để đánh cảnh cáo, để họ nhớ đời. Nhưng trên không cho đánh chặn quân TQ, nên tướng Hoàng Đan đành kéo quân ra, để cho quân TQ rút lui an toàn về.

Tháng 2 năm 1981, tướng Hoàng Đan thôi kiêm nhiệm chức Tư lệnh Quân đoàn 5, để làm Phó tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1, mà ông trung tướng Đàm Quang Trung làm Tư lệnh Quân khu 1.

Bình độ 400, Lạng Sơn.

Bình độ 400 này phía TQ gọi là Pháp Lạp Sơn. Giữa năm 1981, quân TQ tấn công lớn để chiếm bình độ 400, từ đó, họ có thể khống chế sang phía Lạng Sơn của ta. Quân TQ bố trí 1 Sư đoàn bộ binh, và các đơn vị hỗ trợ như pháo binh, công binh,,,khoảng hơn 3 vạn quân, chiếm giữ bình độ 400.

Tướng Hoàng Đan được lệnh chiếm lại bình độ 400 này. Tướng Hoàng Đan sử dụng trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 337 làm lực lượng chủ lực, thêm các đơn vị hỗ trợ như tiểu đoàn đặc công 198, trung đoàn công binh 514, tiểu đoàn pháo binh 11,,,.Ông sử dụng 1 trung đội đặc công tinh nhuệ bí mật áp sát quân TQ, tấn công bất ngờ bằng thủ pháo, nên chiếm được bình độ 400 dễ dàng. Sau đó, đặc công giao lại bình độ 400 cho 1 Đại đội thuộc Trung đoàn 52 trấn giữ.

Phía TQ lại bố trí 3 tiểu đoàn thay nhau tấn công lên điểm cao 400, thất bại đợt này, lại ùa lên đợt khác. Sau nhiều đợt xung phong, thì họ chiếm lại được điểm cao 400. Thiệt hại phía TQ khá lớn. Đại đội phòng thủ của ta cũng gần như bị xóa sổ.

Sau đó, tướng Hoàng Đan bố trí các trận đánh nhỏ, đánh vu hồi, thọc sườn, đánh tập hậu vào sâu trong đất địch,,. Ông lên tận điểm cao 400, ngồi ghế bình tĩnh quan sát phía địch để chỉ huy, trong khi nhiều binh sĩ chui xuống hầm tránh pháo. Tướng Hoàng Đan bình tĩnh nói với chiến sĩ: “Sống chết có số, các cậu. Nếu các cậu tới số, thì đạn nó chui vào tận hầm nó tìm các cậu”.

Suốt tháng 5 năm 1981, điểm cao 400 bị giành giật nhiều lần, thương vong của cả hai bên đều rất lớn.

Cuối năm 1981, tướng Hoàng Đan cho quân ta rút khỏi bình độ 400, chỉ dùng pháo bắn chính xác vào đó, nếu quân TQ bò lên. Quân TQ biết vậy, không dám bò lên nữa, mà cũng chỉ bắn pháo cầm canh vào đó.

Tại điểm cao 400, lần đầu tiên quân TQ biết được cách đánh tinh nhuệ của quân chủ lực của VN, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Nhưng từ đó, TQ cũng học và bắt chước cách đánh của ta, nên khả năng chiến đấu của Tàu cũng tăng lên đáng kể.

Tình hình chiến tranh với Tàu có vẻ dịu xuống, nên tháng 7 năm 1983, tướng Hoàng Đan lại được gọi về Hà Nội, làm việc tại Bộ Tổng Tham mưu.

Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984.

Thế nhưng năm 1984, chiến tranh với Tàu lại bùng lên ở biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Năm 1979, Tàu đánh ta, trình độ chiến đấu và vũ khí của họ khi đó rất kém, nên bị thua đau. Sau đó, họ lập tức rút kinh nghiệm, tổ chức lại quân đội, huấn luyện lại, trang bị lại, phát triển mới tất cả các loại vũ khí, súng bộ binh, đại bác, tên lửa,,,.Họ tự sản xuất được tất cả các loại vũ khí, tên lửa, đạn các loại, khí tài, quân trang, quân dụng, xe pháo,,,.Và nhất là, họ cũng rất tích cực học cách đánh từ người Việt Nam ta.

Trong khi đó, quân đội ta hầu như không tự sản xuất được bất kỳ loại vũ khí nào, chỉ cải tiến, cải biến một số loại vũ khí từ thời Mỹ và Liên Xô để lại. Đạn các loại cũng đều từ thời chiến tranh với Mỹ còn lại, nên bắn phải dè sẻn.

Về tổ chức chiến đấu, ta hầu như không có cải thiện đáng kể nào, binh sĩ chủ yếu là lính mới nhập ngũ, huấn luyện 3 tháng là đưa lên chốt, nên kinh nghiệm chiến đấu không có. Lính chống Mỹ có nhiều kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, phần lớn đã ra quân, hoặc một số ít còn lại được tham gia bộ đội làm bộ khung. Lãnh đạo cấp Sư đoàn, Quân  đoàn,,, thì vẫn mắc bệnh chủ quan, khinh địch, cho là Tàu khựa không biết đánh nhau.

Cho nên khi xảy ra các trận đánh đẫm máu năm 1984 ở Vị Xuyên, ta mới ngã ngửa người ra là quân đội Tàu bây giờ, sau 4 năm, rất khác với quân đội Tàu ngờ nghệch hồi năm 1979.

Chỉ rất may là tinh thần chiến đấu của chiến sĩ ta rất dũng cảm, mưu trí, và học cách đánh nhau rất nhanh.

Đầu năm 1984, TQ tấn công ở Vị Xuyên, chiếm một số điểm cao ở vùng Vị Xuyên, như điểm cao 1059, 772, 685, 1250,,,.

Tháng 7 năm 1984, ta tổ chức đánh lấy lại các điểm cao này, nhưng không thành công, hơn 1000 chiến sĩ bị hi sinh. Sau trận đánh này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã rất tức giận, quát lớn hỏi “Trách nhiệm này là của ai?”. Khi đó, đại tướng Tổng tham Mưu trưởng Lê Trọng Tấn đứng lên nói:-“Thưa anh, tôi là Tổng Tham mưu trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm”.

Theo một tài liệu được cho là của trung tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vào năm 1985, khi ông Được làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 356, thì cấp trên ra lệnh cho ông Đuợc tấn công lấy lại các điểm cao đã mất, và không cần đi trinh sát thực địa trước gì cả, “Không có trinh sát thị sát gì cả. Cứ lên mà đánh.”

Trung tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu 2, khi biết Sư trưởng Được đang đi trinh sát địa hình, thì cũng quát nhặng lên rằng:–“Thằng Được đâu? Ai cho nó đi trinh sát? Điện lên bảo nó về ngay, nói với nó đó là lệnh của tao”. Tướng Được viết trong hồi ký như thế. (Nếu đây là hồi ký có thật).

Đọc đoạn trên, thấy có vẻ đây là một đám lục lâm thảo khấu đang nói chuyện với nhau, chứ không phải là quân đội Cụ Hồ, có kỷ luật, có trật tự, có vừa tình đồng chí, vừa tình anh em, vừa nghiêm túc, vừa chính qui, hiện đại. Hơn nữa, đi điều tra thực địa là một kiến thức sơ đẳng của bất kỳ người chỉ huy nào, vì sao Quân khu 2 này lại không muốn cho người đi kiểm tra thực địa trước khi đánh. Nhất là hồi tháng 7 năm 1984 ta đã thua đau tại Vị Xuyên rồi.

Bài học quá nhỡn tiền, mà không rút kinh nghiệm à? Đây có phải là một quân đội bách chiến bách thắng, đã thắng người Pháp, người Mỹ, đã thắng Polpot không?

Một đạo quân đã hơn 30 năm chinh chiến liên tục, có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu, được thế giới đánh giá là đội quân thiện chiến nhất thế giới hiện đại, mà lại có cách chỉ huy ngu xuẩn, nướng quân như thế à?

Hãy nhớ lại trận Buôn Mê Thuột tháng 3 năm 1975, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 Nguyễn Hải Bằng đã phải cùng lính trinh sát, bơi qua sông có nhiều cá sấu, để vào tận vành đai thị xã Buôn Mê Thuột điều tra thực địa, từ đó mới có thể vạch ra được kế hoạch chiến đấu. Thế mà bây giờ, đánh giặc Tàu, mà cấp trên không muốn cho cấp chỉ huy cấp dưới đi điều tra thực địa,  “Không có trinh sát thị sát gì cả. Cứ lên mà đánh.”

Ngu xuẩn đến thế là cùng. Nướng quân đến thế là cùng.

Cựu chiến binh Đặng Việt Châu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, quê Nghệ An, đã nói rằng trận đánh ngày 12 tháng 7 năm 1984 đó, chỉ riêng Trung đoàn 876 của ông, có nhiệm vụ đánh chiếm lại điểm cao 772, đã hi sinh hơn 600 chiến sĩ.

Hôm đó, có 3 Trung đoàn tấn công chiếm 3 điểm cao 1059, 772, và 685. Nhà nước Việt Nam ta chưa bao giờ công bố con số hi sinh của trận đánh 12 tháng 7 năm 1984 đó. Nhưng nếu 1 Trung đoàn hi sinh hơn 600 người, thì làm con tính đơn giản, 3 Trung đoàn sẽ hi sinh khoảng gần 2000 người.

Sau ngày 12 tháng 7 đó, quân ta vào ban đêm, quay lại trận địa để đưa xác anh em về, hoặc tìm người bị thương, thấy vũ khí của quân ta đã hi sinh vẫn còn nguyên, tức là quân Tàu không dám bò ra lấy vũ khí của ta.

Một trận thua quá đau đớn, mà vẫn không lấy lại được các điểm cao đã mất.

Ông Đặng Việt Châu nhớ lại rằng sau trận 12 tháng 7 năm 1984 đó, Quân khu 2 họp tổng kết rút kinh nghiệm trận 12 tháng 7. Thượng tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu hỏi “Theo đồng chí, trận này ta thắng hay thua?”.

Ông Châu thẳng thắn trả lời “thua”. Khi đó, mọi người nhìn ông Châu “như người ngoài hành tinh khác”.

Chết tới xấp xỉ 2000 chiến sĩ chỉ trong 1 ngày, các điểm cao không lấy lại được, thế mà ông tướng Vũ Lập này không biết là thua hay thắng, mà còn hỏi “ta thua hay thắng”, thì quả là mắt mù, và không hề biết thương binh sĩ.

Trở lại chuyện tướng Hoàng Đan, sau trận ta thua ngày 12 tháng 7 năm 1984, ông lại được điều gấp lên Vị Xuyên, làm Tư lệnh tiền phương của Quân khu 2.

Cựu chiến binh Đặng Việt Châu nói trên đã nhớ lại nhiều kỷ niệm thú vị về tướng Hoàng Đan trong giai đoạn 1985 tại Vị Xuyên. Chẳng hạn tướng Đan khi đi thị sát trận địa, ông không bao giờ đi lom khom tránh đạn như người khác, mà cứ đi thẳng người hiên ngang, vì như ông nói “sống chết có số”.

Một lần, tướng Đan xuống thăm Trung đoàn 876, một người lính binh nhất 2 sao đứng gác cửa Trung đoàn Bộ ở làng Mè, Hà Giang, nhìn thấy một ông già đeo lon 1 sao, nghĩ là binh nhì, hô to: “Đồng chí binh nhì, đứng lại”. Tướng Hoàng Đan ngỡ ngàng, đứng lại, thưa gửi lịch sự: “-Dạ thưa, báo cáo đồng chí binh nhất, tôi chiến sĩ, xin vào thăm Trung đoàn trưởng Hương”. Người binh nhất nói to: “Này, bố già binh nhất, đây không phải là chỗ của bố rồi. Đánh nhau có tụi con, bố về hậu phương nghỉ ngơi đi”. Khi đó Trung đoàn trưởng Hương vừa đi tới, hoảng quá, xin lỗi tướng Hoàng Đan rối rít, và mời vào trong. Tướng Đan vừa khen, vừa chê: “Bay dạy lính giỏi lắm. Nhưng mà phải dạy điều lệnh cho lính. Ai đời mình là thiếu tướng, mà hắn gọi mình là binh nhì”-ông nói giọng Nghi Lộc, Nghệ An, quê ông.

Nhưng mà cái lon thiếu tướng của tướng Đan đã cũ, màu bạc phếch, chỉ kim tuyến vàng đã bục mất hết cả, chỉ còn lại 1 sao ở giữa lon, trông như lon binh nhì. Từ hôm đó, khi đi thăm các đơn vị, không thấy tướng Đan đeo lon nữa. Có lẽ, ông ngại bị gọi binh nhì.

Trong thời gian ở Hà Giang, tướng Hoàng Đan luôn gần gũi, thân tình, chan hòa với binh sĩ, chia nhau với binh sĩ từng điếu thuốc lá, rất được anh em chiến sĩ quí mến.

Trong thời gian này, tướng Hoàng Đan chỉ đạo quân ta đánh dũi, đánh lấn, đào hào, đào công sự kiên cố. Từ đó, làm giảm thương vong rất nhiều cho chiến sĩ.

Từ năm 1986, mức độ chiến tranh giảm dần, nên tướng Hoàng Đan lại được gọi về Học viện Quốc phòng. Đến năm 1995, khi 67 tuổi, ông nghỉ hưu.

Lịch sử ghi nhận thiếu tướng Hoàng Đan là một vị tướng tài, đức độ của quân đội nhân dân Việt Nam.

Thật ra, tôi thấy tướng Hoàng Đan xứng đáng được phong hàm đại tướng, chứ không phải chỉ khiêm tốn thiếu tướng. So với các vị đại tướng ngày nay, thua xa thiếu tướng Hoàn Đan. ///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.