Vài sai lầm của 2 bộ sách lịch sử của cụ Lê Văn Hưu, và của cụ Trần Trọng Kim

W.Minh Tuan

Như đã nói ở Chương 6, nay xin nhắc lại:

Cụ Trần Trọng Kim (1882-1953), nguyên học về phiên dịch tiếng Pháp, và là nhà giáo, viết sách về Ngữ pháp tiếng Việt, và làm Chánh thanh tra Tiểu học thời Pháp thuộc. Cụ Trần Trọng Kim viết vài cuốn sách về Ngữ pháp tiếng Việt rất có giá trị, và giá trị nhất là cuốn Việt Nam Sử lược, xuất bản lần đầu tiên năm 1921.

Cụ Lê Văn Hưu (1230-1322) thời nhà Trần, đỗ Bảng Nhãn thời nhà Trần, làm pháp quan, rồi Thượng thư Bộ binh. Sau đó Cụ Lê Văn Hưu được vua Trần Thánh Tông giao việc viết sử, và cụ viết cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sau đó, thời cuối nhà Trần, cụ Phan Phù Tiên viết bổ sung. Sau đó, thời nhà Lê, cụ Ngô Sỹ Liên và vài cụ khac lại viết bổ sung, sửa chữa thêm nữa vào bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư này.

Hai bộ sách lịch sử này có giá trị nhất trong tất cả các bộ sách lịch sử Việt Nam cho đến nay. Thế nhưng hai bộ sách này cũng có một vài khiếm khuyết cần được sửa chữa lại.

 

Vấn đề 1: Triệu Đà.

Trong bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư, cụ Lê Văn Hưu đã xếp Triệu Đà vào hàng ông tổ của Việt Nam ta, giống như các vua Hùng Vương, An Dương Vương. Phần Kỷ Nhà Triệu, sách này gọi Triệu Đà là vua, tức là vua của Việt Nam ta.

Sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim cũng xếp Triệu Đà là vua nước Việt Nam ta, và xếp thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc là bắt đầu từ năm 111 tCN, tức là năm mà Triệu Đà bị nhà Hán đánh bại.

Thật ra, Triệu Đà là tướng nhà Tần, nổi loạn ở nhà Tần, đã xâm lược Việt Nam ta, đánh đổ vua An Dương Vương, mở đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc ở nước ta.

Năm 111 tCN nhà Hán đánh bại Triệu Đà, là đánh một viên tướng phản nghịch, không phải đánh nước Việt Nam ta. Nước Việt Nam ta khi đó đã bị Triệu Đà đô hộ rồi, còn nước Việt đâu mà đánh.

Thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc phải bắt đầu từ năm 208 tCN, là năm mà Triệu Đà đánh bại vua An Dương Vương của nước Âu Lạc của ta, chứ không phải từ năm 111 trước CN, là năm mà nhà Hán đánh bại con cháu Triệu Đà.

-Cụ Ngô Thì Sĩ sửa sai.

Cụ Ngô Thì Sĩ (1726-1780), là thân phụ của cụ Ngô Thì Nhậm, đã viết cuốn sách Việt Sử Tiêu Án, sách bình luận-phê phán về lịch sử. Cụ Ngô Thì Sĩ đã phê phán các quan điểm của cụ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên,,,vì các cụ đó đã cho Triệu Đà là thuộc hàng các ông tổ, có công khai sáng ra nước Việt Nam ta.

Cụ Ngô Thì Sĩ viết rằng “Duy đối với nước ta thì Triệu Đà không có công gì, mà còn là mối họa đầu tiên đấy”, “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến đời Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Sao lại nói như thế? Là vì: nước Nam từ thời Hoàng đế (Hán) đến đời nhà Chu (Hán), chỉ có sai sứ sang cống, tự thành riêng một nước. Tuy hùng cường như Tần Thủy Hoàng, có đạo quân Vương Tiễn hùng mạnh đánh đâu được đấy, mở mang Bách Việt, mà chưa từng nói đến Giao Chỉ. Tự khi Triệu Đà chiếm giữ Ngũ Lĩnh, lại thôn tính cả nước của An Dương, được vài đời thì mất, khiến cho đồ bản, sổ sách nước Nam phải nhập vào nhà Hán, để làm lợi cho Trung Quốc, nào là châu báu chất đầy phủ, quả quít quả vải xếp thành nhà,,,thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi.,,,bảo là công đức mà như thế à?”.

 Thế mà: “tán tụng Triệu Đà có công, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Kiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thịnh đế của nước ta.

Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính lại, vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng”.

Cụ Ngô Thì Sĩ nói rất đúng.

Không thể xếp Triệu Đà thuộc hàng ông tổ của người Việt Nam ta được.

Cái điều ngộ nhận lịch sử này đã kéo dài hơn 2000 năm nay, bây giờ, vào thế kỉ 21, cần phải được nhận thức lại.

Vấn đề 2: 20 vua Hùng Vương hay 18 vua Hùng Vương?

Như đã nói ở phần trên, cụ Trần Trọng Kim và cụ Ngô Thì Sĩ có sự nhầm lẫn về con số 18 vua Hùng Vương. Hai cụ cho rằng thời kỳ Hùng Vương có 20 vị vua. Cụ Kim và cụ Sĩ có lẽ chỉ nghĩ đơn giản 18 vua Hùng Vương là 18 vị vua có tên Hùng Vương, còn 2 vị vua nữa không có tên Hùng Vương, là Lạc Long Quân, và Kinh Dương Vương, nên cộng lại là 20 vị vua. Nhưng thật ra cụ Lạc Long Quân có tên hiệu khi làm vua là Hùng Hiền Vương. Tức là có 17 vị có tên Hùng Vương, chỉ có 1 vị vua đầu tiên tên là Kinh Dương Vương, không phải tên Hùng Vương.

Cụ Trần Trọng Kim khi nói về các vua Hùng Vương, cũng đã nghi vấn là 20 vị vua mà kéo dài 2622 năm, tức là mỗi vị vua phải sống trên 150 tuổi, là điều khó tin.

Cụ Trần Trọng Kim nói như vậy, tức là cụ không chú ý đến các thần phả, ngọc phả ở khu vực đền Hùng, nói về các “chi Hùng Vương”, như tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã nói ở trên, mỗi chi Hùng Vương có nhiều vị vua Hùng, cùng tên hiệu vua Hùng giống nhau.

18 chi Hùng Vương thật ra có hàng trăm ông vua Hùng Vương, chứ không phải chỉ có 18 ông vua Hùng Vương.

Các thần phả, ngọc phả ở Vĩnh Phú cũng nói có 18 chi vua Hùng Vương, chứ không nói 18 vua Hùng Vương.

Dân gian Việt Nam ta nói 18 vua Hùng Vương là cách nói đơn giản, theo “ngôn ngữ nói, khẩu ngữ”, cho tiện, dễ nói.

Vấn đề 3: Truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh.

Cụ Ngô Sĩ Liên, khi bình luận về truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, đã coi đây là truyện “quái đản”. Cụ Ngô Sĩ Liên không hiểu rằng truyền thuyết Sơn Tinh là câu chuyện dân gian nói về cuộc đấu tranh chống thiên tai, bão lụt ở nước ta, và có thể có bắt nguồn từ một nhân vật có thật tên là Nguyễn Tuấn ở vùng núi Ba Vì.

Di tích đền Và hiện nay ở Sơn Tây, Ba Vì nói khá rõ chuyện về Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn.

Có người nói Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn, và Sơn Tinh là hai nhân vật khác nhau.

Tôi không tin điều đó.

Tôi cho rằng Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn, và Sơn Tinh là một. Tên gọi Tản Viên Sơn Thánh, có nghĩa là vị thần ở núi Tản Viên.

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của cụ Lê Văn Hưu cũng đã nói rõ Sơn Tinh là vị thần của núi Tản Viên.

Ai đó muốn phân biệt hai nhân vật này là hai người khác nhau, thì chẳng có ý nghĩa gì về mặt lịch sử, cũng như về mặt truyền thuyết, văn hóa.

Trong tâm khảm nhân dân Việt Nam ta, chỉ biết có thánh Sơn Tinh đã chiến thắng Thủy Tinh trong cuộc đấu tranh chống bão lụt. Và tên thật của ông ấy khi sinh ra là Nguyễn Tuấn, và ở đền Và-Sơn Tây vẫn ghi nhận điều đó.

Vấn đề 4: Vua An Dương Vương là người Ba Thục-bên Tàu?

Có vấn đề không thuộc 2 cuốn sách lịch sử trên. Đó là có vài ý kiến trên mạng internet gần đây cho rằng An Dương Vương là người Tàu, người gốc Ba Thục bên Trung Quốc, tức là ông tổ của người Việt Nam ta là người Trung Quốc!!!.

Ý kiến đó có lẽ dựa vào đoạn văn cụ Lê Văn Hưu viết trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau:

“Kỷ nhà Thục. An Dương Vương.

Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa).

Năm Giáp Thìn, năm thứ 1 (257 trước Công nguyên). Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc.”

Cụ Lê Văn Hưu không lý giải gì về nước Ba Thục này là ở đâu, thế cho nên có lẽ nhiều người gần đây cho rằng đó là nước Ba Thục bên Tàu, vì bên Tàu có nước có tên Ba Thục như thế.

Dân tộc Lạc Việt của ta thời kỳ Hùng Vương có tên nước là Văn Lang.

Năm 258 trước CN, vua An Dương Vương của dân tộc Âu Việt, được vua Hùng Vương thứ 18 của dân tộc Lạc Việt nhường ngôi, năm 257 tCN lên ngôi, sáp nhập 2 dân tộc Âu Việt-Lạc Việt thành nước Âu Lạc. 50 năm sau, đến năm 208 trước CN, thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc, vua An Dương Vương bị Triệu Đà của nhà Tần dùng kế gian cho con trai Trọng Thủy sang kết hôn với con gái Mị Châu của vua An Dương Vương, ăn cắp nỏ thần, sau đó đánh bại vua An Dương Vương, bắt đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc.

Vì chữ Ba Thục nêu ở trên, nên có ý kiến gần đây cho rằng Ba Thục chính là xứ Ba Thục ở bên Tàu, tức là vùng Tứ Xuyên ngày nay ở Trung Quốc, thế tức là vua An Dương Vương của Việt Nam ta quê ở Tứ Xuyên, Trung Quốc !!!.

Vùng Tứ Xuyên cách Việt Nam ta khoảng trên dưới 2000 km, thời ngày xưa đi lại không thuận tiện như bây giờ.

Vậy bằng cách nào mà cụ An Dương Vương hồi đó đi từ xứ Ba Thục ở Tứ Xuyên để sang Lạc Việt của ta để làm vua ở nước ta?

Hơn nữa, từ xứ Ba Thục-Tứ Xuyên đó, đi đến Lạc Việt của ta, phải đi qua các nước Dạ Lang, Cùng, Túc, Nhiễm Mang,,,.Thế thì làm sao mà cụ An Dương Vương ghép nước Âu Việt của cụ vào nước Văn Lang của dân tộc Lạc Việt, để thở thành nước Âu Lạc?

Ghép 2 quốc gia vào nhau như thế thì phải cùng biên giới, nhưng nước Ba Thục kia ở cách xa Việt Nam ta hơn 2000 km, không cùng đường biên giới, thì làm sao mà ghép được?

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của nhà Nguyễn của ta cách đây hơn 200 năm cũng đã đưa ra nghi vấn này như sau:

“Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 trước CN-cùng thời vua Hùng Vương thứ 18) đã bị nước Tần tiêu diệt rồi, làm gì có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang còn có đất Kiện Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, Cùng, Túc, Nhiễm Mang, v,v, cách nhau hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy Văn Lang? Hoặc giả ngoài cõi Tây-Bắc giáp với nước Văn Lang còn có họ Thục khác mà sử cũ nhận là Thục Vương chăng?”

Đúng thế.

Nếu nói An Dương Vương là vua nước Ba Thục, thì nước Ba Thục đã bị nhà Tần tiêu diệt từ năm 316 trước CN, thì còn vua nào nữa để mà sang Văn Lang của ta để mà thôn tính Văn Lang?

Hiện nay, có thuyết cho rằng đất Ba Thục của cụ An Dương Vương là họ Thục, thủ lĩnh của người Âu Việt (hay Tây Âu) ở phía Bắc nước Văn Lang, mà trung tâm là vùng Cao Bằng ngày nay.

Nhưng dù nước Ba Thục của cụ An Dương Vương ở đâu, thì chắc nó phải ở bên cạnh nước Văn Lang, thì mới có thể sáp nhập nước Âu Việt với nước Văn Lang của người Lạc Việt để trở thành nước Âu Lạc được.

Thời cổ, không thể có một quốc gia mà có 2 phần lãnh thổ cách nhau hàng nghìn dặm được. Bởi vậy nước Ba Thục của cụ An Dương Vương không thể là nước Ba Thục ở Tứ Xuyên cách Việt Nam ta hơn 2000 km, và đã bị nhà Tần tiêu diệt từ năm 316 trước CN rồi.

Nước Âu Việt của cụ An Dương Vương phải là quốc gia ở bên cạnh nước Lạc Việt của vua Hùng Vương, để rồi sáp nhập với nhau được, trở thành nước Âu Lạc.

Hoặc trong khi chép sử, và chép các truyền thuyết, có sự nhầm lẫn về tên gọi mà thôi.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.