Vì sao đảng ta không thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh, không bổ nhiệm một vị Bộ trưởng, Chủ tịch ngoài đảng nào nữa?

W.Minh Tuan
Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và cũng ngày đó, Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do Việt Minh thành lập, được công bố, với tên gọi Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời họp phiên đầu tiên vào ngày mồng 3 tháng 9 năm 1945. Chính phủ này bao gồm 13 Bộ trưởng, và 2 Ủy viên Chính phủ.

8 vị Bộ trưởng là Đảng viên Đảng cộng sản Đông dương, 5 không đảng phái, 2 Đảng Dân chủ. Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. 2 Bộ trưởng Đảng Dân chủ là Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Thanh niên, và Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục. Luật sư Vũ Trọng Khánh, không đảng phái, làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Từ ngày mồng 1 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam được thành lập, thay thế Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
Cụ Hồ Chí Minh vẫn làm Chủ tịch Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Chính phủ này có 15 Bộ trưởng và 1 Quốc Vụ Khanh.

Thành phần Việt Minh (cộng sản) có 7 Bộ trưởng và Chủ tịch Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ thanh niên vẫn là Dương Đức Hiền, Đảng Dân chủ.

Bộ trưởng Bộ giáo dục vẫn là Vũ Đình Hòe, Đảng Dân chủ.

Bộ trưởng Bộ tư pháp vẫn là Vũ Trọng Khánh, không đảng phái.

Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố, không đảng phái.
Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên.

Gần 2 hai tháng sau, đến ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội Khóa 1 họp phiên đầu tiên, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Quốc hội đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, thay thế Chính phủ Liên hiệp Lâm thời.
Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến có 12 Bộ trưởng, trong đó, chỉ có 3 vị là Việt Minh. Còn lại là không đảng phái, hoặc đảng khác.
Cụ Hồ Chí Minh, Việt Minh, làm Chủ tịch nước.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, sinh năm 1876, hơn Cụ Hồ 14 tuổi, quê Quảng Nam, không đảng phái, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an).
Luật sư Phan Anh, sinh năm 1912, 34 tuổi (khi đó), quê Hà Tĩnh, không đảng phái, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Luật sư Vũ Đình Hòe, sinh năm 1912, 34 tuổi, quê Hải Dương, Đảng Dân chủ, làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Kỹ sư Trần Đăng Khoa, Đảng Dân chủ, sinh năm 1907, quê Thừa Thiên, làm Bộ trưởng Giao thông Công chính.
Cựu Hoàng Bảo Đại làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ.
Đến ngày mồng 3 tháng 11 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, thay thế Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Chính phủ Liên hiệp Quốc dân gồm 12 Bộ trưởng, và 3 Quốc vụ khanh.

Chính phủ này cũng chỉ có 3 vị là Việt Minh:

-Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

-Ông Võ Nguyên Giáp, Việt Minh, sinh năm 1910, quê Quảng Bình, 36 tuổi, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

-Ông Lê Văn Hiến, Việt Minh, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, giáo sư Hoàng Minh Giám, Đảng Xã hội.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, không đảng phái, vẫn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Giáo sư Nguyễn văn Huyên, Đảng Dân chủ, sinh năm 1908, quê Hà Đông, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vẫn kỹ sư Trần Đăng Khoa, Đảng Dân chủ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp vẫn luật sư Vũ Đình Hòe, Đảng Dân chủ.
Quốc vụ khanh, nhà giáo Nguyễn văn Tố, không đảng phái.
Bác sĩ Hoàng Tích Trí, không đảng phái, sinh năm 1908, quê Từ Liêm, Hà Nội, làm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn làm Quyền Chủ tịch nước, trong thời gian 4 tháng khi cụ Hồ Chí Minh đi Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1946. Cụ Huỳnh Thúc Kháng bị bệnh, mất năm 1947.
Luật sư Phan Anh không đảng phái, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Chính phủ Cụ Hồ Chí Minh, năm 1946. Sau đó, năm 1947, ông được làm Bộ trưởng Bộ kinh tế. Từ năm 1954, Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Công thương, sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, đến năm 1976, khi ông 64 tuổi, về hưu.

Như vậy ông Phan Anh làm Bộ trưởng suốt 30 năm. Sau khi thôi Bộ trưởng, Luật sư Phan Anh còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội, và Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất năm 1990 tại Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Đảng Dân chủ, đỗ tiến sĩ văn khoa tại Pháp năm 1929. Sau đó, năm 1931, đỗ tiến sĩ Luật cũng tại Pháp. Cụ Hồ Chí Minh đã mời Giáo sư Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã giữ chức vụ Bộ trưởng suốt 29 năm, cho đến khi giáo sư mất năm 1975.
Cụ Tổng đốc Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Đại thần Bắc bộ phủ của Chính phủ Cựu Hoàng Bảo Đại, đã được cụ Hồ Chí Minh mời ra tham gia Chính phủ Việt Minh.

Năm 1947, sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông Phan Kế Toại ra thay cụ Huỳnh, làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Sau đó, ông Phan Kế Toại được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, từ năm 1963, đến năm 1973, khi ông Phan Kế Toại mất.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, sinh năm 1912, được Cụ Hồ Chí Minh mời ra làm Thị trưởng Hà Nội từ năm 1945. Bác sĩ Trần Duy Hưng không đảng phái, làm Thị trưởng Hà Nội lâu nhất, tới 23 năm, đến năm 1977, khi ông 65 tuổi, nghỉ hưu.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, không còn vị Bộ trưởng ngoài Đảng Cộng sản nào được bổ nhiệm nữa.
Nếu Bác Hồ còn sống đến sau năm 1975, chắc chắn Bác sẽ cho sử dụng nhiều quan chức của Chính phủ Sài Gòn cũ.

Bởi vì với Bác Hồ, Chính phủ là của dân tộc Việt Nam, chứ không phải là của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Và “ai có tài đều được Chính phủ mời ra gánh việc nước”. Và Bác chắc chắn cũng sẽ tiếp tục bổ nhiệm nhiều vị ngoài Đảng cộng sản khác nữa vào các vị trí Bộ trưởng, để bảo đảm một Nhà nước đoàn kết, đại diện cho đông đảo mọi thành phần, tầng lớp nhân dân, bảo đảm một “Chính phủ đoàn kết toàn dân, tập hợp nhân tài không đảng phái”-như Bác Hồ đã từng nói năm 1946 tại Quốc hội.

Ngày 31 tháng 10 năm 1946, tại Phiên họp thứ 2 của Quốc hội Khóa 1, Bác Hồ đã tuyên bố trước Quốc hội:
“Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam”.
Trên thế giới, không một vị lãnh tụ cộng sản nào dám nói điều rất không cộng sản như Bác Hồ.
Thế nhưng giờ đây, những vị lãnh đạo hậu sinh của Đảng ta không làm theo Bác Hồ, không thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Bây giờ, chỉ một chức vụ Trưởng phòng quèn cũng phải là Đảng viên. Nên mới có chuyện chạy chức, chạy quyền.
Ông cha ta ngày xưa, cứ thi đỗ là được bổ làm quan, bất kể nghèo hèn, sang giàu. Bởi vậy, mới có được người tài ra giúp nước.

Ngày xưa, ông Nguyễn Hiền, năm 1247, thời nhà Trần, 13 tuổi thi đỗ Trạng nguyên, được bổ làm thầy giáo của Vua Trần ngay.

Sau đó, ông Nguyễn Hiền làm quan Thượng thư, như Bộ trưởng bây giờ.

Cũng năm 1247 đó, ông Lê Văn Hưu, 17 tuổi, thi đỗ Trạng nguyên, được bổ nhiệm làm quan, sau lên chức Thượng thư Bộ Binh, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ.

Cụ Lê Văn Hưu vừa làm quan, vừa viết sử, là nhà sử học vĩ đại nhất của nước Việt Nam ta. Cụ Lê Văn Hưu đã viết cuốn sách lịch sử vĩ đại nhất của nước Việt Nam ta: Đại Việt Sử ký Toàn thư.
Ngày nay, phải chạy chọt, luồn cúi, nịnh bợ mới hòng được bổ nhiệm.

Nên dưới chính thể của Đảng ta ngày nay, chưa bao giờ có nhiều kẻ cơ hội hãnh tiến thành đạt như ngày nay.

Và chưa bao giờ có nhiều kẻ lãnh đạo đáng kính, như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực ban bí thư, Trung tướng công an, Thiếu tướng công an, Chủ tịch Hà Nội, Bí thư Hà Nội, Chủ tịch Sài Gòn, Bí thư Sài Gòn,,,mà tham nhũng, nhận phong bì, bị bắt, bị kỷ luật nhiều như ngày nay.
Cụ Chu Văn An ngày xưa dám bỏ mũ, treo áo từ quan, để phản đối triều đình sử dụng nhiều kẻ xu nịnh.

Ngày nay, những kẻ xu nịnh, cơ hội nhan nhản, nhưng không có vị nào cởi mũ, treo áo từ quan cả.

Cái phẩm chất đạo đức của bộ máy công quyền của Đảng ta ngày nay tồi tệ hết chỗ nói, thối tha hơn thời ông cha ta nhiều.
Bây giờ, các vị hậu sinh trong Đảng ta nói “làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng thật ra có làm đâu. Chỉ nói mồm.
Tư tưởng Tham quyền cố vị đang thống trị trong Đảng ta ngày nay.

Bác Hồ đã cho bổ nhiệm nhiều vị nhân sỹ, trí thức nổi tiếng, liêm khiết, mẫu mực ngoài đảng vào các vị trí Bộ trưởng, Chủ tịch Hà Nội, còn bây giờ, đảng ta nói “Làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng không bổ nhiệm một vị nhân sỹ, tri thức ngoài đảng nào nữa, hoàn toàn không làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh gì cả.

Đúng là đảng ta nói dối không biết ngượng.

Các vị lãnh đạo giờ đây đứng trên diễn đàn, phía sau là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng không thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đúng là trơ trẽn, dối trá.

Vì sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.