Vì sao ngày nay không bổ nhiệm Bộ trưởng, Chủ tịch ngoài đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm?

W.Minh Tuấn

Lời giới thiệu của daivietnam.com

Khi chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, đã có rất nhiều vị bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng không đảng viên cộng sản.

Ngày nay, không có bất kỳ một bộ trưởng, quan chức cao cấp nào là người ngoài đảng, tất cả là người trong đảng. Thời bây giờ, ai làm cán bộ lãnh đạo cũng đều phải là đảng viên.

Thế mà, hãy nhìn những cán bộ tham nhũng bị bắt ngày nay, ai cũng là đảng viên cả.

Công tác cán bộ trong đảng cộng sản Việt Nam ngày nay quả là rất vấn đề, rất nan giải.

Vậy thì, vì sao không bổ nhiệm cán bộ lánh đạo ngoài đảng vào các vị trí lãnh đạo, như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Hà Nội,,,như thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm?

Bộ trưởng GS. TS Nguyễn Văn Huyên-không đảng viên cộng sản

Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Văn Huyên có những đóng góp quan trọng và quyết định trong xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đặc biệt và có lẽ không nhiều người biết là dù có học vấn uyên thâm, nhưng trong suốt thời gian tại vị, ông là… người ngoài Đảng.

Một thanh niên yêu nước và ưu tú

  1. TS Nguyễn Văn Huyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin cậy, giao nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ tháng 11/1946 – trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn, có đến 95% người dân mù chữ.

Thời kháng chiến, Bộ trưởng cũng chỉ đi bộ và xe đạp, thế nhưng Bộ trưởng Huyên nhiều lần đạp xe từ Tuyên Quang qua Hòa Bình, vào Thanh Hóa, xuống tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ông đi suốt cả tuyến đó để xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống giáo dục.

Đến lúc điều kiện đi lại dễ dàng hơn, đã có ô tô, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thường xuyên đi đến các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Mường Tè… để động viên phong trào giáo dục miền núi, làm sao để giáo viên miền núi yên tâm công tác, để học sinh vùng xa xôi đi học. “Sự tin cậy của Đảng với một vị Bộ trưởng ngoài Đảng như cha tôi là có cơ sở, với nền tảng rất sâu xa”, ông Huy tự hào.

Với bối cảnh đến 95% người dân mù chữ, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về việc “người biết nhiều dạy người biết ít”, Bộ trưởng Huyên khi ấy đã nghiên cứu và quyết định cải cách giáo dục phổ thông, rút ngắn thời gian từ 12 năm xuống 9 năm để có thể tạo ra được đội ngũ cán bộ mới trong thời gian ngắn. Rồi khi hoà bình lập lại, lại nâng thời gian phổ thông lên 12 năm. Đó là sự sáng tạo, năng động cho phù hợp với xu thế của đất nước.

Xin thôi Bộ trưởng để đi làm Luật sư

Tuy nhiên, với danh phận là người ngoài Đảng, PTS. TS. Nguyễn Văn Huy cho biết, cha ông cũng gặp không ít khó khăn trong công việc. Nhưng Bộ trưởng Huyên lại hiểu rất rõ và vượt qua tất cả những khó khăn đó, luôn học tập, nắm vững các đường lối, chủ trương của Đảng để vận dụng vào hoạt động giáo dục một cách nhuần nhuyễn nhất. Cùng với đó, là nhà khoa học, trí thức, Bộ trưởng cũng phải xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng để mạnh dạn áp dụng tất cả những thứ đã nghiên cứu.

Vào thời ấy, cái tiếng “Bộ trưởng chưa phải là đảng viên” cũng gây không ít khó khăn cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Ông Huy, con trai Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên kể, có khi cha ông xuống công tác tại một tỉnh nhưng người đứng đầu tỉnh đó nghĩ “Bộ trưởng chưa là đảng viên” nên không dành thời gian làm việc cùng. Bộ trưởng dù không quan trọng việc đó, vẫn đi xuống cơ sở làm việc của mình, nhưng nghe nói, khi việc này đến tai Bác Hồ, Bác đã gọi người đứng đầu tỉnh đó lên phê bình.

Bác nhắc nhở: “Sự nghiệp cách mạng không phải chỉ của riêng đảng viên mà của cả nước, nên phải tôn trọng những người lãnh đạo ở các ngành, các cấp, dù họ có là đảng viên hay không”.

  1. TS. Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên quán tại xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Năm 18 tuổi, ông được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài, rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne. Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại nước ngoài. Năm 1935, ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại trường Bưởi. Năm 1938, ông tham gia Hội truyền bá chữ quốc ngữ và chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ.

Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô cùng với Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường ký bức điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân qua Chính phủ cách mạng.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11/1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) và giữ chức vụ này trong gần 29 năm, cho đến khi mất vào tháng 10/1975 dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đã có lúc trăn trở, suy nghĩ, là người “ngoài Đảng” sẽ khó khăn trong công tác chỉ đạo ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gặp Bác Hồ và xin thôi giữ chức Bộ trưởng để làm luật sư, để cho người khác là đảng viên giữ chức này sẽ thuận lợi hơn, nhưng Bác nói:

“Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước, thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân, vì nước”.

Năm 1959, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, ông Huy kể, cha ông đã viết đơn xin vào Đảng. Bộ trưởng Huyên khi ấy đã làm bản tự khai lý lịch, chi bộ, Đảng bộ Bộ Giáo dục thông qua nhưng vẫn thận trọng báo cáo lên Bộ Chính trị và Bác Hồ.

Bộ Chính trị lúc đó có một Nghị quyết vận động một số trí thức cao cấp vì nhiệm vụ cách mạng nên ở ngoài Đảng thì có lợi hơn.

Rồi một buổi trưa, Bác Hồ mời Bộ trưởng Huyên lên ăn cơm và ôn tồn nói: “Chú ở ngoài Đảng thì có lợi cho cách mạng hơn, nên sẽ không kết nạp vào trong Đảng. Nhưng tất cả các cuộc họp chi bộ, Đảng bộ, Đảng đoàn đều phải mời Bộ trưởng tham dự”.

Sau đó, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Đức Thọ đã về Bộ Giáo dục phổ biến lại chủ trương đó.

Từ đó, tất cả hoạt động của Đảng đều mời Bộ trưởng Huyên tham dự, đóng góp ý kiến như một đảng viên, chỉ trừ 2 điều khác đảng viên là không đóng Đảng phí và không được biểu quyết. Đó là một trường hợp ngoại lệ.

Dù là người ngoài Đảng, nhưng ông Huy kể, cha ông luôn đấu tranh kiên quyết với cái sai.

Ví như có trường hợp ở Hà Tây, ông Bí thư Tỉnh ủy đề bạt vợ mình làm Trưởng ty Giáo dục (nay là Giám đốc Sở Giáo dục), nhưng bà này mới có trình độ phổ thông, mà Trưởng ty Giáo dục thì phải lãnh đạo hệ thống giáo dục các cấp. Bộ trưởng Huyên thấy chưa đủ năng lực lãnh đạo hệ thống giáo dục của một tỉnh, nên kiên quyết không chấp thuận và đề nghị tỉnh phải cử lại. Cuối cùng, tỉnh phải điều bà này đi làm việc ở nơi khác.

Còn một chuyện nữa, khi cha là Bộ trưởng nhưng không phải đảng viên, các con ông đều rất khó khăn để phấn đấu vào Đảng.

“Vì họ thấy trong gia đình tôi không có ai là đảng viên, thành phần giai cấp lại rất đặc biệt”, ông Huy lý giải. Nhưng đó cũng không phải chuyện bất biến. Năm 1972, ông Huy công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Khi cân nhắc quyết định kết nạp ông vào Đảng, tổ chức đã cẩn thận đến Bộ Giáo dục hỏi rõ chuyện “Bộ trưởng ngoài Đảng” của cha ông và được giải thích rõ việc này. Hai chị gái của ông sau đó cũng lần lượt trở thành đảng viên.

“Khi đất nước thống nhất và miền Nam được giải phóng, cha tôi rất phấn khởi. Khi đó cụ vẫn khỏe, tràn trề niềm hy vọng rằng đất nước thống nhất thì giáo dục phát triển, nên ngay trong thời kỳ chiến tranh, Bộ Giáo dục và cụ là Trưởng ban Cải cách giáo dục đã chuẩn bị đợt cải cách lần thứ 3 (lần thứ nhất vào năm 1950, lần thứ hai vào năm 1956-PV). Nhưng đáng tiếc là khi cụ chưa kịp thực hiện cuộc cải cách đó thì đã ra đi”, ông Huy trầm ngâm.

Và giờ đây, để kể lại cuộc đời của cha mẹ mình, cũng là để viết tiếp những tâm huyết của cha, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đã và đang chăm sóc cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được đặt ở quê nhà (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Hơn 400 hiện vật trưng bày tại đây chính là tuổi trẻ, là cuộc đời và dấu ấn trong suốt 30 năm của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

 

 

Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-An ninh đầu tiên, không đảng viên cộng sản.

 

Luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

Với truyền thống từ một gia đình nho học yêu nước, vượt qua cuộc sống thời niên thiếu gian nan, vất vả, ông sớm tiếp cận đến một nền tri thức hiện đại tạo nên phẩm chất của một nhà hoạt động xã hội, một chính khách.

Năm 22 tuổi, ông thi đỗ 3 bằng tú tài (Tú tài bản xứ, Tú tài chính quốc Pháp về toán và triết học – một thành tích hiếm có lúc đó).

Lên đại học, ông phải chọn giữa hai ngành luật và y dược (vì lúc đó ở Đông Dương chỉ có một trường Đại học Đông Dương với 2 ngành đào tạo là Luật và Y dược). Với tư tưởng hành nghề tự do sau khi ra trường, ông đã quyết định học Luật.

Cuối năm 1937, ông sang Pháp để tiếp tục học luật, với ý định trở thành giáo sư trường Đại học Luật. Tuy nhiên, cuối năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông phải bỏ dở việc học để trở về Tổ quốc.

Trong thời gian ở Pháp, ông đã tập trung nghiên cứu pháp luật và tích lũy được những kiến thức sâu rộng về nhiều ngành pháp luật, tiếp cận những quan điểm tiến bộ của giới luật gia các nước phương Tây.

Vì thế, khi về nước, ông quyết định hành nghề luật sư.

Bằng những lập luận chặt chẽ, có cơ sở pháp luật, khai thác một cách khôn khéo những tình tiết giảm tội, sử dụng những kỹ năng bào chữa, trong nhiều trường hợp phức tạp, ông đã thuyết phục Tòa án Pháp, Quan tòa Pháp đưa ra những phán quyết có lợi cho những chiến sĩ cách mạng là thân chủ của ông.

Luật sư Phan Anh sớm ý thức được trách nhiệm của người tri thức đối với đồng bào và Tổ quốc khi chọn diễn đàn “Thanh Nghị” của giới trí thức cấp tiến đương thời để lập ngôn.

Là người am hiểu pháp luật, ông đã góp sức mình trong việc xây dựng chế độ Cộng hòa Dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc và dùng lý lẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế.

Từ một Luật sư, ông đã trở thành chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng, 30 năm là Đại biểu Quốc hội, thành viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khóa VII.

Bằng học vấn uyên bác, tư duy logic, sự nhạy cảm về chính trị, tài năng, tâm hồn của một Luật gia trong sáng là những yếu tố đã giúp ông trong hoạt động chính trị trong nước và quan hệ với chính khách nước ngoài.

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông về nước làm Luật sư ở Tòa thượng thẩm Hà Nội và tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim (Giai đoạn sau khi Nhật đảo chính Pháp) với chức vụ Bộ trưởng Bộ Thanh niên, cùng Gs. Tạ Quang Bửu thành lập trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế (năm 1945). Từ năm 1945 cho đến khi thống nhất Tổ quốc năm 1975, ông là thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau năm 1975 cho đến cuối đời, ông tham gia các hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới.

Trong những năm 1976 – 1990, bằng tài năng và nhiệt huyết, ông đã đóng góp xứng đáng vào phong trào hòa bình của nhân loại tiến bộ, ngăn chặn chiến tranh hạtnhân.

Tấm Huy chương vàng Giôliô Quyri do Hội đồng Hòa bình Thế giới trao tặng cho ông đã nói lên điều đó.

Những hoạt động đóng góp của Luật sư Phan Anh đã được ghi nhận. Điển hình là ngày 2/3/1946, lúc 10h sáng, tại lễ công bố thành viên Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, khi giới thiệu thành phần Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một thanh niên trí thức và hoạt động mà quốc dân đã từng nghe tiếng – ông Phan Anh“.

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ cho gọi Luật sư Phan Anh đến Bắc Bộ phủ. Bác nói: “Chúng ta cần phải thành lập Chính phủ Liên hiệp nhằm đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động. Để thành lập Chính phủ Liên hiệp, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần giao cho những người ở vị trí trung lập. Tôi đề cử chú nhận nhiệm vụ quan trọng đó”.

Lúc đầu Luật sư Phan Anh thấy ái ngại, vì mình không được đào tạo chính quy về quân sự, vì thế, ông đã đề xuất với Bác cử Gs. Hoàng Xuân Hãn, một trí thức có cảm tình với cách mạng và đã từng học qua Trường quân sự cao cấp Polytechnique ở Paris làm nhiệm vụ này.

Bác không nhất trí, cố gắng thuyết phục và an ủi: “Chú đừng ngại, tuy chú đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng không phải tập trung công việc vào chuyên môn quân sự vì đã có chú Võ Nguyên Giáp. Nhiệm vụ của chú là tập trung vào vấn đề chính trị, nhằm đoàn kết trong ngoài”.

Cuối cùng, Luật sư Phan Anh đã nhận lời làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp (tháng 3/1946).

Đến tháng 7 năm 1946, Phan Anh được Chính phủ giao chức Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Trưởng đoàn là ông Phạm Văn Đồng) đi dự hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp.

Sau này, trong lời nhận xét của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đánh giá: “… Anh Phan Anh, người trí thức yêu nước đã một lòng đi theo con đường của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Romesh Chandra, cũng phải thốt lên: “Đồng chí Phan Anh là một người chỉ dẫn, người thầy giáo (là) một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng…”. Ngày 13 tháng 10 năm 1954, tại Sơn Tây, trong một cuộc họp Chính phủ trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Độc lập cho linh mục Phạm Bá Trực, đồng thời tặng phần thưởng cho một số cán bộ trong Chính phủ có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Riêng Tiến sỹ Phan Anh được Bác tặng chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, hiệu Movado có hình Bác Hồ.

Bác nói: “Với những đóng góp của chú trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong thời gian giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chú đã thực hiện tinh thần đoàn kết trong nước và quốc tế “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Nêu cao chính nghĩa vì độc lập, tự do của Tổ quốc… Chú xứng đáng được tặng phần thưởng này”.

Luật gia – luật sư Phan Anh không chỉ là một chính khách mà còn là một nhà hoạt động xã hội, xây dựng và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực pháp luật. Nổi bật là sáng kiến của ông sau Đại hội khóa III thành lập ủy ban Dân chủ – Pháp luật, một tổ chức tư vấn về pháp luật tập hợp các Luật gia nhằm tư vấn cho ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dân chủ và pháp luật.
Trong những năm cuối đời (1987 – 1990), cùng với Ban Dân chủ – Pháp luật mà ông là Trưởng ban, ông đã đóng góp ý kiến nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng Hình sự (1987), Pháp lệnh Tổ chức Luật sư (1987). Nhắc đến ông, người ta còn biết đến là một trong những người đầu tiên tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp nước ta năm 1946.

Luật gia – luật sư Phan Anh đặc biệt quan tâm đến việc tập hợp đội ngũ Luật gia Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng Nhà nước, trụ cột của hệ thống chính trị, công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc quan điểm của quần chúng, trong 35 năm lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam (1955 – 1990) trên cương vị chủ tịch Hội, ông đã góp phần quan trọng đưa Hội, một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của trí thức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật từng bước trưởng thành, lớn mạnh, vị thế ngày càng được nâng cao ở trong nước về trên trường quốc tế.

Có một điều còn ít người đề cập đến, luật sư Phan Anh còn là một nhà thơ ngoài Hội Nhà văn.

Đề tài và nội dung thơ ông khá đa dạng, thể hiện lòng yêu nước thiết tha, mong đất nước độc lập, kháng chiến thành công.

Kiến thức của ông khá rộng, cổ học kết hợp với tân học, vốn cổ học giúp ông hiểu được cái thâm thúy của thơ Đường. ông rất thú vị với câu kết của một bài thơ Bác Hồ tặng: “Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Trăng xưa nguyên chữ Hán là chữ “nguyệt” với chữ “cổ” ghép lại thành chữ Hồ, còn “hạc cũ” là đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất.

Ngoài ra, ông còn làm một số bài thơ và câu đối chữ Hán tặng Bác và tự dịch ra tiếng Việt. Có thể nói, thời gian du học ở Pháp không làm mờ được cái cốt cách nho học Việt Nam của ông. Thơ ông, nhiều bài viết về đề tài chính thời sự, lại mang chất trữ tình nên đọc không khô khan, nhàm chán, rất dễ đi vào lòng người.

Luật sư Phan Anh đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương vàng Vận động hoà bình thế giới.

 

https://pafoundation.org.vn/blog/bo-truong-quoc-phong-phan-anh.htm

 

 

Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ-Bộ Công An ngày nay-không đảng viên

 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 01/10/1876, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Giải nguyên năm Canh Tý (1900), đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904) năm 29 tuổi. Ông cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân lúc ấy. Năm 1908 Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo suốt 13 năm mới được trả tự do.

Sau khi được trả tự do, năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ và được bầu làm Viện trưởng Viện này. Trong 3 năm hoạt động ở viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường. Ngày 01/10/1928, trên diễn đàn Viện Dân biểu Trung kỳ, ông đã đọc bài diễn văn nổi tiếng. Sau này, ông chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille và từ chức Viện trưởng và nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ vì cho rằng mình đã “nhận lầm 4 chữ nhân dân đại biểu”.

Từ năm 1927 đến 1943, ông là người sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân tại Huế cho đến khi tờ báo này bị đình bản. Trước sau như một, Huỳnh Thúc Kháng luôn đề cao ánh sáng của nghĩa khí, trí tuệ và học vấn.

Cụ đã dùng báo Tiếng Dân để lên án những tệ đoan của xã hội đương thời và cổ súy những vấn đề mới.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an ngày nay).

Cụ cũng nhận lời làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thời gian này, cụ Huỳnh đã lãnh đạo Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn đặc biệt, trong đó có việc phá tan âm mưu phản động của bọn Việt quốc, Việt cách với vụ án “Ôn Như Hầu” nổi tiếng trong lịch sử. Sau hơn bốn tháng ở  Pháp, chiều ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội.

Sáng hôm đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đại biểu Trung ương xuống Hải Phòng đón Người và lên chuyến xe lửa đặc biệt về Hà Nội.

Hai ngày sau, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, trong đó có đoạn: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh – quyền Chủ tịch nước, sự săn sóc của Quốc hội, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều khó khăn, công việc kiến thiết đất nước cũng có nhiều tiến bộ…”.

Từ ngày 28/10 đến ngày 09/11/1946, Quốc Hội họp kỳ thứ hai tại Thủ đô Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Ban thường trực và Chính phủ nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị, quân sự ngoại giao, kinh tế, tài chính, nội vụ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng nhiều vị Bộ trưởng đã trả lời nhiều câu hỏi do các đại biểu Quốc hội nêu ra.

Ngày 03/11/1946, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu có lời tuyên bố trước Quốc hội: “như cụ Huỳnh, vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng tôi vì đại nghĩa mà lưu Cụ, Cụ cũng gắng ở lại… Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới”.

 Khoảng cuối tháng 11/1946, trên cương vị đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi kinh lý miền Trung Bộ. Đi đến đâu, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng cán bộ lãnh đạo địa phương đón tiếp chu đáo và tổ chưc mít tinh để cụ Huỳnh có điều kiện nói chuyện với nhân dân, giải thích đường lối kháng chiến và kiến quốc của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận động mọi người tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Đặc biệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn ca ngợi đạo đức và tài năng của Bác Hồ, khuyên mọi người triệt để thi hành lệnh của Người.

Đầu tháng 4/1947 vừa vào đến Quảng Ngãi thì cụ Huỳnh bị bệnh nặng.

Trước khi qua đời, trong những lời trối trăn với đại diện các đảng phái, cụ Huỳnh đã viết: “Mong anh em hãy thực hiện ngay đại đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc…”.

Ngày 14/4/1947, trong điện gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã viết: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng! Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc”….

Trong thư gửi đồng bào toàn quốc ngày 29/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời tốt đẹp nhất để đánh giá về cụ Huỳnh: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan… Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương ngời sáng về tinh thần yêu nước, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết.

Trong bài phát biểu tại lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có đoạn: “Cụ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bào Quảng Nam, của họ Huỳnh xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước nói riêng. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hoá, chí sĩ yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo”.///

 

Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên, không đảng viên cộng sản

Hôm nay 16-9-2019, lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-2019) đã được tổ chức trang trọng tại Hà Nội.

Trong chính quyền cách mạng, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ: Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi nhận lời làm Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn là một vị quan Triều Nguyễn, học rộng tài cao, thanh liêm chính trực, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình. Cụ Bùi Bằng Đoàn giữ nhiều chức quan khác nhau, ở đâu ông cũng được nhân dân kính trọng.

Năm 1945, sau khi lãnh đạo cách mạng thành công, thành lập “Nhà nước Việt Nam mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức tập hợp nhân tài, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đích thân viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra giúp nước, Hồ Chủ tịch tha thiết:

“Thưa Ngài,

Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư”.

Tại diễn văn kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cụ là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo mẫn cán của Chính phủ, người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ Việt Nam với tinh thần vì nước vì dân, xả thân vì nghĩa lớn.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc lại tấm gương thanh liêm chính trực của bậc danh nho chân chính Bùi Bằng Đoàn trong triều đại phong kiến: “Ngay giữa công đường cụ cho treo bảng ‘Không nhận quà biếu’ và yêu cầu người nhà không được nhận quà biếu”.

Điểm lại quá trình tham gia chính quyền cách mạng của Cụ Bùi Bằng Đoàn, từ lúc nhận lời làm Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, đến khi được Quốc hội Khoá I (tại kỳ họp thứ 2) bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (thay Cụ Nguyễn Văn Tố), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo tấm gương làm việc tận tụy, không màng danh lợi của cụ Bùi Bằng Đoàn.

Tri ân sự cống hiến lớn lao của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với nhân dân và Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh rằng việc mời nhân sĩ Bùi Bằng Đoàn ra giúp nước đã phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LÊ KIÊN

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên, luật sư Vũ Trọng Khánh, không đảng viên cộng sản

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên, không đảng viên cộng sản, cụ Vũ Trọng Khánh sinh năm 1912, tuổi Nhâm Tý, (các giấy tờ khác vẫn thường ghi cụ sinh năm 1913) trong một gia đình tiểu thương ở Hà Nội. Quê cụ ở làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội).

Cụ theo học ở Trường Lyceé Albert Sarraut, và đã sớm chịu ảnh hưởng từ các phong trào yêu nước như đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học khởi xướng…

Sau khi đỗ tú tài ở Trường Lyceé Albert Sarraut, cậu học trò Vũ Trọng Khánh theo học Trường Đại học Luật Đông Dương.

Thời gian học trường luật, anh quen các sinh viên Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe… đặc biệt Vũ Trọng Khánh rất mến phục anh Nguyễn Thế Rục (người chiến sĩ Cộng sản đã từng học tại Trường Đại học Phương Đông Stalin ở Liên Xô) nên đã tham gia tổng hội sinh viên yêu nước. Thời kỳ Mặt trận bình dân (1936-1939), Vũ Trọng Khánh theo nhóm làm báo Le Travail (Báo Lao động) đón phái đoàn Godard ở Hà Nội, tham gia vào các tổ nghiên cứu Mác xít và tổ thanh niên dân chủ, gồm có các chiến sĩ Cộng sản như đồng chí Đào Duy Kỳ (Bí thư Thanh niên), Vũ Đình Huỳnh, Phan Tư Nghĩa, Huỳnh Văn Phương…

Đỗ cử nhân Luật (1936), dù thừa điều kiện ra làm một chức Tri phủ, Tri huyện, như mong muốn của ông cụ thân sinh, nhưng Vũ Trọng Khánh đã đi con đường riêng của mình, làm thư ký cho luật sư Laubies người Pháp tại Hải Phòng.

Năm 1941 được làm luật sư tập sự… và thêm bốn năm sau, mới được cử làm luật sư chính thức. Nhưng trong thời gian tập sự, ông đã được luật sư Laubies giao quyền thay mặt mình để tranh tụng trước tòa nhiều vụ án.

Với tài hùng biện của mình, luật sư Vũ Trọng Khánh nhanh chóng được sự mến mộ của nhân dân Hải Phòng. Vì vậy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, luật sư Vũ Trọng Khánh đã ra làm Thị trưởng TP Hải Phòng.

Trong Hồi ký “Tôi làm Thị trưởng Hải Phòng” cụ Vũ Trọng Khánh viết:

“Lý do cấp bách tôi phải nhận làm Thị trưởng là sau khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương; công chức và nhân dân tụ tập, bàn tán, nghe ngóng, không ai cầm đầu.

Viên lãnh sự Nhật Nô-mi chịu trách nhiệm hành chính thực ra chẳng biết làm gì, quân đội và hiến binh Nhật nắm chặt an ninh.

Những tên Việt gian tống tiền; dịch vụ hốt rác đổ thùng phân trì trệ, nước, điện chập chờn… Không có người lương thiện ra nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương chạy chọt sẽ nhảy vào ghế Thị trưởng để dựa vào Nhật làm hại dân. Nhất thiết tôi phải nắm ngay ghế Thị trưởng”.

Sau một tháng làm Thị trưởng Hải Phòng, chiếm lĩnh các cơ quan, chiếm lĩnh ngân hàng, nắm lấy cảnh sát, trại giam, bảo an binh, thả tù chính trị là Việt Minh, ngăn cản bọn thân Nhật mở sòng bạc, đôn đốc điện, nước, vệ sinh hơn thời gian Pháp thuộc… cụ Vũ Trọng Khánh đã bàn giao lại chính quyền thành phố cho mặt trận Việt Minh.

Chủ quyền nhanh chóng trở về trong tay quần chúng nhân dân Hải Phòng mà không phải mất một viên đạn, một giọt máu!

Ngày 23/8/1945, trong lễ ra mắt UBND cách mạng lâm thời thành phố trước cửa Nhà hát lớn Hải Phòng, luật sư Vũ Trọng Khánh được cử làm Ủy viên Hành chính (tương đương chức vụ Thị trưởng thành phố).

“Ba hôm sau được điện của anh Võ Nguyên Giáp mời tôi lên Thủ đô nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày (2/9/1945 – 2/3/1946) nhưng Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.

Ngày 20/9/1945, trong Sắc lệnh số 34, về việc lập một Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Vũ Trọng Khánh là một trong bảy thành viên của Ủy ban gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy – tức vua Bảo Đại thoái vị, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu – tức Tổng Bí thư Trường Chinh.

Trên cương vị Bộ trưởng, ông đã trình và được chính phủ duyệt bốn văn bản tư pháp nền tảng quan trọng: Sắc lệnh số 4 ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn luật sư; Sắc lệnh số 53 ngày 20/10/1945 về quy định quốc tịch Việt Nam; Sắc lệnh số 13 ngày 21/1/1946 về tổ chức các tòa án thường và ngạch thẩm phán; Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 về tổ chức tòa án quân sự.

Vũ Trọng Khánh là vị Bộ trưởng Tư pháp rất mềm dẻo. Trong Hồi ký của mình, cụ Vũ Đình Hòe đã dẫn lại lời tâm sự của cụ Lê Giản (nguyên Giám đốc Nha Công an Trung ương):

“Mấy tháng cuối năm 1945, thời gian Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Tư pháp, quân lính mình bắt giam bừa bãi bọn Việt quốc, Việt cách (chúng cũng quậy lắm cơ, ỷ vào quân Tàu Tưởng); Vũ Bộ trưởng (nguyên luật sư có khác, khôn khéo, mềm dẻo) tự thân sang giảng giải phải trái, lợi hại, bầy cho mưu mẹo hợp thức hóa.

Nhờ vậy, không những mình làm “được việc” mà còn học thêm được những bài cơ bản về pháp lý Công an tư pháp (police judi ciaire)”. (Vũ Đình Hòe: Hồi ký – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004, trang 839).

Từ khi quân Tàu Tưởng sang Việt Nam, thực hiện âm mưu “Hoa quân nhập Việt”, bọn phản động núp dưới bóng của chúng ra sức phá hoại chính quyền cách mạng non trẻ.

Chúng dùng nhiều thủ đoạn để hòng giành lấy các ghế Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.

Tại Bộ Tư pháp, một số nhân viên, đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, tìm cách vận động lật đổ Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh để giành lấy cơ quan chuyên chính này.

Vì vậy, để ngăn chặn bàn tay độc hại của chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời các vị nhân sĩ, trí thức yêu nước không đảng phái, ra làm Bộ trưởng. Ngày 2-3-1946, khi thành lập chính phủ chính thức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được cử sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay luật sư Vũ Trọng Khánh.

Mặc dù không còn làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, luật sư Vũ Trọng Khánh vẫn được Hồ Chí Minh tín nhiệm ký Sắc lệnh cử làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ (nay là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 4 tháng 6 năm 1946, luật sư Vũ Trọng Khánh được cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh cử làm Cố vấn Phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Phong-ten-nơ-blo.

Trong suốt thời gian chín năm kháng chiến chống Pháp, cụ làm Giám đốc Tư pháp Liên khu 10 (gồm sáu tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên…), Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý, Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp, tổ chức toà án, phổ biến tư tưởng tư pháp mới, đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, đào tạo cán bộ tư pháp, đồng thời tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp quy cho hệ thống luật chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiệp định Genève, được ký kết năm 1954, cụ Vũ Trọng Khánh về tiếp quản Hải Phòng (tháng 5/1955), giữ chức Ủy viên hành chính (tháng 8/1955 – tháng 12/1956), Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hải Phòng thường trực quản lý Hành chính, Văn hóa xã hội và Nhà đất (tháng 12/1956 – tháng 4/1961), Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng ban Vận trù học, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng… cho đến khi nghỉ hưu năm 1977.

Ghi nhận những thành tích của cụ, Nhà nước ta đã tặng thưởng cụ Vũ Trọng Khánh Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (21/4/1961), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất (20/12/1986) và Huân chương Hồ Chí Minh (31/3/1994).

Trong lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi luật sư Vũ Trọng Khánh – Giám đốc Tư pháp Liên khu 10, tháng 5/1948, sau khi chia sẻ nỗi buồn về sự ra đi của cụ bà thân sinh luật sư, Người viết: “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo.

Nhưng sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau”. Người xưa có câu “Ngôn hành tương cố”, lời nói đi đôi với việc làm, cuối đời, cụ Vũ Trọng Khánh ngẫm lại:

“Tôi không ham mê quyền lợi riêng tư, danh vọng, địa vị trong xã hội Việt Nam mình, càng không thể nghĩ đến danh tiếng ra ngoài nước, không ham vơ vét cho mình, nhất là làm hại người khác. Tôi sẵn sàng sống nhường nhịn, nhũn nhặn, ẩn lánh”…

Ngồi cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, tôi được nghe ông kể: “Thời kháng chiến chống Mỹ đi sơ tán vất vả, bốn anh em chúng tôi đều đi công tác xa hết có ai ở nhà đâu, bao nhiêu người giúp hai cụ từ chỗ ăn chỗ ở.

Thời bao cấp rất khó khăn, xếp hàng mua gạo, mua dầu hỏa… cũng có một thanh niên tự nguyện làm hết cho cụ ông, cụ bà.

Trong nhà hai cụ từ cái máy bơm hỏng họ vào sửa giúp. Khi cụ vào trong Nam mua được một bộ động cơ điện, đem ra Hải Phòng, cụ chế thành máy xay bột trẻ em.

Bao nhiêu năm thời bao cấp cụ sống bằng công việc này, thì ai chế tạo máy cho cụ? Ai sửa chữa cho cụ khi máy hỏng hóc, hay xảy ra sự cố?

Tất cả là nhân dân Hải Phòng quý mến hai cụ đến giúp. Họ đến xay bột mà thấy máy hỏng là họ tự sửa lấy.

Nhân dân Hải Phòng quý mến hai cụ như vậy. Đó mới là phần thưởng lớn nhất, phần thưởng vô giá mà con cháu chúng tôi còn không làm được”.

 

https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Bo-truong-Bo-Tu-phap-dau-tien-cua-nuoc-ta-i169138/

Chủ tịch Hà Nội đầu tiên, bác sỹ Trần Duy Hưng, không đảng viên cộng sản

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 trong một gia đình trung lưu ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Học cùng lớp với các bác sĩ: Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Ngữ… năm 30 tuổi, Trần Duy Hưng đã là một bác sĩ đa khoa giỏi.

Với sự trợ giúp của người em gái, ông mở một bệnh viện ở phố Thợ Nhuộm. Là người tham gia phong trào “Hướng đạo sinh” từ rất sớm, nên trước ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, bệnh viện của bác sĩ Trần Duy Hưng là cơ sở bí mật của cách mạng.

Sau ngày 2-9-1945 khoảng một tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng Hà Nội.

Bác sĩ đã “cảm ơn Cụ Chủ tịch” và “đề nghị chọn người khác xứng đáng hơn” với lý do mình “chỉ biết khám, chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo”. Bác Hồ đã động viên: Ðiều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ.

Ðược cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng luôn ở bên Bác Hồ, cùng các đồng chí trong Thành ủy, Ủy ban Hành chính tập hợp các thành phần yêu nước bảo vệ thủ đô.

Năm 1947, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tới đầu năm 1954 được điều sang làm Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tháng 10-1954, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu đại quân tiến vào tiếp quản thủ đô. Một lần nữa, Bác Hồ yêu cầu bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thủ đô (sau này là UBND).

Ông đã đảm nhiệm trọng trách này cho đến lúc về hưu (năm 1977). Tính ra, ông là Chủ tịch UBND thành phố liên tục 23 năm. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ khóa I đến khóa VI.

Những ngày thủ đô mới giải phóng, công cuộc xây dựng, cải tạo thành phố thật bộn bề. Chính quyền phải lo chỗ ăn ở cho người dân, sắp xếp bộ máy quản lý, đặt tên phố phường… Nhớ lại những ngày cách mạng sôi nổi ấy, nhiều người vẫn nhắc hình ảnh các đồng chí lãnh đạo thành phố, trong đó có bác sĩ Trần Duy Hưng luôn sâu sát cơ sở, đến các nhà máy, trường học, thăm những người nông dân, tham gia các phong trào lao động.

Có những đêm, một mình ông đi kiểm tra các điếm canh đê, đề phòng nước lũ lên.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thủ đô Hà Nội cùng cả nước hướng về miền nam, dồn sức người, sức của chi viện cho chiến trường. Hàng nghìn con em Hà Nội nô nức lên đường nhập ngũ. Bác sĩ Trần Duy Hưng luôn có mặt, động viên anh em chiến sĩ.

Ông có mặt ở hầu hết các hoạt động của thủ đô. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội.

Nhiều bệnh viện, trường học, khu dân cư bị bom Mỹ hủy diệt. Trong những ngày chiến đấu anh dũng, đau thương ấy, nhân dân luôn nhớ đến bác sĩ Trần Duy Hưng.

Ông xuống từng khu phố, thăm hỏi nhân dân, tham gia dập lửa cùng đội chữa cháy và các chiến sĩ tự vệ, cùng anh em chôn cất những người đã hy sinh. Hình ảnh bác sĩ gắn liền với biết bao sự kiện của thủ đô trong những năm tháng ấy.

Ðồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: Bác sĩ Trần Duy Hưng là người luôn được dân yêu mến. Là một trí thức cách mạng, bác sĩ luôn năng nổ, nhiệt tình, tác phong giản dị, gần quần chúng, sống đức độ, nhân ái, có nhiều cống hiến cho sự phồn vinh của thủ đô và đất nước.

Là lãnh đạo thành phố Hà Nội hơn hai mươi năm, bác sĩ Trần Duy Hưng đã có nhiều cống hiến cho thủ đô. Ông là người cụ thể, chi tiết và quyết đoán trong công việc. Kỹ sư Lê Tâm, Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Xây dựng, ÐH Bách khoa nhớ lại, khoảng năm 1968, trong một lần cùng nhau đi bộ trên đê sông Hồng, bác sĩ Trần Duy Hưng tỏ ý băn khoăn, vì sao Hà Nội, về cơ cấu kiến trúc tổng thể lại quay lưng về phía sông Hồng.

Vì sao chúng ta chưa mạnh dạn làm mới thủ đô bằng cách để con sông Hồng to rộng kia thật sự trở thành một thực thể của Hà Nội, cho đúng với tên gọi thủ đô ta và cũng là nâng tầm một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Vinh dự được nhiều năm sống và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng là người có tác phong gần gũi với nhân dân lao động. Những người từng giúp việc cho bác sĩ Trần Duy Hưng kể lại: Ông luôn trực tiếp viết các bài diễn văn, dự thảo báo cáo quan trọng mà không yêu cầu thư ký. Ngoài việc chủ trì, tham dự các cuộc họp, ông tận dụng thời gian để tiếp dân bất kể lúc nào.

Tiếp dân trong giờ hành chính tại công sở, nhiều buổi tối, ngày nghỉ, ông tiếp dân tại nhà riêng… Người con trai út của bác sĩ hiện còn lưu giữ hàng chục cuốn sổ tay với bút tích của ông ghi chép cụ thể, tỉ mỉ từng người, từng việc, ngày, tháng, năm ông tiếp dân, nghe phản ánh, kiến nghị ra sao và cách giải quyết của ông về vụ việc cụ thể như thế nào.

Bác sĩ Trần Duy Hưng viết chữ đẹp. Ông có thói quen dùng bút máy mực xanh hoặc đen để ghi nội dung chính. Bên lề thường có chữ mực đỏ ghi kết quả giải quyết.

Những người được gặp bác sĩ Trần Duy Hưng, thường có những ấn tượng khó quên. Về thôn quê, hay tới nhà máy, gặp ai, ông đều chào trước. Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến ông, nhiều người không kìm được xúc động.

Bởi ông là một trí thức cách mạng, một người Hà Nội mẫu mực, suốt đời sống vì mọi người. Sinh thời, bác sĩ Trần Duy Hưng có thói quen chiều 30 Tết nào cũng chuẩn bị một túi quà, đợi người công nhân quét rác cuối cùng đến thu gom thì tặng túi quà đó. Nét đẹp này, sau gần 20 năm ông đi xa, các con cháu trong gia đình ông vẫn duy trì.

Ngày bác sĩ qua đời, trong lễ tang, có một anh nông dân cầm thẻ hương năn nỉ ban tổ chức xin vào viếng. Anh quê ở Sóc Sơn.

Mười mấy năm trước, trong một lần bà cụ thân sinh của anh ra thăm Hà Nội, đến vườn hoa cạnh hồ Hoàn Kiếm không may bị rơi hết hành lý, tiền bạc. Ðang lúc cụ bà trình báo với anh công an thì bác sĩ Trần Duy Hưng đi qua. Ông dừng xe, lắng nghe rồi biếu bà cụ ít tiền, bảo anh công an lái xe đưa bà cụ đến bến xe khách.

Về đến quê, bà cụ gọi con cháu lại dặn rằng: Ông Chủ tịch thành phố là người tốt. Khi nào ông mất, nhất định phải thay bà đến thắp nén nhang và lạy tạ vong linh ông. Nhớ lời mẹ dặn, vừa nghe tin, anh nông dân dừng việc cấy cày, khăn gói về thủ đô…

Ðể tưởng nhớ công ơn một trí thức yêu nước suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, gần dân, thương dân và liêm khiết, có nhiều cống hiến to lớn trong lãnh đạo nhân dân thủ đô, năm 1999, HÐND thành phố quyết định đặt tên ông cho đường phố đẹp và hiện đại ở cửa ngõ phía tây thủ đô: đường Trần Duy Hưng.

PHONG LINH

 

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/vi-chu-tich-ubnd-thanh-pho-dau-tien-cua-ha-noi-419392/

 

Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai đại thần triều Nguyễn, không đảng viên

(Theo báo Công an)

Tôi về làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội để tìm dấu tích cụ Phan. Qua thăm nhà thờ Phan tộc, nhà thờ họ Phan Kế, tôi được nghe người dân ở Đường Lâm kể đất này xưa thường trồng dưa hấu, dưa gang. Khi kinh tế thế giới khủng hoảng, Đại chiến thế giới lần thứ 2 sắp xảy ra, dưa hấu, dưa gang của Đường Lâm bán rẻ như cho.

Thương dân làng, cụ Phan Kế Toại nghĩ phải tính kế lâu dài chứ không thể chỉ trợ cấp theo thời vụ! Cụ đã bàn với chức dịch trong làng đi đón một người thợ ở vùng Chuông (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông – nay là Hà Nội) về dạy cho dân làng cách làm nón lá, áo tơi lá. Từ đường họ Phan trở thành lớp học dạy nghề hàng ngày, người ra người vào học nghề nhộn nhịp.

Khi người dân trong làng đã có tay nghề, cụ Phan đứng ra xin “cô-ta” của nhà máy sợi Nam Định về cho dân làng dệt gia công. Từ cảnh đìu hiu đói kém, Đường Lâm bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Người dân Đường Lâm tranh nhau để có “bông” (tức thẻ nhận sợi). Nhờ có “bông” là có sợi, có sợi là có hàng, có tiền. Dù hiện nay kinh tế địa phương đã có nhiều thay đổi, dân làng Mông Phụ đời trước nhắc đời sau vẫn nhớ ơn của cụ Phan Kế Toại từng mang nghề dệt về làng.

Tư liệu gia phả của dòng họ Phan Kế ở Đường Lâm viết: “Làng ta có câu đồng dao rằng: “Cụ Tú thì lắm con trai; Con đỗ Tú tài, cháu đậu Cử nhân; Nhà cụ phúc đức muôn phần…” vẫn còn truyền tụng đến ngày nay”.

Cụ Tú ở đây là cụ Phan Công Chấn – người khai khoa cho dòng họ Phan làng Đường Lâm – cụ cố nội của Phó Thủ tướng Phan Kế Toại. Năm Kỷ Mão (1879) đời Vua Tự Đức, cháu nội cụ Phan Công Chấn là Phan Kế Tiến 23 tuổi thi đỗ Cử nhân, đứng thứ 3 trong 40 vị của khoa thi. Năm sau, 1880, cụ vào thi Hội, tuy không đỗ nhưng xét điểm khá cao nên được triều đình Huế bổ làm Tri huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Đường hoạn lộ của cụ có những gập ghềnh. Đầu năm 1914, cụ làm Tuần phủ tỉnh Nam Định. Năm sau làm Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Tháng 3 năm 1916 cụ về trí sĩ. Con trai cụ là Phan Kế Toại nối nghiệp học hành của cha, từng sang Paris học tập, khi trở về nước cũng từng làm Tuần phủ tỉnh Phúc Yên.

Xuất thân trong một gia đình quan lại, là con thứ 3 cử nhân Phan Kế Tiến, từ nhỏ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp).

Năm 1914, trở về nước và được bổ nhiệm làm quan với chức Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây, con đường quan lộ hanh thông, là người có danh vọng trong giới quan trường, Phan Kế Toại làm tri huyện, tri phủ, rồi tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Ở đâu, Phan Kế Toại cũng trọng chữ “Liêm chính”, “An dân”, lấy đạo nghĩa nhân làm gốc.

Noi theo nếp nhà, cụ Phan Kế Toại nhớ đến lời cụ Phan Kế Tiến dặn dò trong Tộc phả họ Phan: “Cái thân ta này phủ ngưỡng không đến nỗi thẹn thò, ở trong gia tộc xiết bao lòng hiếu kính, khi ra mới nước, với thiên hạ mà tâm hanh hành hữu thưởng, con cháu chúng bay, chẳng cũng vinh hiển ru? Gia môn chẳng cũng cao đại ru? Người trước gây ra, con cháu sau nối đó, chấp nối mãi vào, lần dài ra chẳng bỏ, có đức dày lưu hậu được sáng láng, ơn nước phúc nhà, trường cửu như là trời đất vậy”.

Thương dân dân lập bàn thờ

Có người cho rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chính quyền thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng Nam triều bị lật nhào, con đường quan lộ của Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại những tưởng… “đứt gánh”. Vậy mà, nhờ chính sách đoàn kết và trọng dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cụ Phan Kế Toại được “thỏa chí tang bồng”.

Vì sao cụ Phan Kế Toại, một vị Khâm sai đại thần Bắc Bộ trong Chính phủ Trần Trọng Kim dưới thời phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam, một vị Tổng đốc tỉnh Thái Bình dưới thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam lại được Chính phủ tín nhiệm giao trọng trách ở một bộ quan trọng như Bộ Nội vụ? Đó là tài cao và đức trọng cùng tiếng thơm “liêm chính”, “an dân” khi cụ Phan Kế Toại đứng đầu các địa phương.

Trong sách “Lịch sử Đảng bộ thị xã Thái Bình (1927 – 2000)” có ghi, khi Mặt trận Việt Minh tỉnh Thái Bình chuẩn bị xin phép thành lập Chi hội Truyền bá Quốc ngữ tỉnh Thái Bình, Tổng đốc Phan Kế Toại ủng hộ. Theo đánh giá của Đảng bộ tỉnh Thái Bình, được chính quyền đương thời cho phép và đỡ đầu các hoạt động Truyền bá Quốc ngữ không bị sở mật thám làm khó dễ và việc sử dụng các trường học mở các lớp học buổi tối dạy chữ cho người lao động được dễ dàng thuận lợi.

Danh tiếng của Tổng đốc Phan Kế Toại còn được thể hiện rõ hơn vào đầu năm 1945 khi nạn đói mới chớm xuất hiện ở tỉnh Thái Bình. Ngày 27/4/1945, Hoàng đế Bảo Đại ra đạo dụ bổ Tổng đốc Thái Bình Phan Kế Toại làm Khâm sai đại thần Bắc Bộ. Trong dịp nhân dân trong tỉnh chia tay Tổng đốc Phan Kế Toại về Hà Nội, Mặt trận Việt Minh yêu cầu và “ông đã nhất trí bỏ thêm 100 tấn gạo để cứu tế cho nhân dân”.

Sinh thời, Thủ tướng Phan Văn Khải đã được chứng kiến lòng dân nơi cụ Phan Kế Toại làm quan ngày xưa. Một lần về Thái Bình công tác, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận được một lá thư kèm theo hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà Phan Kế Toại do một gia đình nông dân Thái Bình chuyển đến. Nội dung lá thư viết:

“Kính thưa ông, tôi bây giờ đã già, không thờ các cụ được bao lâu nữa. Vậy tôi nhờ Thủ tướng chuyển giúp hai tấm chân dung này cho con cháu cụ Phan Kế Toại để làm lưu niệm… “.

Cuối lá thư ký tên: Hoàng Văn Khảm, địa chỉ hiện nay số 2 ngõ 279 phường Niệm Nghĩa – Quận Lê Chân, Hải Phòng.

Qua nội dung lá thư cho thấy, gia đình này đã thờ hai cụ từ những năm Tổng đốc Phan Kế Toại làm quan tại Thái Bình. Khi ông Khảm về sinh sống ở Hải Phòng vẫn mang theo để thờ. Đến đầu năm 2000, có lẽ nhân dân nghĩ rằng Thủ tướng họ Phan, là hậu duệ của cụ Phan Kế Toại chăng nên mới nhờ con cháu ở Thái Bình thực hiện lời dặn dò của ông Khảm. Hai năm sau, tháng 2/2002, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao ảnh tận tay họa sĩ Phan Kế An (con trai trưởng cụ Phan Kế Toại) hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà mà gia đình ông Hoàng Văn Khảm đã phụng thờ.

“Thương dân dân lập đền thờ”. Cụ Phan Kế Toại tuy chưa được lập đền thờ nhưng người làm quan địa phương mà được nhân dân tự nguyện lập bàn thờ để thờ tự trong nhà như cụ Phan Kế Toại hình như đến nay chưa thấy người thứ hai. Và nhìn lại đất nước ta trong tiến trình lịch sử 75 năm qua, Đảng chủ trương đánh đổ phong kiến mà dân vẫn tự nguyện thờ phụng một quan đại thần phong kiến thì có lẽ ước đoán được đức độ cùng sự thanh liêm của cụ Phan Kế Toại ra sao! Đời làm quan mấy ai được như vậy?

Các quan đại thần hội ngộ trùng phùng

Một dịp trò chuyện cùng ông Phan Kế Hoàng, cháu nội cụ Phan Kế Toại, tôi có đặt câu hỏi hành trình của cụ Phan Kế Toại lên Chiến khu Việt Bắc ra sao?

Theo một số tư liệu viết lại, đầu năm 1947, cụ Phan Kế Toại nhận được lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Phan Kế Toại lên chiến khu tham gia việc nước. Thời điểm đầu năm 1947 tuy chưa được chính xác là tháng nào, song có thể ước đoán là cuối tháng 4, sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng – Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Nam Trung Bộ đã từ trần tại tỉnh Quảng Ngãi (ngày 21/4/1947). Ba ngày sau, ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) – Thứ trưởng Bộ Nội vụ gặp tai nạn bất ngờ, qua đời tại Tuyên Quang.

Việc điều hành Bộ Nội vụ sau đó được giao cho cụ Tôn Đức Thắng làm Bộ trưởng và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thứ trưởng. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Nội vụ lúc này cần là người am hiểu về công tác hành chính để xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, dù là thời chiến.

Hoạt động hành chính yêu cầu phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận thấy cần phải mời được cụ Phan Kế Toại tham gia giúp Chính phủ trong lúc khó khăn này.

Ông Phan Kế Hoàng cho biết, khi đó, cụ Phan Kế Toại đang sống tại nhà một người tá điền của mình ở Thanh Lũng (Sơn Tây). Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phan Kế Toại đã mau chóng lên đường. Đường lên “Thủ đô gió ngàn” ngày ấy thật gian nan. Cụ Phan ngồi thuyền, cưỡi ngựa, khi phải đi bộ, khi ngồi xe trâu, thậm chí có lúc còn phải cưỡi … trâu!

Cuối cùng, quan Khâm sai đại thần năm nào đã hiện diện tại An toàn khu. Điều thú vị là tại Chiến khu Việt Bắc đã có cuộc hội ngộ trùng phùng của các đại thần nhà Nguyễn năm nào: cụ Bùi Bằng Đoàn – cựu Thượng thư Bộ Hình, cụ Vi Văn Định – cựu Tổng đốc Hà Đông và cụ Phan Kế Toại…

 

Lời bình của daivietnam.com:

Khi nào nước Việt Nam ta lại có các vị bộ trưởng, phó thủ tướng, chủ tịch Hà Nội không đảng viên, như thời chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống?

Khi nào nhỉ ?///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.