Việt Nam ta nên khiêm tốn học hỏi Trung Quốc về kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội

W.Minh Tuan

Nước Trung Quốc từ tháng 2 năm 2011, có GDP 5700 tỷ đôla, lớn thứ hai thế giới, giành lấy vị trí mà người Nhật chiếm giữ suốt 43 năm. Và hết năm 2022, GDP của họ là 11.000 tỷ USD. Dân số của Trung Quốc là hơn 1,3 tỷ người, gấp khoảng 15 lần nước ta, nhưng GDP hơn gấp 50 lần ta (ta khoảng hơn 300 tỷ đôla năm 2022), và thu nhập bình quân đầu người gấp ta hơn 4 lần. Ngân sách quốc phòng của họ năm 2022 khoảng 130 tỷ đôla, của ta khoảng 4 tỷ đôla.

Năm 2003, GDP của Trung Quốc mới chỉ là 1400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 1000 USD/ năm. Chỉ sau gần 8 năm, đến năm 2011, GDP của họ đã tăng hơn 3 lần. Và thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của họ đã là 4000 đôla/ năm. GDP của TQ năm 2022 là 11.000 tỷ USD,  thu nhập bình quân đầu người là 9.000 USD, gấp 4 của ta.

Tốc độ tăng trưởng của họ luôn trên 8% /năm.

Rất đáng khâm phục.

Và về công nghiệp quốc phòng của họ thì thực sự kinh ngạc. Súng bộ binh, máy bay, đại bác, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo,,,họ đều tự sản xuất được, với công nghệ khá tinh vi.

Trung Quốc làm đường sắt cao tốc, thất bại, lại làm lại, và bây giờ họ khá thành công. Họ dám làm công nghệ hiện đại nhất thế giới. Và có làm thì có sai, có thất bại. Nhưng “thất bại là mẹ thành công”, Cụ Hồ cũng đã dạy cho người Việt Nam ta như vậy.

Đầu năm 2016, Trung Quoc mới ký hợp đồng với Tây Ban Nha, làm đường sắt cao tốc nối Trung Quốc và Tây Ban Nha, dài trên 15.000 km, là hệ thống đường sắt dài nhất thế giới, đi qua hơn chục nước.

Rất đáng tự hào. Còn Quốc Hội Việt Nam của Việt Nam ta thì bác bỏ làm đường sắt cao tốc.

Anh hùng thế.

Một dân tộc 3 lần đánh tan quân Nguyên, thắng Minh, thắng Thanh, dám đánh Pháp, và thắng Pháp. Dám đánh Mỹ, và thắng Mỹ. Thắng Polpot ở biên giới phía Nam, thắng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

Thế mà nay dân tộc Việt Nam anh hùng đó sợ không dám làm đường sắt cao tốc, mà lại còn lớn tiếng chê cười người khác làm đường sắt cao tốc.

Người Pháp, cách đây hơn 100 năm, đã dám quyết định làm đường sắt ở Việt Nam ta, khi đó, kinh tế Việt Nam hầu như chưa có gì, khách đi tầu chủ yếu là mấy bà bán gạo, bán chuối, bán gà, vịt,,,.

Thế nhưng chỉ ít năm sau, chính hệ thống đường sắt đó làm cho kinh tế Việt Nam phát triển, và khi Nhà nước Cộng sản của ta quản lý đất nước, cái hệ thống đường sắt đó thật vô cùng có ích.

Nếu người Pháp 100 năm trước cũng đắn đo, run sợ như Quốc Hội anh hùng của ta ngày nay, thì có lẽ bây giờ ta cũng chưa có đường sắt đâu.

Người Nhật cũng giống người Trung Quốc, hồi đầu họ cũng chỉ đi cóp nhặt công nghệ, và thất bại không ít. Nhưng người Nhật âm thầm, nhẫn nhục, với quyết tâm sắt đá, không sợ thất bại, nên người Nhật đã thành công. Và bây giờ, người Nhật đang âm thầm theo dõi người Trung Quốc thất bại đôi chút trong hệ thống đường sắt cao tốc, và người Nhật đang thực sự lo lắng.

Đó chính là nguyên nhân khiến cho Trung Quốc phát triển vượt bậc, cả thế giới đang phải kính nể.

Nên nhớ vào năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu đổi mới, họ còn thua kém ta về đủ mọi thứ. Cách mạng văn hóa, và chiến dịch Toàn dân làm gang thép của Mao Trạch Đông trong suốt hơn 10 năm đã làm cho họ kiệt quệ. Khi đó, GDP của họ chỉ hơn 300 tỷ đôla, dân số 800 triệu, thu nhập bình quân đầu người của họ khi đó còn kém ta.

Thế mà, giờ đây, sau hơn 40 năm, họ và ta đã khác nhau một trời một vực.

Trong chiến tranh với người Mỹ trước đây, ta cũng thua kém Mỹ đủ đường, nhưng ta có cả phe Xã hội chủ nghĩa đứng sau, ủng hộ mọi vật tư chiến tranh, vũ khí miễn phí, thậm chí cả đường, sữa, bột mì, quần áo,,,.

Nay, ta đơn thương độc mã, tự đi mua vũ khí tất cả, không có ai viện trợ cho không ta nữa.

Muốn đối phó với Người Bạn Nhớn, trước tiên, ta hãy khiêm tốn học hỏi cái hay của họ, sau đó, hãy nói tới đối phó với họ.

Cái hay của họ trong phát triển đất nước là cái gì?

Đầu tiên, năm 1980, Trung Quốc thành lập 5 Đặc khu phát triển kinh tế, là Thẩm Quyến (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng ta đã đi thăm Thẩm Quyến ngày 14 tháng 10 năm 2015), Châu Hải, Sán Đầu, của tỉnh Quảng Đông, Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến và Hải Nam.

Sau đó, năm 1984, Trung Quốc mở cửa tiếp 14 thành phố ven biển, trở thành các thành phố “mở cửa”, là: Đại Liên, Tần Hoàng Đảo, Thiên Tân, Yên Đài, Thành Đảo, Liên Vân Cảng, Nam Thông, Thượng Hải, Ninh Ba, Ôn Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Trạm Giang, và Bắc Hải.

Năm 1985, Trung Quốc xây dựng tiếp các Khu kinh tế “mở cửa”, là vùng châu thổ sông Trường Giang, vùng châu thổ sông Châu Giang, vùng châu thổ miền Nam Phúc Kiến, Bán đảo Sơn Đông, Bán đảo Liêu Đông, tỉnh Hà Bắc, và Khu tự trị Quảng Tây, hình thành một vành đai kinh tể mở ven biển.

Từ năm 1992 đến nay, Trung Quốc lại mở cửa tiếp các khu kinh tế “mở” trong đất liền, xây dựng 15 Khu Ngoại quan, 49 Khu Phát triển kinh tế kỹ thuật cao cấp Nhà nước, và 53 Khu Phát triển Công nghiệp kỹ thuật cao cấp địa phương.

“Khu kinh tế mở”, “Đặc khu kinh tế” là gì?

Là khu vực có chính sách cởi mở, thông thoáng, mức thuế thấp, thủ tục hành chính đơn giản, luật pháp không hà khắc, môi trường kinh doanh được tự do gần như các nước tư bản phát triển, thậm chí có nhiều mặt còn tự do hơn.

Ví dụ thuế công ty ở Trung Quốc hiện nay chỉ khoảng 18%, thuộc loại thấp nhất thế giới, trong khi của Mỹ, Đức, Pháp ,,,là khoảng 25% đến 35%, của Nhật là cao nhất thế giới, khoảng 41%.

Trung Quốc dám cho một số chủ công ty tư nhân được vào Đảng cộng sản Trung Quốc, và sắp tới, một số triệu phú, tỷ phú Trung Quốc sẽ được đưa vào làm Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều đó sẽ giúp làm thay đổi màu sắc của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Những điều đó đã tạo nên sức mạnh, và sự hấp dẫn của kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Như vậy đến nay, có thể nói cả nước Trung Quốc đã mở cửa toàn diện về kinh tế, với các chính sách cởi mở, thu hút đầu tư nước ngoài, và khích lên kinh tế trong nước.

Về môi trường kinh doanh thông thoáng, về giản tiện thủ tục hành chính, về sự chuyên nghiệp của nhân viên Nhà nước, và về mức thuế thấp hấp dẫn, Trung Quốc được đánh giá là một trong những nền kinh tế hấp dẫn hàng đầu trên thế giới.

Nhờ vậy, mỗi năm Trung Quốc thu hút khoảng 100 tỷ đôla vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam ta, mỗi năm thu hút khoảng 10 tỷ.

Đảng ta cũng đã nhiều lần cân nhắc xây dựng các Đặc khu kinh tế, đã từng nghe nói Hải Phòng, Chu Lai-Đà Nẵng,,,có thể được cho phép xây dựng Đặc khu kinh tế mở.

Thế mà cứ bàn ra bàn vào mãi, đến nay, cuối năm 2016, mới thấy mở khu Vân Đồn-Quảng Ninh.

Nếu như ta làm theo Trung Quốc, tất cả các tỉnh ven biển trở thành Khu kinh tế mở, thì có thể nói, giờ đây GDP của ta không lẹp đẹt ở mức 300 tỷ USD năm 2022.

Nước Singapore 5 triệu dân, diện tích nhỉnh hơn Hà Nội của ta một chút, mà GDP năm 2016 là hơn 360 tỷ USD, gấp 1,5 lần ta. Nếu ta mở cửa, lập các Đặc khu kinh tế mở ven biển, thì các tỉnh ven biển của ta có thể hình thành vài khu giống như Singapore được rồi.

Nước Nhật, từ năm 1945, đến năm 1968, sau 23 năm, họ từ đống tro tàn chiến tranh, đã vươn lên vị trí số hai thế giới về kinh tế, và giữ vị trí đó suốt 43 năm, đến tháng 2 năm 2011 mới bị Trung Quốc vượt lên trên.

Bởi vì cả nước Nhật là một khu kinh tế mở, chứ không phải chỉ một số khu như của Trung Quốc. Nước ta Đổi mới từ năm 1986, đến nay, 2022, đã phát triển vượt bậc nhiều mặt, nhưng vẫn còn thua xa Người Bạn Nhớn về mọi mặt.

Trung Quốc có hệ thống chính trị 1 Đảng lãnh đạo, nhưng đa Đảng hiệp thương.

Nói Trung Quốc có đa đảng có lẽ nhiều người Việt Nam ta không tin.

Hội nghị Hiệp thương chính trị của Trung Quốc, mà ta gọi là Chính Hiệp, chính là tổ chức giống Mặt trận Tổ quốc của Việt Nam ta, và nhiệm vụ chủ yếu là để hiệp thương các Đảng phái và Tổ chức chính trị khác của Trung Quốc, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc hiện nay là ông Giả Khánh Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, người đã tiếp đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng của ta hồi tháng 10 năm 2011.

Trung Quốc hiện có 8 Đảng và Tổ chức chính trị khác dưới đây:

1-Đảng Dân chủ Công nông Trung Quốc, thành lập năm 1930, hiện có 80.000 thành viên.

2-Đảng Trí công Trung Quốc, thành lập năm 1925, hiện có 20.000 thành viên.

3-Học xã Cửu Tam, một tổ chức chính trị của các trí thức, không phải Tổ chức đòan thể như Việt Nam ta, thành lập năm 1946, hiện nay có 80.000 thành viên.

4-Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan, thành lập năm 1947, hiện có 1800 thành viên.

5-Hội xúc tiến dân chủ Trung Quốc, cũng của các trí thức, thành lập năm 1945, hiện có 81.000 thành viên.

6-Hội Kiến quốc dân chủ Trung Quốc, thành lập năm 1945, của các doanh nhân yêu nước, hiện có 85.000 thành viên.

7-Ủy ban Cách mạng Quốc dân Đảng, thành lập năm 1948, của các nhân sĩ dân chủ, hiện có 650.000 thành viên.

8-Đồng minh dân chủ Trung Quốc, thành lập năm 1941, của người lao động và trí thức, hiện có tới 156.000 thành viên.

Dĩ nhiên so với trên 300 triệu Đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc, thì mấy trăm ngàn thành viên của 8 Đảng-Tổ chức chính trị nêu trên chỉ là thứ cây cảnh.

Nhưng đó là thứ cây cảnh cũng đáng để ta học tập đấy.

Trung Quốc đã dám cho tử hình Bí thư thành ủy Thượng Hải, Ủy viên Bộ chính trị, vì tham nhũng.

Nước ta đã từng có 2 đảng anh em khác, đoàn kết với đảng cộng sản để phát triển đất nước.

Đó là Đảng Dân Chủ, thành lập năm 1944, và Đảng Xã Hội, thành lập năm 1946, thành phần là các trí thức yêu nước.

Đến năm 1988, 2 đảng này xin tự giải tán.

Đảng Dân chủ Việt Nam có các đảng viên nổi tiếng như Nghiêm Xuân Yêm, Tổng thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội thời kỳ 1981-1987. Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Văn Huyên Bộ trưởng Bộ giáo dục.

Đảng Xã hội có các đảng viên nổi tiếng như Nguyễn Xiển, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Quốc hội, Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Ngoại giao, rồi Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, rồi Bộ trưởng Bộ giáo dục từ năm 1954 đến 1976.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đảng ta phải khiêm tốn học hỏi.

Cha ông ta luôn khiêm tốn học hỏi, nhất là học hỏi những cái hay của các bậc trí sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, từ đó mới có thể thắng Trung Quốc nhiều trận.

Tướng Trần Hưng Đạo đã viết cuốn Binh Thư Yếu Lược, nói về binh pháp đánh trận, có tiếp thu rất nhiều kiến thức đánh trận của Trung Quốc, và tự phát triển thêm các binh pháp của riêng mình.

Giờ đây, trước sự phát triển lớn mạnh của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, ta cũng nên khiêm tốn học hỏi. Chẳng có gì xấu hổ ở đây cả.

Ta đã và đang học Mỹ, học Pháp, là kẻ thù cũ của ta, mà sao nay lại xấu hổ khi nói đến phải học Trung Quốc?

Một số vị “yêu nước-anh hùng rơm” của ta còn lớn tiếng chửi bới “bọn Tàu khựa thì có gì mà phải học”.

Cứ bình tĩnh. Chưa biết ai yêu nước hơn ai đâu.

Nhưng trước khi đánh nhau với họ, xin hãy bình tĩnh học họ cách làm món Ca la thầu rất ngon của họ cái đã.

Học họ, để đánh thắng họ, để bảo vệ được biển, đảo, để giữ được nền văn hiến 4000 năm, đó chính là cái vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.

Còn cứ tự thổi kèn khen lấy như hiện nay, thành công một chút thì cho lên tận mây xanh, thì chỉ có mà cứ tiếp tục đi xin ODA của thế giới mà thôi.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.