Làm người cán bộ lãnh đạo tốt, cần phải biết làm “Sao cho được lòng dân?” như Cụ Hồ đã dạy

W.Minh Tuan 

Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 12 tháng 10, năm 1945, Bác Hồ đã viết bài báo đầu đề “Sao cho được lòng dân?”, ký tên Chiến Thắng, đăng trên báo Cứu Quốc, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay.

Bài báo ngắn, chưa đến 600 chữ, nhưng ý nghĩa của nó thì cho đến nay, mọi cán bộ đang có chức có quyền đều nên đọc lại để mà học tập, để “làm sao cho được lòng dân”.

Trong bài báo đó, Bác Hồ viết:

Ta nhận thấy xung quanh các Ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ Trung ương nhiều hơn các Ủy ban địa phương. Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét nữa là khác.

Thứ nhất dân ghét các ông Chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền… Người ta còn thì thào chỉ trỏ ông Tỉnh trưởng kia vác ô-tô đưa bà “Tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều…

Sau khi nêu một số những biểu hiện xấu của cán bộ cách mạng bị dân ghét, Bác Hồ nêu rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”.

Cuối cùng, bài báo của Bác Hồ kết luận: “Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Đã hơn 60 năm kể từ khi có bài báo này của Bác Hồ, liệu chính quyền cách mạng của ta đã hết những vị cán bộ mất lòng dân, bị dân ghét, dân khinh chưa?

Chưa!

Chỗ này hết, thì chỗ kia lại có.

Thậm chí bây giờ số cán bộ bị dân ghét, dân khinh còn nhiều hơn.

Bởi vì cán bộ, đảng viên của ta giờ đây không phải ai cũng học theo đúng lời Bác Hồ nói như trong bài báo nhỏ kia.

Thậm chí giờ đây nếu có hỏi các cán bộ đảng viên rằng có biết bài báo đó không, chắc có nhiều người nói chưa hề biết bài báo đó.

Nhưng chưa biết bài báo đó cũng chưa phải là không tốt, mà là, làm cán bộ lãnh đạo mà chưa biết cách làm cho dân tin yêu mới là điều đáng chê trách.

Nói cho công bằng, bên cạnh số cán bộ bị dân ghét dân coi thường, cũng có nhiều vị cán bộ rất được lòng dân, thực sự đem lại uy tín cao cho Đảng, Nhà nước, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy như trong bài báo nhỏ kia đã nêu.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong cuộc họp tại Hà Nội ngày mồng 7 tháng 9, 2018, đã thẳng thắn phát biểu:

“Phần nhiều các vụ khiếu kiện, tố cáo đều bắt nguồn từ việc không thực hiện đúng chính sách. Thậm chí nhiều cán bộ còn không hiểu, không nắm được chính sách”.

Một vị lãnh đạo cao cấp, Ủy Viên Bộ Chính Trị đã thẳng thắn nêu ra lỗi của cán bộ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân như ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị là điều khiến cho dân trọng dân tin.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 7 năm 2007, cũng đã thẳng thắn phê phán rằng nhiều đơn thư của dân, trong đó có cả đơn do Chủ tịch nước chuyển về cơ quan chức năng, cũng bị “mất hút”, không thấy ai giải quyết, trả lời.

Đứng trước tình hình bức xúc của dân, nếu ai cũng thẳng thắn được như hai vị lãnh đạo nêu trên, thì làm sao mà dân còn có thể khiếu kiện kéo dài, làm sao mà không được dân yêu.

Ngày xưa, trong lịch sử nước ta, nhiều vị vua hiền luôn luôn quan tâm đến dân.

Vua Lý Thái Tông, vị vua thứ 2 của triều nhà Lý, vào năm 1052, đã cho đúc chuông lớn đặt ở cung Long Trì, (trong khu vực Hoàng thành Hà Nội ngày nay), “cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên”.

Vua Lý Thánh Tông, vị vua thứ 3 của triều nhà Lý, vào mùa đông giá rét năm 1055, đã bảo các quan tả, hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam ở trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày 2 bữa”.

Đến đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của triều nhà Trần, mỗi khi đi ngự chơi bên ngoài, hễ gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi chúng đến mà thăm hỏi, rồi dặn vệ sĩ không được thét đuổi. Sau đó, vua nói với tả hữu rằng: “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, khi quốc gia lâm hoạn nạn, thì có mặt chỉ có bọn chúng đó thôi”.

Những vị vua hiền như vậy, thì thử hỏi sao dân không yêu, và lý giải được vì sao khi quốc gia có giặc ngoại xâm, nhân dân luôn đoàn kết xung quanh triều đình để chống giặc.

Bài học “Sao cho được lòng dân” của Bác Hồ, cũng chính là bài học từ xa xưa của ông cha ta, là làm sao cho cố kết được lòng dân xung quanh Đảng, Nhà nước, để thúc đẩy công cuộc đổi mới lên tầm cao mới.

Thu phục được lòng dân, thì làm gì cũng được.

Không thu phục được lòng dân, thì mọi sự phát triển đều không vững chắc, đều ẩn chứa những nguy cơ không lường trước được.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.