Nhà báo Trần Đình Bá, báo Quân Đội

Nhà báo Trần Đình Bá-tóc bạc, và nhà báo Xuân Ba, báo Tiền Phong-tóc dài

 W.Minh Tuấn

Ở báo Quân đội nhân dân có nhà báo Trần Đình Bá, thượng tá, rất nổi tiếng với nhiều loạt bài phóng sự điều tra về các vụ án tham nhũng ở Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, nhà báo Trần Đình Bá cũng là phóng viên chiến trường giống như nhà báo Thái Duy ở báo Đại Đoàn Kết.

Hồi còn chiến tranh, nhà báo Trần Đình Báo đã viết những phóng sự chiến trường nổi tiếng như phóng sự về đơn vị đặc công Rừng Sác,,,

Năm 1986-1987, nhà báo Trần Đình Bá viết loạt bài phê phán việc chiếm dụng nhiều nhà ở, mang tính tham nhũng, của ông Tô Duy, Chủ tịch Trọng tài kinh tế Việt Nam, chức vụ gioongs như Chánh án Tòa án Kinh tế, tương đương chức Bộ trưởng.

Đây có thể nói là loạt bài đầu tiên trong nền báo chí Việt Nam phê phán một cán bộ cấp Bộ trưởng.

Sau khi có loạt bài báo của nhà báo Trần Đình Bá phê phán việc chiếm nhiều nhà của ông Tô Duy, cháu của nhà cách mạng tiền bối Tô Hiệu, thì trong lãnh đạo của Đảng ta, có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý vụ việc này.

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và nhiều cán bộ cao cấp khác muốn xử lý kỷ luật nghiêm ông Tô Duy. Nhưng đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Tổng Bí thư lại muốn bảo vệ ông Tô Duy.  Thế cho nên đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo cho Ban bí thư Trung ương tổ chức một cuộc họp giữa ông Tô Duy, và báo Quân Đội, có đồng chí Đỗ Mười ngồi làm trọng tài phân xử.

Cuộc họp này tổ chức vào tháng 7 năm 1987 ở Sài Gòn.

Nhà báo Trần Đình Bá và lãnh đạo báo Quân đội được mời vào Sài Gòn để trình bày ý kiến của mình về vụ nhà ông Tô Duy.

Tại cuộc họp nói trên, nhà báo Trần Đình Bá đã dũng cảm, kiên quyết bẻ gãy mọi lời thanh minh của ông Tô Duy. Phần thắng tưởng chừng đã về phía báo Quân Đội.

Sau khi tham dự cuộc họp căng thẳng cả một ngày trời với Ban Bí thư trung ương về vụ việc trên, buổi tối, nhà báo Trần Đình Bá cùng các lãnh đạo báo Quân đội trở về trụ sở của báo Quân Đội tại Sài Gòn để ăn cơm tối.

Khi đó nhà báo Trần Đình Bá chỉ là đại úy, còn các cán bộ lãnh đạo báo Quân đội cấp cao hơn.

Tôi xin sử dụng nguyên văn lời kể của nhà báo Trần Đình Bá về bữa ăn tối sau cuộc họp căng thẳng giải quyết vụ ông Tô Duy đó:

“–Nhà ăn đã được quét dọn sạch sẽ từ cách đó vài giờ, chỉ còn xuất cơm của tôi để trên bàn, nên cánh cửa nhà ăn còn khép hờ chờ đợi.

Một chú chuột cống to xù, mốc thếch đang ngồi chồm hổm trên đít lồng bàn. Thấy tôi, chú ta dương mắt nhìn khiêu khích. Đến nỗi tôi đến gần bàn chú ta mới chịu nhảy bộp xuống sàn gạch.

Tôi mở lồng bàn, lấy muôi cẩn thận gạt đi lớp cơm trên cùng, phòng khi cái lông nào của chú chuột cống còn mang vi trùng dịch hạch rơi xuống đó.

Cơm gạo đỏ khô khốc. Bát canh chua lạnh tanh. Tôi cố nuốt vội mấy miếng. Trong lòng cứ trào lên, trào lên một cái gì đó khó tả, chỉ biết nó cứ dâng dần, dâng dần rồi chèn ngang nơi cuống họng.

Cũng lúc đó, từ trong bếp vang lên tiếng loảng choảng của bát đĩa va vào nhau. Chị Lý, người trực nấu ăn, bước dần đến chỗ tôi, chị kêu lên một tiếng:

-Ủa.

-Chị chưa nghỉ hả?

-Chưa.Các thủ trưởng còn ăn trên lầu. Tôi phải chờ.

Tôi lơ đễnh nhìn khắp phòng ăn cố tìm lại hình ảnh những người đồng đội quen thuộc. Những kỷ niệm chiến trường vụt sống dậy trong tôi. Những ngày đó, trong chiến tranh, ở báo Quân giải phóng, anh em chúng tôi sống với nhau như người trong một gia đình. Bát canh chua với mấy con tép vừa bắt được dưới dòng suối cạn. Con cheo, con chồn bắn được trong rừng đêm, hay hộp thịt chiến lợi phẩm mà người đi trận vừa mang về còn nồng mùi súng đạn,,,.

Tất cả, tất cả những ngọt bùi, cay đắng chúng tôi đều chia sẻ cho nhau.

 “Trong chiến tranh, ở chiến trường, tình đồng đội, tình người sao đẹp thế?”-tôi buột miệng kêu lên khe khẽ, cốt chỉ đủ mình nghe. Cốt để tôi tỉnh lại sống với thực tại ngày hôm nay. Và cho tôi thêm nghị lực, ý chí bước tiếp những chặng đường trước mặt.”

Sau cuộc họp “ăn cơm với chuột cống” đó, kết quả giải quyết vụ “thừa nhà” của ông Tô Duy thế nào?

Là “sự im lặng đáng sợ”, nghĩa là không giải quyết gì cả. Không ai động đến nhà báo Trần Đình Bá. Nhưng cũng không ai động đến ông Tô Duy. Sau đó ông Tô Duy về hưu an toàn.

Năm 1998, nhà báo Trần Đình Bá viết bài báo về “Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng”. Chị Lê Hồng Quân, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng, và má chị, bà Lê Thị Xuân, một đảng viên đảng cộng sản hoạt động bí mật. Trong đợt Tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, cả 2 mẹ con đều bị quân đội Sài Gòn cũ bắt, tra khảo rất dã man. Nhưng 2 mẹ con kiên quyết không nhận mình là 2 mẹ con, để giữ bí mật cho quân đội cộng sản.

Năm 1974, nhà báo Trần Đình Bá là phóng viên tham dự lễ trao trả tù binh giữa quân đội Sài Gòn cũ, và quân Giải phóng miền Nam, anh đã tình cờ chứng kiến cảnh 2 mẹ con má Xuân, chị Quân gặp nhau vì cùng được trao trả đợt đó.

Khi đó họ mới có thể gọi nhau là “má-con”.

Năm 1998, 23 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, nhà báo Trần Đình Bá lại tìm gặp lại 2 mẹ con. Khi đó má Xuân đã 82 tuổi, và đang trên con đường đấu tranh để được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Vì nếu được phong tặng danh hiệu này, thì má Xuân có thể cải thiện được điều kiện nhà ở vô cùng lụp xụp hiện nay.

Chị Lê Hồng Quân, bị thương cụt một tay, bị địch tra tấn đến tàn phế, không thể sinh nở, bị xếp hạng thương binh nặng nhất, loại 1/4, cũng đang trên đường đấu tranh để được công nhận là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng. Trong Tết Mậu Thân, tiểu đoàn này hầu như bị xóa sổ, chỉ còn lại chị Quân.

Thế nhưng mặc dù đã có đủ các xác nhận của những người có liên quan, nhưng không có cơ quan nào ở Việt Nam chính thức công nhận có sự tồn tại của tiểu đoàn Lê Thị Riêng, và tức là không tồn tại tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân, mà chỉ tồn tại một chiến sĩ Lê Hồng Quân thuộc một đơn vị nào đó.

Mặc dù nhà chị Quân hiện nay rất nghèo, chỉ rộng 14 m2, ở ngoại thành Sài Gòn, nhưng chị Quân nói chị không muốn đấu tranh cho quyền lợi của bản thân chị. Chị chỉ muốn chứng minh có sự tồn tại một tiểu đoàn biệt động mà chị đã là tiểu đoàn trưởng, để từ đó có cơ sở pháp lý để công nhận liệt sĩ cho các chiến sĩ của tiểu đoàn đã hi sinh, và xác nhận sự giúp đỡ của nhiều người dân Sài Gòn đối với đơn vị trong năm Mậu Thân 1968,,,.

Nhưng không có cơ quan nào trả lời.

Năm 1998, nhà báo Trần Đình Bá viết bài báo này, đăng trên báo Quân đội, để kêu hộ chị Quân, má Xuân.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Việt Nam, vào tháng 7/2004, cả nước Việt Nam còn khoảng 150.000 gia đình chính sách như má con má Xuân, chị Quân vẫn ở nhà tranh tre, nứa lá, cuộc sống nghèo khổ.

Bây giờ, tôi không biết hai má con chị Quân, má Xuân đã được công nhận theo nguyện vọng của họ chưa, và má Xuân liệu có còn sống không. Tôi thực sự không biết.

Hi vọng bây giờ, năm 2023, tình hình khá hơn trước.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.