Tình báo Mỹ OSS-CIA đã giúp Việt Minh trong cách mạng tháng 8 như thế nào?

W.Minh Tuấn.

Bối cảnh.

Tháng 6 năm 1940, Pháp bị Đức xâm lược, và Pháp đã đầu hàng nhanh chóng. Quân đội Nhật lợi dụng cơ hội này, tràn vào Đông Dương. Tháng 9 năm 1940, quân đội Pháp ở Đông Dương phải đồng ý cho Nhật cùng chia sẻ quyền cai trị 3 nước Đông Dương Việt Nam-Campuchia-Lào.

Ở châu Á khi đó, quân đội phát- xít Nhật làm mưa làm gió, xâm lược Trung Quốc, Đài Loan, Philippine, Indonesia,,,.

Và ngày mồng 7 tháng 12 năm 1941, quân đội Nhật bất ngờ tấn công cảng Trân Châu (Pearl Habor Port) của Mỹ ở quần đảo Hawai-Thái Bình Dương. Nhưng trận tấn công này đã làm người Mỹ quyết tâm tiêu diệt quân đội phát- xit Nhật bằng được.

Khi đó ở Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch vừa chống Nhật, vừa chống Cộng sản Trung Quốc, nên trở thành đồng minh của Mỹ. Người Mỹ đã đề nghị Tưởng Giới Thạch cho Mỹ được sử dụng một số nơi trong lãnh thổ Trung Quốc, để làm căn cứ sân bay, và từ đó, các máy bay Mỹ sẽ bay vào Việt Nam, oanh tạc các căn cứ quân sự của Nhật.

Côn Minh đã được sử dụng làm căn cứ sân bay cho Quân đoàn không quân số 14 của Mỹ, do tướng Chennault làm Tư lệnh.

Và khi đó, nhu cầu về tin tình báo về tình hình Nhật ở Việt Nam trở nên rất cần thiết.

Sư đoàn không quân số 14 của Mỹ rất cần các thông tin về tình hình thời tiết, các vị trí quân sự của Nhật, việc chuyển quân, vũ khí, đồ tiếp tế, đi từ đâu đến đâu, thời gian,,,.

Ban chỉ huy Không đoàn 14 sẽ căn cứ vào các thông tin đó, để cử máy bay sang Việt Nam oanh tạc quân Nhật.

Và còn một nhiệm vụ cũng rất quan trọng khác của các toán tình báo Mỹ, là phải giải cứu các phi công Mỹ mà bị Nhật bắn rơi.

Ngày 13 tháng 6 năm 1942, Chính phủ Mỹ cho thành lập cơ quan tình báo chiến lược, gọi là OSS (Office of Strategic Services) (Đây là cơ quan tiền thân của Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA. Năm 1947, CIA được thành lập, thay thế OSS).

Chi nhánh OSS ở Trung Quốc có nhiệm vụ thiết lập mạng lưới tình báo ở Việt Nam để thực hiện 2 nhiệm vụ nêu trên: thu thập tin tức tình báo, và giải cứu phi công Mỹ.

Việc giải cứu viên phi công Rudolph Shaw.

Ngày mồng 2 tháng 11 năm 1944, trong một chuyến bay trinh sát vào Việt Nam, máy bay của viên phi công Rudolph Shaw bị hỏng máy, viên phi công này buộc phải nhảy dù xuống ở vùng Cao Bằng. Khi nhảy dù chạm đất, rất may cho Trung úy Shaw, người đón anh không phải là lính Nhật, mà là một cán bộ Việt Minh.

Theo tường thuật mà anh Shaw viết lại sau này, người cán bộ Việt Minh đó không biết tiếng Anh, nhưng có thái độ rất thân thiện, tươi cười. Trung úy Shaw rút 600 đô-la ra đưa, nhưng người Việt Nam này không nhận, và dẫn anh đến căn cứ Việt Minh.

Các cán bộ Việt Minh và nhân dân Cao Bằng đã che dấu Trung úy Shaw suốt hơn 1 tháng, để tránh sự truy tìm của quân đội Nhật.

Sau đó, Trung úy Shaw được dẫn đến gặp người lãnh đạo Việt Minh, tên là Hồ Chí Minh. Cụ Hồ Chí Minh nói chuyện với Trung úy Shaw bằng tiếng Anh, và hứa sẽ đưa anh về căn cứ Không đoàn 14 an toàn.

Theo cuốn sách “OSS và Hồ Chí Minh, đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến tranh chống Nhật- OSS and Hochiminh- Unexpected Allies in the War against Japan”, tác giả Dixee R Bartholomew, và Feis, đã dịch sang tiếng Việt, thì nhân dịp cứu được trung úy Shaw, cụ Hồ muốn gặp đại diện chính phủ Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với phong trào Việt Minh, khi đó vốn chưa có tiếng tăm gì.

Sau đó, cụ Hồ cùng ông Phạm Văn Đồng đưa Trung úy Shaw sang Trung Quốc. Khi đến Trung Quốc, Trung úy Shaw được máy bay đưa về Mỹ, còn cụ Hồ và ông Phạm Văn Đồng đi bộ tiếp đến Côn Minh, với ý định gặp tướng Chennault, Tư lệnh Không đoàn 14.

Đại diện của tổ chức tình báo OSS của Mỹ ở Côn Minh đã biết được có các nhân viên Việt Minh ở Côn Minh, nên muốn gặp cụ Hồ, để tìm hiểu Việt Minh là tổ chức gì, và liệu OSS có thể hợp tác với Việt Minh để thiết lập mạng lưới tình báo chống Nhật ở Việt Nam được hay không. Khi đó, OSS thực ra đã có mạng lưới tình báo riêng của mình ở Việt Nam rồi, nhưng muốn mở rộng hơn nữa mạng lưới này.

Hợp tác với OSS.

Ngày 17 tháng 3 năm 1945, Thiếu tá Charles Fenn đã gặp cụ Hồ và ông Phạm Văn Đồng tại Con Minh. Ông Đồng không biết tiếng Anh, nên cả 3 người dùng tiếng Pháp. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của cụ Hồ Chí Minh và tổ chức tình báo Mỹ OSS.

(Năm 1997, nhà sử học Dương Trung Quốc tháp tùng các cụ Việt Minh sang Mỹ, gặp lại các cụ OSS còn sống, và đã gặp được cụ Fenn, khi đó đã 90 tuổi ).

Những cuộc gặp sau đó đã đạt được thỏa thuận, tổ chức Việt Minh sẽ giúp OSS thu thập tin tức tình báo chống Nhật. Ngược lại, Việt Minh cần sự công nhận của Mỹ, và cần sự giúp đỡ về vũ khí để đấu tranh chống Nhật.

Ngày 15 tháng 4 năm 1945, cụ Hồ trở về Cao Bằng, cùng với 2 nhân viên điện đài của OSS, là Frank Tan, và Mac Shin, cùng với nhiều thiết bị, vũ khí giúp Việt Minh.

(Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ, là chuyến viếng thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam ta. Trước khi đến Thủ đô Wasshington để gặp Tổng thống Mỹ Bush, Thủ tướng Khải đã  dừng chân ở thành phố Seatle, và người Mỹ đầu tiên ra đón Thủ tướng Khải là ông cụ cựu chiến binh OSS Mac Shin nói trên).

Giữa tháng 6 năm 1945, nhân viên Dan Phelan cũng nhảy dù xuống khu vực Việt Minh ở Tân Trào. Ông Phelan đã được dẫn đến gặp cụ Hồ Chí Minh, và viên chỉ huy trẻ Võ Nguyên Giáp ( khi đó Đại tướng của ta mới 34 tuổi, chưa được phong Đại tướng).

Và các sĩ quan OSS bắt đầu huấn luyện cho Việt Minh cách sử dụng các loại vũ khí hiện đại của Mỹ.

Ngày 16 tháng 7 năm 1945, thiếu tá Allison Thomas cùng 3 nhân viên khác nhảy dù xuống khu vực Tân Trào, cùng với nhiều vũ khí, đạn dược cho Việt Minh, và được Việt Minh đón tiếp nồng nhiệt.

Cụ Hồ đã hướng dẫn các đầu bếp Việt Nam làm các món sườn nướng rất ngon theo đúng khẩu vị Mỹ để chiêu đãi các sĩ quan OSS.

Sau đó, ngày 29 tháng 7, lần lượt nhiều nhân viên OSS nữa cũng nhảy dù xuống Tân Trào.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, khi nhân dân Hà Nội và đại diện Việt Minh làm cách mạng tháng Tám, chiếm chính quyền Hà Nội từ Nhật, Pháp và Chính phủ cụ Trần Trọng Kim, thì trước đó 2 ngày, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, quân đội Việt Minh ở Tân Trào vẫn miệt mài tập quân sự do Thiếu tá Allison Thomas huấn luyện.

Ngày 22 tháng 8 năm 1945, Đại úy Patti của Mỹ dẫn đầu đội quân nhỏ hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, để giám sát cuộc giải giáp quân đội Nhật.

Vào ngày 26 tháng 8, ông Võ Nguyên Giáp đại diện Việt Minh đã tổ chức lễ đón long trọng phái đoàn quân sự Mỹ, do Đại úy Patti dẫn đầu. Cờ đỏ sao vàng của Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên, bay phấp phới bên cạnh cờ Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch).

Ông Võ Nguyên Giáp nói với ông Patti:

-“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quốc kỳ của chúng tôi đã xuất hiện trong một nghi lễ quốc tế, và quốc ca của chúng tôi vang lên trước thái độ kính trọng của một vị khách nước ngoài (Patti). Tôi sẽ nhớ mãi thời khắc này”.

Ngày 29 tháng 8, cụ Hồ Chí Minh mời Đại úy Patti đến gặp mình tại căn nhà ở phố Hàng Đào, là nhà của gia đình cụ Trịnh Văn Bô hiến cho Việt Minh khi đó, để thông báo 2 việc quan trọng:

1-Ngày mai, 30 tháng 8, Hoàng đế Bảo Đại sẽ thoái vị.

2-Ngày mồng 2 tháng 9, sẽ trở thành ngày Độc lập của VN.

Và cụ Hồ Chí Minh muốn tham khảo lần cuối ông Patti về bản Tuyên Ngôn độc lập của Việt Nam.

Thực ra, trước đó 3 tháng, từ tháng 5 năm 1945, khi ông Dan Phelan nhảy dù xuống Tân Trào, cụ Hồ Chí Minh đã cho biết đang ấp ủ viết bản Tuyên Ngôn Độc lập của nước Việt Nam, và đã hỏi ý kiến của ông Phelan về bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ.

Theo ông Dan Phelan sau này nhớ lại, thật ra khi hỏi ông Phelan ở Tân Trào, cụ Hồ đã biết rất rõ nội dung bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776. Sau đó, ông Dan có chuyển cho Việt Minh cả bản Hiến pháp Mỹ, và Luật Nhân quyền Mỹ.

Như vậy, đến ngày 29 tháng 8 năm 1945, đại úy Patti là người Mỹ thứ hai được cụ Hồ tham khảo về bản Tuyên Ngôn độc lập của Việt Nam.

Vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong các bức ảnh về ngày mồng 2 tháng 9 đó, trên khán đài mà cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, có hình ảnh Cựu hoàng Bảo Đại, đứng phía sau cụ Hồ, và ảnh ông Patti, cao lớn, mặc quân phục xám, đội mũ ca-lô, đứng bên cạnh cụ Hồ.

Sau khi cụ Hồ đọc xong bản Tuyên ngôn độc lập của VN, với lời nói dản dị đi vào lòng người “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không”, ông Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn về các vấn đề của Chính phủ lâm thời.

Trong diễn văn đó, có đoạn ông Võ Nguyên Giáp nói về nước Mỹ:

“-Mỹ là một nước dân chủ, không có tham vọng về lãnh thổ, nhưng đã góp phần đặc biệt đánh bại kẻ thù của chúng ta, phát-xít Nhật. Vì thế, chúng ta coi Mỹ như người bạn tốt.”

Khi chuẩn bị kết thúc diễn văn này, ông Giáp nói về Tổng thống Mỹ Roosevelt :

“-Như Ngài Roosevelt đã từng nói, áp bức và tàn bạo đã làm cho chúng ta biết ý nghĩa của tự do”.

Khi đó, trong những ngày Cách mạng tháng 8 sôi sục ấy, ở Hà Nội có 59 người Mỹ, hầu hết là các nhân viên OSS. Họ được Việt Minh và nhân dân Việt Nam đón tiếp nồng nhiệt.

Cũng ngay trong tháng 9 năm 1945, cụ Hồ cho thành lập Hội Hữu nghị Việt-Mỹ.

Quan hệ VN-Mỹ chưa bao giờ tốt như vậy.

Trung tá Deway.

Thế nhưng lịch sử lại không chiều theo lòng người.

Trong khi cụ Hồ và Ban lãnh đạo Trung ương Việt Minh ở Hà Nội muốn có quan hệ hữu hảo với Mỹ, và quan hệ hữu hảo cả với Pháp, để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, và chấm dứt cảnh chiến tranh, thù hận lâu dài, và hi vọng hợp tác làm ăn lâu dài sau chiến tranh, thì ở miền Nam, việc giành được chính quyền về tay nhân dân đã kèm theo nhiều vụ trả thù đẫm máu.

Lực lượng Việt Minh ở miền Nam dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Giàu đã không ngăn cản được các cuộc thanh tóan trả thù nhằm vào người Pháp này.

Lỗi của ai, thì xin để sau này lịch sử tiếp tục phán xét.

Đầu tháng 9 năm 1945, một nhóm OSS khác của Mỹ đến Sài Gòn, do Trung tá Peter Deway chỉ huy, để hồi hương cho các tù binh chiến tranh người Mỹ bị Nhật bắt giữ, và bảo vệ các tài sản của Mỹ, không nhiều lắm, ở Sài Gòn.

Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Trung tá Deway ra sân bay Tân Sơn Nhất để rời Việt Nam.

Nhưng một nhóm du kích Việt Minh nghĩ nhầm ông là người Pháp, nên đã chặn xe ôtô của ông, bắn chết ông, và lấy xác ông mang đi đâu mất.

Cụ Hồ khi nghe tin này, đã sững sờ, ra lệnh cho đi tìm lại xác Trung tá Deway, nhưng khi đó quân hồi vô phèng, lệnh trên không thiêng, nên không tìm được.

Những đầu óc bảo thủ trong Chính phủ Mỹ khi đó vốn không ủng hộ Việt Minh, đã nắm lấy cơ hội đó, và quyết định rút tất cả các nhân viên OSS ra khỏi Việt Nam.

Một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ bắt đầu, người Mỹ quay sang ủng hộ người Pháp để đánh Việt Minh.

Và sau khi người Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954, người Mỹ tiếp tục trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, và dẫn đến cuộc chiến tranh 21 năm đau thương, đến năm 1975 mới kết thúc.

Thế nhưng, chúng ta cũng không nên chỉ trách người Mỹ.

Hãy thẳng thắn nhìn vào những lỗi lầm của người Việt Nam chúng ta.

Giết một người Pháp thì được cái gì?

Cái người Tây mặc quân phục đó khi đó chỉ đang trên đường ra sân bay, có làm gì nguy hiểm cho dân Việt Nam ta đâu.

Khi đó chiến tranh đã kết thúc, chính quyền mới đang hình thành.

Không biết mấy anh du kích giết chết Trung tá Deway đó, và vứt xác Trung tá đi đâu đó, ngày nay còn sống không.

Liệu mấy anh du kích đó có hiểu rằng những việc làm manh động của mình lại có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, mà cả dân tộc phải chịu đựng trong thời gian lâu dài sau này, cho đến tận bây giờ, năm 2023, và vẫn còn phải chịu đựng nữa.

Bao nhiêu công lao mà cụ Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng,,,đã giày công vun xới cho tình hữu nghị Việt-Mỹ trong năm 1945 đó, đã đổ xuống sông xuống biển chỉ vì hành động manh động của mấy anh du kích súng ngựa trời ở Sài Gòn.

Dĩ nhiên không phải chỉ sự kiện giết chết viên Trung tá Deway đã dẫn đến quan hệ Việt-Mỹ xấu đi.

Nhưng đó là một nguyên cớ quan trọng.

Cho đến nay, gia đình ông Trung tá Deway vẫn cho đi tìm xác của ông ấy ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa tìm được dấu vết nào.///


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.